Friday, September 26, 2008

Sữa nhiễm chất độc

Sữa nhiễm chất độc

Vô Sắc

Nhiều người Việt trong và ngoài nước hẳn không lạ gì chuyện thực phẩm bị nhiễm độc, do vô tình vì kém kiến thức, thiếu ý thức vệ sinh, hoặc đủ kiến thức nhưng thiếu lương tâm, đã xảy ra tại Việt Nam.

Vài năm trước, chuyện bánh phở bị cho thêm vào hóa chất formol (hay formalin, một dung dịch nước 38-40% của formaldehyde, thường dùng để ướp xác người, các mẫu sinh vật, trong y khoa, trong các phòng thí nghiệm), để giữ bánh phở lâu hơn; hay sự hiện diện ở nồng độ rất cao của chất 3-MCPD có thể gây ung thư, sản sinh ra trong nước tương (xì dầu), do qui trình sản xuất lạc hậu, cẩu thả, đã được nói đến nhiều trên mặt báo. Bên cạnh đó, còn rất nhiều chuyện nhiễm độc lớn nhỏ khác, được khám phá hay bị nghi ngờ, đã luôn là những mối đe dọa cho người dân trong nước.

Trong vài tuần qua, một chuyện thực phẩm nhiễm độc, với qui mô rộng lớn, đã xảy ra tại Trung Quốc (TQ). Đó là chuyện sữa bị nhiễm chất melamine, gây lo lắng đến nhiều người ở nhiều nước.

Có hơn 20 nhãn hiệu bị tìm thấy có sản phẩm sữa nhiễm độc chất, bao gồm nhiều hãng sữa tên tuổi của TQ như Sanlu, Yili và Mengniu, v.v... Tổng cộng, ước tính có 20% các công ty được thử nghiệm có bán sữa nhiễm độc chất.

Có cả triệu em bé đã dùng các loại sữa này, gây nhiều lo âu cho phụ huynh TQ, nơi có chánh sách cho phép chỉ được một con. Năm 2004, có 13 em bé chết ở TQ vì được nuôi bằng sữa giả, chứa rất ít chất bổ dưỡng. Theo tin báo chí trong nước thì có một số hiệu sữa của Trung Quốc có mặt tại Việt Nam.

Nhận thấy đây là một vấn đề lớn, cần tìm hiểu rõ. Nhất là hình như chưa có nhiều bài viết giải thích về mặt khoa học cho vấn đề này trên báo chí. Bên cạnh đó, còn một số thông tin chưa chính xác, sai lạc. Theo BBC Việt ngữ, một bác sĩ Việt Nam tại Úc, đã tuyên bố “vì melamine có dầu (?) protein (chất đạm - DCVOnline) nên được một số người dùng làm phụ gia (?) thực phẩm.” Ông còn tuyên bố, “về mặt khoa học chưa thể (?) kết luận đích xác việc trẻ em bị bệnh nhập viện, có phải do chất melamine hay không.” (Những dấu hỏi là của người viết chua vào)

Vì những lý do trên, chúng ta nên tìm hiểu xem vấn đề nghiêm trọng này ra sao; đó là độc chất gì; tại sao lại nhiễm vào sữa; cùng những nguy cơ gây nên cho các em bé dùng sữa bị nhiễm. Bên cạnh đó là một vài suy nghĩ cho trường hợp của Việt Nam, qua những kinh nghiệm xảy ra trước đây.

Người viết cố gắng trình bày vấn đề như một bài viết mang tính khoa học thường thức, chỉ nhằm cung cấp một số thông tin căn bản cho mọi người, không đặt nặng nhiều về kiến thức khoa học. Bài viết là một tập hợp, hệ thống lại, những thông tin thu thập từ các nơi, không phải là một bài báo cáo nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, đây cũng không phải là lãnh vực chuyên môn của người viết.

A. Bối cảnh vấn đề

Cách đây vài tuần (sau Thế vận hội Bắc Kinh), báo chí TQ cho biết một số em bé bị bệnh phải nhập viện. Đến khi viết bài này, con số các em bé tại TQ nhập viện đã trên 53 ngàn em. Có hơn 13 ngàn ca bệnh nặng, và 4 em đã thiệt mạng. Con số này có lẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Sau các chẩn đoán và khám nghiệm, các chuyên viên y khoa khám phá ra tác nhân gây bệnh chính là từ sữa bò (từ ngữ được dùng để đối nghịch với sữa mẹ). Sau khi thử nghiệm những hiệu sữa các em bị bệnh đã dùng, người ta khám phá ra các sữa này có chứa một chất hóa học ngoại nhiễm. Đó là chất melamine.

Vậy melamine là gì và tại sao lại hiện diện trong sữa?

B. Melamine: đặc tính, chế tạo và những công dụng thông thường

Melamine là một hợp chất chất hữu cơ, có công thức C3H6N6, hơi tan trong nước. Melamine có thể được điều chế từ nhiều nguồn, bằng nhiều phương pháp. Cách thông thường nhất là từ chất u rê (urea).


Công thức phân tử melamine
Nguồn: DCVOnline
---------------------------------------------------------------------------
Melamine được sử dụng nhiều trong các ngành kỹ nghệ, như trong sản xuất plastic, làm mặt bàn (formica), mặt sàn gỗ (laminate floor) và trong các lãnh vực tương cận (vật dụng lau chùi, keo dán).

Chén dĩa nhựa melamine
Nguồn: galasource.com
---------------------------------------------------------------------------
Một công dụng đã đem cái tên “melamine” cho công chúng quen thuộc là làm ra chất melamine-resin, do kết hợp melamine với formaldehyde. Chúng ta có lẽ ai cũng biết các vật dụng chén bát, muỗng, tô, trong nhà bếp, làm bằng melamine-resin.

C. Tại sao melamine được cho vào sữa?

Theo qui định trong kỹ nghệ thực phẩm, sữa uống phải đạt nồng độ chất đạm (protein) ở mức cho phép. Chúng ta, tương tự thế, hay nghe nói về độ đạm trong nước mắm, nước tương. Thường độ đạm càng cao, nước mắm càng ngon, càng tốt, càng mắc.

Protein được cấu thành với 20 amino acids căn bản. Các amino acids này lại chứa nguyên tử nitrogen (nitơ, theo cách gọi ở Việt Nam hiện nay) trong phân tử của mình. Do đó, để định lượng protein trong thực phẩm, các phương pháp kiểm nghiệm thường định lượng nồng độ nitrogen.

Trong khi đó, melamine, như chúng ta thấy trong thành phần hóa học, có chứa lượng nitrogen cao trong phân tử của mình (66% tính theo trọng lượng). Nó lại có thể đem lại một đặc thù giả tạo giống như protein trong kiểm nghiệm (phương pháp thông dụng nhất là Kjeldahl). Do đó, melamine đã được những kẻ gian cho vào sữa một cách bất hợp pháp nhằm tạo ra một nồng độ cao (hay đạt mức cho phép) chất đạm trong sữa, một cách giả tạo.

D. Lý do sâu xa của hành động này?

Theo các nguồn tin trên báo chí, các nhà sản xuất TQ đã cố tình pha loãng sữa tươi với nước (nhằm tăng thể tích, do đó tăng lợi nhuận). Để bù lại nồng độ chất đạm bị giảm sút do đã pha loãng, họ cho melamine, một hóa chất giả chất đạm, vào. Có khi họ còn làm cho nồng độ chất đạm giả này cao hơn bình thường, ra vẻ sản phẩm có chất lượng tốt, bổ dưỡng hơn sữa thường.

Theo một vài lập luận, cũng hữu lý, nguồn melamine cho vào sữa có thể chứa cả những tạp chất độc hại khác, vì những kẻ gian dối như thế đâu cần phải cẩn thận, hay quan tâm, chọn lựa chất melamine tốt, tinh khiết.

Có vài nguồn tin cho rằng những tập đoàn, công ty lớn đã không tự mình cho pha loãng sữa, rồi cho melamine vào. Theo họ, chính những người thu mua trung gian từ trại nuôi bò sữa, đã làm thế. Vì giá trị sản phẩm họ cung cấp cho nhà máy được tính theo nồng độ chất đạm trong sữa, chứ không chỉ ở số lượng thể tích.

Một điều cũng đáng lưu ý là dù có biết một số trẻ em bị ngã bệnh từ tháng 12 năm ngoái, nhưng mãi đến tháng 6 năm nay, hãng sữa Sanlu (một trong những hãng lớn có sữa nhiễm độc chất) mới cho kiểm nghiệm sữa về độc chất. Những viên chức đảng tại địa phương nơi Sanlu có cơ xưởng, chưa rõ vì lý do gì, đã không báo cáo lên cấp trên các tin tức về tình trạng sữa nhiễm độc cả tháng trời, sau khi có báo cáo về vụ này.

E. Chất melamine có từng bị cho vào thực phẩm vì lý do trên chưa?

Ngoài sữa và các sản phẩm có chứa sữa như bánh kẹo, nhiều tin tức cho biết chất melamine còn được trộn vào thức ăn cho gia súc, cá nuôi. Chắc chúng ta còn nhớ, vào năm ngoái, nhiều sản phẩm thức ăn cho thú nuôi trong nhà (pet food) của TQ bán ở Mỹ đã bị thu hồi vì đã làm chết hàng mấy trăm con chó, mèo. Melamine đã được cho vào các thức ăn đó nhằm tăng cao giả tạo nồng độ chất đạm.

F. Độc hại của melamine cho con người

Về cấp tính, melamine có thể gây ngứa ngáy ngoài da, mắt, nếu hít vào hay tiếp xúc ngoài da.

Về mãn tính (chronic), sau một thời gian dùng sữa có chứa melamine, thường là 3-6 tháng, có thể gây suy thận cấp tính, tạo sạn (có thể to đến 1 cm đường kính) trong thận hay trong bàng quang. Ở mức độ trầm trọng, nhất là với trẻ sơ sinh, có thể gây tử vong như chúng ta thấy. Ngoài ra, có thể gây ung thư bang quang, tổn hại đường sinh sản.

G. Vấn đề liên quan đến Việt Nam

Nhiễm độc thực phẩm là chuyện thường dễ xảy ra tại các nước chậm, hay đang, phát triễn. Nguy cơ này càng to lớn hơn tại những nước có luật lệ lỏng lẻo, khi này khi khác; các viên chức có thẩm quyền tham nhũng; thiếu đạo đức- trách nhiệm với vai trò của mình.

Cho đến nay, vấn đề vẫn còn diễn tiến với nhiều biến chuyển mới hàng ngày. Riêng đối với Việt Nam, những tin tức từ báo chí trong nước cho biết, sữa TQ (thí dụ Yili) đã có hiện diện tại Việt Nam, một số đã được tiêu thụ. Theo tin 1 bài báo (VNExpress) thì hiệu sữa Yili đã được nhà cung cấp TQ đồng ý thu hồi. Tuy nhiên, còn rất nhiều nhãn hiệu khác, hay cả không có nhãn hiệu gì cả, có hiện diện trên thị trường và vẫn chưa thể kiểm soát được hết. Có tin, 42 tấn sữa không rõ chất lượng của TQ, thậm chí đã bán hết.

Có khả năng là một số những sản phẩm sữa độc hại này của TQ tại Việt Nam sẽ bị tẩu tán, rồi dần tiêu thụ (không để bị tịch thâu, tiêu hủy). Lý do: một số nhà cung cấp TQ không chắc họ sẽ chịu thâu hồi; có một số nhà buôn Việt Nam, sức khỏe công chúng không phải là điều họ phải quan tâm. Hơn nữa, sữa nhiễm độc chất, nếu không thể bán cho trẻ em uống, thì cũng có thể sẽ đi vào các “con đường ngầm” dùng cho sản xuất những sản phẩm có sữa như sữa chua (da ua, yoghurt), bánh ngọt, chè, nước sinh tố, v.v… Coi chừng nước mắm hay xì dầu cũng có thể bị cho chất này vào nhằm tăng nồng độ chất đạm.

Như chúng ta đã biết, hàng không nhãn hiệu, xuất xứ, hàng kém phẩm chất, hàng bị trả về, từ TQ, đã có vẻ dễ dàng, tràn ngập thị trường Việt Nam từ thành phố đến tận nông thôn. Do đó, không loại trừ một khả năng là các hiệu sữa nhiễm độc vẫn còn đang ở TQ, nếu không bị giám sát tiêu hủy hết, có thể sẽ được lén lút chuyển tải lậu vào Việt Nam, như rất nhiều phế phẩm khác, mà báo chí hay loan tải. Có rất nhiều người tham lam, thiếu lương tâm tại hai quốc gia lân bang này sẳn sàng làm chuyện đó. Do được hổ trợ bởi biết bao sơ hở, yếu kém về luật pháp; viên chức tham nhũng; với những liên hệ quen biết móc nối chằng chịt. Nguy cơ của TQ có thể sẽ được sang qua cho Việt Nam (Việt Nam là nước có hệ thống pháp luật yếu kém, lại lân cận, nên dễ dàng chuyển tải lậu vào nhất).

Đã có dấu hiệu rằng giới chức y tế tại Việt Nam bắt đầu thấy tầm quan trọng của vấn đề. Nhưng luật lệ tại Việt Nam về quản lý thực phẩm (và cả dược phẩm) rất lỏng lẽo. Các biện pháp xử lý vi phạm xem ra còn rất yếu ớt, nhẹ tay. Xử lý không mang tính răn đe nghiêm khắc nhằm quyết liệt bảo vệ sức khỏe công dân.

Đại đa số nhân viên y tế lãnh vực an tòan thực phẩm lại yếu kém về năng lực; điều kiện, cơ sở, và trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm thì lại thiếu thốn, lạc hậu. Viên chức lãnh đạo các ban ngành liên quan thường được đề bạt vào vai trò do đảng tính hơn là khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Kinh nghiệm đã cho thấy họ rất dễ sa ngã hay có những quyết định rất khó hiểu. Những điều kể trên, đã và sẽ tạo sự cám dỗ lớn cho tội phạm.

H. Kết luận

Mọi người chắc ai cũng không lưỡng lự muốn thấy những kẻ cố tình phạm tội phải bị đem ra xử phạt nghiêm khắc. Một số lớn ý kiến trên các trang mạng (bên ngoài TQ) còn đòi hỏi một sự trừng phạt nặng nề, tương đương với tội cố sát, hay ít nhất ngộ sát.

Một bài học cho chúng ta, tức các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, phải nghiêm nhặt hơn nhiều nữa trong việc kiểm soát an tòan thực phẩm (và cả dược phẩm).

Chính quyền thường rất nhẹ tay với những tội phạm này, trong khi lại phản ứng rất mạnh mẽ với những bất đồng quan điểm chính trị. Thí dụ theo thông báo của Bộ Y tế, “Những cơ sở có chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường không giống trong hồ sơ công bố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng thì doanh nghiệp có thể bị rút phép lưu hành sản phẩm, rút giấy phép kinh doanh từ 6-12 tháng.”

Chỉ “có thể” bị ... rút phép thôi sao? Đây là một hành vi cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân. Có thể ghép tội hình sự được chứ?

Trong quá khứ, những vi phạm về an toàn thực phẩm đã không đưa tới những vụ án lớn điển hình, nghiêm khắc, nhằm cảnh cáo, răn đe, cho nên lâu lâu cứ lại thấy ... tái phạm. Cũng chẳng có một viên chức có trách nhiệm liên quan nào được báo chí loan tin đã bị trừng phạt hay buộc phải từ nhiệm (như đã và đang xảy ra tại TQ). Chính quyền các cấp hầu như chỉ làm việc chiếu lệ trong lãnh vực này, chỉ làm theo phong trào, hay chẳng đặng đừng. Chưa nói có thể tạo một ấn tượng là một số viên chức đã cố tình bao che tội phạm.

Không lẽ công dân nước Việt Nam cứ phải tự lo cho chính mình mọi chuyện?

© DCVOnline
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5510




http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/804712/

- * Môi sinh môi trường, đạo lý, con người VN bị tàn phá ...

No comments: