Tuesday, November 25, 2008

Bộ trưởng giáo dục: “Sự giả dối vẫn đang tồn tại...”

Thiện Giao, phóng viên RFA
2008-11-21


20 tháng 11, ngày mặc định ý nghĩa vinh danh thầy cô giáo, không biết từ bao giờ đã trở thành thời điểm để người ta mổ xẻ các vấn nạn giáo dục Việt Nam.


AFP PHOTO

Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 bên phải), tiếp đón và thảo luận với Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte (thứ 2 bên trái) tại Hà Nội hôm 11-9-2008.

Thực trạng hiện nay là học sinh vẫn bỏ học, giáo viên vẫn tất bật làm thêm ngoài giờ, chất lượng giáo dục xuống cấp, sách giáo khoa nặng nề… Tất cả, xem chừng vẫn không có giải pháp rốt ráo.

2 không, 6 đặc trưng
Theo công luận nhận xét , thì ngày 20 tháng 11 năm nay, thư của ông Bộ Trưởng Giáo Dục gởi cho cả nước vẫn tiếp tục những khẩu hiệu có công thức già cỗi tính bằng thế hệ, như chương trình vận động “hai không” để tái lập môi trường giáo dục “sáu đặc trưng,”, v.v…

Bức thư ngỏ của ông Bộ Trưởng xem chừng vẫn không giới thiệu được giải pháp nào rốt ráo cho vấn nạn giáo dục, ngoại trừ một sự thừa nhận chân thành: “…Sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội.”

Trong một bài viết với tựa đề “Bài Toán Khó Giải” của Đoàn Lan đăng trên blog Tạp Chí Phía Trước, tác giả trình bày 4 khiếm khuyết của ngành giáo dục hiện nay. Các khiếm khuyết bao gồm: nặng lý thuyết, thiếu thực hành; xơ cứng trong năng lực dạy và học; thiếu vắng nghiên cứu khoa học; và tình trạng ê a – “thầy đọc – trò chép.”

Tác giả mở đầu bài phân tích:

“Hơn một thập niên trước đây, khi nói đến đại học Việt Nam, người ta thường nhắc đến cơn ác mộng đặc trưng “thi vượt rào:” [đó là] qua hai năm học đại cương, nếu không qua được “cửa ải” này, [sinh viên] sẽ phải rời trường.

Rất nhiều cuộc “đại cách mạng” trong giáo dục đại học đã được hô hào phát động từ ngày đó; kỳ thi vượt rào cũng đã bị “khai tử.” Nhưng đã bước sang thế kỷ 21, vẫn thấy còn tồn tại nhiều điều chưa hợp lý để có thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.”

Một trong những điểm yếu được tác giả chỉ ra trong bài viết, là tình trạng “đóng khung kiến thức” trong phạm vi sách giáo khoa, bộ sách được xem là rất hàn lâm, nhưng nặng nề và xa rời thực tế. Tác giả viết:


"Thầy Cô dìu dắt, nâng bước cho Học Trò", hình ảnh thường thấy trong xã hội giàu truyền thống hiếu học của Việt Nam.

“Một điểm yếu trong chương trình đào tạo là bộ chuẩn kiến thức các môn học ở mỗi bậc học ít được phổ biến rộng rãi cho tất cả các thầy cô, mà trái lại Bộ chỉ đẩy mạnh phổ biến sách giáo khoa do Bộ xuất bản.

Đây không chỉ là một cách làm độc quyền, mà tai hại hơn nữa là nó triệt tiêu các sáng kiến của thầy cô, không dám làm gì khác ngoài phạm vi quyển sách giáo khoa cho phép.”


Quá nhiều bất cập
Sách giáo khoa, trong bối cảnh giáo dục phổ thông, có thể mang lại lợi ích lớn, nhưng cũng có thể gây ra tổn thất không nhỏ.

Một số nhà giáo dục Việt Nam cho rằng, quan niệm giáo dục không đúng, chương trình phổ thông hàn lâm, thì thực chất giáo dục càng thấp. Xin trình bày quan điểm mà giáo sư Phạm Phụ đã từng đưa ra trước đây.

“Tính hàn lâm quá nặng. Bây giờ đã là nền giáo dục cho số đông, nền giáo dục gây ra tổn thất rất lớn cho người học và đất nước nói chung. Về sách giáo khoa, tôi nghĩ trước hết phải thay đổi quan niệm về giáo dục phổ thông trước.

Việc soạn sách thì không khó. Chúng ta có thể thăm vài nước có điều kiện tương tự, rồi ta sửa đổi cho phù hợp. Có nước giàu hơn Việt Nam nhiều còn tự nhận không đủ lực, phải đi học người khác về sửa lại. Chương trình phổ thông hàn lâm thì kết quả thực chất rất ít.

Chương trình hiện nay, đánh giá tạm gọi là lạc quan, chỉ thích hợp cho 10 đến 20% học sinh. Còn lại, hiệu quả rất thấp. Hiện nay, từ Tú Tài vào Đại Học, kể cả Cao Đẳng, đã trên dưới 40% rồi. Như vậy, nếu trung học không hiệu quả thì đại học chịu ảnh hưởng.”


Cũng trong phân tích “Bài Toán Khó Giải,” tác giả Đoàn Lan nhấn mạnh đến tình trạng liên quan đến “năng lực sáng tạo của người dạy và học.” Về tình trạng này, một số nhà giáo dục, nhà văn hoá, đã từng phân tích, và đưa ra lý giải liên quan đến “tư duy giáo dục,” hay “triết lý giáo dục.”

Nói ngắn gọn, theo cách trình bày của nhà văn Nguyên Ngọc, là “nền giáo dục này định làm cái gì đây?”

“Triết lý giáo dục, có người gọi là tư duy giáo dục, có thể nói nôm na, là đặt câu hỏi: nền giáo dục này định làm cái gì đây? Nền giáo dục này định đào tạo ra những con người theo kiểu nào?”

Và ông nhận định, rằng có những nền giáo dục “đào tạo con người học thuộc lòng những điều gọi là chân lý… những chân lý mà người ta cho là bất di bất dịch.”

Nền giáo dục ấy, cũng theo Nguyên Ngọc, sẽ đào tạo ra những sản phẩm tương xứng: “không thể hành xử thành công ở đời, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay.”

Ông tái xác định một điều, có thể xem là tuyên ngôn giáo dục hiện đại, đã được đương kim Hiệu Trưởng Đại Học Harvard nói với sinh viên của trường đại học danh tiếng này:

“Đại học không phải là tạo ra con người dùng ngay bây giờ. Tân hiệu trưởng Harvard nói rằng, con người đó phải liên hệ với cả quá khứ và tương lai, chứ không chỉ là hiện tại. Chính những con người như vậy mới có thể hành động thành công, độc lập và đầy hiệu quả trong xã hội hiện đại.”

Bài toán khó giải
Vâng, trong khi giáo dục hiện đại cần mang tính nhân văn, kết nối nhuần nhuyễn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, thì nền giáo dục hiện nay tại Việt Nam vẫn còn loay hoay trong những chân lý được xem là “bất di bất dịch.”

Những chân lý trong nội dung, những ràng buộc không thể phá vỡ trong chính sách, đã, đang và có thể sẽ tiếp tục đặt những chiếc rào cản quá cao cho cả người học và người dạy. Những chiếc rào ấy cần phải được phá đi bằng chính những đột phá mạnh bạo trong chính sách giáo dục.

Điều này dường như đã được blogger Huy Đức đề cập đến trong bài viết “Đừng Đặt Cái ‘Gánh’ Của Bộ Trưởng Lên Vai Nhà Giáo.”

Tác giả viết:

“Sau buổi tọa đàm có phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, báo Tuổi Trẻ, ngày 18-11, hồ hởi rằng: “Tất cả ở trong tầm tay nhà giáo.” “Đổi mới phương pháp giảng dạy,” tên của cuộc tọa đàm, là một câu chuyện lớn. Đề cao vai trò của các nhà giáo nhân ngày 20 tháng 11 có thể là đã “cài” lên ngực họ những “đóa hoa,” nhưng cũng có thể, đã đặt một gánh quá nặng lên vai các thầy cô giáo.”

Trong ngày 17 tháng 11, ông Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã dự giờ bộ môn Giáo Dục Công Dân tại 2 trường trung học ở Sài Gòn.

Tại một trong 2 buổi dự giờ này, theo tin của VietNamNet, các học sinh thảo luận những gì nên làm và những gì không nên làm.

Kết quả, “100% học sinh giơ tay phát biểu và nói như cháo chảy những điểm không nên làm, như không trộm cắp, không ma tuý, không chơi games.”

Bài báo viết tiếp, rằng “đây là những điểm cơ bản được nói đi nói lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng rất ít có hiệu quả trên thực tế.”

Có một phát biểu của ông Bộ Trưởng mà blogger Huy Đức ghi nhận và đưa vào bài viết của tác giả, đó là Bộ Trưởng Nhân muốn học sinh trở thành “đồng tác giả” của quá trình giảng dạy, chấm dứt tình trạng ê a đọc chép.

Hiển nhiên, chấm dứt tình trạng đọc chép là ý muốn tích cực, phù hợp lời kêu gọi mà những nhà giáo dục đưa ra từ lâu nay.

Tuy nhiên, blogger Huy Đức phân tích, rằng học sinh trở thành “đồng tác giả” trong quá trình giảng dạy là một việc không thể “đẩy từ dưới lên.” Anh viết:

“Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đúng khi đưa ra khái niệm “đồng tác giả.” Tuy nhiên, để những ý tưởng giáo dục đó có thể bước qua được những cánh cổng vững chắc đi vào trong các nhà trường, chính ông phải bắt đầu bằng chính sách…

Thay vì nhồi nhét một cách hiểu xơ cứng cho học sinh, hãy trang bị cho các em phương pháp tìm kiếm các dữ liệu và khả năng tư duy độc lập.”

Để kết thúc bài viết này, xin được trích một đoạn ngắn trong bức thư ngỏ mà ông Bộ Trưởng Giáo Dục kiêm Phó Thủ Tướng nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố 2 ngày trước ngày Hiến Chương Các Nhà Giáo năm nay:

Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.

“Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch liên ngành triển khai phong trào thi đua Xây Dựng Trường Học Thân Thiện, Học Sinh Tích Cực giai đoạn 2008 – 2013.

Theo đó, ngày Di Sản Văn Hoá Việt Nam sẽ là Ngày Về Nguồn để tuyên truyền, tổ chức các hoạt động đặc biệt của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh và của các trường.”
---------------------------
Vừa rồi là những ý kiến nhận định được phỏng vấn trực tiếp và ghi nhận từ một số blog liên quan đến tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.
Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org .

http://www.doi-thoai.com/baimoi1108_314.html

No comments: