04 Tháng 4 2005
Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ trước 1975 đã phát triển hơn nhiều so với miền Bắc
Cập nhật ngày thứ bảy 02/04/2005
Nghe chương trình
bbc_kinhte_NamVn_truoc75_agenda_wk14.ram
realplayer10-5gold_rs.zip
Nhân kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc, chương trình Tư Duy Thế Kỷ nhìn lại sự phát triển của kinh tế miền Nam Việt Nam trước và sau năm 1975 và những bài học rút ra từ đó.
Tham gia cuộc thảo luận là Giáo sư kinh tế Đặng Phong, Viện Kinh tế Việt Nam, từ Hà nội, tác giả của cuốn sách mới xuất bản mang tựa đề "Kinh tế miền Nam thời kỳ 1955-1975".
Ngoài ra có sự tham gia của Giáo sư kinh tế Mai Kim Đỉnh, trước đây từng giảng dạy tại trường Chính trị kinh doanh, Đại học Đà Lạt, từ năm 1965-1975, hiện sống tại London, Anh Quốc.
Nghe chương trình
Thư từ ý kiến xin quý vị gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.
..................................................................................
Kevin Nguyễn, Seattle, Hoa Kỳ
Trước 75 Nam VN đứng đầu ĐNA về kinh tế. Sau 75+ cấm vận gần 20 năm, Nam VN và VN nói chung trở thành nước kém phát triển. Là người VN tôi vẫn hi vọng VN sẽ là trở thành hòn ngọc viễn đông lần thứ 2 cho dù có mất bao lâu đi nữa.
Nguyễn Thu, Oslo, Na Uy
Chân thành cảm Ông Giáo Sư Kinh Tế Đặng Phong đã có cái nhìn và nhận xét đúng sự thật về kinh tế của Miền Nam VN trước 30.04.1975, với lời lẽ ôn tồn, nhã nhặn và đầy thiện cảm khi trả lời với BBC. Trong 30 năm qua tôi chưa từng được nghe một lời nói tốt đẹp nào về Chính Quyền Miền Nam như vậy từ các nhà Lãnh Đạo Đảng & Nhà Nưóc ta, chỉ được nghe toàn những lời chê trách, phỉ bán và miệt thị (MỸ NGỤY). Hy vọng có nhiều người nghe bài phỏng vấn này, nhất là giới trẻ sau 30.04.1975, để biết được những thành quả có được ngày hôm nay, một phần lớn do Miền Nam mà có, từ đó sẽ có một cái nhìn tốt đẹp cùng hướng về tương lai một VN giàu mạnh. Chúc Ông Đặng Phong sức khỏe và hy vọng Ông sẽ không bị khiển trách gì về bài phỏng vấn này. Chân thành cảm ơn BBC đã thực hiện bài phỏng vấn thật bổ ích.
Lê Oanh
Đây đích thực là tiếp xúc hòa hợp giữa hai người VIỆT NAM thảo luận với nhau về vấn đề kinh tế của quốc gia. Rất trung thực, rất công tâm, sáng suốt, tôi mong là những nhận định, phân tách này của hai kinh tế gia sẽ ảnh hưởng tốt cho nhận thức của những người VIỆT NAM ưu tư cho tương lai đất nước. Khi đọc đến cảm nhận của bạn Lê D Tuấn, một người đã trưởng thành dưới chế độ XHCN, thì thú thật đây là lần đầu tiên toàn thân tôi lạnh toát vì những lời thổ lộ chân thành trên diễn đàn này. Mong là tất cả mọi người dẹp bỏ cảm tính cá nhân, đảng phái để hậu thuẫn cho một phương hướng phục vụ tốt cho dân tộc.
Ngô Việt, Toronto, Canada
Lần đầu tiên tôi được nghe lời nói trung thực của hai vị Giáo sư. Tôi đề nghị phải tạo điều kiện cho các vị trí thức phát biểu. Chúng ta đã nghe các vị lãnh đạo Việt Nam (chính trị) phát biểu và đã thấy sự thật (Xin BBC đăng nguyên văn của tôi). Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh năm 1978 do Đỗ Mười làm trưởng ban đã làm cho gia đình tôi tan nát (mặc dù bố mẹ tôi không phải là tư sản). Chúng ta phải có những cái nhìn công bằng, khoa học và đầy đủ. Đến lúc này chúng ta không mong gì hơn là có cái nhìn thật công bằng về đất nước và con người Việt Nam. Hòa hợp, hòa giải để vững mạnh tiến lên. Chủ nghĩa xã hội tốt đẹp thì ta theo còn không thì không nên bám víu làm gì. Muốn hòa hợp, hòa giải thì nên có những cái nhìn công bằng, khoa học, và có lý có tình. Đừng vì đảng mà cái nhìn thiên vị. Tôi rất thích phát biểu của Giáo sư Đặng Phong, không biết ông ta có phải là đảng viên cộng sản Việt Nam hay không? Nếu ông ta là đảng viên mà phát biểu như thế thì quá tuyệt. ( Xin BBC đăng nguyên văn)
Lam Sơn, Paris
Cám ơn đài BBC đã cho nghe một cuộc phỏng vấn rất lý thú , và phải nói là có giá trị. Và cũng cám ơn hai vi Giáo sư kinh tế Đặng Phong và Giáo sư kinh tế Mai Kim Ðỉnh đã có những cái nhìn rất công bằng và có khoa học về kinh tế trong quá khứ cũng như trong hiện tại của VN.
Là một người VN sống tại hải ngoại, tôi không mong mỏi gì hơn là hy vọng là những người đang có may mắn được lãnh đạo đất nước hãy thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và rút ra từ đó những bài học trong tương lai. Tạo cơ hội để cho mọi từng lớp người dân bất kỳ người đó là ai. Trong hay ngoài nước đều có quyền tham gia đóng góp tài trí trực tiếp vào trong những nền khoa học, kinh tế cũng như chính trị của Quốc gia.
Ðược như vậy thì mới mong có hy vọng chúng ta bắt kịp lại một thời gian tụt hậu quá dài. Và tôi tin rằng toàn thể dân tộc VN với sức thông minh và cần cù sẵn có, biết tự phát huy để làm cho cuộc sống chính bản thân họ đi lên , rồi từ đó Quốc gia và xã hôi sẽ là người thừa hưởng gián tiếp những thành quả của họ. Chứ không cần phải sự chỉ đạo của một đảng phái chính trị nào.
Nhà cầm quyền chỉ là một cơ cấu được dân chúng trả lương, và có bổn phận đứng ra bảo vệ luật pháp và giúp đỡ tạo những điều kiện thuận lợi cho họ phát huy tài năng, và bảo vệ những thành quả do họ mang lại thực sự bằng công sức, bằng tim óc của họ. Chứ đừng hành xử như một nhà cầm quyền tự đặt ra một chính sách theo cách suy nghĩ của một đảng phái nào đó để cai trị dân như thời phong kiến.
Ý dân là ý trời. Tôi có cảm tưởng sự đóng góp cái nhìn của hai vi Giáo sư, là những tia sáng xuyên thủng con đường hầm tăm tối của VN. Rồi cả dân tộc VN. Nam cũng như Bắc sẽ là trái phá cực mạnh phá nát con đường hầm tăm tối đáng nguyền rủa đó . Vực VN đứng dậy đưa dân tộc cùng sánh vai với bạn bè năm châu bốn bể.
Lê D Tuấn, Tp Hồ Chí Minh, Việt Nam
Bây giờ đã đến lúc ta nên đánh giá lại một cách khách quan về hiện trạng kinh tế miền Nam trước 1975. Giáo sư Đặng Phong đã làm được nhưng sẽ tốt hơn nếu Đảng và nhà nước cũng làm như vậy. Không thể tiếp tục bôi xấu kinh tế miền Nam nữa, như thế là tự lừa mình và lừa dối nhân dân.
Tôi lần đầu tiên vào Saigon là vào năm 1980. Năm đó bố tôi được chuyển công tác và ông đã mang cả gia đình theo. Nói thật là tôi đã vô cùng choáng ngợp trước cảnh đường phố nhà cửa lúc đó. Ôi nó lớn làm sao, nó đẹp làm sao.
Tôi sống ở Hà Nội, chẳng phải quê mùa gì vậy mà không kìm nổi xúc động khi đứng trên đường 30/4 trước dinh Thống Nhất, thật rộng "mênh mông", lại thẳng tắp. HN bị bom đạn tàn phá hồi đó so với Saigon chỉ là một đứa bé rách rưới đứng bên cạnh một mỹ nhân.
Sau này có dịp đi các nước tôi cũng không có lại cảm giác đó lần nữa. Trong trường học các thầy cô dạy chúng tôi miền Nam rất nghèo đói, kinh tế lạc hậu vì bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, không thể so với miền Bắc với Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên và thủy điện Thác Bà hóa ra đều sai cả.
Kinh tế miền Nam lớn mạnh gấp nhiều lần miền Bắc của tôi, người dân cũng sung túc hơn hẳn, có cả nhà lầu, máy truyền hình, xe bình bịch...Mấy người miền Nam tôi gặp nói trước 75 còn phồn vinh hơn nhiều, không phải ăn khoai lang, cao lương trừ bữa.
Chúng tôi thường tự an ủi là miền Bắc bị bom Mỹ tàn phá nên không bằng được miền Nam nhưng rồi phải nghĩ lại. Miền Bắc đất chật người đông, nội lo đủ cái ăn đã khó rồi. Lại thêm mấy chục năm trời thực hiện kinh tế tập trung quan liêu bao cấp nên đã kìm hãm sức phát triển.
Người dân miền Nam trước 75 còn có mơ ước và có thể làm giàu được còn dân Bắc chúng tôi thì không vì nhà nước đâu cho phép. Giàu là một cái tội rất lớn và không ai muốn mắc phải, đến ăn con gà cũng p! hải dấu lông đi vì sợ bị hàng xóm tố giác.
Tôi thật sự thương bố mẹ tôi và hàng triệu người khác đã phải sống một cuộc sống không có tương lai. Rất nhiều người miền Bắc như tôi đã thật sự đổi đời khi vào Nam lập nghiệp. Nhiều triệu người Bắc đã di cư vào Nam và hầu hết đều có cuộc sống tốt hơn nhiều lần sống ở quê hương.
Năm 80 không có nhiều người Bắc ở Saigon thì nay đâu đâu cũng nghe đủ giọng Hà Nội, Nam định, Nghệ An... Bạn tôi từ một nông dân không đất nay đã có nông trại mấy chục ha ở Bình Phước.
Ngày trước bố mẹ tôi xin cấp một căn hộ 24 mét vuông ở Hà Nội mấy năm mới có, bây giờ phòng ngủ của con tôi còn rộng hơn thế. Tất cả nhờ vào miền Nam giàu có và nhiều cơ hội cho những người chăm chỉ. Nhiều người phân người gốc Bắc chúng tôi làm ba loại tùy thuộc vào thời điểm anh di cư vào Nam. Những người vào năm 1954 là dân theo Chúa vào Nam, năm 1975 là theo Đảng vào Nam còn từ năm 90 đến nay là theo Tiền vào Nam, nghĩ lại cũng chẳng sai.
Hiện nay, kinh tế miền Nam vẫn giữ vai trò đầu tàu của cả nước, đóng góp xấp xỉ 70% tổng thu nhập quốc dân, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hơn 50%. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đem ngoại tệ về cho đất nước đều từ miền Nam : dầu mỏ, lúa gạo, cà phê, cao su, cá ba sa, tôm, hạt tiêu, điều...Các mặt hàng công nghiệp như may mặc, da giày... thì miền Nam cũng chiếm phần lớn. Chỉ một năm xuất khẩu dầu mỏ còn thu lợi hơn là nhận tiền bồi thường của Mỹ theo hiệp định Paris, vậy chúng ta luyến tiếc gì cái hiệp định vô giá trị đó.
Tôi không thể tưởng tượng được hậu quả cho miền Bắc thế nào nếu không có nền kinh tế miền Nam, nếu chúng ta không giành thắng lợi vào năm 1975. Có thể ta cũng như hai miền Nam Bắc Triều Tiên mà thôi trong đó miền Bắc quanh năm xin quốc tế trợ cấp lương thực thực phẩm còn miền Nam lại là cường quốc kinh tế thế giới.
Thay mặt hàng triệu người dân Bắc, qua BBC tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để thống nhất đất nước (tôi không dám dùng từ "giải phóng" vì trong thâm tâm tôi thấy không đúng). Cảm ơn các vị lãnh đạo Đảng đã quyết định dùng vũ lực để thống nhất, tuy có gây đổ máu tang thương nhưng lợi ích thì ngàn lần hơn.
Trung, Hà Nội, Việt Nam
Tôi công nhận là kinh tế miền Nam phát triển hơn miền Bắc, nhưng giả sử nếu Liên Xô cũng bắt chước Mỹ cho máy bay TU vào rải thảm ở miền Nam như Mỹ làm ở miền Bắc thì liệu nền kinh tế này sẽ ra sao? Ngoài kinh tế ra, cần cân nhắc các mặt khoa học kĩ thuật văn hóa ...
Trương Cẩm
Bạn Trung, Hà Nội, Việt Nam đưa ra ý kiến rất đúng về thảm trạng chiến tranh đã gây cho nền kinh tế của miền Bắc VN. Thế nhưng kinh tế miền Nam cũng không phải là yên ổn trong thời chiến, chúng ta cứ nhớ lại câu nói của bà Nguyễn thị Bình tại Paris là nơi nào có hố bom thì nơi đó thuộc vùng quân giải phóng, thì đủ thấy các sinh hoạt kinh tế của miền Nam bị co cụm trên nhiều mặt bởi chiến tranh.
Ở đây chúng ta nên nhận thức về đường lối kiểm soát kinh tế của mỗi chế độ . Rất nhiều người chỉ biết từ tháng Ba năm 1978 tại miền Nam nhà nước mới phát động đánh tư sản, nhưng đối với chúng tôi là những thương nhân, sản xuất một số các mặt hàng gia dụng tại Sài Gòn và Chợ Lớn thì kể từ đầu năm 1976 đã bị ảnh hưởng nặng nề do chính sách thuế má và kiểm kê thương vụ.
Có nhiều nhà buôn, nhà sản xuất bị truy thuế từ 5 tới 10 năm trước năm giải phóng với nhiều lý do không hợp lý, cho nên đành phá sản sau khi giao nạp gần hết sản nghiệp . Rồi để tìm cách chạy thuế, nhiều hãng xưởng phải tẩu tán bớt máy móc, tháo gỡ thành phế liệu, bán sắt vụn để bớt mang "tội".
Thương nhân có người phải đổ cả trăm tấn nylon nhập cảng dạng hạt xuống sông để phi tang, cắt vụn hàng ngàn tấm nhôm, rồi nấu lại như nhôm dạng phế thải để bớt thuế, bớt "tội".
Là một chứng nhân tôi không thể nào kể hết hoàn cảnh các đồng nghiệp đã "phá hoại" bất đắc dĩ tài sản mồ hôi nước mắt của chính họ trong thời gian từ 1976 đến 1980 tại miền Nam.
Trong khi ngoài thị trường cái gì cũng kh! an hiếm, hoặc nhiều nguyên vật liệu, vật dụng b! ị phâ n tán bán chui, bán tản trên hè phố, rất phí phạm không được tập trung cho sản xuất .
Ngày nay nếu ai nói chúng tôi vượt biên vì kinh tế thì cũng đúng, vì chẳng lẽ cứ ngồi không mà ăn thì núi cũng lở. Cho nên vấn đề kinh tế không hẳn vì chiến tranh mà còn do chính sách áp dụng, tôi chỉ xin kể ra để mà suy ngẫm mà thôi .
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2005/03/agenda_wk14_2005.shtml
audio Chuyện kể giai đoạn lịch sử 19/8/45 và kinh tế miền Nam trước 1975
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment