Thursday, August 14, 2008

Ai Ép Ai Trong Vụ Georgia?

Mặt lạnh như tiền, Thủ tướng Vladimir Putin của Liên bang Nga đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh với món quà trong túi cho chủ nhà, và một cú nháy mắt cho Tổng thống Bush.

Đúng lúc Thế vận hội khai mạc, Nga mặc nhiên khai chiến tại Georgia khi đưa các đơn vị thiết giáp và pháo binh vượt qua đường hầm Roki từ Bắc Ossetia tiến vào Nam Ossetia, trong lãnh thổ Georgia. Tại Bắc Kinh, đời bỗng mất vui vì thế giới giật mình với biến cố đó trong khu vực Caucasus của Âu Châu. Ở nhà, Tổng thống Dmitri Medvedev tuyên bố thẳng thừng tại Moscow, rằng nước Nga đã từng và luôn luôn bảo vệ an ninh cho người dân trong vùng Caucasus. Diễn tả cho chính xác, đây là vùng ảnh hưởng nằm trong quỹ đạo của Liên bang Xô viết cũ và Liên bang Nga ngày nay. Vùng cấm địa, không cho đá bậy!

Đấy là cú nháy mắt cho Tổng thống Bush, vì Hoa Kỳ yểm trợ Georgia từ nhiều năm nay. Tháng Tư vừa qua, ông Bush còn vận động - mà chưa xong - để xứ này trở thành hội viên của Minh ước Bắc Đại Tây dương NATO. Ly kỳ hơn thế, Hoa Kỳ hiện có một ngàn quân đang huấn luyện các đơn vị Georgia về kỹ thuật bảo an trước khi các đơn vị này được gửi qua yểm trợ chiến trường Iraq và Afghanistan!

Ta đang nhìn vào một cái rọ cua, chưa biết cua nào sẽ cắp cua nào, và con nào sẽ gãy càng...

Hãy mở rọ cua ra, hoặc ngó vô tấm bản đồ của khu vực nhiễu nhương này.
Georgia là quê hương của Stalin. Sau khi Đế quốc Nga tan rã vì cách mạng cộng sản năm 1917, Georgia trở thành một nước Cộng hoà Dân chủ, từ 1918 đến 1921; rồi Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, một nước Cộng hoà trong - và của - Liên bang Xô viết, từ 1921 đến 1991. Cựu Ngoại trưởng Liên Xô thời Mikhail Gorbachev là Eduard Shevardnadze là người Georgia, sau là Tổng thống khi xứ này giành lại độc lập, thành Cộng hoà Georgia từ cuối năm 1991.

Kể từ đấy, Georgia chuyển hoà dần theo chế độ dân chủ và ngả theo Âu Châu với sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Sinh năm 1967, đương kim Tổng thống Georgia, Mikheil Saakashvili là người tốt nghiệp đại học Koa Kỳ, đã khởi xướng cuộc Cách mạng Hồng để chấm dứt chế độ độc tài và bất lực của Shevardnadze vào năm 2003. Kể từ đấy, Georgia tiến về hướng Tây và trở thành quốc gia Tây phương giáp giới với Liên bang Nga.

Nhưng Georgia tiến về hướng Tây trong tinh thần. Chứ về thể xác và địa dư, xứ này vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga và lãnh thổ bị phân hoá vì hai lực lượng ly khai, do Nga nuôi nấng và xúi giục. Từ hướng Tây, bên bờ Hắc hải, có vùng tự trị Abkhazia với cư dân đòi độc lập và được Nga tiếp xúc qua cửa ải Kodori. Tại hướng Đông-Bắc, có vùng Nam Ossetia (South Ossetia) cũng đòi độc lập để sát nhập với Bắc Ossetia thành một quốc gia thống nhất, trong vòng tay của Nga.

Hai khu vực tự trị này đã gây nhiều khó khăn cho Georgia và thực tế đã đòi tuyên bố độc lập với sự hỗ trợ của Nga khiến chiến tranh và phá hoại liên tục xảy ra từ 1992. Georgia càng ngả về thể chế dân chủ Tây phương, Moscow càng dùng Abkhazia và Nam Ossetia làm hai cái neo kéo xứ này về quá khứ, trở thành vùng phiên trấn của Nga thay vì là mũi nhọn dân chủ của Tây phương. Hay là tấm áo giáp của Minh ước NATO. Từ đầu năm nay, Georgia càng có hy vọng gia nhập NATO thì Nga càng công khai yểm trợ các lực lượng ly khai để gây rồi cho Georgia.

Tháng 11 năm ngoái, khi Hoa Kỳ và Âu châu yểm trợ dân Albania tại Kosovo tách rời khỏi Cộng hoà Serbia và tiến tới độc lập vào đầu năm nay, Moscow cho biết là Nga sẽ có phản ứng. Lý do là các nước Cộng hoà Ukraine, Georgia hay Serbia mà tiến dần tới chế độ dân chủ, sẽ gia nhập Liên hiệp Âu châu và có khi là thành viên của NATO, thì Liên bang Nga thấy mình như là con cua bị lột yếm. Hở hang trống trải quá!

Đấy là đại thể khái quát của cục diện rắc rối này, một di sản lâu đời của sự nhiễu nhương Âu Châu và cái đai độc tài của chế độ Xô viết.

Dù không mạnh, quân lực Georgia thừa sức tiến vào Nam Ossetia để dẹp êm mầm mống ly khai và phá hoại. Cho tới ngày mùng bảy, Georgia mới chỉ đưa vào một số lữ đoàn tác chiến, chứ không hẳn là một lực lượng chiếm đóng lâu dài. Nhưng, khi Nga tung quân vào Nam Ossetia để bảo vệ "nền độc lập" của cư dân tại đây, Georgia vẫn không là đối thủ. Và quả nhiên là đã cầu cứu Hoa Kỳ, sau khi nêu vấn đề trước Liên hiệp quốc vào mấy ngày qua. Mà vì sao tình hình bỗng đột biến như vậy?

Muốn hiểu ra, ta lại phải ngó vào tấm lịch...

Mỗi khi Georgia tiến một bước về hướng Tây, tình hình Abkhazia và Nam Ossetia lại căng thẳng, vì có sự hà hơi tiếp sức của Nga. Lần cuối là vào đầu Tháng Tư, khi tại Thượng đỉnh NATO tại Bucharest, Bush ủng hộ việc đón nhận Ukraine và Georgia vào NATO trước sự phản đối của Nga. Lập tức, Georgia bị Nga khiêu khích - máy bay bị phi cơ Nga bắn hạ - nên trả đũa bằng cách chấm dứt đàm phàm với Moscow về việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Hãy thử tưởng tượng xem, quê hương của Stalin và Shevardnadze lại cấm cửa nước Nga vào WTO!

Cuối cùng thì hai cường quốc Âu Châu là Đức và Pháp đề nghị tạm hoãn cứt xét việc Georgia vào NATO, vì nhiều lý cớ... Cuối năm nay, NATO mới xét lại hồ sơ này. Từ giờ đến đó, Hoa Kỳ mắc bận bầu cử, ông Bush bị đảng Dân chủ cột tay, thời điểm quá thuận lợi để bỗng nhiên các lực lượng ly khai tại Abkhazia rồi Nam Ossetia tung đòn quậy phá.
Chính quyền của Tổng thống Saakshvili đồng ý và đã thực tế đàm phán với cả Moscow và lực lượng ly khai, nhưng tình hình bỗng thêm căng thẳng từ đầu tháng Tám. Cuối cùng thì Georgia phải đưa quân vào Nam Ossetia. Một là Georgia bị mắc bẫy trong cái thế vừa đánh vừa đàm; hai là lực lượng ly khai tại Nam Ossetia bỗng lo sợ là sẽ bị Moscow bỏ rơi khi hoà giải với Georgia nên chơi trò phá bĩnh; ba là vì Nga muốn nhân cơ hội nhấn tới để bắt bí Âu châu và Hoa Kỳ...

Người ta chưa thể biết hết được sự thật - đang xoay chuyển từng ngày từng giờ ở tại chỗ - hoặc những toan tính của các phe liên hệ.

Nhưng, nhiều phần là Georgia sẽ bị thất thế vì cả Âu Châu - nhất là Đức - lẫn Hoa Kỳ, đều không muốn lãnh thêm một vụ khủng hoảng khi đã có quá nhiều vấn đề. Liên bang Nga có thể tiếp vận võ khí để hà hơi tiếp sức cho Iran chẳng hạn... Huống hồ, từ Thế chiến II đến nay, các nước Âu châu chưa khi nào dám hy sinh an ninh của mình để bảo vệ độc lập hay tự do của một xứ khác. Đó là chức năng truyền thống của Mỹ. Mà Georgia vẫn chưa là thành viên của NATO để được Minh ước này bảo vệ, dưới sự điều động của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sự tình không nhất thiết sẽ xảy ra như vậy.

Tất cả các nước Cộng hòa xưa kia nằm trong quỹ đạo Liên Xô ngày nay đang theo dõi vụ này để xem Tây phương dân chủ - nhất là Liên hiệp Âu châu - sẽ phản ứng ra sao. Georgia có thể bị ức hiếp và các đơn vị phải rút khỏi Nam Ossetia vì Kỵ binh Hoa Kỳ bị vướng chân ở nơi khác và vì dư luận Mỹ còn tìm hiểu xem Georgia nằm ở đâu. Nhưng, ngay trong giả thuyết bi đát nhất cho Georgia, là Abkhazia và Nam Ossetia bị xé khỏi bản đồ Georgia trước sự thụ động của Âu Châu và Hoa Kỳ, chưa chắc Liên bang Nga đã thắng lớn, vì quy luật "dứt dây động rừng".

Vì trong Liên bang Nga, không thiếu gì sắc tộc hay địa phương cũng đang muốn tự trị hay đòi ly khai, như Chechnya, Dagestan hay Inghusetia.
Vladimir Putin có thể lạnh lùng đá vào rọ cua và đi một nước cờ sáng trong khi nước Mỹ còn tối mò vì chuyện bầu cử. Nhưng có khi người kế nhiệm ông là Dmitri Medvedev lại bị cua cắp. Hãy chờ xem!

Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments: