Saturday, November 1, 2008

Cuốn sách đen của CNCS

Vào ngày 25-1, Hội đồng nghị viện Hôi đồng châu Âu (PACE) thông qua nghị quyết số 1481 với nội dung "về sự cần thiết lên án quốc tế đối với tội ác của các chế độ cộng sản độc tài”.

Tại Việt Nam, vấn đề cũng gây chú ý, và một số tờ báo có bình luận phê phán nghị quyết là "cố tình thay đổi lịch sử, xuyên tạc bóp méo sự thật."

Nhiều luận điểm trong nghị quyết này rút ra từ một cuốn sách nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi, “Cuốn sách đen của chủ nghĩa cộng sản”, được chủ biên bởi Stephane Courtois, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

Tác phẩm này xuất bản lần đầu tại Pháp cuối năm 1997, bán được hơn 100.000 bản và đến mùa xuân 1998, 150.000 bản.

Bản dịch đầu tiên của sách xuất hiện bằng tiếng Ý và Đức – sau đó là các thứ tiếng như Anh, Tây Ban Nha, Brazil, Thụy Điển, Czech, Ba Lan, Hà Lan, Nga...

Tính đến năm 2001, cuốn sách này đã bán được hơn 800.000 bản.

Cuốn sách gây tranh cãi rất nhiều trong giới sử gia, chính trị và trí thức. Nhân một năm sau ngày bản tiếng Pháp ấn hành, đã có hẳn một cuốn sách mô tả cuộc tranh luận về tác phẩm ở Pháp. Một cuốn sách tương tự sau đó cũng được in ở Đức.

Dưới đây là nội dung một số bài điểm sách với quan điểm khác nhau:

Journal of American History, tháng 12-2001:

Kể từ khi được xuất bản ở Pháp năm 1997, “Cuốn sách đen của chủ nghĩa cộng sản” đã đóng vai trò kép, vừa ghi lại những tội ác của nhiều chính thể Cộng sản và cũng là một văn bản bộc lộ vị trí thay đổi của chủ nghĩa Marx sau Chiến tranh Lạnh.

Nhiều phần trong các tranh cãi quanh cuốn sách tập trung vào phần giới thiệu của Stephane Courtois, trong đó ông này cho rằng chủ nghĩa cộng sản đại diện cho cái ác còn lớn hơn chủ nghĩa phát xít, một xác quyết phần lớn dựa trên con số người chết lớn hơn do chủ nghĩa Mác-Lê gây ra.

Tuy nhiên, tính chất bút chiến của phần giới thiệu không xuất hiện trong mọi chương theo sau. Phần đóng góp của Nicolas Werth và Jean-Louis Margolin về Liên Xô và châu Á nói chung tránh các tuyên ngôn ý thức hệ và thay vào đó, kể lại những lời của nhân chứng và từ kho lưu trữ về mức độ kinh hoàng, đàn áp và giết người hàng loạt ở các vùng này.

Việc Werth và Margolin bác bỏ giọng văn và lý luận của Courtois cũng khiến họ công khai phê phán lời giới thiệu sách và xác quyết về 100 triệu cái chết của Courtois.


Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc làm nhiều người chết

Tuy nhiên, các tác giả khác có vẻ ủng hộ nghị trình của Courtois và dùng bài viết của họ để vẽ bức tranh u ám về các chính thể Mác-Lê và các tổ chức cánh tả ở châu Âu, châu Mỹ Latin, châu Á, và châu Phi.

…Bên cạnh những lời bút chiến và việc thiếu các nguồn dữ liệu đáng tin, người đọc chú ý nhận xét của Andrzej Paczkowski trong chương viết về Ba Lan, rằng “nhìn quá khứ chỉ từ góc nhìn về sự đàn áp có nguy cơ khiến ta đánh giá thiên lệch về hệ thống Cộng sản.” Ngay cả những chương sách hay nhất trong Cuốn sách đen cũng có xu hướng tập trung vào cơ chế nội tại của khủng bố và đàn áp, vì thế chúng không thể trả lời câu hỏi vì sao các chính quyền Cộng sản lại thường xuyên sử dụng bạo lực đối với người dân của họ.

Courtois khảo sát nguồn gốc của bạo lực Mác – Lê trong chương kết luận, nhưng sự giải thích của ông tập trung gần như vào châu Âu và Liên Xô, bỏ qua các khu vực nơi chế độ Cộng sản còn tồn tại và là nơi mà có vẻ chính quyền gây ra nhiều cái chết nhất.

Cuốn sách đen cũng không giúp người đọc hiểu làm thế nào chủ nghĩa cộng sản thu hút ủng hộ của hàng triệu người. Nếu bạo lực và đàn áp là tất cả những gì chủ nghĩa Marx cung cấp, thì vì sao nó nhận được sự ủng hộ đông đảo và vì sao một số người vẫn còn bảo vệ nó?

Foreign Policy, số Mùa xuân 1998:

Tại làm sao Cuốn sách đen này gây ra các bài báo luận chiến nảy lửa trên báo Pháp và thậm chí khiến một số tác giả trong sách – như Werth – công kích Courtois, người viết phần giới thiệu và kết luận của sách?

Điều mà Werth và một số đồng nghiệp phản đối là “sự lợi dụng số liệu về người bị chết” (Courtois nói đến con số 100 triệu, gồm 65 triệu ở Trung Quốc); “việc dùng các công thức gây sốc, dùng lịch sử nhằm ngụ ý hướng tới sự so sánh và tính chất của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản.” Quả thực Courtois sẽ thuyết phục hơn nếu ông tỏ ra kiềm chế hơn.

...Cuộc bút chiến theo sau việc in cuốn sách cho thấy nhiều trí thức cánh tả ở Pháp vẫn miễn cưỡng khi phải đặt chủ nghĩa cộng sản ngang bằng chủ nghĩa phát xít, vì họ không tin rằng điều mà Courtois gọi là “diệt chủng giai cấp” lại ngang bằng diệt chủng, và cũng bởi vì họ không thấy có yếu tố gì gỡ gạc lại cho chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa cộng sản, ngay cả nếu rốt cuộc nó đã phản bội lại lý tưởng của mình, thì ít nhất cũng còn ôm lấy một lý tưởng toàn cầu về giải phóng nhân loại.


Nhiều trí thức thấy khó từ bỏ giấc mơ xưa về sự giải phóng con người


...Cuộc tranh luận này cũng cho thấy tính địa phương trong giới trí thức Pháp tiếp tục tồn tại. Cuốn sách cuối cùng của sử gia Furet, Le Passe d’une illusion, tuy mang tiếng là nói về những người có cảm tình với cộng sản trên khắp toàn cầu, cũng chỉ tập trung vào Pháp. Chỉ ở Pháp các tác giả mới tranh luận vì sao thiếu vắng cuộc điều tra về tội ác cộng sản – một chủ đề mà các học giả ở Anh và Mỹ nói chung đã bàn xong.

Sự giải độc khỏi chủ nghĩa cộng sản bắt đầu với các trí thức như thầy của Courtois, Annie Kriegel, ở giữa thập niên 1950 và sự thoát khỏi chủ nghĩa Marx trong giữa thập niên 1970 làm một số trí thức tìm kiếm các ý thức hệ khác. Nhưng những trí thức khác thì thể hiện sự có lý đằng sau bình luận của Furet rằng chủ nghĩa tư bản càng thắng lợi, nó càng bị thù ghét. Và mặc dù những người này không hề có cảm tình với một nền dân chủ xã hội chuyển sang thị trường và họ cũng không còn tin vào chủ nghĩa cộng sản quá vãng, nhưng họ thấy khó từ bỏ giấc mơ xưa về sự giải phóng con người, giải phóng khỏi nghèo đói và cô lập.

The Times, 25-11-1999:

Đầu tiên có vấn đề với các con số: nhiều hơn không đồng nghĩa với “tệ hơn”. Cuốn sách đen vẽ ra số người chết kinh khủng của các chính thể cộng sản: 25 triệu ở Liên Xô, 65 triệu ở Trung Quốc, 1.7 triệu ở Campuchia. Nhưng lấy trường hợp Liên Xô, nhiều trong số những người chết là nạn nhân của trận đói 1922 (cũng như cũng là hậu quả của nội chiến và hạn hán và của các chính sách cộng sản), nhiều người chết khác là tù của Đức trong Thế chiến Hai. Việc lên án các tội ác của cộng sản không được thuyết phục bởi những thống kê như vậy.


[Các tư tưởng cộng sản] được áp dụng theo những cách khác nhau.



Thứ hai, chúng ta phải tính đến động cơ, sự tàn nhẫn của việc giết chóc, vân vân. Người Đức giết người Do thái chỉ vì lý do họ là Do thái. Nhưng nạn nhân của những người cộng sản bị giết vì hậu quả của những chính sách tệ hại, hoặc bị giết trong cơn vội vã muốn đạt các mục tiêu của một cuộc cách mạng sai lầm. Đây đúng hơn là trận bão giết chóc hỗn loạn, và ngay cả nếu đôi khi, như việc giết chóc trong giai đoạn tập thể hóa nông dân, những người cộng sản có mục tiêu cụ thể, thì những nạn nhân của họ cũng ngẫu nhiên và không thể tạo nên một giai cấp. Không có việc ‘diệt chủng giai cấp” để đối chọi lại với việc hủy diệt một chủng tộc.

Nói như thế không có nghĩa là sự Khủng bố của Stalin là một ‘tai nạn ngẫu nhiên’. Nhưng ý ở đây muốn nói rằng các cơn sóng đàn áp xảy ra, ít nhất một phần, từ một cuộc cách mạng xã hội và không thể được giải thích như hậu quả mang tính hệ thống của một ý thức hệ. Các tư tưởng cộng sản ở đâu cũng thế, nhưng chúng được áp dụng theo những cách khác nhau.

The Wilson Quarterly, 1-4-2001:

Vì sao có các tranh cãi? Tôi tin vấn đề không phải vì hòn đá đã được ném vào lịch sử hay cách viết sử, mà vì nó ném vào cái hồ nước của những ấn tượng công thức của phái tả. Mặt hồ gợn sóng vì hòn đá ném trúng vào sự nhạy cảm xã hội và lịch sử của các cá nhân trong một số nhóm chính trị và trí thức. Họ cảm thấy đau đớn khi phải đối diện không chỉ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản với tư cách hệ thống nhà nước, mà – như ở nhiều quốc gia – cả sự dễ dàng biến hóa thành chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc Bolshevik (như Gennady Zhiuganov ở Nga) và bài ngoại (như Slobodan Milosevic ở Serbia).


Không dễ để nói từ biệt với hy vọng và giấc mơ thời trai trẻ.


Nhà văn Ý, Ignazio Silone, từng viết: “Các cuộc cách mạng, giống như cây, cần được đánh giá bằng thành quả.” Nhiều trí thức đã cố, và vẫn tiếp tục cố, đánh giá cuộc cách mạng cộng sản không phải bằng hiện thực mà bằng ảo tưởng về chúng.

…Những biện minh cho chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ tâm lý và có gốc rễ sâu sắc. Không dễ để nói từ biệt với hy vọng và giấc mơ thời trai trẻ, đặc biệt sau khi anh đã bảo vệ chúng trong nhiều năm trước sự chống đối mãnh liệt. Tôi tin sử gia Jeffrey Herf, viết trên báo Washington Post, đã đúng khi nhận xét, “Trong giới học thuật phương Tây, những nhà nghiên cứu chọn việc tập trung vào tội ác của chủ nghĩa cộng sản đã và vẫn là thiểu số, và họ đối diện rủi ro không thăng tiến được khi bị dán nhãn là cánh hữu.”

…Tôi tin Cuốn sách đen của Chủ nghĩa cộng sản ít nhất có hai tác động rất tích cực. Nó khơi dậy cuộc tranh luận sâu sắc và quan trọng về sự thực thi ý thức hệ toàn trị, và nó cho thế giới bản báo cáo về một khía cạnh của hiện tượng chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Các sử gia không thể bỏ qua báo cáo này. Thông tin trong Cuốn sách đen là không thể thiếu cho một sự đánh giá hợp lý về lịch sử thế kỷ 20.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/02/060208_blackbook_reviews.shtml

* Vài tài liệu về Ho Chi Minh và CNCS
* Cuốn sách đen của CNCS

No comments: