Sunday, November 2, 2008

Chuyện 50 năm VNCH

Chuyện 50 năm VNCH

Tú Gàn

Saigon Nhỏ ngày 13.10.2006

Hôm Chúa Nhật 22.10.2006 tới đây, một số đoàn thể ở Little Sài Gòn sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập VNCH tại Tượng Đài Chiến Sĩ ở thành phố Westminster, California. Đây cũng là dịp tốt để chúng ta ôn lại lịch sử và từ đó rút ra những bài học.

Tuy nhiên, đìều quan trọng để có thể rút ra bài học lịch sử, trước tiên là phải TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ. Xét đoán các biến cố đã xẩy ra theo cảm tính chứ không theo các bằng chứng có giá trị, tìm cách che đậy hay biện minh cho những sai lầm của quá khứ, tìm cách bôi bác hay bóp méo những sự kiện lịch sử, hoặc đứng về một phía để nhìn... đều sẽ đưa tới những sai lệch. Nhưng trả lại sự thật cho lịch không phải là chuyện dễ dàng.

Trước hết, mặc dầu đã 75 năm, cho đến nay nhiều tài liệu lịch sử vẫn chưa được công bố, nhất là về phía Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta nhớ lại, trong tháng 5 vừa qua, Văn Khố An Ninh Quốc Gia (National Security Archive) của Hoa Kỳ đã cho phổ biến 2.100 bản văn (memoranda) dài 28.000 trang mang tên “The Kissinger Transcripts: A Verbatim Record of U.S. Diplomacy, 1969-1977”, đa số liên quan đến cuộc chiến Việt Nam. Những tài liệu này đã làm đảo lộn khá nhiều cách nhìn của chúng ta về cuộc chiến Việt Nam. Còn nhiều tài liệu quan trọng khác rồi đây sẽ được đưa ra ánh sáng.

Thứ hai, một số đông vì đã dính chặt với bên này hay bên kia, nên nhất quyết bảo vệ phe mình bằng mọi giá, bất chấp sự thật lịch sử. Một số khác có dính líu đến các biến cố lịch sử đã viết hồi kỳ, bình luận, nhận định... để nói lên quan điểm của họ về các biến cố đó. Nhưng đa số đã trình bày theo cảm tính, không dựa vào các bằng chứng đáng tin cậy, không nghiên cứu đến nơi đến chốn, hay tìm cách bôi bác hoặc xuyên tạc sự thật để che đậy những sai lầm của quá khứ, hoặc chỉ viết để phô trương “cái tôi” không có thực, v.v. Do đó, đưa ra sự thật lịch sử thường bị nhiều người phản đối.

Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên chỉ là những nỗ lực không đến bù. Như W. Brayant đã nói: “Truth crushed to earh shall rise again”. Sự thật dù có vùi xuống dưới đất rồi cũng sẽ trổi dậy. Chỉ trong vòng 50 năm nữa, khi thế hệ liên hệ đến cuộc chiến không còn nữa, những bí mật lịch sử mà họ cố tình che giấu hay bóp méo, rồi cũng sẽ xuất hiện nguyên hình.



CHỌN LẦM CON ĐƯỜNG

Sau đại chiến thứ hai, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thu hồi độc lập toàn vẹn mà không phải tốn một giọt máu nào. Trái lại, Việt Nam đã trở thành quốc gia bất hạnh nhất trên thế giới vì có sự tranh chấp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản trên mảnh đất nhỏ bé này, đưa tới một cuộc chiến kéo sài 30 năm với hậu quả là hàng triệu người đã chết, gần ba triệu người phải bỏ nước ra đi, Việt Nam trở thành một nước nghèo nhất thế giới và mặc dầu cuộc chiến đã chấm dứt hơn 30 năm, hận thù vẫn còn chồng chất!

Vì người Việt bị chia thành hai phe đối đấu nhau, một phe đi theo khối Cộng Sản và một phe đi theo khối Tư Bản, nên đã hình thành hai chính quyền với hai chính thể khác nhau, coi nhau như kẻ thù không đội trời chung, và bên nào cũng tự nhận chỉ bên mình có chính nghĩa..., thành ra đất nước tan hoang.

Việc hình thành “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (sau đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cũng như “Việt Nam Cộng Hòa” đều phải trải qua nhiều gian nan và tốn nhiều xương máu. Người thành lập VNDCCH là Hồ Chí Minh và người thành lập VNCH là Ngô Đình Diệm.


1.- Thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa: Bằng những mánh khóe xảo quyệt, ngày 17.8.1945, Việt Minh đã cướp được chính quyền tại Hà Nội. Ngày ngày 23.8.1945, Hồ Chí Minh công bố thành phần chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và ngày 25.8.1945 Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình.

Tuy nhiên, ngày 17.8.1945 Tướng De Gaulle đã cử Đô Đốc Thierry d’Argenlieu làm Cao Ủy Pháp kiêm Tổng Tư Lệnh tại Đông Dương để đưa quân tái chiếm Đông Dương, ngăn chận sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản. Không kháng cự nổi Pháp, ngày 6.3.1946, Hồ Chí Minh phải ký với Pháp Hiệp Định Sơ Bộ (Accords Préliminaires). Theo hiệp định này, Pháp chỉ công nhận “Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp”. Nhưng sau đó Pháp đuổi Việt Minh chạy có cờ. Phải đến tháng 10 năm 1949 khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thắng ở Trung Hoa, Việt Minh mới được Mao Trạch Đông huấn luyện và viện trợ để đánh bật Pháp ra khỏi Đông Dương. Ngày 20.7.1954, Pháp phải ký Hiệp Định Genève, trao phần đất từ vĩ tuyến 17 trở ra cho Hồ Chí Minh. Lúc đó Đảng CSVN mới thật sự có nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.



2. Thành lập Việt Nam Cộng Hòa: Năm 1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, một cuộc tranh chấp đã xẩy ra giữa phe theo Cộng Sản và phe không theo. Qua áp lực của chính quyền Tưởng Giới Thạch, cả hai phe đã hợp tác với nhau một thời gian. Nhưng sau khi quân đội Trung Hoa rút khỏi Việt Nam, hai phe đã tàn sát lẫn nhau để tranh quyền làm bá chủ đất nước. Phe chống Cộng đã vận động đưa Cựu Hoàng Bảo Đại trở về hợp tác với Pháp để đánh bại Việt Minh và dần dần thu hồi độc lập như các nước Á Châu khác.

Ngày 5.6.1948, tại vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay-Trouin, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương là Émile Bollaert, người thay thế Thierry d’Argenlieu, đã cùng với Cựu Hoàng Bảo Đại ký Tuyên Ngôn Chung (declaration commune) gồm ba điểm, trong đó điều 1 xác định: “Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam.” (La France reconnait solennement l’indépendance du Vietnam). Ngày 1.6.1948 Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân đã công bố hiến chương lâm thời gọi là “Pháp Quy Tạm Thời” (Status Provisoire) của nước Việt Nam. Tuy nhiên, chủ quyền vẫn nằm nơi tay người Pháp vì người Pháp vẫn nắm trọn quyền cả về quân sự lẫnø tài chánh.

Năm 1954, khi biết chắc Việt Nam sẽ bị chia đôi, Cựu Hoàng Bảo Đại đã quyết định đưa ông Ngô Đình Diệm về để cứu vãn tình thế, nhất là bảo vệ ngôi của nhà Nguyễn, vì ông ta vốn là cựu thần của nhà Nguyễn. Nhưng tình hình của phe chống Cộng lúc đó rất lộn xộn. Trong Nam, Pháp dùng quân đội của các giáo phái và Bình Xuyên như là Phụ Lực Quân (Suppletif Forces) để giữ lãnh thổ, và dùng các viên chức thân pháp để cai trị. Tại miền Bắc, Pháp dùng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng để bình định nông thôn. Khi tình hình lộn xộn, các lực lượng này đã trở thành những “sứ quân”, hùng cứ tại những phương khác nhau.

Thấy Pháp không còn đứng được nữa, Hoa Kỳ đã nhảy vào với ý định thay Pháp. Tổng Thống Eisenhower đã đưa Đại Tá Edward Lansdale sang giúp ông Diệm ổn định tình hình và thu hồi lại chủ quyền nơi tay người Pháp. Pháp dùng các sĩ quan thân Pháp, các lực lượng giáo phái và Bình Xuyên để chống lại. Một cuộc nội chiến đã bùng nổ. Với sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Ngô Đình Diệm đã đánh bại được phe thân Pháp. Ngày 23.10.1955, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức để truất phế Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng. Ngày 26.10.1955, ông Diệm công bố Hiến Ước Tạm Thời tuyên bố Việt Nam là một nước Cộng Hòa, Quốc Trưởng lấy danh hiệu là Tổng Thống. Trong tư thế đó, ông Diệm mới bắt đầu đòi lại chủ quyền hoàn toàn nơi tay người Pháp.

Ngày 19.1.1956, chính phủ Ngô Đình Diệm chính thức yêu cấp Pháp rút khỏi miền Nam. Tính đến ngày 3.3.1956, tổng số quân Pháp còn lại ở miền Nam trên 20.000 người. Ngày 30.3.1956, Pháp ký thỏa ước với Việt Nam, đồng ý sẽ rút hết Quân Đội Pháp ra khỏi miền Nam trước ngày 30.6.1956. Ngày 25.4.1956, Quân Đội Pháp tuyên bố đã rút hết khỏi miền Nam. Ngày 26.4.1956 Pháp bãi bỏ chức Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và ngày 28.4.1956, Bộ Tư Lệnh Pháp tại Đông Dương bị giải tán. Sau đó, chính phủ Pháp đã cử ông Jean Payart làm Đại Sứ Pháp tại Việt Nam Cộng Hòa thay cho chức vụ Cao Ủy Pháp trước đó. Ngày 17.9.1956, ông Jean Payart đã đến trình ủy nhiệm thư lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Ngày 4.3.1956 miền Nam bầu Quốc Hội Lập Hiến. Ngày 8.3.1956, kết quả cuộc bầu cử được công bố. Số dân biểu đắc cử là 123 vị. Ngày 15.3.1955, Quốc Hội Lập Hiến khai mạc và soạn thảo hiến pháp của Việt Nam.

Ngày 26.10.1956 Tổng Thống Ngô Đình Diệm công bố Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa đã được Quốc Hội Lập Hiến thông qua. Hiến Pháp mới gồm 10 Thiên và 98 Điều. Điều 1 của Hiến Pháp tuyên bố “Việt Nam là một nước Cộng Hòa, Độc Lập, Thống Nhất, lãnh thổ bất khả phân.” Điều 2 tuyên bố “Chủ quyền thuộc về toàn dân.” Như vậy, ngày 26.10.1956 là ngày Việt Nam Cộng Hòa đã được chính thức thành lập.



MỘT BIẾN CỐ QUYẾT ĐỊNH

Để tiến tới thành lập Việt Nam Cộng Hòa như đã nói trên, người Việt không theo chủ nghĩa cộng sản cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cực kỳ gay cấn. Trong phạm vi của bài này, chúng tôi chỉ xin kể lại một biến cố được coi là cơ hội đưa đến thành lập Việt Nam Cộng Hòa.

Như chúng ta đã biết, việc Bảo Đại cử ông Diệm làm Thủ Tướng đã bị Pháp chống đối quyết liệt vì biết ông Diệm là người có tinh thần chống Pháp cựu đoan. Pháp đã xử dụng các thành phần thân Pháp, các lực lượng giáo phái và Bình Xuyên để gây khó khăn cho ông Diệm và tin rằng ông Diệm chỉ có thể cầm quyền trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, Washington ủng hộ giải pháp Ngô Đình Diệm và cử Đại Tá Edward Lansdale đến giúp ông Diệm đối phó với tình hình.



1.- Đụng vào nồi cơm của Bảo Đại:

Ngày 25.4.1955, Thủ Tướng Diệm công bố Sắc Lệnh:

- Chấm dứt nhiệm vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An của Lai Văn Sang (Bình Xuyên), giải tán Công An Xuân Phong, và cử Đại Tá Nguyễn Ngọc Lễ làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An thay thế Lai Văn Sang.

- Cử Trung Tá Trần Vĩnh Đát thay thế Nguyễn Văn Tôn trong làm Giám Đốc Công An Nam Việt.

- Di chuyển trụ sơ Cảnh Sát ở đường Catinat (Bộ Nội Vụ sau này) xuống 274 đại lộ Trần Hưng Đạo, tức Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Đô Thành.

Lai Văn Sang lên đài phát thanh tuyên bố ông được Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm nên chỉ nhận lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại. Ông không tuân hành lệnh của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và không bàn giao.

Đối với Bảo Đại, sự sụp đổ của Bình Xuyên là một sự thiệt thòi lớn đối với ông. Cuối tháng 12 năm 1950, chính Bảo Đại đã gọi Bảy Viễn đến và giúp Bảy Viễn lấy lại sòng bài Đại Thế Giới ở Chợ Lớn do Tàu Macao làm chủ. Mỗi tháng, Bảy Viện nộp cho Bảo Đại 240.000 đồng như đã giao kết. Còn gái và rượu, Bảo Đại muốn bao nhiêu cũng có. Ngày 22.4.1952, Bảo Đại ký Sắc Lệnh phong cho Bảy Viễn làm Thiếu Tướng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Theo tài liệu chính thức, Bảo Đại đã qua Pháp ngày 1.8.1953 để yêu cầu kiện toàn độc lập theo bản Tuyên Ngôn ngày 3.7.1953 của chính phủ Laniel và trở về nước ngày 28.10.1953. Ngày 9.4.1954, Bảo Đại đã ký Sắc Lệnh số 22-BNV cử Lai Văn Sang, cố vấn của Bảy Viễn, làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An thay Đại Tá Mai Hữu Xuân. Ngày 10.4.1954, Bảo Đại rời Việt Nam qua Pháp lại. Tướng Edward G.Lansdale cho biết Bảo Đại thiếu tiền ăn chơi ở Riviera, đã về bán chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An cho Bảy Viển với giá 44.000.000 đồng, tương đương với 1.250.000 USD theo gía chính thức lúc đó.

Vì thế, khi hay tin Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã cất chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An của Lai Văn Sang, từ Paris Bảo Đại yêu cầu Mỹ phải có biện pháp trong vòng 24 giờ đồng hồ, nếu không ông sẽ đơn phương hành động.

Ngày 27.4.1955, ông Diệm ra lệnh cho quân đội Bình Xuyên phải rút ra khỏi Sài Gòn.



2.- Tướng Collins muốn thay ông Diêm:

Trước tình hình căng thẳng nói trên, Tướng Collins, đại sứ đặc quyền của Tổng Thống Eiseihower tại Việt Nam, lúc đó đang ở Washington, đã đến gặp Ngoại Trưởng Dulles để xin ý kiến và đề nghị thay thế ông Diệm. Ngoại Trưởng Dulles đồng ý thay ông Diệm bằng Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ và đã thông báo quyết định này cho Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn biết, nhưng ra lệnh đợi xem quan điểm của Pháp rồi mới thi hành.

Tại Sài Gòn, khi được ông Diệm hỏi về sự thay đổi lạ thường này tại Bộ Ngoại Giao, Tướng Lansdale giải thích rằng đó là do áp lực của Pháp và khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ ông.



3.- Cuộc chiến bùng nổ:

Ngày 28.4.1955, súng bắt đầu nổ tại đô thành Sài Gòn. Khu giữa cầu Nancy và đường Trần Hưng Đạo cháy dữ dội. Lúc 13 giờ 15 Công An Xung Phong của Bình Xuyên bất thần tấn công Nha Cảnh Sát Công An và Bộ Tổng Tham Mưu ở đường Trần Hưng Đạo, nã súng cối vào Đinh Độc Lập, đốt cháy Phủ Tổng Ủy Di Cư và mở cuộc tấn công vào trường Petrus Ký. Quân Đội Quốc Gia dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Dương Văn Minh đã phản công lai. Công An Xung Phong rút về khu Đại Thế Giới.

Ông Diệm điện thoại cho Tướng Ély thông báo nếu Bình Xuyên không ngưng pháo kích, ông sẽ cho mở cuộc tấn công. Ông cũng cho biết Quân Đội Quốc Gia đang tiến đến bao vây khu Đại Thế Giới. Pháp liền ra lệnh cho Đại Tá Dương Văn Minh chỉ cho binh sĩ phòng thủ, không được mở cuộc tấn công. Pháp không biết Đại Tá Dương Văn Minh đã đi theo ông Diệm. Trong khi đó, đài phát thanh Bình Xuyên loan tin Bảo Đại đã đánh công diện cho ông Diệm, yêu cầu trao quyền Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia lại cho Tướng Nguyễn Văn Vỹ và cùng với Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng QĐQG qua Paris nhận lệnh. Nhưng đến trưa, ông Diệm mới nhận được hai công điện của Bảo Đại:

Công điện thứ nhất của Văn Phòng Bảo Đại ở Cannes cho biết Bình Xuyên phản đối việc cất chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An của Lai Văn Sang, ra lệnh các nhóm tôn trọng kỷ luật, tránh bạo động, nhưng đồng thời yêu cầu Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đừng có biện pháp gì trái với chính sách hòa hoãn của Quốc Trưởng.

Công điện thứ hai của Bảo Đại bổ nhiệm Tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia, có quyền sử dụng mọi phương tiện để giải quyết tranh chấp giữa các giáo phái và ông Diệm, đưa Tướng Nguyễn Văn Hinh trở về nước, đồng thời yêu cầu ông Diệm và Tướng Lê Văn Tỵ qua Pháp trình bày tình hình và dự hội nghị tại Cannes.



4.- Bất đồng trong nhóm ông Diệm:

Ông Cao Xuân Vỹ cho biết hai công điện này đã gây nhiều tranh luận trong nhóm ông Diệm. Vốn là một nhà Nho, ông Diệm không muốn bất tuân lệnh của Quốc Trưởng và cũng muốn nhân cơ hội này qua Pháp trình cho Bảo Đại biết những gì đang diễn ra tại Việt Nam và cách thức đối phó. Nhưng ông Nhu phản đối, cho rằng việc Bảo Đạo mời Thủ Tướng qua Pháp lúc này chỉ là kế “điệu hổ ly sơn”, ông Diệm sẽ không trở lại nữa. Do đó, nếu ông Diệm ra đi là kể như mất chính quyền luôn và công cuộc cách mạng đang tiến hành sẽ phải hủy bỏ. Một khi chính quyền nằm trong tay Bình Xuyên, Pháp sẽ sắp xếp để liên hiệp với Việt Minh như họ đã khuyến cáo. Như vậy, trước sau gì rồi miền Nam cũng mất. Ông Diệm không đồng ý. Ông tin rằng trong tình thế rối reng hiện tại, sau khi nghe ông trình bày, Bảo Đại không còn cách nào khác là phải nhờ ông trở về ổn định tình hình.

Ông Nhu thất vọng, bỏ Dinh Độc Lập trở về văn phòng liên lạc của nhóm Tinh Thần tại số 8 đường Ypres (tức đường Nguyễn Văn Tráng, Quận 1, nơi sau này lập Viện Đại Học Minh Đức) ngồi yên lặng suy nghĩ. Anh em trong nhóm liền bàn với ông phải lập một phái đoàn vào gặp ông Diệm ngay và trình với ông rằng nhận định của ông Nhu là đúng. Vã lại, nếu ông Diệm ra đi và Bảy Viễn lên nằm quyền, Bảy Viễn sẽ cho thanh toán tất cả những người bấy lâu nay hợp tác với ông Diệm, lúc đó anh em sẽ trốn ở đâu?

Ông Nhu nói rằng anh em muốn gì cứ vào nói chuyện thẳng với Thủ Tướng, còn ông phải liên lạc với Nha Trang và Huế yêu cầu cho lập ngay hai chiến khu, một ở Phan Rang và một ở Huế, để khi tình hình nguy ngập, anh em có thể vào đó ẩn nấp và tìm cách lật ngược lại thế cờ.

Ông Vỹ cho biết ông và một số anh em đã vào Dinh Độc Lập ngay để thuyết phục ông Diệm. Anh em đã trình bày với ông Diệm rằng cách nhìn của ông Nhu là hoàn toàn đúng. Đặc biệt, anh em đã nhấn mạnh đền số phận của họ nếu Thủ Tướng ra đi và không trở về nữa, Bảy Viễn và phe thân Pháp chắc chắn sẽ không tha thứ họ. Anh em đề nghị ông Diệm hoãn việc đi Pháp để đợi tình hình thay đổi tốt hơn. Cuối cùng ông Diệm đồng ý đình hoãn việc lên đường đi Pháp và cho gọi ông Nhu vào. Ông Nhu liền đề nghị cho thực hiện ngay những biện pháp sau đây:

1.- Đánh cho Quốc Trưởng Bảo Đại ngay một công điện nói rằng trong tình thế hiện tại Thủ Tướng Ngô Đình Diện không thể rời Việt Nam được.

2.- Triệu tập hội nghị các chính đảng và đoàn thể khẩn cấp trong sáng mai tại Dinh Độc Lập để yêu cầu cho biết trong tình thế hiện tại, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm có nên hay không nên thi hành lệnh của Bảo Đại đi qua Pháp.

3.- Soạn thảo sắc lệnh thăng hai Đại Tá Trần Văn Đôn và Trần Văn Minh lên Thiếu Tướng để họ có tư thế nói chuyện với Tướng Nguyễn Văn Vỹ và Bảy Viễn.

Đến lúc này, ông Diệm đã nói với anh em rằng nếu bị mất chức, ông sẽ ở lại Việt Nam cầm đầu một đảng chính trị để tranh cử vào Quốc Hội và lật lại thế cờ. Trong khi đó, Tướng Lansdale báo cáo với Washington rằng không một Thủ Tướng thân Pháp nào có thể thắng Việt Minh và ông Diệm là lá bài tốt nhất hiện nay.

Sáng 29.4.1955, ông Diệm đã gởi cho Bảo Đại một công điện từ chối đi Pháp vì tình hình không cho phép, đồng thời tuyên bố không chấp nhận Tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia. Các tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài), Nguyễn Giác Ngộ (Hòa Hảo) và Trịnh Minh Thế (Cao Đài Liên Minh) ra tuyên bố không chấp nhận Tướng Nguyễn Văn Vỷ làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội.

Ở Mỹ Hội Đồng An Ninh Quốc Gia lần thứ 246 họp về tình hình Nam Việt Nam do Tổng Thống Eisenhower chủ tọa, có Tướng Colins tham dự. Sau khi thảo luận, Hội Đồng quyết định tiếp tục yểm trợ và viện trợ cho miền Nam Việt Nam, đồng thời làm áp lực buộc Pháp phải yểm trợ hữu hiệu cho miền Nam Việt Nam. Ngoại Trưởng Dulles liền ra lệnh hủy công điện thay thế ông Diệm đã gởi cho Sài Gòn hôm trước. Ngày 30.4.1955, Thượng Nghị Sĩ Mansfield ra tuyên bố ủng hộ ông Diệm.



HĐNDCM MUỐN NẮM QUYỀN

Ngày 29.4.1955, trong khi tiếng súng vẫn nổ ở khu Trường Petrus Ký, đường Trần Hưng Đạo, khu Bàn Cờ, Cầu Ông Lãnh, v.v. đại diện 18 đảng phái và đoàn thể và 29 nhân sĩ có tên tuổi đã đến dự cuộc họp tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập vào lúc 10 giờ. Ba Tướng Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh Thế cũng có mặt. Trong số các nhân sĩ, người ta chú ý đến các nhân vật sau đây: Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Luật sư Vũ Văn Mẫu, Luật sư Trần Thanh Hiệp, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn (Tịnh Độ Cư Sĩ), Giáo Sư Phạm Việt Tuyền, ông Bùi Quang Nga, ông Nguyễn Hữu Khai, ông Huỳnh Minh Ý, v.v.

Đúng 10 giờ sáng, ông Diệm xuất hiện giữa phòng họp, cám ơn các đảng phái, đoàn thể và nhân sĩ đã đến tham dự cuộc họp. Ông cho biết ông vừa nhận được công điện Quốc Trưởng Bảo Đại yêu cầu qua Pháp trình bày về tình hình, và ông nêu lên câu hỏi: “Xin quý vị cho biết trong tình thế hiện tại, tôi có nên đi Pháp theo lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại hay không?” Đặt xong câu hỏi, ông xin rút lui để các đại diện và nhân sĩ dể thảo luận.

Để điều hành hội nghị, ông Nguyễn Bảo Toàn được bầu làm chủ tọa, còn Giáo sư Phạm Việt Tuyền làm thư ký.

Tuy gọi là hội nghị các đảng phái, đoàn thể và nhân sĩ, nhưng các đại diện giáo phái sau đây coi như đã làm chủ hội nghị: ông Nguyễn Bảo Toàn đại diện Việt Nam Dân Xã Đảng thuộc phe Phật Giáo Hòa Hảo của Tướng Nguyễn Giác Ngộ, ông Hồ Hán Sơn đại diện Việt Nam Phục Quốc Hội thuộc nhóm Cao Đài Tây Ninh của Tướng Nguyễn Thành Phương, và ông Nhị Lang đại diện Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam thuộc nhóm Cao Đài Liên Minh của Tướng Trình Minh Thế. Ba giáo phái này đều đang ủng hộ ông Diệm. Họ có quân đội trong tay nên có thể đóng vai trò quyết định

Lúc đầu, hội nghị đã thảo luận về câu hỏi đã được ông Diệm đặt ra. Đa số cho rằng công điện của Bảo Đại gọi ông Diệm qua Pháp là kế “điệu hổ ly sơn”, ông Diệm không nên tuân hành. Nhưng sau đó, nhiều đại diện muốn đi xa hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Nguyễn Hữu Khai tham dự tham dự hội nghị với tư cách phe thân chính quyền đã kể lại rằng phe ông Nguyễn Bảo Toàn và Tướng Nguyễn Thành Phương cho rằng vai trò của Bảo Đại không còn thích hợp nữa nên phải trất phế Bảo Đại, bỏ luôn chế độ hiện tại và thành lập chế độ cộng hòa. Nhưng phe thân chính quyền gồm các ông Nguyễn Hữu Khai, Bùi Quang Nga, Huỳnh Minh Ý, v.v., không đồng ý giải pháp này, viện lý do quyền trất phế Bảo Đại là quyền của toàn dân và quyền phế bỏ chế độ hiện tại và thành lập chế độ cộng hòa là quyền của quốc hội lập hiến sẽ được bầu, chứ không phải quyền của hội nghị hôm nay. Theo ý kiến của phe này, hội nghị chỉ nên đề nghị trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại và tổ chức bầu cử quốc hội để thành lập chế độ cộng hòa mà thôi. Cuộc thảo luận rất gay cấn, kéo dài từ 10 giờ 30 sáng đến 4 giờ chiều mới biểu quyết xong bản tuyên cáo nguyên văn như sau:

- Tuyên bố truất phế Bảo Đại kể từ ngày 29.4.1955;

- Tuyên bố giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm do Bảo Đại lập ra kể từ ngày 29.4.1955;

- Do sự đòi hỏi của tình thế nghiêm trọng hiện tại, tuyên bố ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập một chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam kể từ ngày 29.4.1955 với ba nhiệm vụ:

1) Bình định bọn phiếm loạn để duy trì an ninh trật tự.

2) Thu hồi toàn vẹn độc lập và yêu cầu quân đội viễn chinh Pháp triệt thoái khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3) Gấp rút tổ chức Quốc Hội dân cử, để trả lại chính quyền cho nhân dân.

Sài gòn ngày 29 tháng 4 năm 1955



Các đại diện các đảng phái và đoàn thể đồng ký tên: Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam, Việt Nam Phục Quốc Hội, Thanh Niên Quốc Dân Xã Việt Nam, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, Phong Trào Tranh Thủ Độc Lập Việt Nam, Phụ Nữ Quốc Dân Xã Việt Nam, Việt Nam Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, Tịnh Độ Phật Giáo Đồ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Công Việc Nam, Phong Trào Dân Chúng Liên Hiệp Việt Nam, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Tập Đoàn Công Dân, Nhóm Tinh Thần, Xã Hội Công Giáo, Thanh Niên Dân Chủ Việt Nam, Cựu Chiến Sĩ Kháng Chiến Việt Nam, Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam và Hội Tương Trợ Nghệ – Tịnh- Bình.

Đại hội quyết định thành lập một ủy ban lúc đầu lấy tên là Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Các Lực Lượng Cách Mạng Quốc Gia, gọi tắt là Ủy Ban Cách Mạng Quốc Gia để thực hiện những quyết định trong tuyên cáo, và bầu ông Nguyễn Bảo Toàn làm Chủ Tịch, ông Hồ Hán Sơn làm Phó Chủ Tịch và ông Nghị Lang làm Tổng Thư Ký. Những người sau đây được bầu làm Ủy Viên: Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Luật sư Trần Thanh Hiệp, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn, Nhân sĩ Huỳnh Minh Ý, bà Đức Thụ và ông Nguyễn Hữu Khai.

Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều người đề nghị đổi cái tên Ủy Ban Thường Vụ ra thành Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia để vai trò của tổ chức có tính cách bao quát hơn. Hội nghị đồng ý. Riêng Tướng Nguyễn Thành Phương muốn tổ chức này phải là cơ quan lãnh đạo tối cao của quốc gia trong tình thế hiện tại để giải quyết các tranh chấp giữa chính phủ và các giáo phái. Nhiều người không đồng ý quan điểm của Tướng Nguyễn Thành Phương. Sau đó, Hội Đồng quyết định thành lập một Ban Thường Vụ để điều hành tổ chức. Thành phầm Ban Thường Vụ gồm có: Luật sư Hoàng Cơ Thụy, ông Nguyễn Hữu Khai, Cư sĩ Đoàn Trung Còn, ông Huỳnh Minh Ý, nhà văn Văn Ngọc, Hà Duy Diễm, ký giả Nguyễn Phố và ông Nguyễn Văn Quyền.

Lúc 5 giờ chiều, ông Nguyễn Bảo Toàn đi đón Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đến để nghe kết quả của hội nghị. Nghe xong bản tuyên cáo, mặt ông Diệm tái đi. Ông không ngờ hội nghị đã đi quá xa như vậy. Sau một phút suy nghĩ, ông trầm tĩnh nói: “Xin quý ngài cho tôi được có thì giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề trọng đại này.”

Mặc dầu chưa có ý kiến của ông Diệm, ngày 30.4.1955, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã tổ chức một cuộc họp tại Phòng Khánh Tiết Tòa Đô Chánh Sài Gòn, trình bày diễn biến cuộc họp ngày hôm trước. Có khoảng 200 người tham dự. Ba tướng Nguyển Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh Thế xuất hiện cùng một lúc đã được dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Các đại diện đã thay nhau lên diễn đàn tố cáo Bảo Đại là bù nhìn, không xứng đáng đại diện cho Việt Nam. Sau đó, Hội Đồng công bố bản tuyên cáo đã đọc hôm qua. Trong không khí sôi sùng sục, một số người đã trèo lên Tòa Đô Chánh gỡ chân dung Bảo Đại ném xuống đường giữa trời mưa.



TƯỚNG VỸ ĐẢO CHÁNH BẤT THÀNH

Nhận được Sắc Lệnh của Bảo Đại cử làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội nhưng bị từ chối bàn giao, tối 29.4.1955 Tướng Nguyễn Văn Vỹ đã đưa hai tiểu đoàn Ngự Lâm Quân từ Đà Lạt xuống Sài Gòn chiếm Bộ Tổng Tham Mưuu, Nha Bưu Điện, Ngân Hàng Quốc Gia, Đài Phát Thanh Quân Đội, và bao vây quanh Dinh Độc Lập.

Sáng ngày 30.4.1955, Tướng Nguyễn Văn Vỹ bắt Tướng Lê Văn Tỵ, Đại Tá Trần Văn Đôn, Đại Tá Nguyễn Văn Minh và một số sĩ quan cao cấp khác buộc họ phải vào Dinh Độc Lập yêu cầu ông Diệm từ chức. Trong khi đó, ông Diệm ký Sắc Lệnh thăng hai Đại Tá Trần Văn Đôn và Đại Tá Trần Văn Minh lên Thiếu Tướng.

Ông Nhị Lang kể lại, sau khi ra mắt tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn, toàn thể thành viên của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng vào Dinh Độc Lập trình bày diễn tiến công việc với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, trong đó có cả ba tướng Nguyển Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh Thế. Phái đoàn đến dinh lúc 6 giờ chiều thì thấy có khoảng 50 sĩ quan đang ngồi trong phòng khách ở tầng dưới. Khi lên lầu, ông thấy một tướng nào đó đang ngồi trong một phòng nhỏ với Tướng Lê Văn Tỵ. Ông nhờ Đại Úy Tùy Viên của Tướng Thế là Tạ Thành Long đi thăm dò thì được biết Tướng Nguyễn Văn Vỹ đang đến làm áp lực đòi ông Diệm trao quyền. Người ngồi với Tướng Lê Văn Tỵ là Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Bất chợt ông nghĩ phải bắt Tướng Vỹ tại chỗ. Sau khi hội ý nhanh chóng với Tướng Trình Minh Thế và Tướng Nguyễn Thành Phương, ông lặng lẽ tiến ra hành lang phía sau Dinh Độc Lập, tới phòng Tướng Vỹ đang ngồi, rút súng Cold 45 ra, chĩa vào Tướng Vỹ và hô: “Dơ tay lên! Không tôi bắn!”. Tướng Vỹ đứng dậy đưa hai tay lên đầu. Ông Nhị Lang ra lệnh cho Đại Úy Tạ Thành Long đến lột lon của Tướng Vỹ. Một ký giả ngoại quốc đã nhanh tay chụp được cảnh này. Tướng Tỵ liền chạy đến ôm ông Nhị Lang, năm nỉ để cứu Tướng Vỹ, nhưng ông yêu cầu Tướng Tỵ đừng gây trở ngại, rồi ra lệnh cho Hồ Hán Sơn lột lon của Tướng Vỹ.

Ông Diệm được báo tin, đã vội chạy đến cản trước mũi súng của ông Nhị Lang và nói: “Tôi xin ngài! Tôi xin ngài đừng làm đổ máu tại đây. Việc gì còn có tôi đây giải quyết, xin ngài đừng nóng giận.” Sau đó, ông đẩy Tướng Vỹ ra khỏi phòng và dẫn vào phòng ngủ của ông ở cuối Dinh Độc Lập, về phía đường Hồng Thập Tự.

Ông Nhị Lang liền ra lệnh cho mọi người trong Dinh Độc Lập phải ngồi tại chỗ, không được ra vào. Hai Tướng Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế đã gọi về tổng hành dinh của mình ra lệnh đưa quân về cứu Dinh Độc Lập gấp. Quân của cả Tướng Thế lẫn Tướng Phương đã về Sài Gòn ngay trong tối hôm đó. Quân của Tướng Thế đóng ở khu đường Trần Quý Cáp, còn quân của Tướng Phương đóng ở khu đường Phan Đình Phùng, bọc sau lưng Ngự Lâm Quân của Tướng Vỹ. Bên trong Dinh Độc Lập, lực lượng phòng vệ Dinh do Đại Tá Nguyễn Vinh chỉ huy bắt đầu quay súng ra. Trước gọng kìm đó, Ngự Lâm Quân không dám làm gì.

Bộ chỉ huy Ngự Lâm Quân đang đóng bên ngoài biết trong dinh đang có biến, chốc chốc lại gọi vào xin nói chuyện trực tiếp với Tướng Vỹ. Trước họng súng của ông Nhị Lang, Tướng Vỹ đã phải nói: “Tôi đang hầu chuyện Thủ Tướng đây, không có gì đâu, anh em cứ yên tâm.” Nhưng ông vẫn không chịu nhựợng bộ. Tuy nhiên, khi thấy Ngự Lâm Quân không còn làm chủ tình hình được nữa, lúc 3 giờ sáng ngày 1.5.1955, Tướng Nguyễn Văn Vỹ mới chịu yêu cầu đưa giấy bút tới để ông viết một bản tuyên cáo ngắn, tuyên bố từ bỏ mọi chức chưởng và quyền hành đã được Bảo Đại trao. Sau đó Tướng Vỹ được trả lon lại và được dẫn xuống Phòng Khánh Tiết để đọc bản tuyên bố ông đã viết. Tướng Tỵ bảo các sĩ quan trong Bộ Tổng Tham Mưu đến báo cho Ngự Lâm Quân biết bản tuyên bố của Tướng Vỹ và yêu cầu họ rút lui. Không có một sự kháng cự nào xẩy ra.

Lúc 10 giờ 1.5.1955, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng họp tại Dinh Độc Lập, ra quyết nghị ủng hộ Quân Đội Quốc Gia, xem Tướng Lê Văn Tỵ vẫn là Tổng Tham Mưu Trưởng và không nhìn nhận những quyền hành do Bảo Đại trao cho Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Trong khi đó, các tướng lãnh cũng họp tại Bộ Tổng Tham Mưu, quyết định gởi công điện cho Bảo Đại yêu cầu giữ nguyên tình trạng trước khi có biến cố xẩy ra: Tướng Lê Văn Tỵ là Tổng Tham Mưu Trưởng và Tướng Nguyễn Văn Vỹ là Tổng Thanh Tra Quân Đội. Các tướng cũng tuyên bố trung thành với chính phủ Ngô Đình Diệm. Nếu chính phủ này không được công nhận nữa, Quân Đội sẽ tuân lệnh chính phủ nào do dân bầu ra. Lúc 13 giờ 30, Tướng Nguyễn Văn Vỹ rời Sài Gòn lên Đà Lạt. Ngày 12.5.1955 Tướng Nguyễn Văn Vỹ bị cất chức Tổng Thanh Tra Quân Đội. Ông liền rời Việt Nam qua Pháp.



MỘT LỜI TIÊN TRI

Trên đây chỉ là phần tóm lược về một trong các biến cố đưa đến việc truất phế Bảo Đại và thành lập VIỆT NAM CỘNG HÒA được ghi lại trong cuốn những bí ẩn lịch sử sắp xuất bản. Chúng tôi sẽ công hiến quý vị một số biến cố khác trong các số tới.

Năm 1955, khi Tướng Collins đòi thay ông Diệm bằng Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ, Thượng Nghị Sĩ Mansfield đã nói: "Nếu ông Diệm bỏ đi hay bị lật đổ... Hồ Chí Minh có thể đi bộ vào và chiếm đất nước không có bất cứ khó khăn nào." Lời tiên tri đó đến năm 1975 đã thành hiện thực.
http://motgoctroi.com/Mtmchuyen/Chuyen50namVNCH.htm

No comments: