Wednesday, November 5, 2008

Nguyên Liệu Bột Cá Trung Quốc Nhập Vào VN Có Melamine

3/11/08

Thịt Chà Bông Làm Bắng Thịt Heo Bệnh Trộn Với Bìa Giấy Bồi

(Cần Thơ) Báo chí trong nước đang phanh phui vụ một hãng làm thịt chà bông bằng thịt heo bệnh và bìa cạc-tông, bán siêu rẻ vừa bị bắt khi đang tiêu thụ khắp các tỉnh Miền Tây. Giá thịt chà bông này bàn rẻ gấp 3 giá thị trường, vì trọng lượng bìa cạc-tông xay nhỏ trộn vào là 30%, còn thịt lại là heo bệnh tai xanh.


Nguồn tin cho biết, giá một ký thịt chà bông chỉ 70 đến 80,000 đồng Việt Nam, được tiêu thụ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bí quyết của công nghệ sản xuất siêu rẻ này nhiều nghi vấn là, dùng heo bệnh tai xanh mua từ Thanh Hóa vào Cần Thơ, trộn với bìa giấy bồi và cho ra thứ thành phẩm chà bông "rợn người" nói trên. Điều đáng nói là sản phẩm này đã được tiêu thụ ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong một thời gian dài. Cán bộ kiểm tra nhà nước khi đến điều tra đã phát hiện được số lượng tàng trữ khoảng 500 ký thịt heo chà bông thành phẩm không rõ nguồn gốc đang bốc mùi hôi thối, được cất giữ trong nhà vệ sinh cùng với toàn phương tiện sản xuất loại thịt chà bông trên.


Chủ nhà và người làm đều bỏ trốn, khóa toàn bộ nhà cửa, kho chứa, phải mất 2 giờ đồng hồ mới phá cửa vào kiểm tra. Phòng vệ sinh được chia làm đôi, một làm nơi vệ sinh thật, và một để chứa máy móc chế biến nhằm che mắt để tránh bị phát hiện. Toàn bộ căn phòng ẩm mốc, nặc mùi. Đoàn đã thu giữ 2 máy nghiền giấy cạc-tông và gửi số thịt chà bông đến trung tâm Y Tế thành phố để kiểm nghiệm. Công an quận Bình Thủy cho biết Cơ sở này không hề có giấy tờ kinh doanh hoặc chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.


Nguyên Liệu Bột Cá Trung Quốc Nhập Vào VN Có Melamine

(Sài Gòn ) Nguyên liệu bột cá được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc về để làm thức ăn chăn nuôi đã bị phát hiện nhiều lô hàng có nhiễm melamine. Theo xác nhận của ông Nguyễn Như Tiệp, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqaved) thuộc Bộ NN-PTNT, 2 lô hàng trong tổng số nguyên liệu bột cá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cuối tháng 9-2008 vừa qua, nhập vào TP. Sài Gòn, để chế biến thức ăn cho thủy sản, đã bị phát hiện nhiễm melamine.


Tiến hành kiểm tra và truy xuất nguồn gốc từ 22-10, đến nay, cơ quan Nafiqaved khẳng định, kết quả giám định cho thấy lô nguyên liệu bột cá này có chứa melamine với nồng độ khá cao, khoảng 150 ppm. Trong đó, đã có một phần bột cá nguyên liệu (khoảng 100 tấn) được Công ty nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO) chuyển về chế biến, sau đó đưa vào làm thức ăn cho cá tại một số số trang trại. Do màu sắc và mùi vị bất thường của bột cá nên doanh nghiệp đã mang đi xét nghiệm.


Ông Tiệp cho biết, sau khi có kết quả, Nafiqaved đã lập tức yêu cầu truy xuất toàn bộ lô hàng nhập khẩu trên; đồng thời kiểm soát ngay số nguyên liệu đã đưa về Cần Thơ để chế biến. Toàn bộ lượng thức ăn thủy sản được chế biến từ lô nguyên liệu đó đang được thu gom. Ông Tiệp trấn an rằng "số cá được nuôi bằng thức ăn nghi nhiễm melamine cũng đã "được kiểm soát". Hiện tất cả đang được niêm phong, chờ xử lý", đồng thời khẳng định "Cho đến thời điểm này, cá được sản xuất trong nước không nhiễm melamine".


Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. Sài Gòn cũng cho biết cơ quan này đã phát hiện hai lô hàng bột cá, tổng cộng 240 tấn, dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản có melamine, do hai công ty Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua cảng ở TP. Sài Gòn từ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2008.


Theo ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Nafiqaved, trên thực tế, cơ quan này không lạ gì với chất melamine. Từ năm 2004, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo tất cả các nước xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ, trong đó có Việt Nam, về việc nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi cho cá của Trung Quốc có melamine, và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, và "Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc này."


Trao đổi với báo chí, ông Cương cho biết trong những năm qua bột cá nhập cảng từ Trung Quốc đều được xét nghiệm âm tính melamine, và VN cũng chủ yếu nhập khẩu ngô, bột cá từ Mỹ, Pêru và một ít ở Ấn Độ, do vậy theo ông, "nếu bột cá của Trung Quốc có melamine thì chắc chắn là nhập lậu, hoặc không qua kiểm định chất lượng. Trước thông tin mà Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở KH-CN TP. Sài Gòn công bố về 80/ 400 mẫu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và thành phẩm có chứa melamine, ông Nguyễn Tử Cương tỏ ra rất bức xúc và nghi ngờ về tính chất đại diện của mẫu, có phải của lô hàng nhập khẩu không, và lô hàng đó có nguồn gốc từ đâu.


Liên quan đến việc này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Dương, thừa nhận, đúng là Việt Nam đang nhập gluten ngô và bột cá từ Trung Quốc - đây là nhóm có nguy cơ cao nhiễm melamine vì các sản phẩm thừa này Trung Quốc có thể đã bị trộn melamine vào để tăng độ đạm. Loại thứ hai là melamine được trộn trực tiếp vào thức ăn cho gà, vịt đẻ trứng hay lợn thịt.


Một số doanh nghiệp trong nước không biết, ham rẻ nhập về để chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Cục chưa có phòng xét nghiệm nên các doanh nghiệp phải đem mẫu đi phân tích ở những nơi khác, chỉ khi nào thấy nghi ngờ mới lẫy mẫu phân tích lô hàng. Đây chính là lỗ hổng lâu nay Việt Nam chưa kiểm soát được.


Do vậy, trong đợt lấy mẫu kiểm tra này, ông Dương nói rằng "đoàn sẽ kiểm tra đồng loạt cả hai miền Nam - Bắc, nhằm vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ Trung Quốc, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối và cơ sở chăn nuôi.

http://blog.360.yahoo.com/blog-hli5sBg5br_WkOVlrouYKCekYqLVZw--?cq=1&p=1115

No comments: