25 Tháng 9 2008
''Y tế và Công an cùng vào cuộc chống sữa độc'', đó là tít chạy trên một tờ báo ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm nói với báo chí trong nước rằng trong mấy ngày tới Bộ Y tế sẽ có lệnh chính thức về việc ngừng mua bán sử dụng các loại sữa có xuất xứ từ Trung Quốc để kiểm tra có melamine hay không.
Như vậy có thể hiểu việc kiểm tra chỉ mới bắt đầu giữa lúc các quan chức y tế vẫn chưa thể đưa ra số lượng và các loại sữa Trung Quốc đang có trên thị trường ở Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC Việt Ngữ, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới ở Hà Nội, Giám đốc Thông tin Shelaye Boothey, khuyên các bà mẹ nên cẩn thận khi mua sữa cho con và đừng quên rằng sữa mẹ là an toàn nhất.
Bà Shelaye Boothey: Khuyến nghị của WHO là luật lệ chặt chẽ về an toàn thực phẩm cần được tuân thủ thực thi tại tất cả các nước, kể cả Việt Nam, và luật lệ này cần được cập nhật và thay đổi khi thương mại thế giới thay đổi.
WHO khuyên các bà mẹ cần cẩn thận khi mua sữa cho con
Các bà mẹ cần biết xuất xứ của các loại sữa bột họ mua, và được đảm bảo có xuất xứ an toàn hay không rồi quyết định.
Shelaye Boothey, WHO Hà Nội
Bên cạnh đó không chỉ đưa luật quốc tế vào mà còn phải thực thi, thường xuyên kiểm tra và lúc nào cũng đề cao cảnh giác vì chỉ có luật thì không đủ để đảm bảo thực phẩm được an toàn, để những sự kiện như ở Trung Quốc không tái diễn.
BBC:Nhưng sữa nhiễm độc đã có trên thị trường ở Việt Nam, chúng ta phải làm gì bây giờ?
Bà Shelaye Boothey: Đó là theo báo chí đưa tin chứ chúng tôi chưa được Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm xác nhận. Chúng tôi hỗ trợ về mặt kỹ thuật để họ điều tra. Chúng tôi vẫn đang chờ họ cho biết điều tra thấy gì, và cần chúng tôi hỗ trợ gì hay không.
BBC:Như vậy là họ chưa yêu cầu sự trợ giúp của WHO?
Bà Shelaye Boothey: Chúng tôi hỗ trợ liên tục cho Việt Nam trong vấn đề an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau như giúp củng cố luật và theo dõi. Trong trường hợp đặc biệt này, chúng tôi có thể hỗ trợ nhưng vào lúc này chưa thấy có yêu cầu nào.
BBC:Nếu được yêu cầu, WHO có thể giúp cụ thể cái gì thưa bà?
Bà Shelaye Boothey: Chúng tôi có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật bằng cách cho họ biết cần để ý chuyện gì trong những qui định tổng quát, đo lường và giới hạn chất melamine trong sản phẩm, làm sao để đào tạo và củng cố kỹ thuật theo dõi vệ sinh thực phẩm.
BBC:WHO có cung cấp thông tin cho công chúng về tác hại của chất melamine hay không?
Tác hại của melamine
Chưa có nghiên cứu về tác hại của melamine ở người.
Một mình chất melamine có gây sạn bàng quang ở thú.
Khi cộng với axít cyanuric, malamine kết thành tinh thể làm tăng sạn thận.
Những tinh thể này có thể làm nghẽn các ống nhỏ trong thận.
Kết quả thận không sản xuất nước tiểu, gây suy thận, có thể dẫn đến tử vong.
Nguồn: WHO
Bà Shelaye Boothey: Trên website của WHO có nhiều thông tin về melamine mọi người có thể vào xem để tham khảo nhưng tôi nghĩ vụ sữa nhiễm độc này tái khẳng định một điều, đó là cho con bú sữa mẹ cho đến 6 tháng tuổi là điều quan trọng nhất người mẹ có thể làm cho con của mình. Đó là cách an toàn để nuôi con.
Tỉ lệ cho con bú sữa mẹ ở Việt Nam rất thấp, chỉ có 17%, tức rất là thấp. WHO và UNICEF khuyến nghị tất cả các bà mẹ nên cho con bú sữa đến 6 tháng tuổi.
Chúng không cần ăn thêm, không cần thêm nước, không cần thêm bột gạo. Không đúng khi nói rằng ăn thêm sẽ làm cho đứa bé mạnh hơn. Và chắc chắn thêm sữa bột cũng không làm chúng mạnh hơn.
Trẻ bú sữa mẹ khỏe hơn và có sức đề kháng mạnh hơn nhờ kháng thể có trong sữa mẹ. Đó là điều chúng tôi cổ súy và tôi nghĩ đó là bài học rút ra từ chuyện này, bên cạnh nhu cầu củng cố luật lệ an toàn vệ sinh thực phẩm.
BBC:Trong trường hợp này ở Việt Nam, có thể khuyên các bà mẹ đừng dùng sữa bột, đặc biệt sữa nhập từ Trung Quốc?
Bà Shelaye Boothey: Tôi nghĩ cần phải cân nhắc cẩn thận khi đi mua sữa cho con. Các bà mẹ cần biết xuất xứ của các loại sữa bột họ mua, và được đảm bảo có xuất xứ an toàn hay không rồi quyết định.
Tôi nghĩ tùy ở mỗi người nhưng họ phải yên tâm là sữa an toàn, nếu không cảm thấy yên tâm thì đừng dùng.
Và như tôi đã nói cho con bú sữa mẹ là điều tốt nhất họ có thể làm cho con. Cho bú sữa mẹ liên tục, và chỉ có sữa mẹ, là chất dinh dưỡng an toàn nhất cho đứa trẻ
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/09/080925_whovnoncontaminatedmilk.shtml
-------------------------------------------------------------
Vị "đắng" sữa độc trẻ em Trung Quốc
Các bậc cha mẹ xếp hàng đưa con cái kiểm tra bệnh do uống phải sữa độc
Dư luận quốc tế tiếp tục lo ngại về vụ sữa độc Trung Quốc và như phóng viên của BBC News tại Bắc Kinh, Michael Bristow nhận định cường quốc này vẫn không thể bảo vệ nổi công dân của họ khỏi nhiễm độc thực phẩm.
Mặc dù đã có nhiều vụ việc được phát giác thời gian gần đây về các sản phẩm lương thực kém tiêu chuẩn, các thanh tra Nhà nước đã không thể ngăn ngừa được việc trẻ em dùng phải các loại sữa bột nhiễm độc.
Luật pháp tỏ ra nghiêm ngặt nhưng việc thực thi lỏng lẻo có thể là một phần của vấn đề. Và trên thực tế Trung Quốc cũng có một số lượng lớn các nhà cung cấp thiếu lương tâm.
Cho đến nay, đã có ba trẻ em thiệt mạng và hơn 6.000 trẻ khác bị bệnh sau khi uống sữa bột.
Gần 160 trường hợp trong số này được phát hiện mắc chứng suy thận cấp.
Theo Bộ trưởng Y Tế Trung Quốc, Trần Chúc, tất cả các trẻ này đã bị bệnh nặng sau khi uống sữa bột do công ty sữa Tam Lộc (Sanlu) sản xuất.
Thế nhưng vụ scandal này đã không chỉ giới hạn đối với một công ty.
Trong một thống kê cao hơn chắc chắn sẽ làm chính phủ lo ngại, các thanh tra đã tìm thấy chất độc melanine trong sữa bột được sản xuất bởi 22 công ty khác nhau.
Tức là cứ năm công ty, lại có một nhà sản xuất có sử dụng chất độc trong sản phẩm sữa của mình.
Chủ quan hay vô trách nhiệm?
Ông Điền Quảng Thái chỉ tin vào sữa nhập khẩu
Theo tờ China Daily, một người đàn ông bị bắt trong vụ scandal đang diễn ra thú nhận đã trộn chất melanine vào sữa, mặc dù biết chất này gây hại cho sức khoẻ.
Người đàn ông này nói thêm rằng gia đình ông ta đã không hề uống sữa bị nhiễm độc.
Trong khi đó một quan chức cao cấp của chính phủ nói tại một buổi họp báo hôm thứ Tư tuần trước là Trung Quốc không kiểm nghiệm chất melanine vì chính phủ không nghĩ là sẽ có ai đó cho chất này vào sữa bột.
Người đứng đầu cơ quan thanh tra chất lượng của Chính phủ, Lý Trường Giang nói:
"Không có các yêu cầu đặc biệt thanh tra các chất độc... vì các loại hoá chất này không được phép cho vào thực phẩm."
Lời buộc tội mạnh mẽ
Thử nghĩ xem, nếu sữa bột đã có vấn đề thì cũng rất có thể sữa tươi cũng bị
Một phụ nữ Trung Quốc
Theo phóng viên Michael Bristow, có lẽ lời buộc tội mạnh mẽ nhất đối với toàn bộ hệ thống chất lượng và an toàn thực phẩm Trung Quốc đến từ những trải nghiệm của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Trung Quốc là những người phải ăn và uống những sản phẩm đầy rủi ro và nghi ngờ này từ các cửa hàng, chợ búa và siêu thị.
Ông Điền Quảng Thái, đang chăm sóc cô cháu gái bốn tháng tuổi của mình nói:
"Thật là quá đáng, chẳng ai có thể ăn, uống được bất cứ thứ gì nữa."
Chị Vương Ly, một phụ nữ có con trai ba tuổi đã dừng uống sữa từ năm ngoái, hiện đang lưỡng lự, không muốn cho con uống sữa tươi nữa.
Bà mẹ trẻ này nói: "Thử nghĩ xem, nếu sữa bột đã có vấn đề thì cũng rất có thể sữa tươi cũng bị."
Phản ứng của chính phủ sau vụ scandal sữa trước đây vào năm 2004 đã cho thấy người tiêu thụ khó khăn ra sao trong việc đánh giá đâu là sản phẩm an toàn để tiêu thụ, rất lâu sau đó.
Tại thời điểm hiện nay, các bậc cha mẹ được thông báo có thể lựa chọn 30 loại nhãn hiệu sữa đã được nhà nước cho phép.
Thế nhưng, vẫn theo phóng viên Michael Bristow của BBC, kết quả xét nghiệm gần đây phát hiện rằng một số sản phẩm được nhà nước cho phép sử dụng này lại cũng bị nhiễm độc bởi chất melanine.
bbc
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment