Wednesday, September 17, 2008

Sự thật về công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng

Sự thật về công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng
Nhã Trân, phóng viên RFA
2008-09-17

Đánh dấu 50 năm từ ngày Đảng Cộng Sản Việt Nam do Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là Phạm Văn Đồng đại diện ký Công Hàm Ngày 14 Tháng Chín Năm 1958 giao nhượng lãnh hải cho Trung Quốc, gía trị của bản Công Hàm đó như thế nào?



Photo: RFA

Hoàng Sa và Trường Sa

Mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu qua cuộc phỏng vấn của Nhã Trân với Luật sư Nguyễn Hữu Thống ở California, Chủ Tịch Uỷ ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền, một tổ chức của người Việt ở hải ngoại tại Hoa Kỳ.

Nhã Trân : Xin chào Luật sư Nguyễn Hữu Thống. Thưa Ông, Công Hàm của cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của Nước Việt nam Dân Chủ Công Hoà gửi cho Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào Năm 1958 có giá trị thế nào về mặt pháp lý?

Hoàng Sa Trường Sa thuộc lãnh thổ VNCH
Luật sư Nguyễn Hữu Thống : Cái thư của Phạm Văn Đồng không có giá trị và vô hiệu lực về phương diện công pháp quốc tế. Ông Phạm Văn Đồng chuyện nhượng lãnh hải cho Trung Quốc thì thứ nhất họ vi phạm pháp lý, mạo nhận tư cách sở hữu chủ bởi vì đất đó lúc đó thuộc Việt Nam Cộng Hoà chứ không phải của Miền Bắc. Cái đó là một điểm. Điểm đó quan trọng nhất. Ông Phạm Văn Đồng trả lời cái thư của ông Chu Ân Lai nhưng mà tôi không có quyền nhường lãnh hải cho ông trong đó có Tây Sa và Nam Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa đó, mà Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc. Trung Quốc có thể có 12 hải lý trong vùng biển lãnh thổ, cái đó là áp dụng cho Trung Quốc thôi chứ không áp dụng cho Hoàng Sa - Trường Sa.

Cái việc thứ nhì, đảng cộng sản và Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng vào Năm 1958 không có tư cách là sở hữu chủ để mà chuyển nhượng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Vấn đề lãnh thổ và lãnh hải phải do quốc hội quyết định, do quốc dân quyết định chứ không phải do thủ tướng, không phải do hành pháp quyết định. Do quốc hội mà Quốc Hội của Việt Nam Cộng Hoà có lên tiếng 3 lần rồi.
Đảng cộng sản không thể nào thay mặt quốc dân được, thủ tướng chỉ là người thi hành luật pháp thôi chứ không có quyền quyết định về vấn đề chủ quyền lãnh hải - lãnh thổ.

Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng
Nhã Trân : Thưa Luật Sư, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và nằm trong vùng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, điều này hẳn là Trung Quốc khi ấy nắm rõ. Như vậy thì tại sao chính quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố có quyết định về lãnh hải của họ bao trùm cả khu vực hai quần đảo này?

Đằng sau công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng
Luật sư Nguyễn Hữu Thống : Tôi chắc là thật ra Hồ Chí Minh có viết thư cho Mao Trạch Đông rồi. Trung Quốc nắm hai cái thư đó thì nó mới chịu cho Đảng CSVN giải phóng Miền Nam năm 59. Chuyện Chu Ân Lai với Phạm Văn Đồng chỉ là cái bề ngoài thôi. Cộng sản muốn "giải phóng" một ngàn triệu con người Á Châu khỏi ách đế quốc tư bản qua đấu tranh võ trang. Hồ Chí Minh muốn "giải phóng" Miền Nam thì phải nhờ Mao Trạch Đông vào năm 56, lúc đó tổng tuyển cử theo hiệp định Geneva không thành.

Thế thì đến năm 58-59 cộng sản thành lập cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thì lúc đó đã cấu kết với Trung Quốc rồi. Thời kỳ đó chỉ có Trung Quốc viện trợ thôi. Vì thế mà có sự cam kết hồi 59, trong kế hoạch của đảng cộng sản có cái đó. Năm 59 nó phát động chiến dịch giải phóng Miền Nam thì làm gì có tiền, chỉ có Trung Cộng giúp thôi. Chắc chắn vì thế đảng cộng sản mới nhường cho Trung Quốc lãnh hải, trong đó có cả Hoàng Sa-Trường Sa. Việt Nam yếu thế nên Trung Cộng không sợ.

Tại sao Trung Quốc không đòi những đảo như đảo Ba Bình của Đài Loan, những đảo của Phi Luật Tân mà đòi của Việt Nam, bởi những nước kia dân đánh động, hễ động một cái là dân biểu tình, đập phá toà đại sứ, báo động khắp thế giới, trong khi cộng sản Việt nam không cho dân biểu tình. Đảng Cộng Sản Việt Nam không cho người dân biểu lộ thái độ, quốc hội của cộng sản thì không dám nói gì cả.

Nhã Trân : Với tham vọng bá chủ Biển Đông nhằm phục vụ cho các mục đich kinh tế - chính trị - quân sự, Trung Quốc như vậy là đã bất kể đến chủ quyền của Việt nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông, trong tình hình như thế này thì Việt Nam có thể làm những gì để giành lại chủ quyền của mình ở hai quần đảo này?

Quyền dân tộc trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc
Luật sư Nguyễn Hữu Thống : Vấn đề lãnh thổ - lãnh hải là do quốc dân. Dân mới quan trọng chứ không phải đảng. Đảng phải trả lại quyền cho dân thì dân mới đòi lại được chủ quyền đó. Đàng cộng sản như thế là vi phạm quyền của người dân. Đảng cộng sản đã toa rập với Trung Quốc rồi thì bây giờ phải trả lại cho quốc dân quyền đó. Phải cho người dân trở lại với chế độ dân chủ, với quyền dân tộc tự quyết, cho người dân bầu chính phủ dân cử của họ thì lúc đó mới có thể đấu tranh trên trường quốc tế được. Tức là trả lại quyền dân tộc tự quyết cho dân, đại diện quốc dân là quốc hội, tức là dân phải bầu lại quốc hội khác. Quốc hội dân cử đó lúc đó sẽ có lập trường về vấn đề đó. Quốc hội phải lên tiếng huỷ bỏ công hàm Phạm Văn Đồng. Đảng cộng sản thì họ không dám đưa ra Liên Hiệp Quốc, họ không dám đưa ra toà án trọng tài quốc tế hay những toà an về luật biển, họ không dám làm vì mắc quai rồi.

Điểm thứ tư nữa là mình phải kêu gọi Trung Quốc là nước có ký hiệp định Geneva công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam Miền Nam vào năm 58, trước hết là của Miền Nam cái đã, tức là không phải của Trung Quốc, bởi tất cả những đảo đó từ vĩ tuyến 17 trở vào là của Việt Nam Cộng Hoà hết.
Nhã Trân : Luật Sư vừa nói tới quyền dân tộc tự quyết, đây có phải là quyền mà người dân một nước được nói lên ý kiến và nguyện vọng cũng như là được quyết định những vấn đề có tầm quan trọng đối với cả một tiền đồ quốc gia dân tộc, thưa Luật Sư?

Luật sư Nguyễn Hữu Thống : Quyền dân tộc tự quyết là quyền được ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, tức là chỉ có dân mới quyết định, mới có quyền làm chủ quốc gia, làm chủ đất nước, làm chủ lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo. Dân quyết định như thế nào? Quyết định qua quốc hội. Quốc hội phải do dân tự do bầu mới được. Quốc hội chỉ định thì không có quyền đại diện cho dân. Quốc hội (cộng sản) không có lên tiếng về vụ này cả. Trong khi người dân phẫn uất như vậy mà quốc hội đó không dám nói gì hết, quốc hội đó không xứng đáng.

Nhã trân : Xin chân thành cảm ơn Luật sư Nguyễn Hữu Thống, Chủ Tịch Uỷ Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền về cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

----------------------------------------------------------------

No comments: