Thursday, September 18, 2008

BUÔN VỊT TRỜI.

BUÔN VỊT TRỜI.
Đỗ Thái Nhiên
(http://www.vietvusa.com/ )

Vịt trời là loại vịt hoang giả. Vịt sống ngoài đồng ruộng. Vịt bay trên trời. Không ai có thể làm chủ được vịt trời. Vì vậy, không ai bán vịt trời. Lại càng không ai mua vịt trời. Buôn vịt trời có nghĩa là người bán chuyển giao cho người mua một loại tài sản không do người bán làm chủ. Thế nhưng , trên bang giao giữa CSVN và CS Trung Quốc, đã có lần hai chế độ Cộng sản Á Châu này rủ nhau đi buôn vịt trời.

Ngày 04/09/1958 Bắc Kinh ra tuyên bố gồm hai trọng điểm:

Thứ nhất: Qui định lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý tính từ bờ biển của lãnh thổ Trung Quốc đếm ra biển khơi. Nếu lãnh thổ của Trung Quốc là hải đảo thì 12 hải lý tính từ bờ hải đảo ra biển khơi.

Thứ hai: Trung Quốc liệt kê một số hải đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đó Bắc kinh kê khai luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dầu hai quần đảo này thuộc chủ quyền của VNCH và đang do các đơn vị hành chánh và quân sự của VNCH trấn đóng.

Ngày 14/09/1958 Phạm Văn Đồng, thủ tướng CSVN tại Bắc Việt đã nhanh chóng thừa lệnh Hồ Chí Minh ký công hàm “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố ngày 04/09/1958 của Trung Quốc. “Tán thành” ở đây là tán thành việc Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và trường Sa là của Trung Quốc.

Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và CSVN đã hiển nhiên phản quốc. Ngày 02/12/1992 Nguyễn Mạnh Cầm, cựu bộ trưởng ngoại giao CSVN đưa ra luận cứ biện hộ cho công hàm 14/09/1958 của Phạm Văn Đồng như sau: “Vào lúc ấy tình hữu nghị Việt Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẩn nhau…việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đên chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa cả”. Kiểu nói của Nguyễn Mạnh Cầm chẳng những không biện hộ gì được cho Phạm Văn Đồng mà còn tạo điều kiện để công luận thấy rõ hơn bản chất phản quốc của chế độ Hà Nội.

Hà Nội không che dấu được tâm lý bối rối mỗi lần phải đối mặt với công hàm Phạm Văn Đồng. Từ sau khi công hàm này ra đời, Trung Quốc đã triệt để khai thác điểm yếu của Hà Nội bằng cách bao giờ cũng viện dẫn công hàm 14/09/58 như một bằng chứng vững chắc rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Phải chăng Trung Quốc đã lý luận đúng hướng? Muốn trả lời câu hỏi này chúng ta cần tìm hiểu mạch lý luận của giới ngoại giao Trung Quốc. Mạch lý luận đó gồm hai mệnh đề:

Mệnh đề một: Trung Quốc mặc nhiên nhìn nhận: trước ngày 14/09/1958, Hoàng sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mệnh đề hai: Sau ngày 14/09/1958, theo kiểu dẫn chứng của Trung Quốc, nhờ vào công hàm phản quốc của Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa và Trường Sa trở thành tài sản của Trung Quốc.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu chừng công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý hay không trong việc chuyển nhượng hai quần đảo kia cho Trung Quốc? Như mọi người đã biết hiệp định Geneve 1954 đã chia đôi nước Việt Nam. Bắc vĩ tuyến 17 thuộc CSVN. Nam vĩ tuyến 17 bao gồm cả Hoang Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VNCH. Ngày 14/09/1958 Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã công khai mang Hoang Sa, Trường Sa của VNCH đi cống hiến cho Trung Quốc. Một người chuyển nhượng những tài sản không do đương sự làm chủ gọi là bán vịt trời. Anh khổng lồ Trung Quốc, một quốc gia tự nhận là có nhiều ngàn năm văn minh lại rất lấy làm hoan hỉ khi được CSVN “triều cống” vịt trời. Người bán, kẻ mua; người dâng hiến kẻ chuẩn nhận, gọi chung là những kẻ buôn vịt trời. Quyết định ngày 04/09/58 của Trung Quốc đi kèm với công hàm ngày 14/09/58 của CSVN hiển nhiên là một vụ trao đổi vịt trời. Một trao đổi hoàn toàn vô nghĩa về mặt pháp lý.

Mặt khác có ý kiến cho rằng sau 30/04/1975, CSVN mặc nhiên trở thành thừa kế của VNCH. Vì vậy, ngày nay Hà Nội là chủ nhân của Hoàng Sa và Trường Sa. Và cũng vì vậy, ngày nay, chế độ Hà Nội có nghĩa vụ phải thực thi công hàm phản quốc Phạm Văn Đồng bằng cách chấp nhận Hoang Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Lý luận vừa kể là lý luận của những kẻ không có hiểu biết sơ đẳng về pháp lý thừa kế. Thực vậy, tài sản của người chủ di sản chỉ thực sự chuyển qua tay kẻ thừa kế sau khi người chủ di sản qua đời. Con cái không được phép nhân danh thừa kế để sử dụng tài sản của cha mẹ đang khi cha mẹ còn tại thế. Công hàm Phạm Văn Đồng là trường hợp cho thấy năm 1958, CSVN đã ngang nhiên sử dụng Hoàng Sa Trường Sa của VNCH đang khi chế độ này còn tồn tại. Sau đó do những di dời trên bàn cờ chính trị của thế giới, Hà Nội trở thành thừa kế của Saigon. Thế nhưng, công hàm Phạm Văn Đồng vẫn hoàn toàn xa lạ đối với công lý thừa kế.

Nói tóm lại, trước hay sau ngày 14/09/1958, về mặt pháp lý Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là loại công hàm chuyển nhượng vịt trời.

Nhận biết không thể dùng luật pháp để biện giải cho sự có mặt của hải quân Trung Quốc tại Hoàng Trường Sa, Bắc kinh quyết tâm chiếm giữ hai quần đảo kia bằng sách lược khủng bố. Đó là lý do giải thích tại sao từ đầu tháng 08/2008 trên các trang mạng của Trung Quốc xuất hiện một loạt bài mang nội dung khích động Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam. Đặc biệt bài viết trên Sina.com còn kêu gọi Trung Quốc hãy tấn công Việt Nam theo “Phương án A” với năm ngày mở đầu đánh bằng tên lửa, kế đến là 310,000 lính bộ binh sẽ tràn vào Việt Nam từ các hướng Vân Nam, Quãng Tây và Nam Hải. Trung Quốc tin là với phương pháp khủng bố tinh thần kia Việt Nam sẽ không còn dám lên tiếng đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa nữa. Sau đó, với thời gian dư luận không còn quan tâm tới Hoàng Sa, Trường Sa. Lúc bấy giờ, Trung Quốc lại tiếp tục lấn chiếm Việt Nam theo kiểu tằm ăn dâu tại một vùng lãnh thổ nào đó. Cứ như vậy đất nước Việt Nam sẽ hao gầy dần dần cho đến lúc hai chữ “Việt Nam” biến mất trên bản đồ thế giới. Đó là nội dung hiểm độc của tai họa Trung Quốc. Đứng trước tai họa kia, một người không cần thông minh cũng nhân ra rằng mọi người Việt Nam có nghĩa vụ phải chung vai, sát cánh, cùng nhau quyết tâm chống ngoại xâm. Thế nhưng, thay vì chuẩn bị để có thể phá vỡ mộng bành trướng của Bắc Kinh, chế độ Hà Nội lại đưa ra ba hành động khó tin nhưng có thật:

Hành động thứ nhất: Gây chia rẽ giữa tập thể quần chúng này với tập thể quần chúng kia.
Từ nhiều thập niên qua, giới tư bản đỏ áp dụng đủ loại mưu thần chước quỉ để cướp nhà, cướp đất của nhân dân, đặc biệt là tài sản của các tôn giáo. “Con giun xoắn mãi cũng quằn”. Sức chịu đựng của người dân đã vượt giới hạn. Thời gian gần đây, các tôn giáo đứng lên đòi lại nhà thờ, nhà chùa. Nhằm hóa giải mặt trận đòi đât, triều đình Hà Nội ra lệnh cho giáo gian các loại bịa ra hàng loạt nghi vấn: rằng đất của nhà thờ này nhiều thế kỷ trước là bất động sản của nhà chùa kia và rằng đất của nhà chùa nọ xưa kia là vườn cây của một họ đạo. Từ đó , cuộc chiến đòi đất thay vì nhằm vào CSVN tham ô đã nhanh chóng biến thành cuộc “thánh chiến” giữa các tôn giáo. CSVN sẳn sàng làm cho quan hệ giữa các tôn giáo tại Việt Nam chẳng khác nào quan hệ máu lửa giữa các phe nhóm Hồi Giáo tại Iraq. Lợi dụng hoàn cảnh chém giết điên cuồng và thảm sầu kia tư bản đỏ Hà Nội sẽ tiếp tục ung dung sống đế vương trên khối tài sản có được do nhiều năm tham ô và bóc lột nhân dân.

Hành động thứ hai: Tạo hố ngăn cách giữa nhân dân và nhà cầm quyền.
Thông thường mỗi khi đất nước đương đầu với họa ngọai xâm nhà cầm quyền phải nổ lực kêu goi quần chúng hãy tích cực tham gia công cuộc chống ngoại xâm. Thế nhưng, do âm mưu mãi quốc cầu vinh, Hà Nội đã hành động ngược chiều. Hà Nội tống giam tất cả những ai bị CSVN nghi ngờ là có quyết tâm chống Trung Quốc. Vì vậy, trước ngày 04/09/2008, kỷ niệm 50 năm công hàm Phạm Văn Đồng, nhằm ngăn cản quần chúng biểu tình chống Trung Quốc, CSVN đã bắt giam những người có tên sau đây: nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Vũ Uyên, Quỳnh Vi, Đỗ Nam Hải, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, nhà giáoVũ Hùng, Ngô Quỳnh, Trần Đức Thạch, Thái Thanh Hải, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Việt, Lư Thị Thu Trang, Lư Thị Thu Duyên và Hoàng Kim Hoa… Bắt bớ, giam cầm như vừa kể CSVN đã tự khẳng định: Hà Nội là tay sai của Trung Quốc, nhân dân Việt Nam là Kẻ thù không đội trời với quân xâm lược Bắc Kinh. Đó là nội dung hố ngăn cách sâu thẳm giữa nhà cầm quyền phản động Hà Nội và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hành động thứ ba: Cai trị đất nước theo kiểu “tiền là trên hết”. CSVN hoàn toàn vô cảm trước mọi tình huống của lịch sử, kể cả tình huống tổ quốc lâm nguy.
Hiện tình Việt Nam chẳng khác nào một xã thôn sinh sống trên vùng đất vừa thấp vừa xa các nẽo giao thông. Lúc bấy giờ toàn xã đang bi đe dọa bởi lũ to, lụt lớn. Thay vì huy động toàn dân hãy cùng ban điều hành xã nổ lực bảo vệ con đê chạy chung quanh vùng đất thấp, ông xã trưởng lại chỉ huy ban điều hành kia tao ra cuộc chiến cướp đất, cướp nhà của nhân dân trong xã. Nhân dân ở đây là nhân dân trên linh địa Thái Hà. Xã trưởng và ban điều hành ở đây là bộ chính trị và đảng CSVN. Lũ lụt ở đây là giặc ngoại xâm Bắc Kinh.

Ba hành động vừa được mô tả ở trên đã minh chứng một cách mạnh mẽ và dứt khoát rằng: CSVN là một tập đoàn độc tài và tham ô đến độ trở thành tuyệt đối bất bình thường. Công hàm phản quốc Phạm Văn Đồng chỉ là một trong muôn vạn bất bình thường. Thay vì bỏ ra nhiều thời giờ để nói và viết về công hàm buôn vịt trời, tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hãy thân mến nắm tay nhau, cùng nhau bình tâm ngồi xuống chung quanh ngọn cờ lau, cùng nhau lắng nghe những âm vọng xôn xao của HỒN NƯỚC. Trong những âm vọng xôn xao kia hồn dân và hồn nước sẽ nhập làm một để bật ra ba ước mơ. Mỗi ước mơ đi kèm với một quyết tâm:

Một là: muốn thắng ngoại xâm Bắc Phương, nước Viêt Nam phải thực sự hùng mạnh trên bốn địa bàn ưu tiên: giáo dục, pháp trị, kinh tế và quốc phòng.

Hai là :
Muốn hùng mạnh, Việt Nam không còn con đường nào khác hơn là con đường xây dựng và phát triển thể chế tự do dân chủ, lấy tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc làm kim chỉ nam.

Ba là: Muốn biến ước mơ (1) và (2) trở thành hiện thực của đời sống, 85 triệu công dân Việt Nam phải tích cực và triệt để vô hiệu hóa đời sống chính trị của toàn bộ đảng viên đảng CSVN./.
Đỗ Thái Nhiên
(www.vietvusa.com)

No comments: