Thursday, November 6, 2008

Thử Thách Tổng Thống Tân Cử Obama

Ngô Nhân Dụng

Ít khi một vị tổng thống tân cử chưa làm lễ tuyên thệ nhậm chức đã được hỏi ý kiến ngay về chuyện tiền bạc, chi tiêu của nhà nước. Nhưng đương kim Bộ Trưởng Tài Chánh Henry Paulson đã nói rồi. Ông sẽ tham khảo ý kiến của người sắp nắm vận mạng tài chánh về việc sử dụng khoảng 537 tỷ đô la, số tiền còn lại trong ngân sách 700 tỷ mà chính phủ George W. Bush được phép dùng để giải cứu hệ thống tài chánh và ngân hàng của Mỹ. Tổng thống tân cử sẽ phải chỉ định ngay một bộ tham mưu kinh tế, tài chánh để làm việc với chính quyền đương nhiệm, trước ngày 20 Tháng Giêng năm 2009.


Không phải chỉ có bên Hành Pháp quan tâm đến việc tham khảo vị tổng thống tân cử. Quốc Hội đương nhiệm còn hơn 3 tháng tại chức đang có ý định bàn về một chương trình kích thích kinh tế mới, sau số tiền 168 tỷ được quyết định vào đầu năm, trong đó 105 tỷ được gửi tới từng gia đình đóng thuế ở Mỹ. Món tiền đó như muối bỏ biển, cho hết Mùa Hè chưa đủ sức kích số tiêu thụ lên, vì những người nhận được ngân phiếu chưa đủ để mua xăng khi giá xăng lên trên 4 đô la, nhiều người còn lo trả nợ để khỏi bị xiết nhà. Cho nên cả Tòa Bạch Ốc lẫn Quốc Hội đều nhắc đến một chương trình “kích thích” mới. Cố vấn kinh tế của Nghị Sĩ John McCain đã gợi ý có thể chi thêm 300 tỷ nữa để kích thích kinh tế. Nhưng trước khi quyết định cho phép chính phủ vay nợ thêm để tiếp tục kích thích kinh tế, các đại biểu quốc hội không thể nào không hỏi ý kiến của vị tổng thống tân cử về chương trình của ông sau khi nhậm chức. Nếu cần, họ sẽ chờ tới khi các đại biểu quốc hội mới nhậm chức.


Ông Paulson rất muốn tham khảo với ê kíp tài chánh mới, để chia sẻ trách nhiệm. Vì việc phân chia số tiền lớn này có thể gây cảm tưởng có những quyết định do thiên kiến, nếu không phải là do tư vị. Ngay bây giờ, ông Paulson đã quyết định xong số tiền 250 tỷ được dùng mua cổ phần trong một số ngân hàng và công ty lớn, giúp họ thoát cảnh thiếu tiền mặt, nhưng mới sử dụng 163 tỷ trong số đó mà thôi. Số còn lại sẽ giúp cho những công ty hoặc ngân hàng nào, sẽ hỏi ý kiến những người sắp vào thế chỗ. Còn 450 tỷ còn lại sẽ được quyết định dùng vào việc gì, để giúp các xí nghiệp, giúp những cá nhân đang sợ bị sai áp nhà, giúp cả các chủ nợ của họ?


Thái độ dè dặt và cởi mở của ông Henry Paulson là hợp lý. Với một số tiền 450 tỷ có thể dùng để thi ân, báo oán, chính quyền hiện nay không thể đặt vị tổng thống tân cử trước sự đã rồi, khi nhận lãnh trách nhiệm trong 3 tháng rưỡi nữa.


Nhất là khi vị tổng thống tân cử đang phải chuẩn bị làm công việc “quét dọn” đống rác kinh tế, những tàn dư do chính quyền đang mãn nhiệm để lại. Ông cần thực hiện ngay những kế hoạch cấp bách không thể trì hoãn.


Những vấn đề có tầm xa, từ cải tổ y tế, tự túc năng lượng, đến cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, mà hai ứng cử viên đã nêu ra trong cuộc tranh cử, sẽ trở thành mờ nhạt trước gánh nặng kinh tế mà chính quyền sắp tới phải nhận trên vai. Trong ngày Thứ Hai, khi Nghị Sĩ John McCain bay qua bẩy tiểu bang để làm một vòng tranh cử chót, thì nước Mỹ nhận được những tin tức kinh tế xấu nhất. Tuy thị trường chứng khoán đã tăng lên 300 điểm, hơn 3% trong ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu, nhưng chính quyền mới sẽ phải đương đầu với các khó khăn y như trước. Nhiều chuyên gia tiên đoán tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 6.1% sẽ tăng lên đến 8% vào năm 2010.


Tin xấu dễ hiểu nhất là số xe hơi bán trong Tháng Mười được công bố trong ngày 3 Tháng Mười Một. Số xe hơi và xe tải nhẹ của công ty GM bán 45% ít hơn cùng thời kỳ năm ngoái, số sụt giảm nặng nhất kể từ 60 năm nay. Công ty Ford cũng bị giảm 30%, vững chãi nhất là Toyota cũng thấy số xe bán giảm 23%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ISM đã hạ thấp, từ 43.5 xuống 38.9, con số thấp nhất trong 26 năm nay.


Nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của chính phủ mới là vực dậy nền kinh tế. Những chính sách mà chính phủ mới sẽ thực hiện để kích thích tiêu thụ bao gồm các biện pháp như kéo dài thời hạn nhận trợ cấp thất nghiệp cho các công nhân gặp khó khăn; tăng tiền trợ cấp bằng phiếu mua thực phẩm (food stamp) và trợ giúp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương. Chính phủ liên bang có thể chấp nhận cảnh ngân sách khiếm hụt và đi vay nợ để chi tiêu; nhưng các tiểu bang, các quận hoặc thị xã bị giới hạn, khi kinh tế xuống thì tiền thuế thu vào xuống theo và họ sẽ phải hạn chế chi tiêu đúng lúc cả nước cần kích thích tiêu thụ. Do đó, chính phủ liên bang phải đứng ra giúp các tiểu bang, nếu không, những biện pháp của liên bang bị giảm hiệu quả. Vị tổng thống tân cử sẽ chịu áp lực để không tăng thuế những người giầu nhất nước, từ thuế lợi tức đến thuế trên tiền lời đầu tư, vì trong một thời kỳ kinh tế thoái trào không chính phủ nào nên tăng thuế cả.


Kế sách giản dị nhất là vị tổng thống tân cử có thể làm là dùng một phương thuốc chính phủ Mỹ đã thử trong thời khủng hoảng kinh tế 1930: Chi tiêu để xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo công việc làm và kích thích tiêu thụ.


Nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã ví việc chi tiêu công quỹ để kích thích kinh tế giống như chính phủ đem chôn tiền dưới đất rồi thuê người đi đào tiền lên. Mục đích chỉ cốt tạo công việc làm, giảm bớt số người thất nghiệp và gia tăng số tiền họ đem tiêu thụ để thúc đẩy cho những người khác sản xuất, tạo thêm công việc khác. Chi tiêu công quỹ như vậy hy vọng sẽ giúp kinh tế hồi phục sớm hơn. Hiện nay có khoảng 3000 dự án xây dựng trên toàn quốc, từ đường, cầu tới đập nước, phi trường, đang chờ có tiền thì khởi công. Với 300 tỷ kích thích, trong một năm nữa tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức dưới 8%, nếu không thì có thể tăng lên gần 9%.


Một mối lo khi chính phủ kích thích tiêu thụ bằng cách tạo tăng chi tiêu, là công quỹ sẽ gánh nợ nhiều hơn. Số tiền nợ của chính phủ Mỹ năm 2008 lên tới một ngàn tỷ mỹ kim, sẽ thành gấp đôi trong năm tới. Khi chính phủ vay thêm nợ nhiều quá thì tiền bạc sẽ được hút vào công quỹ, số tiền còn lại trên thị trường sẽ giảm đi, do đó các xí nghiệp và tư nhân đi vay sẽ phải chịu lãi suất cao hơn. Lãi suất cao sẽ khiến các xí nghiệp khó phát triển và tư nhân khó vay tiền để tiêu thụ, như khi mua nhà, mua xe. Như vậy thì việc chính phủ vay nợ tạo ra ảnh hưởng ngược chiều với mục đích của các chương trình kích thích tiêu thụ. Vị tổng thống tân cử sẽ phải hợp tác với Hệ thống Dự trữ Liên bang, tức ngân hàng trung ương nước Mỹ, để làm sao cân bằng được hai loại ảnh hưởng ngược chiều này. Trước đây chính phủ Mỹ vay nợ rất dễ vì cả thế giới dư thừa tiền để dành, sẵn sàng cho nước Mỹ vay. Nhưng trong năm tới kinh tế thế giới cũng sụt giảm, những nước dư tiền như Trung Quốc, Nhật Bản, cũng phải lo kích thích nền kinh tế của chính nước họ.


Một thử thách thứ hai cho vị tổng thống tân cử là cần phải làm ngay là cải tổ hệ thống tài chánh nước Mỹ, đồng thời hợp tác với các quốc gia tiên tiến cải tổ nền tài chánh thế giới.


Nước Mỹ đã chứng kiến cảnh các định chế tài chánh tư sụp đổ, một lý do là vì không được giám sát chặt chẽ đủ. Trong khung cảnh luật lệ và người thi hành luật lệ có khuynh hướng dễ dàng với niềm tin vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường, nhiều ngân hàng và công ty tài chánh đã có những quyết định quá nhiều rủi ro, gần như tự hủy hoại mình. Ai cũng thấy hệ thống tài chánh cần được giám sát chặt chẽ hơn, nhưng một điều đáng ngại là kiểm soát chặt chẽ quá sẽ làm cho cả hệ thống trì trệ, có thể tê liệt. Làm sao để cân bằng giữa nhu cầu giám sát và nhu cầu khai phóng cho thị trường hoạt động, quốc hội và chính phủ mới sẽ phải lo đặt ngay những quy tắc căn bản từ đó các chuyên gia sẽ vẽ ra các đường nét của một hệ thống tài chánh mới.


Cho nên ông Bộ Trưởng Paulson đã dành sẵn những văn phòng để đón ban tham mưu kinh tế tài chánh của vị tổng thống sắp chấp chánh. Họ sẽ được tham khảo ý kiến nhưng không có quyền quyết định, về những vấn đề như sử dụng 450 tỷ Mỹ kim còn lại trong kế hoạch giải cứu ngân hàng. Họ sẽ bàn nhau cách đối xử với những công ty chuyên tài trợ địa ốc như Fannie và Freddie. Họ sẽ thảo luận về kế hoạch kích thích tiêu thụ sắp tới.


Trong số những đề tài được bàn bạc sẽ là vai trò của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang trong tương lai. Hiện nay Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có hai nhiệm vụ chín Hỏi: giữ giá cả bình ổn, để ngăn lạm phát và giúp giảm bớt nạn thất nghiệp. Quốc Hội có thể làm luật giao cho Ngân Hàng Trung Ương thêm một nhiệm vụ khác là bảo vệ hệ thống tài chánh vững chắc. Với trách nhiệm mới này, Ngân Hàng Trung Ương sẽ đóng vai trò giám sát hệ thống tài chánh và ngân hàng chặt chẽ hơn và có quyền hành động trong việc giải cứu nếu cần.




Hiện nay hệ thống tài trợ địa ốc trên toàn quốc gần như đã được quốc hữu hóa, dù người ta tránh dùng từ ngữ này. Còn các ngân hàng lớn hiện cũng đang bán cổ phần cho chính phủ để lấy tiền mặt, từ Goldman Sachs đến Bank of America. Một thử thách của vị tổng thống tân cử là phải cho cả nước và thế giới biết chính phủ Mỹ sẽ không dùng quyền lực chính trị chi phối thị trường kinh tế tài chánh.




Trước ngày 20 Tháng Giêng năm 2009 khi tổng thống tân cử nhậm chức, ông có thể đề cử ngay một người để mai mốt làm bộ trưởng tài chánh, tốt nhất là một người có kinh nghiệm, được giới kinh doanh và tài chánh tin tưởng.




Cuối cùng công tác nặng nhất của vị tổng thống tân cử là phục hồi niềm tin của dân chúng Mỹ và của thế giới vào tiềm năng của hệ thống kinh tế, tài chánh tư bản mà nước Mỹ vẫn đóng vai dẫn đầu. Ông sẽ phải cải thiện hệ thống đó sau những kinh nghiệm cay đắng vừa qua. Nhưng các nền tảng của cách tổ chức xã hội, với một hệ thống kinh tế tự do, đi đôi với một thể chế chính trị tự do dân chủ vẫn là con đường mà cả loài người sẽ lựa chọn. Nước Mỹ vẫn chứng tỏ họ có một khả năng thích ứng nhanh chóng và linh động với các khó khăn từ kinh tế đến xã hội, đây là điều mà vị tổng thống mới sẽ phải biến thành sự thực.

No comments: