Tuesday, September 23, 2008

Hiện tình đất nước: Từ thời cơ vàng đến thảm họa đen - Bùi Tín

Hiện tình đất nước:

Từ thời cơ vàng

đến thảm họa đen

Bùi Tín

"'Thời cơ vàng" và "thảm hoạ đen" là 2 khái niệm của ông Nguyễn Trung thường dùng trên báo mạng Tia Sáng ở Hànội từ 3 - 4 năm nay.

Ông Nguyễn Trung nguyên là cán bộ quân đội nhân dân, chuyển ngành sang bộ ngoại giao, làm đại sứ tại Bangkok (Thái Lan) rồi về hưu. Ông là một trí thức hiểu biết khá rộng, có tấm lòng với đất nước, có tư duy độc lập, không a dua, nói theo đuôi để giữ mình.

Theo ông Nguyễn Trung, nước ta bước vào thế kỷ 21 với nhiều thời cơ thuận lợi quý hơn vàng. Hoà bình, thống nhất, mở cửa, đổi mới, thời đại của nền kinh tế tri thức, cuộc cánh mạng thông tin với computơ, internet, vị trí đất nước nhiệt đới dựa vào Trường Sơn nhìn ra Thái Bình Dương, gia nhập Tổ chức WTO, một dân tộc nhiều sinh lực, trẻ, cần cù cầu tiến...là những nhân tố thuận lợi tạo nên thời cơ vàng ngay trước mắt của nhân dân ta.

Ông Nguyễn Trung nhận định rất đúng rằng tất cả vấn đề là ở lãnh đạo, là ở đường lối chính trị-kinh tế-văn hóa-đối ngoại, là ở bộ chính trị có ở tầm cao trách nhiệm và thử thách hay không; hoặc là sẽ dẫn đất nước vào thời kỳ phát triển cao, hài hòa, bền vững, có công bằng xã hội, có luật pháp nghiêm minh, có tình nghĩa dân tộc, có môi trường trong sạch, lành mạnh, nghĩa là có hạnh phúc cho toàn dân; hoặc là sẽ dẫn đến một xã hội sa sút về mức sống, đổ vỡ vì tham ô lãng phí, rạn nứt vì bất công, rữa nát về môi trường sống, nghĩa là đưa đất nước chìm dần vào thảm họa đen.

Vậy thì đến nay ta đã có thể sơ kết tình hình để phỏng đoán xem 14 vị trong Bộ chính trị hiện tại đang dẫn đất nước đến đâu, đến bến bờ "hạnh phúc cho toàn dân" hay đến bờ vực của "thảm họa đen" ? Xin kính mời bà con ta trong cả nước cho ý kiến .

Theo tôi, theo dõi tình hình chặt chẽ hơn một chục năm nay, xu hướng hiện nay là nguy hiểm, cần báo động, vì bến bờ hạnh phúc cho toàn dân ngày càng xa vời, còn thảm họa đen thì cứ hiện dần lên lù lù ngay nhãn tiền, khá là đậm nét.

Đây rất nên là đề tài nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, đánh giá một cách khách quan, khoa học, ngay cả trong cuộc họp Trung ương đảng CS cuối năm nay và cuộc họp thứ 4 của Quốc hội khoá XII sắp khai mạc vào ngày 20-10- 2008 tới, nếu như có một số vị quan tâm.

Những nét tiêu biểu của thảm hoạ đen

Chỉ xin chỉ ra vài dẫn chứng về môi trường. Khu vực Đồng Nai - Bàrịa Vũng tàu là khu vực trọng điểm hàng đầu về công nghiệp, đầu tư, khai thác dầu khí, du lịch của cả nước. Cả nước vừa được biết, - quá ư chậm chạp - rằng dòng sông Thị Vải tại đó đang chết, nghĩa là bị ô nhiễm rất nặng nề bắt đầu từ năm 1994 đến nay, nghĩa là suốt 14 năm nay rồi; từ đó đến nay tôm cá quanh vùng vốn sung mãn đã chết dần và nay đã chết sạch; cuộc sống của 20 vạn cư dân ở 2 bên dòng sông Thị Vải vốn xanh tươi trù phú đã trở nên không thể sống nổi cho trẻ em, người già, cho cả người lao động, nghĩa là cho mọi người. Nước con sông Thị Vải nay ngả sang màu xám, mùi hôi tanh nồng nặc, chỉ cần nhúng tay xuống nước sông là móng tay đen sạm, bàn tay nhớp nháp, sau đó bị ghẻ lở. Không còn ai dám lội qua sông, chưa nói đến tắm rửa giặt rũ dọc theo 14 kilômét của dòng sông vốn nên thơ và trù phú này. Những thử nghiệm cho biết nhiều chất độc hại trong nước sông đã đạt đến gấp từ 1 nghìn đến 3 nghìn mức độ cho phép. Tội phạm gây nên thảm hoạ môi trường tại đây là nhà máy chế biến bột ngọt VEDAN, do tư bản Nam Hàn đầu tư 100%, dùng 1.800 lao động người Việt, bắt đầu xây dựng từ năm 1991, khai trương năm 1994, dùng nguyên liệu chính là sắn tươi (1 triệu tấn / năm). Cái gian xảo tội ác của bọn tư bản Nam Hàn VEDAN là tìm cách tẩu tán mỗi ngày 5.000 mét khối nước thải thối bẩn chưa hề thanh lọc xuống sâu dưới đáy sông, bằng nhiều ống bơm và ống xả chồng chéo nhau, thoát khỏi mọi kiểm tra kiểm soát của phía Việt nam từ trung ương đến địa phương, vốn cực kỳ vô trách nhiệm, lại dốt nát và tham nhũng, rất dễ bị mua chuộc bằng quà cáp và đôla. ( xin nhớ : tư bản Nam Hàn nổi tiếng là hung dữ với lao động Việt nam và rất ranh ma trong hối lộ, đút lót quan chức Việt nam. Bà con ta không quên Đỗ Mười khi sang Séoul trên cương vị tổng bí thư CS, đã nuốt mấy triệu đôla hối lộ nhưng không chùi sạch mép ). Điều kinh dị ở đây không phải là mưu ma chước quỷ của tên phó chủ tịch hội đồng quản trị VEDAN tên là K.H.Yang mới đây leo lẻo xin lỗi phía Việt nam và hứa bồi thường thiệt hại (bao nhiêu cho đủ ! ), hoặc thủ đoạn bịp bợm của 2 tên kỹ thuật viên Nam Hàn tên là Lâm Mậu Phủ và Vương Kim Điền được chủ giao cho việc điều hành hệ thống ống bơm và ống xả ma quỷ, luồn sâu đến 9 , 10 mét dưới mặt sông. Điều kinh dị là sự im lặng, tê liệt của cả một hệ thống chính quyền từ xã Phước Thái, huyện Long Thành, đến chủ tịch tỉnh và bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai, là sự mù mờ ấm ớ của các quan chức ở bộ Tài nguyên - môi trường, ở bộ Kế hoạch - đầu tư, các ban ngành của 2 bộ này, cho đến các đại biểu quốc hội của tỉnh Đồng nai, cho đến các phó thủ tướng và thủ tướng ... đều im re suốt 10 năm trời, kể từ khi vấn đề này bị phát hiện, qua hàng trăm lá thư tố cáo và kêu cứu của chính anh chị em lao động của VIDAN bị chủ đuổi vì dám nói lên việc làm tệ hại của chúng; và hàng trăm lá thư của nhân dân 2 bên bờ sông kêu cứu gửi chính quyền, trung ương đảng, thanh tra chính phủ, bộ y tế, hội phụ nữ, uỷ ban bảo vệ phụ nữ và nhi đồng, gửi các báo ...Tất cả đều rơi vào im lặng. Cả một hệ thống vô hồn, vô cảm, theo gương ù lỳ của Bộ chính trị;

Cho đến nay, bộ trưởng bộ tài nguyên - môi trường mới mở mồm "yêu cầu nhà máy SEDAN báo cáo về việc này" ! [sau một cuộc kiểm tra không có kết luận, vì quá phức tạp rối rắm (!) ] Ở bất cứ một nước dân chủ nào, công luận sẽ cất tiếng quyết liệt, và 2 bộ trưởng môi trường và đầu tư đã bị truy tố và mất chức từ lâu.

Một hệ thống chính quyền tê liệt, yếu ớt, quan liêu trước một thảm cảnh môi trường kéo dài 14 năm, một chính phủ lo chuyện đàn áp lương dân đòi lại đất, băt bớ các công dân đòi tư do cho xã hội, làm ngơ trước sự tàn bạo tham lam của tư bản nước ngoài, một bộ chính trị 14 vị buông trôi trước mọi đau khổ của nhân dân thấp cổ bé họng đang lâm vào cõi chết tập thể, khi môi trường sống bị đe doạ tận gốc, vậy chính quyền ấy, bộ chính trị ấy có thể "biến thời cơ vàng thành hạnh phúc của toàn dân" hay không ?

Môi trường đầu tư và môi trường chống tham nhũng sa sút rõ

Vụ án hối lộ của PCI - PACIFIC CONSULTANT INSTITUTE (Nhật bản ) và vụ án 4 nhà đầu tư Hoa kỳ thuộc Công ty Kỹ thuật NEXUS TECHNOLOGIES hối lộ một loạt Công ty quốc doanh Việt nam (từ Dầu khí, Điện lực, Hàng không đến Ngân hàng, Quốc phòng...), 14 vị Bộ chính trị bị dồn vào thế bí. Nếu hăng hái lao vào điều tra và xử lý thì những vụ bê bối bị phơi bày, có thể đụng đến những cấp cao nhất, nhưng nếu khoanh lại, ỉm đi như vụ Tổng cục II thì không thể được nữa, vì bộ máy tư pháp nghiêm của Nhật bản và Hoa kỳ đã khởi động không sao quay ngược. Đành phải chơi trò mua thời gian, miễn cưỡng, đủng đỉnh, từ từ vào cuộc, trì hoãn một cách bất lực sự bùng nổ của sự thật.

Hậu quả là các nhà đầu tư Nhật bản, Hoa kỳ (là 2 nước có vốn thực tế ODA và FDI, viện trợ và đầu tư, cao nhất ) sẽ chờ đợi, cân nhắc kỹ và có thể nản chí.

Không phải ngẫu nhiên mà người phát ngôn của Ngân hàng thế giới WB cùng với báo Echos (Pháp) đều chỉ trích bộ trưởng dầu tư và kế hoạch Việt nam là ''quá ngớ ngẩn và vụng về'' khi chỉ trưng ra con số hứa hẹn đầu tư là 46 tỷ đôla, mà che dấu con số tiêu hoá, thanh khoản được có hơn 10 tỷ một năm. Họ lên lớp cho ông bộ trưởng Hànội là con số dự định đầu tư, có ý muốn đầu tư, chỉ là con số hứa hẹn miệng và trên giấy, chẳng có mấy ý nghĩa, một bộ trưởng đầu tư hơn ai hết không được tự ru ngủ mình, mà phải nhìn cho rõ sự thật là "vì sao mà tiếp thu đầu tư chậm như rùa bò", chỉ hứa hão là ''một cửa'', "thủ tục chỉ cần 2 tháng" mà thường vẫn kéo dài đến 2 năm !

Môi trường chống tham nhũng bị ô nhiễm và phá hoại bởi chính những người cầm đầu bộ máy chống tham nhũng, khi họ ngang nhiên bắt giam và tịch thu thẻ hành nghề của những nhà báo hăng hái chống tham nhũng nhất, kéo dài lê thê việc xét sử vụ án số 1: PMU 18 gần 3 năm trời mà chưa kết thúc cuộc điều tra ! Chính phủ Anh, Thuỵ Điển, Nhật Bản ... nhất loạt cảnh báo rằng họ sẽ không tiếp tục viện trợ nếu như việc xử dụng tiền viện trợ vẫn không minh bạch, phung phí tiền của chính phủ và của công dân đóng thuế của nước họ. Họ ghi nhận những lời hứa kiên quyết và vẫn còn chờ đợi việc làm.

Môi trường pháp lý vẫn còn tù mù

Trong thời đổi mới, vài chục bộ luật đã được thông qua, trường đào tạo luật sư mở rộng, toà án các cấp hoạt động, việc khiếu nại tăng nhanh, nhưng môi trường pháp lý vẫn tù mù, lạc hậu. Đầu tháng 9 này, Viện điều tra quốc tế vừa xếp Việt nam vào thứ áp chót, nghĩa là gần "bét dem" về mặt pháp lý ở châu Á, nghĩa là về tôn trọng pháp luật, xử án công minh và thi hành án nghiêm chỉnh thì Việtnam thua kém Thái lan, Philípin, Indonexia, cả Cambốt nữa.

Xin hỏi 14 vị trong Bộ chính trị là các vị có quan tâm đến sự xếp hạng trên đây của cơ quan điều tra quốc tế về mặt pháp lý, để còn biết hổ thẹn và sửa chữa khuyết điểm rất nghiêm trọng của chính quyền do quý vị lãnh đạo, vì một nền pháp lý lạc hậu, trì trệ đến vậy thì làm sao có thể bảo đảm công bằng và hạnh phúc cho toàn dân.

Viết đến đây tôi nhận được điện thoại từ Hànội báo tin rằng ông Phạm Quang Nghị uỷ viên bộ chính trị, bí thư thành uỷ Hànội đang đích thân cùng viên giám đốc Sở công an chỉ đạo cuộc đàn áp giáo dân đang cầu nguyện để đòi lại quyền sở hữu toà Khâm sứ công giáo 42 Nhà Chung, bằng biện pháp xử dụng công an, cảnh sát, dân quân cho đến bọn lưu manh của xã hội đen, được uống rượu để lao vào đập phá, hành hung, chửi bới và doạ nạt dân lành tay không. Vậy thì pháp lý ở đâu? bạo lực đến từ phía nào? đâu là công bằng xã hội, là lẽ phải ở đời ? Ông bí thư thành uỷ đang bảo đảm hạnh phúc cho toàn dân thủ đô như vậy hay sao? ông có thích thú trước việc người dưới quyền ông đập chảy máu vỡ đầu trưởng đại diện hãng thông tấn AP ở Hanội Ben Stocking, rồi ông có xui người phát ngôn Lê Dũng chối bay chối biến ? pháp luật nào vậy, hay theo luật rừng ?

Cuối năm nay, các đạo Luật về đất đai Luật về báo chí sẽ được bàn cãi tại quốc hội, công luận đã và đang lên tiếng khá mạnh, với đầy đủ lý sự là : không phải sửa đổi, bổ xung luật đất đai, đã đến lúc đảng CS sòng phẳng trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, sau khi đã trả lại quyền sở hữu tư nhân cho các nhà thương nghiệp và công nghiệp. Về luật báo chí không thể trì hoãn việc công nhận quyền tự do báo chí của tư nhân nghĩa là của mọi công dân như đã ghi rõ trong Hiến pháp, trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền mà Việt nam đã cam kết tôn trọng.

Môi trường văn hoá suy đồi đến bi thảm

Nhiều trí thức, nhà văn hoá, nhà kinh tế đã nêu lên, cuộc đổi mới từ 1986 đến nay ngày càng lệch hướng. Văn hoá bị coi rất nhẹ, theo nghĩa văn hoá là đề cao vị trí "con ngưởi " trong xã hội, phục vụ người công dân, chứ không phải đề cao vật chất, tiền bạc, quyền lực;

"văn hoá đầu tư" cũng lệch hướng vì xây dựng khách sạn, sân golf, Casino, khu du lịch cao cấp nhiều hơn là các nhà máy kỹ thuật hiện đại, trường học và bệnh viện. Chưa có lúc nào nạn nghiện ngập, xì ke ma tuý, cờ bạc, chơi đề, buôn lậu, buôn phụ nữ, trẻ em, nhảy nhót trần truồng... có xu hướng phát triển không ngừng như hiện nay. Nhà nước tổ chức nhiều lễ hội, thi hoa hậu đủ kiểu hào nhoáng tốn kém để che dấu sự băng hoại về đạo đức và lối sống trong xã hội. Môi trường kinh doanh cũng phản văn hoá vì sự khống chế, hiếp đáp của các Tập đoàn kinh tế Quốc doanh đối với các nhà kinh doanh tư nhân ngay thật lương thiện và có tài năng.


Môi trường chính trị hư hỏng từ gốc

Vấn đề môi trường là vấn đề nóng bỏng, cấp bách ở Việt nam. Môi trường mọi mặt đang kêu la cấp cứu.

Vấn đề con sông Thị Vải ở Đồng Nai bị bức tử 14 năm nay đang rẫy chết. Cả nước hãy quan tâm, lên tiếng và cấp cứu bà con ta ở huyện Long Thành đang sống dở chết dở. Hãy mời 2 bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường và Đầu tư vào xắn quần lội xuống dòng sông đen ngòm ấy để may ra có thể giật mình nhận ra trách nhiệm của mình, không còn nể sợ tư bản Nam Hàn như cọp nữa.

Nhưng cần nhận rõ cái gốc của vấn đề là môi trường chính trị, là chế độ độc quyền của một chính đảng duy nhất, là quyền lực nằm trọn trong tay 14 vị trong bộ chính trị, không có lấy một lá phiếu bầu của người công dân. Ai kén họ, ai chọn họ, ai cử họ? có ma biết !

Cái gốc của vấn đề có thể gọi là " dòng sông Thị Vải về chính trị ", là chế độ độc đoán độc đảng phi nhân tính, là chế độ độc quyền đảng trị phản dân chủ lạc lõng giữa thời đại mới, gây ô nhiễm xã hội ngày càng nặng nề suốt hơn nửa thế kỷ, đã đến lúc phải xoá bỏ gấp;

phải thay thế nó bằng một dòng sông chính trị đa nguyên đa đảng từ lá phiếu tự do của toàn dân, dòng sông chính trị trong trẻo, xanh mát, với hoa thơm quả ngọt, làng mạc trù phú, ấm no, hoà thuận, có môi trường pháp lý công bằng cho mọi người, môi trường đầu tư có văn hoá vì hạnh phúc nhân dân, môi trường kinh doanh lành mạnh có ganh đua bình đẳng, hội nhập hẳn vào thế giới dân chủ và văn minh.

14 cái đầu bảo thủ của bộ chính trị không thể kìm hãm và bức tử toàn xã hội !

14 bộ mặt ấy nay đã lồ lộ tội làm tôi đòi cho bọn bành trướng cướp đất, cướp

biển, cướp tài nguyên nước ta.

14 gương mặt đen tối mang màu sắc tử thần của dòng sông Thị Vải mà họ góp

phần bức tử vì tư lợi và tư thông với tư bản nước ngoài.


Khi vài chục vạn công dân lương thiện có dũng khí lên tiếng, khi vài chục vạn đảng viên thường ở cơ sở chia sẻ với nhân dân nỗi nhục không có tự do, nỗi nhục đất nước bị mất đất, mất biển, mất đảo, để dấn thân vì Tổ quốc, khi môt bộ phận ưu tú của tuổi trẻ nước ta vào cuộc, xuống đường, đòi tự do, đòi quyền làm chính trị, đòi trong sạch hoá mọi thứ môi trường, thắng lợi sẽ chắc chắn trong tầm tay.

Môi trường tự do như dưỡng khí cho cuộc sống xã hội. Môi trường chính trị tư do là then chốt, là chìa khoá để lành mạnh hoá các môi trường văn hoá, đầu tư, pháp lý, kinh doanh, mở đường cho phát triển bền vững, mà thế giới gọi là "phát triển xanh, sạch" - le développement vert, propre - , tránh khỏi sự phát triển xô bồ, khập khiễng, phát triển bệnh hoạn, giả tạo và bất công.

Không có một con đường nào khác dẫn đến hạnh phúc cho toàn dân.

Bùi Tín . Paris 24-9-2008.

No comments: