Thursday, November 6, 2008

Nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo thế giới?

06 Tháng 11 2008 - Cập nhật 10h28 GMT

Lê Diễn Đức
Viết cho BBCVietnamese.com từ Ba Lan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/11/081106_ledienduc_uselexresult.shtml

Liên danh Obama-Biden sẽ lên lãnh đạo nước Mỹ vào ngày 20/1 tới

Được học tập và trưởng thành ở châu Âu, nhưng tôi đã từng sống và kiểm nghiệm màu sắc khác nhau của nhiều tiểu bang nước Mỹ.

Lối sống Mỹ luôn làm tôi thích thú, kinh ngạc, tuy đôi khi xa lạ. Tôi không thích cách sống đầy đủ nhưng phải suốt đời trả nợ của đa số người Mỹ.

Tôi khâm phục sự sáng tạo, giàu có và sự vĩ đại trên nhiều phương diện của nước Mỹ, nhưng vẫn thấy văn hoá châu Âu gần gũi hơn.

Dù vậy, khi bè bạn hỏi tại sao lại cho các con sang Mỹ, tôi thường trả lời: “Đây là đất nước của cơ hội, nhất là với giới trẻ”.

Vì thế, trong tiếng vang của dàn đại hợp xướng mừng Tân Tổng thống Barack Obama ngày 4 -5/11/2008, tôi thích nhất câu của Thủ tướng Australia Kevin Rudd.

Ông Rudd nói: “45 năm trước đây Luther King mơ ước về một nước Mỹ, nơi những người đàn ông và những người đàn bà không còn bị đánh giá qua lăng kính của màu da mà là tính cách. Hôm nay nước Mỹ đã thực hiện mơ ước đó”.

Vì sao Barack Obama thắng?

Báo chí thế giới hầu như thống nhất rằng, Barack Obama giành được ghế Tổng thống vì những lý do sau:

Hiện tượng mới lạ: Con trai của một người di dân Kenya với một phụ nữ da trắng gốc Kansas, được nuôi dạy ở Hawaii và Indonesia, tốt nghiệp Harvard và Yale, bản năng chính trị thiên phú (chống lại cuộc chiến Iraq khi rất ít chính khách bấy giờ dám làm), khả năng hùng biện...

Tất cả những điều trên khiến Obama trở thành một ứng viên thú vị, lôi cuốn. Các vị tổng thống nổi tiếng như Kennedy, Reagan, Clinton cũng có lý lịch hấp dẫn, nhưng lý lịch của Obama hấp dẫn hơn nhiều.

- Thời kỳ khó khăn của Đảng Cộng Hoà: Năm 2006 Đảng Cộng Hòa thua lớn trong bầu cử Hạ viện. Chiến tranh Iraq và Afghanistan. Nền kinh tế đứng trước suy thoái. Giá xăng (ở Mỹ quan trọng hơn giá bánh mỳ) phi mã.

Nixon với vụ Watergate còn có 19% người Mỹ ủng hộ, với George W. Bush chỉ 7%, thấp nhất trong lịch sử. Rào cản chặn chân McCain không tiến được tới đích chính là ông chủ Nhà Trắng mãn nhiệm.

- Khủng hoảng tài chính: Trước khủng hoảng tài chính hai bên ngang ngửa, thậm chí có lúc McCain nhích hơn 2-3 điểm. Sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, McCain hụt hơi liên tục sau 5 đến 11 điểm dẫn của Obama.

Bài diễn văn chấp nhận thua cuộc của ông McCain được nhiều người khen ngợi

-Chiến dịch tranh cử tốt: Phía Obama đã tận dụng chiến thuật thành công. Họ nhấn mạnh McCain là sự nối tiếp của ông Bush, mặc dù trong thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhiều lần McCain đã chống lại các chính sách của ông Bush và của đảng mình, thậm chí có lúc đảng Dân Chủ đã gợi ý đề nghị McCain là ứng viên Phó tổng thống.

Thứ đến, họ đưa ra những kế hoạch cụ thể hơn trong vấn đề giải quyết hậu quả của khủng hoảng được xem là di sản tám năm cầm quyền của Đảng Cộng Hoà (trong thực tế họ cũng là một phía của nguyên do vì họ ủng hộ triệt để việc cho vay tiền mua nhà dễ dãi).

- Bội thế hơn hẳn về tài chính: Với gần 700 triệu đôla, gấp hai lần đối phương, Obama đã được quảng cáo liên tục trên các phương tiện truyền thông lớn và nhỏ, trong khi McCain chỉ trên một số kênh quan trọng.

Nhờ có tiền bạc mà họ huy động được một đội quân tình nguyện đông đảo làm nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết phục tới hàng chục triệu gia đình qua việc đi gõ cửa từng nhà, treo áp-phích, trao truyền đơn kêu gọi, gọi điện thoại, gửi email, v.v… Người ta tính rằng, cho 1 lá phiếu, Obama đã phải trả giá 12 triệu đôla, trong khi McCain chỉ có 7 triệu.

Obama trước thử thách to lớn

Nếu không để ý đến số lượng cử tri đoàn phân bổ cho các tiểu bang (quyết định cho kết quả chung cuộc), nhìn hai màu đỏ và xanh trên bản đồ bầu cử nước Mỹ, ta thấy nước Mỹ gần như bị làm chia hai khối– mà không chỉ riêng lần này.

Trong một đất nước với 300 triệu dânngười da trắng và người Mỹ Latin chiếm tới khoảng 245 triệu, người ta đã đến với các thùng phiếu như một cuộc tổng động viên, để cuối cùng chọn vị Tổng thống da đen đầu tiên thuộc phần thiểu số còn lại.

Ông Obama phải đối diện với nhiều thách thức ở phía trước

Chiến thắng lịch sử của Obama không phải dễ dàng. Vừa ra khỏi cuộc giằng co quyết tử với Thượng nghị sĩ Hillary Clinton để giành vị trí ứng viên của Đảng Dân Chủ, thì Obama đã phải đương đầu với John McCain, một đối thủ già dặn, có sức chinh phục hàng chục triệu người Mỹ.

Cho đến phút chót, không một ai buông tay súng, từ sáng cho đến nửa đêm, cả hai đều tận dụng phần thời gian còn lại cuối cùng, hành trình hàng ngàn cây số để vận động những người Mỹ còn lưỡng lự.

Giờ đây, Hoa Kỳ với hai màu xanh đỏ sẽ ra sao với vị tổng thống da đen đầu tiên?

Phát biểu trước hàng chục ngàn người vui mừng tại Công viên Grant (Chicago) trong đêm 4/11, ông Obama nói: “... Người trẻ, người già, người giàu, người nghèo, người Dân Chủ và người Cộng Hoà, người da đen, da trắng, Latin, châu Á, người Mỹ chính thống, đồng tính luyến ái và không đồng tính cùng gửi tới thế giới thông điệp: Không bao giờ chúng tôi là tập hợp của những tiểu bang màu xanh và màu đỏ, mà là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

“Nếu ai đó còn nghi ngờ rằng, nước Mỹ là nơi tất cả mọi sự đều có thể; còn suy nghĩ rằng, niềm mơ ước của những người sáng lập nên nhà nước này vẫn còn sống động hay không và còn nghi ngờ sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta - thì hôm nay họ đã có câu trả lời”.

Ông Obama nhấn mạnh: “Chúng ta đang và sẽ luôn luôn là Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ. Tôi sẽ phục vụ đất nước tôi trong cương vị một người lãnh đạo xứng đáng”.

Những lời nói trên đây khẳng định sự thay đổi của nước Mỹ trong kỷ nguyên mới. Thế nhưng, với quyết tâm và thiện chí, cùng sự ủng hộ của Hạ Viện và Thượng Viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát, Obama không phải sẽ không gặp khó khăn để thực hiện kế hoạch của mình.

Khủng hoảng tài chính

Barack Obama đang đứng trước những thử thách to lớn: hậu quả hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan; cái nhìn của thế giới: tiếp tục vai trò cảnh sát quốc tế hay người gìn giữ các giá trị tự do và dân chủ; và quan trọng nhất với cử tri là giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ngay giữa lúc nền kinh tế đang trên bờ suy thoái.

Trong hoàn cảnh này, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ, đầu tư vào cuộc cách mạng năng lượng và bảo đảm cho hàng triệu người không bị mất nhà vì thiếu khả năng trả nợ, sẽ không chỉ là bài toán khó mà vô cùng nan giải với Obama.

Đảng Cộng Hoà chắc chắn vẫn chờ đợi quay lại nắm quyền sau 4 năm tới. Khi phe Dân Chủ chưa đạt được 60 ghế tại Thượng viện, Đảng Cộng Hoà vẫn có thể ngăn chặn các bộ luật muốn thông qua. Cho nên, để bảo đảm lời hứa bầu cử và những tham vọng của mình, ông Obama phải có thêm sự ủng hộ của cả những Thượng nghị sĩ đối lập.

Gọi điện thoại chúc mừng ông Obama, ông McCain khẳng định sự cộng tác của mình cho người lãnh đạo nước Mỹ, “đất nước mà chúng ta đều yêu quý”. Còn ông Obama cảm ơn ông McCain và mong rằng cả hai “cùng cố gắng chữa lành những vết thương và xây dựng nhịp cầu trên mọi sự chia rẽ”.


Nhiều lãnh đạo thế giới đã gọi điện chúc mừng ông Obama

Hy vọng rằng, nhận thức được hình ảnh và thực lực hiện tại của nước Mỹ, những nhà yêu nước (họ nói về nhau như thế) của cả hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Hillary Clinton đã cam kết trước công chúng trong đêm 4/11: “Cùng với sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Hạ viện với đa số của Đảng Dân chủ, chúng ta sẽ nhập vào dòng chuyển tốt hơn để xây dựng nền kinh tế mới và tái dựng lại sự lãnh đạo của chúng ta trên thế giới”.

Như Thủ tướng Australia nói trong lời chúc: “Cả thế giới chờ mong ở nước Mỹ sự đảm bảo vai trò lãnh đạo trước những thử thách to lớn của thế kỷ 21”.

Còn tại Ba Lan, đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Âu, như người trong cuộc, sống cùng với mọi cảm xúc của ngày bầu cử Mỹ.

Cựu Tổng thống Ba Lan A. Kwasnieswski từ Washington phát biểu trên đài truyền hình TVN24: “Đây là một trải nghiệm vĩ đại, bởi vì một nước Mỹ mới hồi sinh không một cảnh báo nào trước, không một chia rẽ. Thế giới cần Barack Obama hơn là ông cần nhiệm kỳ Tổng thống này".

"Cùng với Obama, mọi thứ cáo buộc, chia rẽ - những điều được nói nhiều nhất trên đường phố Mỹ - sẽ mất đi. Nước Mỹ cho cả thế giới hy vọng rằng, mọi thứ đều có thể”.

Warsaw, Ba Lan 5/11/2008

No comments: