Vài suy nghĩ về luật trưng mua, trưng dụng tài sản
Bích Liên
Ngày 3/6/2008, Quốc hội thông qua nhanh chóng Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Nhưng báo chí trong nước đều im hơi lặng tiếng về sự kiện này cho đến lúc có công bố của Chủ tịch nước vào ngày 23/6/2008. Báo giới chính thống cũng chỉ giới thiệu vài dòng, không một bình luận nào. Và nếu có, thì chỉ «khen» «luật này ra đời rất đúng lúc». Thế nhưng, trái ngược với không khí «thanh bình» mà báo chí trong nước cố tạo ra, mối nguy về sự bất an dâng lên trong lòng dân lại luôn thường trực.
Ưu tư của một sinh viên ngành luật
Luật đòi hỏi ở người dân sự hi sinh quá lớn về quyền lợi kinh tế
Hi sinh quyền lợi kinh tế thể hiện không những ở loại tài sản có thể bị trưng dụng, trưng mua, mà còn cả mức giá trưng mua hoặc mức bồi thường.
Tài sản thuộc phạm vi trưng mua, trưng dụng là rộng, bao gồm : đất, nhà, các tài sản gắn với đất ; thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, công cụ, dụng cụ và vật tư, vật dụng thiết yếu khác ; phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác. (điều 13+23)
Cá nhân, tổ chức có tài sản là đối tượng trưng mua, trưng dụng hoàn toàn bị cưỡng chế, thậm chí chỉ bằng lời nói (trường hợp trưng dụng), không có pháp lí nhưng hiệu lực trưng dụng lại ngay lập tức.
Đối với giá tài sản trưng mua và mức bồi thường trưng dụng, khi không tìm được sự đồng thuận với cá nhân, tổ chức có tài sản, người có thẩm quyền «có thể thành lập hội đồng xác định giá trưng mua tài sản» (khoản 1c) điều 18) và «mức bồi thường» (với tài sản trưng dụng, khoản 2 điều 34). Có ai dám chắc trong một nước tham nhũng từ lâu trở thành quốc nạn như VN, hội đồng ấy sẽ đưa ra mức giá[1] chính xác, hoàn toàn dựa trên những thông số kĩ thuật, khách quan ? Và nếu thật sự có một hội đồng công minh ở VN, thì cũng không có nghĩa là người dân có được sự đảm bảo nào đó. Ngay điều 18 và 34 cho thấy người có thẩm quyền chưa chắc theo mức giá mà hội đồng đưa ra vì « quyền quyết định giá » của người có thẩm quyền tồn tại độc lập với việc thành lập hội đồng này ; hơn nữa, «thành lập» hay không hội đồng này thuộc quyền hạn của người có thẩm quyền trưng mua hay trưng dụng.
Như thế, quyền sở hữu- được Hiến pháp bảo đảm (điều 58 HP 1992) và quyền sử dụng tài sản của «tổ chức (ngoài nhà nước), cá nhân, hộ gia đình» có thể bị đưa ra hi sinh chỉ với mức giá rất thấp !
Sự hi sinh lại được bảo đảm bởi công lý…nửa vời
Trong tình trạng chiến tranh, đe dọa nguy hại đến an ninh, sự tồn tại của quốc gia, Nhà nước có quyền thâu tóm tất cả quyền lực (hay là quyền lực tuyệt đối –cho phép dùng vũ lực để cưỡng chế). Nhưng bù lại, cần phải có sự kiểm soát của tòa án để quyền lực ấy không bị lạm dụng.
Luật thông qua ngày 3/6 vừa qua đã trao một quyền lực tuyệt đối cho vài cơ quan Nhà nước khi thực hiện các biện pháp trưng mua, trưng dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của người dân. Thế nhưng, thiếu độc lập với các cơ quan quyết định và thi hành quyết định trưng mua, trưng dụng, tòa án VN không thể nào có được «quyền kiểm soát» quyền lực ấy và như vậy, việc lạm dụng quyền lực là không thể tránh khỏi.
Sự công nhận quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người có tài sản tại điều 10 khoản 1c cũng vì thế không có giá trị gì trên thực tế. Thiếu đi tính độc lập, cơ quan tư pháp – đáng lý là quyền lực đối trọng với các quyền lực chính trị khác- rất khó đứng về phía người dân để bảo vệ quyền và tự do của họ, nhất lại trong mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước. Tôn chỉ xử án quan trọng nhất của Toà án VN là bảo vệ ổn định xã hội. Sự tương thích giữa tính chất của các hoàn cảnh cho phép áp dụng luật này (xem điều 5- điều kiện trưng mua, trưng dụng) và biện pháp cần thiết để «ổn định xã hội» tạo điều kiện cho tòa án « giúp » cơ quan hành chính chà đạp lên quyền khiếu nại, tố cáo…
Công nhận trên văn bản một quyền mà không đảm bảo sự thực thi trên thực tế, việc đòi công lý là xa vời.
Công lý cũng không thể được thực thi khi một cơ quan vừa là bị cáo vừa là quan tòa. Theo luật này, Bộ tài chính vừa là cơ quan có thẩm quyền quyết định trưng mua (điều 14 khoản 2), trưng dụng (điều 24 khoản 1), lại vừa là cơ quan có «trách nhiệm… thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản», vừa đảm nhận «giải quyết khiếu nại, tố cáo» (điều 9, khoản 2d và 2đ). Có chăng công lý chỉ đến từ một Bộ tài chính liêm khiết, chính trực. Nhưng trong cơ chế hành chính ở VN hiện nay còn khó tìm thấy một viên chức liêm khiết, dám chống lại cả hệ thống bằng cách thiết lập công lý cho người bị oan, chứ đừng nói gì cả một nhóm người trong Bộ tài chính ?! Chỉ là công lý…nửa vời !
Thậm chí, giả sử tòa án là độc lập, thì với khoản 1c) của điều 10, khi được quyền «Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về trưng mua, trưng dụng tài sản theo quy định của pháp luật », người dân không biết phải tìm «quy định của pháp luật» này ở đâu để áp dụng cho đúng. Những quy định giải quyết xích mích liên quan đến quyết định và thi hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản có thể nằm ở « luật đất đai », «luật đê điều», «luật bất động sản», «luật môi trường», «luật xây dựng», «luật khiếu nại, tố cáo»… Sự chồng chéo quy định như thế, có khác gì muốn làm nản lòng người khởi kiện.
Người dân đã có thể chờ đợi một cách chính đáng khả năng truy tố trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền khi thực hiện sai việc trưng dụng, trưng mua như điều 48 trong dự án luật[2]. Nhưng luật thông qua ngày 3/6 không giữ lại điều luật này. Như thế có nghĩa là việc truy tố trách nhiệm chỉ còn giải quyết ở mặt hành chính. Vậy mà, theo hai điều 18 và 34, khi cá nhân, tổ chức có tài sản là đối tượng của luật không đồng ý với mức giá quyết định đơn phương bởi người có thẩm quyền thì họ chỉ có quyền khiếu nại[3]. Quyền tố cáo, quyền khởi kiện không áp dụng ở đây. Nhưng quyền khiếu nại chỉ cho phép người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng «đề nghị» lên người có thẩm quyền [4] «xem xét lại» quyết định hoặc hành vi hành chính xâm phạm lợi ích của mình[5] . Nếu không có giải quyết thì sao ? Luật không đề cập đến.
Trong điều kiện đó, mất quyền tố cáo và quyền khởi kiện, lại thiếu khả năng truy tố trách nhiệm cá nhân, nguy cơ mất trắng tài sản (nếu mức giá ấn định là rất thấp) của người dân là rất cao. Mất trắng mà không biết kêu cứu ở đâu, đi đâu để tìm công lý !
Luật sẽ đặt đất nước vào tình trạng khó khăn bởi thất thoát vốn đầu tư và nguy cơ biểu tình cao
Nghiên cứu đồng thời điều 23 và điều 25 Hiến pháp 1992 cho thấy Hiến pháp chỉ đề cập đến vấn đề trưng mua, trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước (khi thật cần thiết), mà không đề cập gì đến vấn đề này đối với người nước ngoài (ngay cả khi thật cần thiết). Hơn nữa, điều 25 «Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá» có nghĩa là tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp không thể chuyển thành tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, dù với bồi thường (trưng mua) hoặc không (tịch thu). Vậy ít nhất đối với vấn đề trưng mua tài sản, có thể hiểu rằng Hiến pháp cấm áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng chính vì thế mà luật đầu tư năm 1996 (sau này bị sửa đổi bởi luật đầu tư 2005 theo hướng của luật 2008 này) quy định «Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá»
Khi mở rộng « nạn nhân » của các biện pháp trưng mua, trưng dụng tới người nước ngoài, trong đó có Việt kiều- đối tượng mà mấy năm gần đây cung cấp khoản đầu tư lớn vào nền kinh tế VN, nền kinh tế VN có thể sẽ chịu khoản thất thoát lớn về nguồn vốn bởi sự ra đi của các nhà đầu tư này. Như thế sẽ chỉ làm nặng thêm khoản vay nước ngoài hiện nay vốn đã không có khả năng chi trả.
Tại sao lại lựa chọn một cách làm tự giết chết nền kinh tế của đất nước như thế ? Phải chăng chỉ là vì quyền lợi của bộ máy lãnh đạo khi cảm giác không đủ khả năng tháo gỡ nền kinh tế, tài chính của đất nước thoát khỏi khủng hoảng ?!
Khủng hoảng trong lòng dân cũng không thể tránh khỏi. Tài sản mà bộ luật đề cập đến bao gồm đất đai. Trước tình hình bất lực của chính quyền trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo từ những cuộc thu hồi đất trong và sau hai cuộc chiến, phải chăng sự ban hành luật này nhằm mục đích hợp pháp hóa vấn đề cưỡng chế thu hồi đất ?! Luật ra đời có lẽ không phải để giải quyết các vấn đề khiếu kiện (đáp ứng lòng dân), mà trái lại cung cấp cho chính quyền một công cụ pháp lý để dễ dàng hơn trong việc thu hồi đất. Nhưng những cuộc biểu tình của bà con các tỉnh trước văn phòng QH ở HN và SG từ năm vừa qua đã cho thấy nỗi uất ức của người dân đang chuyển thành hành động. Khi luật này bắt đầu áp dụng, nạn nhân sẽ nhân lên, nguy cơ biểu tình cũng vì thế có thể lan rộng.
Lời kết : làm sao để tự bảo vệ tài sản của mình ?
Làm thế nào trước khi luật này có hiệu lực (1/9/2009) bảo vệ ít nhiều tài sản của mình ? Chẳng nhẽ tìm cách chuyển tài sản của mình thành những tài sản «không thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng» ?! Tức là bán tất cả rồi chuyển vào ngân hàng nước ngoài ?! Thế thì sẽ ở đâu, làm ăn ra sao ?! Ôi, không lẽ trong thời bình, người dân lại phải nghĩ đến chuyện di tản ?!
Bích Liên
© Tạp chí Phía Trước
[1] «Giá» ở đây, xin hiểu là giá trưng mua tài sản và mức bồi thường trưng dụng.
[2] mời xem tại http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/02/05/56472/
[3] «nếu người có tài sản… không đồng ý với giá này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại.»
[4] «người có thẩm quyền» bao gồm người chịu trách nhiệm trực tiếp với quyết định, hành vi hành chính nào đó và cả người cấp trên của người đó.
[5] xem định nghĩa «khiếu nại» tại trang Hướng dẫn nghiệp vụ-BTP http://nghiepvu.moj.gov.vn/xembai.aspx?nv=295
Nguồn:
http://blog.360.yahoo.com/blog-V3M_NEolerbUJtSbv.5KMo8GAUmgg7A-?cq=1
Luật mới: trưng mua, trưng dụng tài sản
Đất đai: Tài liệu tội ác của csvn: luật trưng thu,...
Luật ăn cướp, trưng thu
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment