Monday, August 18, 2008

Bài học Georgia sang Việt Nam

Đoàn Hưng Quốc

Người Việt cần nên quan sát kỹ những diễn biến trong chiến tranh giữa Nga và Georgia để đánh giá liệu Hoa Kỳ và Tây Âu có đủ thực lực và quyết tâm bảo vệ một nước đồng minh trong trường hợp bị tấn công bởi một cường quốc trong khu vực.


Lý do là vị thế của Georgia và Việt Nam có vài điểm giống nhau: cả hai đều là nước nhỏ tranh chấp lãnh thổ với láng giềng khổng lồ Nga và Trung Quốc. Hai quốc gia này hiện có nền kinh tế và quân sự phát triễn nhờ dầu hỏa hay bằng sản xuất mậu dịch; cả hai đều có tham vọng bành trướng để dành lại thế ưu việt trên các vùng đất mà họ xem là lệ thuộc ảnh hưởng trong lịch sử.


Trong các nước tách rời khỏi Liên Bang Xô Viết thì Georgia thân Âu-Mỹ hơn cả.


Georgia đã gởi 2 ngàn quân tham chiến tại Iraq trong khi dân số chỉ khoảng 4.5 triệu người. Nước này đang xin gia nhập vào khối NATO và canh tân hoá quân đội theo lề lối Tây Phương; hiện có khoảng 150 huấn luyện viên Mỹ tại Georgia, và trước đây mới vào tháng 6 có 1000 thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ sang tập trận.


Có thể tổng thống Georgia ông Mikhail Saakashvili đã phạm hai sai lầm khi cho quân tấn công vào vùng đất Nam Ossetia: ông đánh giá cao sự can thiệp của Hoa Kỳ và Tây Âu khi ông xua quân vào vùng đất Nam Ossetia - thân Nga, và đòi tự trị khỏi Georgia - để đặt điện Cẩm Linh trước một sự đã rồi; và ông đánh giá thấp phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của quân đội Nga. Cho dù thế nào thì ván cờ nay đã đổi khi lính Nga phản công và tiến vào lãnh thổ của Georgia: có lẽ Nga sẽ không chiếm đóng Georgia nhưng sẽ tiếp tục can thiệp cho đến khi chính phủ của ông Săkashivili hoặc xụp đổ hay bỏ chạy ra nước ngoài, và thay vào đó là một thế lực thân tín.


Nước cờ sai của ông Săkashivili là cơ hội ngàn vàng để Điện Cẩm Linh một mặt khuất phục Georgia, mặt khác “dạy một bài học” (theo ngôn ngữ của Đặng Tiểu Bình) cho các nước láng giềng Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus, Ukraine, và xa hơn nữa là Ba Lan và Tiệp Khắc, rằng Nga vẫn là một cường quốc ưu việt trong khu vực; các nước này có thể chọn thân Âu-Mỹ, nhưng khi quyền lợi của Nga bị đe doạ thì cả NATO lẫn Hoa Kỳ sẽ không đem quân đội chống chọi với xe tăng – như đã xảy ra khi Hồng Quân dẹp tan các cuộc nổi dậy tại Ba Lan, Tiệp Khắc và Đông Đức trong thời chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ chỉ đe doạ trống mà không có hành động đi theo; còn Tây và Đông Âu bị lệ thuộc và chia rẽ để mua khí đốt của Nga.


Cách đây không lâu khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ ký hiệp ước khai thác dầu hoả với Exxon; sau đó Hoa Thịnh Đốn có ra một thông báo tôn trọng và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Điều này làm loé lên một tia hy vọng nơi nhiều người rằng Mỹ sẽ trở lại để cân bằng thế lực với Trung Quốc trong vùng biển Đông. Tuy nhiên theo người viết nhận xét đây là một lời tuyên bố rất mù mờ cần phải có nhiều hành động tiếp nối thì mới có ý nghĩa.


Xét về cả thế lực lẫn thực lực Hoa Kỳ hiện không nắm vai trò quyết đinh hay chủ động trong khu vực. Trung Quốc đang quan sát rất kỹ phản ứng của Mỹ và Tây Âu trong vấn đề Georgia; Thế Vận Hội một mặt để Bắc Kinh trưng bày bộ mặt tiến bộ với dư luận Âu Mỹ - cho dù đã đánh mất phần cởi mở - nhưng mặt khác để khẳng định thế ưu việt đối với Á Châu. Biết đâu những bài viết quá khích, gây hấn gần đây trên Internet đòi chiến tranh với Việt Nam là lời nhắn gởi đe doạ Hà Nội rằng sau Thế Vận Hội Trung Quốc sẽ “dạy một bài học”. Cho dù như thế nào thì không ai nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp trực tiếp nhất là qua sự kiện Georgia.



Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn là ba trung tâm mậu dịch và thương mại then chốt, không nước nào kể cả Trung Quốc có thể xâm phạm mà không dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trái lại, vị thế của Việt Nam còn rất nhỏ, ngày nào mà Trung Quốc có thể chèn ép mà không trực tiếp đe doạ con đường vận chuyển bằng biển qua eo biển Mã lai thì chưa va chạm vào quyền lợi của Âu Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan.


Mặt khác, cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại mang tính chất huy động quần chúng nên chúng ta chỉ chú trọng vấn đề – từng sự kiện như việc Trung Quốc sát nhập Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, thành lập Tam Sa. Trong khi Trung Quốc đang xâm lăng Việt Nam bằng Diện, toàn bộ từ kinh tế chính trị đến lảnh thổ. Ai biết đàng sau cơn khủng hoảng điạ ốc, chứng khoáng, lúa gạo có bàn tay ma quái của tay sai Bắc Kinh; ai nhắc nhở hàng ngày rằng Trung Quốc phá hoại môi trường bằng các đập khổng lồ trên thượng lưu sông Hồng sông Cửu Long, cho buôn lậu tàn phá rừng núi lâm sản đất nước? Và kiểm soát mậu dịch và sản xuất khắp nơỉ nơi?


Chỉ một thí dụ là Việt Nam hiện nhập cảng hàng trăm triệu liều thuốc tiêm ngừa dịch cúm gà từ Trung Quốc. Chỉ cần một lô thuốc “hư” là đủ để nền kinh tế Việt Nam rúng động, lãnh đạo chới với.


Người viết không biết cái nhìn của mình có bi quan hay không, nhưng thật sự rằng Trung Quốc là mối đe doạ hàng đầu cho tương lai đất nước, và cần bàn tay khối óc từ lãnh đạo đến thường dân để tìm biện pháp đối phó./.

No comments: