Sinh viên Hà Nội 1945: biểu quyết dời bỏ hàng ngũ Việt Minh
-----
Hiệu đính vài điều trong “Hà Nội 1945” của tác giả Trần Ðỗ Cung
Thursday, May 10, 2007 3:29:43 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=59628
Trong hồi ký “Hà Nội 1945” của tác giả Trần Ðỗ Cung đăng trong Giai phẩm “Thời Luận”, Xuân Ðinh Hợi 2007 (từ tr. 77 đến tr. 83-sau đo co đăng lại trên nhật báo Người Việt) có đề cập đến cụ thân sinh của bà Hà Thúc Ký như sau:
2. Phở Hà Nội
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=59128
Sunday, April 29, 2007 5:40:36 PM
LTS - Sau loạt bài Hà Nội 1945 được độc giả hoan nghênh, tác giả Trần Ðỗ Cung lại vừa gởi cho Mục Diễn Ðàn nhật báo Người Việt một bài khác nhan đề “Phở Hà Nội”. Chạy bài viết về phở trong mục Diễn Ðàn thì có vẻ nghịch lý, nhưng người phụ trách không thấy nghịch lý chút nào khi đọc toàn bộ bài viết cho nên xin đăng tải nguyên văn những chia sẻ của tác giả với độc giả của nhật báo Người Việt về Phở Hà Nội xưa, phở Hải Ngoại và Phở Hà Nội bây giờ.
3. Thơ thời sự độc giả: Lẳng lặng nghe chúng hoan hô
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57676
Wednesday, March 28, 2007 11:15:19 PM
Bài “Hà Nội 1945 (kỳ chót)” - báo Người Việt ngày 20 Tháng Ba 2007
4. Thư độc giả: Tinh thần quốc gia rất cao
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57329
Wednesday, March 21, 2007 3:26:17 PM
Ðọc bài “Hà Nội 1945” (báo Người Việt ngày 20 Tháng Ba 2007), tôi xin gởi đến anh lời khen, vì tinh thần quốc gia rất cao của anh đáng được vinh danh và trọng nể.
5. Hà Nội 1945 (Bài chót)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57235
Monday, March 19, 2007 2:34:22 PM
Thế rồi đầu Tháng Tư 1966 bỗng nhiên có một khách lạ vào hỏi tôi. Tôi chạy ra thì ngỡ ngàng, trước mặt tôi cán bộ Thành bằng xương bằng thịt không biết làm cách nào mà đã lọt qua cổng Phi Long vào nhà. Tôi điềm tĩnh mời hắn ngồi, liếc mắt xem hắn có khí giới không và hỏi một cách thân tình, “Ðã lâu quá sao bây giờ chú lại vào đây, từ lúc nào vậy”?
6. Hà Nội 1945 (kỳ 5)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57200
Sunday, March 18, 2007 3:11:04 PM
Tại Hải Phòng vào đầu tháng Chạp 1946 đã có súng nổ giao tranh. Gọi là giao tranh nhưng thực sự phía Việt chỉ có lẻ tẻ một số tổ chức Cứu Quốc và ít nhóm Tự Vệ thì đánh sao? Súng nổ có hơn một ngày và Pháp làm chủ tình thế ngay rồi ngưng bắn để điều đình.
7. Hà Nội 1945 (bài 4)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57127
Friday, March 16, 2007 4:24:18 PM
Vào đầu tháng Tư, Hoàng Ðế Bảo Ðại thành lập chính phủ do Thủ Tướng Trần trọng Kim lãnh đạo. Cụ Kim là một học giả uyên thâm và một sử gia nổi tiếng. Ðổng Lý Văn Phòng của Thủ Tướng là Bác Sỹ trẻ Phan Huy Quát đã từng là hội trưởng Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương.
8. Bổ túc bài Hà Nội 1945
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57077
Thursday, March 15, 2007 3:55:04 PM
Năm 1931, tôi mới lên chín thì bố tôi bị đổi đi làm hiệu trưởng trường huyện Nghi Lộc cách tỉnh Vinh 7 cây số về hướng Nam. Hồi ấy là thời kỳ Xô-Viết-Nghệ-Tĩnh rất sôi động mà Nghi Lộc là cái nôi lửa-bỏng-dầu-sôi
9. Hà Nội 1945
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57075
Thursday, March 15, 2007 3:51:48 PM
Tôi còn nhớ có một cuối tuần tôi cùng bạn Nguyễn Trung Trinh cưỡi xe đạp đi Phủ Lý thăm gia đình bạn Bùi Diễm ở Phố Châu Cầu. Thân phụ bạn Bùi Diễm là cụ Phó Bảng Bùi Kỷ dáng người cốt cách có chòm râu cầm dài rậm.
10. Hà Nội 1945 (bài 2)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57010
Wednesday, March 14, 2007 4:10:34 PM
Lê la lên đầu Hàng Bông nhìn nhà khách sạn cơm Tây Phú Gia (Hotel Restaurant Phú Gia) nhưng đâu có dám bén mảng vào cháy túi. Chỉ biết chủ là bà Phủ Công Xuân Bách rất xinh đẹp, cao lớn như đầm.
11. Hà Nội 1945
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=56917
Monday, March 12, 2007 3:14:05 PM
Lúc lên bẩy tôi học tại trường Nguyễn Trường Tộ ở Vinh và hay được anh Nguyễn Quang Trình dẫn vào lớp Nhất ngồi cạnh anh ta ở cuối lớp. Anh Trình sau này là Tổng Trưởng Giáo Dục của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Trong thời gian này đã xẩy ra vụ để tang Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị hành quyết tại Yên Báy. Rồi đến học sinh đủ lứa tuổi bãi khóa, ăn mặc y phục trắng đi diễn hành tưởng niệm Phan Chu Trinh. Mật thám Tây chạy đôn chạy đáo với đám chó săn An Nam dò dẫm tin tức. Trong giới giáo chức nhiều người bị tình nghi trong số có thân phụ tôi.
*
***
*
Hà Nội 1945
Trần Ðỗ Cung
(Hồi ức)
(Kỳ 1)
Lúc lên bẩy tôi học tại trường Nguyễn Trường Tộ ở Vinh và hay được anh Nguyễn Quang Trình dẫn vào lớp Nhất ngồi cạnh anh ta ở cuối lớp. Anh Trình sau này là Tổng Trưởng Giáo Dục của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Trong thời gian này đã xẩy ra vụ để tang Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị hành quyết tại Yên Báy. Rồi đến học sinh đủ lứa tuổi bãi khóa, ăn mặc y phục trắng đi diễn hành tưởng niệm Phan Chu Trinh. Mật thám Tây chạy đôn chạy đáo với đám chó săn An Nam dò dẫm tin tức. Trong giới giáo chức nhiều người bị tình nghi trong số có thân phụ tôi.
Năm 1931 tôi mới lên chín thì bố tôi bị đổi đi làm hiệu trưởng trường huyện Nghi Lộc cách tỉnh Vinh 7 cây số về hướng Nam. Hồi ấy là thời kỳ Xô-Viết-Nghệ-Tĩnh rất sôi động mà Nghi Lộc là cái nôi lửa-bỏng-dầu-sôi. Năm 1932 xẩy ra vụ thảm sát quan huyện Tôn Thất Úy khi ông đi thị sát với thầy Ðề Lại và sáu lính khố lục. Cả đoàn rơi vào ổ phục kích cộng sản và bị chặt ra làm ba khúc ném xuống biển Cửa Hội. Toàn gia có ông em Tôn Thất Tần là Vua Tù trong trại cải tạo của cộng sản. Ngoài ra hai con Tôn Thất Uẩn bằng tuổi tôi sau thành Tổng Giám Ðốc Ðiện Lực Sài Gòn và cô em nhỏ lấy Hà Thúc Ký lãnh tụ Ðại Việt Trung Kỳ, theo mẹ về Huế.
Tri Huyện mới là Trần Mậu Trinh, một cựu Khố-Ðỏ nổi tiếng sát thủ được đổi về thay thế. Ông ta xin một tiểu đội Lê-Dương bố trí súng máy bảo vệ huyện đường. Ðêm đêm nghe tiếng reo hò rồi tiếng súng máy nổ ran khiến bố mẹ chạy vội vã kéo bốn anh em chúng tôi ra nằm phục giữa các luống rau sau trường. Nhiều hôm khi chúng tôi chơi trên sân trước trường chúng tôi chứng kiến người ta cáng các xác những người bị hành quyết trên đường cái, chân tay lủng lẳng kinh khiếp.
Tôi học Tú Tài Toán ở Trường Quốc Học Khải Ðịnh. Tôi nhập học vào tháng Chín 1939 sau khi đậu bằng Cao Tiểu ở Collège de Thanh Hóa. Năm đầu 1-S có 40 học sinh, 33 nam và 7 nữ. Các học sinh nam đều mặc áo dài thâm, chân đi guốc chỉ trừ có ba người mặc quần Tây trắng và sơ mi cụt tay trắng. Ðó là Hoàng Kim Nha, Nguyễn Châu Phùng và Trần Văn Dĩnh về sau làm thông ngôn cho Kempetai Nhật và trở thành Bộ Trưởng Thông Tin đầu tiên của chính phủ Ngô Ðình Diệm.
Học được ba ngày thì Censeur Giamachi dẫn vào lớp một học sinh mới là người độc nhất Nam Kỳ, dân Tây có cái tên ngộ nghĩnh Albert Phạm Ngọc Thuần. Anh ta được xếp ngôi cạnh tôi, ít nói, trông dáng người mảnh khảnh, nước da mai mái đậm đà và đặc biệt có cái mắt trái lác xệch. Anh mặc quần short đến đầu gối để lộ bộ giò dài và khẳng khiu. Anh nói giọng miền Nam trầm bổng và hay dùng tiếng Pháp đệm vào câu chuyện. Ðặc biệt trong giờ thầy Ưng Quả giảng Truyện Kiệu thì anh chẳng hiểu mô tê gì hết và luôn luôn hỏi nhỏ “expliques moi qu'est ce qu'il dit”? Trong ký túc xá anh cũng nằm giường cạnh tôi giữa một đám nội trú sinh tinh nghịch phá đám “nhất quỷ nhì ma”, nhưng Albert chỉ ăn nói củ-mỷ-cù-mì, bàn những chuyện cách mạng Pháp, những tư tưởng của Rousseau, Voltaire và ghê khiếp bạo lực của Robespierre, Marat cũng như sự kinh hoàng bên Nga khi chủ nghĩa Marx Lenine đưa đến giết chóc thanh toán man rợ. Học hết năm đầu thì anh ta biến mất, nghe nói gia đình cho qua Pháp du học. Mãi về sau, trong năm 1963 trước khi đảo chính Ngô Ðình Diệm tôi mới biết anh ta là Phạm Ngọc Thảo.
Ở đây tôi xin mở dấu ngoặc nói thêm về Albert Phạm Ngọc Thuần. Bẵng đi sáu năm sau, tôi mới gập lại Albert mà lại ở Hà Nội. Khoảng 10 giờ đêm đầu tháng 10 năm 1945 tôi đang đứng ở sân nhà A Học Xá, thì bỗng nhiên anh ta xuất hiện. Chân đi đôi dép vỏ lốp xe hơi, anh mặc bộ quần áo bà-ba đen và cổ quấn một chiếc khăn rằn ri mầu hồng đậm, đầu đội mũ vải nâu mềm trông đúng như một dân dưới ruộng Nam Kỳ. Da mặt đen xạm, anh giơ tay siết chặt tay tôi và vội vàng đi ngay mồm nói, “Moi mới ra đây đi dự khóa họp đầu tiên Quốc Hội với phái đoàn Nam Bộ. Ðêm nay moi ngủ ở đây và sáng mai phải đi với anh em sớm lắm”. Albert là con một đại phú gia Sài Gòn có anh là Gaston Phạm Ngọc Thuần tức Phạm Ngọc Hiền làm Ðại Sứ cho Mặt Trận Giải Phóng ở Ðông Ðức.
Năm 1962 khi vị Tư Lệnh Cần Lao cho tôi ngồi-chơi-xơi-nước thì Thảo liên lạc với tôi và móc nối tôi vào vụ đảo chính Ngô Ðình Diệm. Thảo đưa tôi đến họp trong căn nhà của Tướng Ðỗ Mậu ở Tổng Tham Mưu, ngồi ăn trưa với Trung Tá Phạm Ðăng Tấn phụ tá của Ðỗ Mậu. Trong lúc ăn, Thảo trình bày cặn kẽ kế hoạch và tôi được biết là Ðỗ Mậu và Trần Thiện Khiêm là hai vai trò mấu chốt. Họ đề nghị tôi nắm quyền chỉ huy Không Quân và khi tôi nói nên dùng Trung Tá thất-sủng Nguyễn Cao Kỳ thì họ nhờ tôi bí mật liên lạc kéo Kỳ vào kế hoạch.
Như đã nói ở trên, tôi thấy Thảo là một người ăn nói thật thà dễ mến và có đầu óc xã hội cấp tiến. Năm 1946 theo lời thuật lại của bạn Nguyễn Trung Trinh hiện ở Paris, thì Trinh gập Thảo ở khu Thị Nghè khi anh đang chỉ huy một tiểu đội phục kích Tây. Thảo bắt tay Trinh và rủ nhập bọn đánh thực dân. Khi thấy Trinh có vẻ ngần ngại thì Thảo nói, “Moi biết toi có nhiều bạn phía bên kia, nhưng toi cứ làm việc của toi và chúng mình vẫn là bạn”. Vào khoảng 1960 anh rời bưng biền về với phe quốc gia và được Ðức Cha Ngô Ðình Thục giới thiệu với Tổng Thống Diệm. Anh được gắn lon Trung Tá Nhiệm Chức và đua đi làm Tỉnh Trưởng Bến Tre, là một địa phương hiền hòa và phong phú mà Việt Cộng đã dùng làm nơi dưỡng quân.
Thảo nhậm chức, thường ra chợ và những nơi công cộng đứng ngang nhiên lên thùng gỗ nói chuyện và thảo luận với dân chúng như kiểu “soap box forum” bên Anh Quốc. Tình hình địa phương được ổn định do sự khéo léo của Thảo. Nhưng có người lại nói Việt Cộng chơi trò hai mang, khi còn Thảo thì chúng giấu mặt và khi hết Thảo thì chúng lại hoạt động trở lại do đó người ta nghi rằng Thảo nằm vùng. Xét cho cùng, vì Thảo đóng vai trò quan trọng trong vụ lật đổ chính phủ Diệm là một cơ may trời cho, khiến cho Bắc Bộ Phủ hoan nghênh tình trạng bát nháo của Việt Nam Cộng Hòa, thì công của Thảo còn bằng bao nhiêu lần Phạm Xuân Ẩn hay Vũ Ngọc Nhạ. Vậy tại sao khi chúng chiếm xong miền Nam chúng lại chỉ tuyên dương vai trò Thảo một cách khiêm tốn, không ồn ào, không gắn sao cho bóng ma như chúng vẫn làm với Nguyễn Văn Trổi chẳng hạn. Bởi vậy khi chị nghị sỹ Phan Nguyệt Minh đến thăm tôi ở Monterey năm 1978 và hỏi “anh có cho Phạm Ngọc Thảo là cộng sản không” tôi đã trả lời ngay là “không”. Và chị Minh nói, “như vậy thì anh nên viết một cái gì giải oan cho anh Thảo và đưa lại an bình cho chị Thảo và cháu gái hiện đang ngụ tại San Diégo”.
Tôi thi đậu Tú Tài toàn phần toán vào kỳ hai năm 1941 vì tôi trượt kỳ đầu do phân tâm tìm đường du học Nhật Bản qua sự móc nối của Trần Văn Dĩnh với Tổng Lãnh Sự Nhật. Ra Hà Nội tôi được vào ở Ðông Dương Học Xá mới xây xong, do chính sách chiêu dụ sinh viên của Toàn Quyền Decoux. Tại Ðại Học Hà Nội tôi liên hệ với nhiều bạn mới ở ba Kỳ cũng như các sinh viên Lào và Mên. Ðầu óc thật là cởi mở không một chút mặc cảm. Tôi có dịp gặp những bạn mới, nhất là các đàn anh phóng khoáng và ưu tư với tiền đồ nước nhà nếu tương lai thoát được sự đô hộ của Pháp. Tờ Tuần San Le Monôme của Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương đã đăng những bài úp mở bóng gió đề cao lòng ái quốc. Những tên lớn như Tổng Hội Trưởng Dương Ðức Hiền, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh, Lê Văn Giạng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Diệp Minh Châu, là những thần tượng không phai nhòa trong đầu óc trong trắng của tuổi trẻ.
Mỗi ngày chúng tôi lũ lượt đạp xe độ mươi cây số lên trường Ðại Học Ðông Dương tọa lạc tại đường Bobillot. Nghe giảng trong lớp xong chúng tôi vào Thư Viện tra cứu rồi lại lọc cọc quay về Ðại Học Xá chơi thể thao. Ðời sống thật là lành mạnh và vô tư, có chăng chỉ theo dõi tin tức Thế Chiến mà Pháp Quốc đang ở thế bại. Rồi những tin về Nhật Bản nuốt gần trọn Trung Hoa và đưa quân xuống các nước Á Châu về phía Nam trong số có Việt Nam. Các thuộc địa Anh Quốc Mã Lai Á, Singapore rồi đất Nam Dương thuộc Hòa Lan lần hồi bị phá bỏ. Nhật Bản tung ra chiêu bài Ðại Ðông Á gây nên một làn sóng ái quốc và hãnh diện cho các sắc dân bị các quốc gia Tây Phương đô hộ. Trong Ðại Học Xá chúng tôi đã thành lập các nhóm nhỏ học ngoại ngữ Nhật, Anh, Ðức và Nga. Trong nhóm học tiếng Nhật có hai anh em Ðinh Văn Vinh và Ðinh Văn Nam tức là Thượng Tọa Thích Minh Châu sau này.
Những ngày nghỉ chúng tôi thường rủ nhau bát phố đi từng bọn bốn năm đứa, xe đạp tung tăng, Hàng Ðào, Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Ðường. Cậu sinh viên tỉnh lẻ, choáng ngợp với đất nghìn năm văn vật, Hà Nôi băm sáu phố phường, Hàng Bột, Hàng Ðường, Hàng Muối trắng tinh. Sinh viên Bắc và Trung tương đôi nghèo, khác hẳn các bạn Nam Kỳ rủng rỉnh tiền bạc, cỡi những chiếc xe đạp khung duralumin bóng loáng. Mỗi tháng mẹ phải gửi ra cho mandat hai chục bạc và chi phí đầu tiên là 12 đồng đóng tiền cơm cho Học Xá. Phần đông cánh Trung Bắc ăn thực đơn Việt cũng khá hậu hĩnh, nhưng bọn Nam Kỳ ăn thực đơn Tây có cả bơ và phó mát và giá đắt hơn vài đồng.
Thỉnh thoảng tôi hay ghé lại nhà số 117 Duvigneau là nơi trọ của các bạn Trung Kỳ trong lúc chờ có chỗ Ðại Học Xá. Ở đây tôi thường trò chuyện với các bạn Lê Bá Hoan, Lê Bá Toại, Nhuyễn Văn Chiển, Ngô Thúc Lanh, Ngô Ðiền, Hoàng Ðình Phu, là những sinh viên xuất sắc. Tôi nhận kèm toán cho một học sinh đệ nhị ở xế cửa 117 Duvigneau là em cô Ngọ tức bà Ðại Tá Ðỗ Xuân Sinh sau này. Tôi lại dậy thêm cho một học sinh con một nhà giầu ở biệt thự sang trọng trên đường Halais. Mỗi lần “cậu giáo” đạp xe đến thì bà mẹ cho người ở đem ra các trái cam tươi Sunkist, bổ khẩu mời thật là đặc biệt. Tôi cũng hay đến nhà số 39 Goussard chơi với hai anh em Vĩnh Huyên-Vĩnh Ðán và nhà bạn Nguyễn Mộng Bích ở dốc Hàng Kèn trên đường Jauréguiberry ăn cơm trưa ở đây với Nguyễn Tấn Hồng, đậu rán chấm tương, rau muống luộc xanh mướt, chấm nước mắm chanh ớt.
Hứng chí tôi cùng các bạn đi ăn chả cá Thăng Long trên phố Hàng Cân, trên bục cửa sổ để tượng ông Lã Vọng cầm cần câu. Ngắm bồi bàn đưa ra đĩa cá nướng thơm phức và dội lên lớp thìa là xanh tươi một chảo mỡ xôi sùng sục nghe xèo vui tai ấm bụng. Nghe nói bây giờ đông khách ngoại quốc hiếu kỳ nên phát đạt đã xây lên ba từng lầu. Tuy nhiên khẩu vị không còn đậm đà như xưa vì cá được chiên chảo chớ không nướng như trước.
Hàng Cân nối tiếp ra Hàng Giấy là khu cô đầu ngày xưa. Hàng Giấy gập Ðường Hàng Cót thành cái góc nhọn có Trường con gái Brieux, trước khi tới cầu xe lửa vắt ngang đường, rồi tới Vườn Hoa Hàng Ðậu có Château d'eau. Chỗ gập Hàng Cót bên phía viaduc xe lửa là nhà Louis Chức thầu đòn đám ma, nhạc phụ bạn Hoàng Phú Linh, Hội Trưởng Bóng Chuyền và là chủ cửa hàng La Marguerite trong Galerie Eden Sài Gòn. Anh em cũng rủ nhau đi ăn bồ câu quay Siêu Nhiên thơm ròn ngũ vị hương, nhai cả đầu, trong ngõ Sầm Công gần Ðông Hưng Viên ở khu Hàng Buồm. Khu này có rạp Quảng Lạc trình diễn đoàn ca Phước Châu-Hồ Quảng và thỉnh thoảng có đoàn Năm Châu-Phùng Há trong Nam ra diễn.
Mùa Hè thật oi bức, mồ hôi ra như tắm. Ghé lại quán nước chanh của Mụ Béo trên bờ hồ gần nhà Thủy Tạ đánh một cốc vại nước chanh đập đá thì thật là tuyệt diệu. Nhìn Mụ Béo nhanh nhẹn tráng cốc cho vào hai thìa đường, vắt kiệt quả chanh xanh, dùng thìa dài quấy cho tan rồi dở bao tải chặt một miếng nước đá, lấy một cái chầy nhỏ đập cái bốp tan vụn ra nhiều mảnh bỏ đầy vào cốc đưa cho chúng tôi hít hà ừng ực, mát rượi toàn thân.
(Còn tiếp)
*
***
*
10- (bài 2)
Lê la lên đầu Hàng Bông nhìn nhà khách sạn cơm Tây Phú Gia (Hotel Restaurant Phú Gia) nhưng đâu có dám bén mảng vào cháy túi. Chỉ biết chủ là bà Phủ Công Xuân Bách rất xinh đẹp, cao lớn như đầm. Bà Bách là cháu ngoại kiến trúc sư Lagisquet đã sang Việt Nam từ đầu thế kỷ đô hộ Pháp. Ông Lagisquet đã vẽ Nhà Hát Lớn Hà Nội theo mô hình nhà Opéra de Paris và hoạch định con đường Trường Tiền từ nhà Hát ra đến Hồ Hoàn Kiếm và tất cả bối cảnh quanh Hồ nối vào khu phố cổ. Lagisquet có ba đời làm kiến trúc sư. Ðời thứ ba Lagisquet xây mấy villa đẹp tại khu Yersin Ðà Lạt. Sau 1947 nhà hàng Phú Gia dọn về đường Mission đối diện Hồ Gươm gần Khai Trí Tiến Ðức, to lớn và sang trọng hơn ở kế cận nhà in Trần Trung Hòa thân phụ ông Trần Trung Dung. Phú Gia là tên một làng gần Hà Nội. Tôi đã được anh Ðặng Văn Sung cho ăn một bữa cơm trưa ngon lành và chiêm ngưỡng thật mắt bà chủ cao ráo trắng trẻo mượt mà, mũi cao dọc dừa, eo thắt đáy lưng ong, đầu quấn tóc trần, trông như trong tranh của Họa Sỹ Lê Văn Ðệ.
Chúng tôi cũng đã biết chơi “plan américain”, nghĩa là cùng vui rồi tiền ai nấy trả, theo lối nói vui vẻ thường nhật “sống chia đôi, chết đủ party”! Trong phía sân trước Học Xá, ngoài sân bóng rổ bóng chuyền ra còn có một miếu cổ trở thành quán bì bún do Chị Sáu và Chị Ba người Sài Gòn làm chủ cho chúng tôi thưởng thức các món đặc biệt miền Nam. Nhất là các tô bì bún, bún thịt nướng và chè đậu xanh nước cốt dừa mà dân Bắc Kỳ lần đầu tiên biết đến. Ngoài góc bên phải ra đường Bạch Mai, một bạn sinh viên Thú Y tên là Ðỗ Tịnh lại mở hàng Phở Tịnh cũng là nơi lui tới thường xuyên.
Tổng Hội Sinh Viên trở thành trung tâm hấp lực chính trị và văn hóa của toàn quốc. Những buổi hội thảo và diễn thuyết với các đề tài ái quốc, lịch sử và văn chương được thường xuyên tổ chức dưới con mắt nhòm ngó của mật thám Pháp. Những buổi hòa tấu dương cầm-vĩ cầm Ðỗ Thế Phiệt và Nguyễn Trọng Thường được nhiều người thưởng thức. Các cuộc trưng bày hội họa của Diệp Minh Châu và Nguyễn Văn Sáng diễn ra tại đại sảnh nhà A. Nam thanh nữ tú Hà Nội kéo nhau đi tầu điện xuống tận nơi tham dự và anh Sáng đã đặt giá vẽ chân dung phấn-tiên cho các người đẹp trong số nổi bật có cô Dần ở đường Mongrand là hoa khôi Hà Nội.
Rồi các buổi tập hát những bản hùng ca của Lưu Hữu Phước với lời ái quốc rung cảm của Mai Văn Bộ-Nguyễn Thành Nguyên, như Tiếng Gọi Sinh Viên, Bạch Ðằng Giang, Diên Hồng, Chi Lăng, Xếp Bút Nghiên, vang lên trong tòa nhà chắc hẳn không tránh khỏi con mắt mật thám chìm Tây. Mỗi cuối tuần Tổng Hội lại tổ chức các cuộc du ngoạn bằng xe đạp cho biết nước nhà, như đi thăm các di tích đời Lý ở Bắc Ninh, Chùa Bách Môn, Cổ Loa, Ðền Hùng, Chùa Hương, di tích Lam Sơn Lê Lợi, lăng Nguyễn Kim, lò gốm Bát Tràng. Một số đông kéo nhau tham gia Tráng Ðoàn Lam Sơn của Tráng Trưởng Hoàng Ðạo Thúy với những cuộc thám hiểm Ba Vì, những buổi lửa trại bập bùng ở Láng, tuyên thệ trung thành với tổ quốc.
Khi Pháp bại trận và Thống Chế Pétain thành lập chính phủ Vichy thì Pháp ký với Nhật thỏa ước ngày 8 Tháng Mười Hai 1941 do đó lực lượng viễn chinh Pháp tại Ðông Dương sẽ đặt dưới một bộ chỉ huy hỗn hợp Pháp-Nhật.
Trong thời kỳ tháng Hai và Ba 1945 Nhật Bản dần dần siết chặt kiềm tỏa lên chính quyền của Toàn Quyền Ðề Ðốc Decoux. Nhật đòi thi hành điều khoản thỏa ước chỉ huy quân sự và tại Hà Nội các cuộc thương thảo căng thẳng đã diễn ra trong vài ngày để cuối cùng đã đạt được một thỏa ước khả dĩ và tình hình lại trở lại bình thường như cũ. Tối mồng 9 tháng Ba 1945, các chức quyền Nhật Bản mở dạ tiệc khoản đãi các viên chức tương đương Pháp. Ðột nhiên vào đúng 9 giờ tối chủ tiệc nâng cao ly chúc tụng và cuối cùng ôn tồn nói, “Thưa các ngài, kể từ giờ phút này các ngài là tù nhân của chúng tôi”! Cùng một lúc tiếng súng nổ vang khắp mọi nơi. Ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, các đồn bót Pháp đều bị vây cô lập và đầu hàng. Sáng sớm tinh sương người ta thấy một lá cờ trắng được kéo lên trên đỉnh tháp thành Pháo Thủ ở đường Duvilliers là biểu tượng quyền đô hộ Pháp trong ngót một trăm năm lịch sử nước nhà.
Ở Ðại Học Xá các sinh viên hết sức xao xuyến, tháo các cọc màn làm khí giới và tụ tập tại nhà ăn. Quá nửa đêm bạn Bùi Diễm đến cùng cô Anita Kim con gái cụ Trần Trọng Kim và một sinh viên canh nông người Nhật tên là Yamaguchi. Họ cho biết là cuộc chính biến đã xong tốt đẹp và đề nghị nên cô lập tất cả các sinh viên nội trú Pháp. Chúng tôi hết sức hứng khởi và vồ bất cứ thứ gì khả dĩ làm khí giới, như dao, nĩa, gậy gộc, gạch đá, hùng hổ đi bắt các sinh viên Tây lùa vào giam tại biệt thự của Bác Sỹ Giám Ðốc Henri Rivoalen, chờ xe quân đội Nhật chở đi.
Sáng hôm sau Ðại Tá Nhật Kudo đến họp với chúng tôi và đề nghị bầu ra một ban quản trị mới. Không hiểu tại sao mà các anh em có mặt bầu tôi thay Bác Sỹ Rivoalen, anh Lê Văn Thuấn thay Tổng Thư Ký Lafont còn anh Phạm Phú Khai làm économe thay Nguyễn Phú Ðốc. Anh Thuấn sau thành Bác Sỹ Trưởng Cần Thơ còn anh Khai trở thành Ðô Trưởng Sài Gòn. Tôi vào ngồi bàn giấy của Rivoalen và dùng xe hơi đen bóng trương cây cờ vàng phấp phới của đảng Cờ Vàng.
Rồi đến Lễ Hai Bà Trưng chọn làm ngày phụ nữ. Trên đường ổ gà lầm bụi Bạch Mai một đoàn dài phụ nữ diễn hành dẫn đầu bởi cô Phạm Lệ Trinh, ái nữ ông Phạm Lê Bổng nổi tiếng, cùng cô Trần Thị Nhứ nhà Teinturerie Tô Châu, phồng mang trợn mắt hô vang các khẩu hiệu ái quốc. Một Ðại Hội được tổ chức tại nhà Hát Lớn Hà Nội với bao nhiêu kiều nữ Hà Thành. Buổi đại hội có đồng ca, vũ nhạc và những màn hoạt cảnh cùng các bài diễn văn hùng hồn dưới những tràng vỗ tay nồng nhiệt và hứng khởi. Hú hồn cho tôi ngồi trong loge VIP, khi các cô thướt tha đem giỏ đến quyên tiền cho quỹ thì vét mãi trong ví mới ra được mười đồng cho vào quyên tặng. Thế là cháy túi, mất luôn tiền đi đánh bát phở Tàu Bay ở cuối Ðường Lê Lợi, hoặc phở bổ dưỡng Ngầu Pín ở khúc giữa đường Chợ Hôm.
Chỉ vài ngày sau là lễ kỷ niệm Hùng Vương dựng nước tổ chức trang trọng trên sân tiền đình Ðại Học Xá. Khoảng ngót mười ngàn người tụ tập trong trang nghiêm trật tự, dơ cao các băng khẩu hiệu và các ngọn cờ vàng trước một bàn thờ đồ sộ khói hương nghi ngút. Sáu vị bô lão đầu đội mũ bình thiên, mặc áo thụng gấm lam hành lễ theo nhịp trống chiêng trong làn khói hương thơm lừng. Rồi mọi người cất giọng đồng ca bản Hùng Vương của Thẩm Oánh trong không khí trang nghiêm vô cùng cảm động, nước mắt dâng trào:
Bốn nghìn năm văn hiến
Nước Nam khang cường
Là nhờ công đức người xưa
Nay cháu con Tiên Rồng
Sắt son một lòng
Cất cao lời thề
Nguyện khói hương say
Ðầu Tháng Tư, Chợ Phiên Sinh Viên được tổ chức tại khuôn viên tòa Ðốc Lý Hà Nội, thu hút cả Hà Thành để các bà mẹ đưa các thiếu nữ vào tuổi trăng tròn đảo qua đảo lại các gian hàng do các sinh viên đội mũ calot Thanh Niên Tiền Tuyến hợp thời phụ trách, tuyển chọn phu quân trong đám “phi cao đẳng bất thành phu phụ”.
(Còn tiếp)
*
***
*
9. Hà Nội 1945
Tôi còn nhớ có một cuối tuần tôi cùng bạn Nguyễn Trung Trinh cưỡi xe đạp đi Phủ Lý thăm gia đình bạn Bùi Diễm ở Phố Châu Cầu. Thân phụ bạn Bùi Diễm là cụ Phó Bảng Bùi Kỷ dáng người cốt cách có chòm râu cầm dài rậm. Mỗi buổi sáng chị Tiêu bưng lên các bát cháo hoa rền cho thân phụ và chúng tôi ăn lót lòng với củ cải muối và một đĩa lạc rang nóng hổi. Khi ăn cụ thấy chúng tôi phải vê sạch vỏ lạc trước khi cho vào miệng thì bảo chúng tôi là phải ăn cả vỏ để cái chát đưa cái bùi thì mới tăng vị. Và từ đó về sau tôi luôn luôn ăn đậu phụng cả vỏ. Câu chuyện giữa già với trẻ xoay quanh từ văn học đến hiện tình nước nhà tưởng như không bao giờ chấm dứt. Trưa Chủ Nhật chúng tôi xin phép ra về.
Một việc hi hữu xẩy ra khi chúng tôi đi ngang Ngã Tư Sở là địa điểm cô đầu. Các ả son phấn lòe loẹt ngồi bày hàng trước các căn phố nhỏ. Vừa đạp xe qua thì các nàng xông ra mời chào tới tấp trong khi chúng tôi cứ lầm lũi tiến tới. Bỗng nhiên một cô trẻ chạy vùng tới và giật phắt cái mũ phớt của bạn Trinh chạy vào trong. Hoảng sợ, Trinh xuống xe và vừa run vừa nói, “lạy bà cho tôi xin lại cái nón”! Giằng co một chốc Trinh mới lôi lại được chiếc mũ và chúng tôi cắm đầu cắm cổ dông một mạch.
Tờ Tuần San chính thức Của Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương bằng Pháp ngữ tên là Le Monôme được cải danh thành Tự Trị là cơ quan phổ biến tư tưởng cách mạng của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam. Có lần tôi đã cùng Nguyễn Kèn (Tướng Thế Lâm) và Lê Văn Giạng (đã từng là bí thư của Hồ Chí Minh) đạp xe vào miền Trung phân phối báo Tự Trị. Ghé lại Phủ Lý ở lại qua đêm tại nhà cụ Tuần Kỳ thân phụ bạn Nguyễn Tấn Hồng ở số 11 phố Châu Cầu. Sau khi phát một số báo tại địa phương, sáng sớm tinh sương lại lên đường xuôi Nam thì được bạn Phạm Xuân Chiểu ở xế cửa chạy ra đưa cho mấy gói xôi gà (bạn Chiểu học y khoa, về sau trở thành Trung Tướng quân đội quốc gia và đã từ chối không nhận đứng ra lập chính phủ do đề nghị của Hội Ðồng Tướng Lãnh để lọt vào tay Nguyễn Cao Kỳ là một Don Quichote liều mạng). Chúng tôi lại tiếp tục lên đường qua Thanh Hóa và Nghệ An phân phối nốt chồng báo Tự Trị chất đầy cao áp các “porte bagages” xe đạp.
Trở về Ðại Học Xá không khí sôi động khác thường. Vì mãn nhiệm Hội Trưởng anh em lo bầu một người khác thay thế anh Dương Ðức Hiền. Cuối cùng anh Phạm Thành Vinh tốt nghiệp Luật được trúng cử. Anh Vinh hay mặc áo dài xa tanh đen, chân đi giầy hạ bóng láng ra dáng một tân tri huyện nên không được nhiều cảm tình. Có tin sầm xì là anh Hiền đã rời Hà Nôi lên chiến khu. Người ta đã nói đến Việt Minh với những tin đồn về Nguyễn Ái Quốc đã có mặt trên Việt Bắc. Trương Tử Anh đảng trưởng đảng Ðại Việt với chủ thuyết Sinh Tồn bí mật tuyển người tham gia vào các chiến khu và trường võ bị Yên Báy.
Báo Tự Trị đặt trụ sở ngay trong Ðại Học Xá với các cây bút tài tử đầy nhiệt huyết như Nguyễn Sỹ Quốc, Phạm Văn Hải, Lê Khánh Cận, Nguyễn Xuân Sanh. Các bài viết xoay dần mũi dùi vào quân đội Phù Tang. Các biếm họa do sự khéo tay khắc bản gỗ của bạn Phạm Văn Hải làm cho người Nhật tức tối (bạn Hải sau làm Bác Sỹ giải phẫu thẩm mỹ dưới Orange County). Ba tháng sau Ðại Tá Kudo nắm lại chỉ huy Ðại Học Xá và trục xuất toàn thể tòa báo ra khỏi địa điểm. Một nhà hảo tâm cho chúng tôi mượn một biệt thự đối diện hồ Thiền Cuông và chúng tôi dọn hòm xiểng ra. Nhà bếp học xá vẫn tiếp tục bí mật cung cấp thức ăn và chúng tôi hăng say làm việc đổi hẳn đề tài tự trị qua độc lập. Các bài viết trở nên nẩy lửa và tên báo đổi thành Gió Mới.
Tình hình rất căng thẳng với sự nhòm ngó và de dọa của Kempetai. Vào giữa tháng Tám có tin mật báo là Nhật sẽ mở cuộc ruồng khám giữa đêm nên chúng tôi vội vã tẩu tán. Tôi cùng hai bạn Nguyễn Xuân Sanh và Lê Khánh Cận cấp thiết đạp xe vào làng Quỳnh Lôi đến xin tá túc tại biệt thự của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Ông Hãn không có nhà nhưng bà Hãn thuận cho chúng tôi ẩn náu tại chuồng lợn phía xa sau vườn vì lính Nhật đi lùng ráo riết. Tuy không thơm tho gì mặc dầu không còn chú ủn-ỉn nào nhưng chúng tôi thấy cũng yên dạ. Mỗi ngày đều có một cô bé bò qua đám cỏ tranh tiếp tế cho chúng tôi những bữa ăn đạm bạc.
Một tuần lễ sau, khi biết là chiến tình thay đổi và quân Nhật đã xuống tinh thần nên chúng tôi liều mạng lộ diện. Rồi khi quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống đất Phù Tang thì chúng tôi đạp xe về Thanh Hóa. Hai bạn Sanh và Cận đi thẳng về Sầm Sơn. Riêng tôi ở lại với gia đình và được giao nhiệm vụ đi cướp chính quyền phủ Quảng Xương vào ngày 18 tháng 8, 1945. Ngày hôm trước một anh bạn học cũ ở trường Cao Tiểu Thanh Hóa đến nhà cho biết là Việt Minh đã sẵn sàng cướp chính quyền và giao cho tôi đi lấy phủ Quảng với sự yểm trợ tại chỗ của một đại đội kháng chiến quân.
Tôi hết sức hăng hái đem theo, dấu dưới áo, một chiếc cờ đỏ sao vàng và một dấu hiệu. Ðạp xe về hướng Ðông Nam 30 cây số thì đến một trạm giao liên gặp ba bác nhà quê quần áo nâu sồng trong một túp lều tranh. Một người đứng tuổi nằm đu đưa trên võng còn hai người kia ngồi chồm hổm hút điếu cầy và uống chè tươi. Họ chỉ dẫn đường đến phủ và căn dặn gắn huy hiệu lên ngực để được kháng chiến quân giúp đỡ. Tôi điềm tĩnh tiến vào cổng phủ thì anh lính tập gác cổng co giò vứt súng bỏ chạy. Tôi thản nhiên nhặt khẩu súng và kéo cờ đỏ sao vàng lên nhưng chẳng thấy bóng dáng kháng chiến quân nào hết! Trong phủ đường mọi người lục tục leo rào chạy trốn.
Trong thời gian ấy xẩy ra vụ đói chết cả triệu người. Nhiều làng xóm ở đồng bằng miền Bắc hoàn toàn biến mất. Vào làng thì không khí yên lặng ghê rợn, không tiếng chó sủa chim hót. Cảnh tượng thật thê lương, chỉ thấy mấy bụi chuối bị đào gốc và củ bị ăn trụi. Ðó đây các xác chết nằm rải rác lộ thiên có vài con chuột đang gậm nhấm. Dân chúng già trẻ lớn bé lũ lượt ra đường bưng theo cả bàn thờ tổ tiên đi tìm sống. Ai nấy gầy giơ xương, mặt mày hốc hác, mắt mũi lơ láo, gặp gì ăn nấy. Thậm chí đến các cây dọc đường phố Hà Nội cũng bị gậm tróc vỏ rồi lăn ra chết, da bọc xương khắp đầu đường xó chợ.
Các nhà hàng phố cửa đóng im ỉm, để các nồi cháo cám ra ngoài cứu đói. Sáng nào tôi cũng cùng các bạn tráng sinh đẩy xe bò đi thu nhặt các xác khô đét đem đến địa điểm để xe vận tải chở đi hố chôn tập thể Giáp Bát. Chứng kiến một cảnh đau lòng khi một xe nhà binh Nhật chở đầy các bao tải gạo chạy chậm lại tại ngã tư Hàng Ngang thì cả một lũ ma đói xông lên cào cắn các bao gạo rơi vãi. Mặc dầu lính áp tải Nhật dùng báng súng lưỡi lê đâm đập tới tấp, họ vẫn lăn xả ngấu nghiến ăn các nắm gạo rơi vãi đầy đường.
Ðầu năm 1945 tôi đạp xe về Thanh Hóa ăn Tết. Dọc hai bên đường cái dài 150 cây số thấy toàn là các xác chết già trẻ khô đét. Qua Phủ Lý, khi tôi bắt đầu đổ đốc Ðồng Quan thì ánh nắng chiều vàng loang loáng xiên khoai. Bỗng nhiên trước mặt vào khoảng 300 thước tôi thấy rõ bóng một người đàn bà đang đi lảo đảo. Xe tôi vừa đến nơi thì người phụ nữ ấy quỵ xuống chết ngay mà tay còn ôm chặt đứa bé miệng còn cắn vú mẹ. Thật là thê thảm, tôi xuống xe lôi xác hai mẹ con vào lề, lòng bùi ngùi và hình ảnh vẫn còn in đậm trong trí óc tôi cho đến bây giờ. Có tin đồn là Nhật bắt dân bỏ lúa và trồng đay cho họ thu mua dùng vào nhu cầu chiến tranh. Lại có tin nữa là Tây không cho gạo trong Nam ra gây đói kém để kiểm soát tình hình. Không biết thực hư ra sao nhưng chúng tôi hết sức căm thù cả Tây lẫn Nhật. Tình hình chin mùi cho một cuộc nổi dậy dưới ngọn cờ Việt Minh.
Ngày 11 tháng Ba năm 1945 Hoàng Ðế Bảo Ðại công bố chiếu chỉ, “Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng tuyên bố rằng kể từ ngày hôm nay Hòa Ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một quốc gia độc lập”. Các đảng phái quốc gia hình như thụ động. Việt Nam Quốc Dân Ðảng với một quá khứ kiêu hùng khi vào năm 1930 Nguyễn Thái Học, Phó Ðức Chính và các đông chí đã ngửa mặt hô to Việt Nam Muôn Năm trước máy chém xử tử của Pháp tại Yên Báy còn lưu ấn tượng sâu xa trong đầu óc chúng tôi. Anh em hăng hái đứng lên tham gia cuộc chơi hào hùng nhưng không được lãnh đạo. Chúng tôi cảm thấy lạc lõng và buồn nản trong khi Ðai Học đóng cửa vì các giáo sư Pháp đều bị bắt hết.
(Còn tiếp)
*
***
*
8. Bổ túc bài Hà Nội 1945
Bổ túc một số chi tiết về trường hợp Tri Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bị phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (Cộng Sản) giết năm 1930
GS Nguyễn Lý Tưởng
Trên báo Thời Luận số đặc biệt Xuân Ðinh Hợi (2007) trang 77, bài “Hà Nội 1945” (và nhật báo Người Việt xuất bản ngày Thứ Ba 13 Tháng Ba, 2007 trang A10 mục Diễn Ðàn, cũng có đăng bài nói trên) của ông Trần Ðỗ Cung viết dưới dạng hồi ký, có một đoạn nguyên văn như sau:
“Năm 1931, tôi mới lên chín thì bố tôi bị đổi đi làm hiệu trưởng trường huyện Nghi Lộc cách tỉnh Vinh 7 cây số về hướng Nam. Hồi ấy là thời kỳ Xô-Viết-Nghệ-Tĩnh rất sôi động mà Nghi Lộc là cái nôi lửa-bỏng-dầu-sôi. Năm 1932 xảy ra vụ thảm sát quan huyện Tôn Thất Úy khi ông đi thị sát với Thầy Ðề Lại và sáu lính khố lục. Cả đoàn rơi vào ổ phục kích cộng sản và bị chặt ra làm ba khúc ném xuống biển Cửa Hội. Toàn gia có ông em Tôn Thất Tần là Vua Tù trong trại cải tạo của cộng sản. Ngoài ra hai con Tôn Thất Uẩn bằng tuổi tôi sau thành Tổng Giám Ðốc Ðiện Lực Sài Gòn và cô em nhỏ lấy anh Hà Thúc Ký lãnh tụ Ðại Việt Trung Kỳ, theo mẹ về Huế.”
Cha tôi là cụ Nguyễn Văn Khánh (1899-1947) và hai anh của tôi là Nguyễn Văn Niệm (1921-1949) Nguyễn Văn Chương (1919-1955) là những người hoạt động cách mạng cùng thời với ông Tôn Thất Tần, Tôn Thất Uẩn, Hà Thúc Ký từ những năm 1945, 1946. Cha và các anh cũng như nhiều người trong bà con họ hàng của tôi đều là nạn nhân của Cộng Sản, bị chết trong nhà tù Cộng Sản hay bị chúng phục kích sát hại trong khi đang thi hành công tác phục vụ quốc gia... Cá nhân tôi đã biết đến gia đình ông Tôn Thất Tần, Tôn Thất Uẩn từ hơn 50 năm nay... Vì thế, sau khi đọc đoạn hồi ký của ông Trần Ðỗ Cung trên đây, tôi nhận thấy có một vài chi tiết không chính xác nên đã điện thoại hỏi lại bà Hà Thúc Ký (tức Tôn Nữ Oanh) là con gái lớn của nạn nhân (tức cụ tri huyện Nghị Lộc mà ông Trần Ðỗ Cung đã đề cập ở trên). Vì biến cố này có liên quan đến vụ Xô-Viết Nghệ-Tĩnh 1930, là một biến cố lịch sử quan trọng mở màn cho những hàng động dã man tàn bạo của Cộng Sản nên chúng tôi xin phép được bổ túc một vài chi tiết sau đây, hầu góp phần vào việc làm cho phong phú các tài liệu lịch sử của giai đoạn này.
Trước hết, nạn nhân tên là Tôn Thất Hoàn, chứ không phải Tôn Thất Úy. Cụ Tôn Thất Úy là em ruột cụ Tôn Thất Hoàn, nay đã ngoài 90 tuổi, hiện còn sống tại Việt Nam. Cụ Tôn Thất Hoàn, sinh vào khoảng năm 1892 hay 1893 tại Huế, là con quan ngự sử và xuất thân từ trường Hậu Bổ (tức trường Hành Chánh) Huế giống như trường hợp của ông Ngô Ðình Diệm. Sau khi tốt nghiệp, cụ phục vụ tại cơ quan trung ương một thời gian rồi mới được bổ dụng làm tri huyện. Năm 1930, lúc đó cụ đã 38 tuổi, sắp sửa lên tri phủ thì xảy ra biến cố này. Sách báo, tài liệu của Cộng Sản thường gọi là “Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh” do Cộng Sản chủ mưu, xúi giục dân chúng nổi loạn, quấy rối, làm mất an ninh trật tự tại nông thôn như bắt cóc, ám sát các thành phần chánh tổng, lý trưởng, các nhà giàu, địa chủ, tập họp dân chúng tuyên truyền cộng sản, v.v.. Hôm đó, quan tri huyện Tôn Thất Hoàn được tin có một nhóm Cộng Sản đang hội họp tại một nơi trong huyện Nghi Lộc thuộc trách nhiệm của ông. Ông liền gọi ông Quản, ông Ðội và mấy người lính “khố xanh” (garde indigène) cùng đi với ông đến xem cho biết sự thật như thế nào? Giữa đường thì cả đoàn bị phục kích. Bọn Cộng Sản đã bắt trói quan huyện và những người đi theo, cột đá vào cổ rồi ném xuống sông. Mấy ngày sau mới tìm được xác các nạn nhân. Cụ Tôn Thất Hoàn lúc đó mặc quần tây, mang giày ống, y phục còn nguyên vẹn. Thi hài của cụ được liệm vào trong quan tài, bọc kẽm, hàn chì bên ngoài rất chắc chắn và được đưa về Huế an táng. Cụ Tôn Thất Hoàn chết vì công vụ nên được chính quyền lúc đó cho tổ chức tang lễ rất long trọng, học sinh các trường tại Huế được lệnh đi đưa đám. Biến cố xảy ra vào năm l930 chứ không phải năm 1932.
Cụ bà lúc đó mới chưa đầy 30 tuổi với 5 người con: 3 trai, 2 gái, người con út lúc đó đang bồng trên tay. Các con của cụ theo thứ tự như sau: Tôn Thất Tần, Tôn Thất Uẩn, Tôn Nữ Oanh, Tôn Nữ Ngọc và Tôn Thất Vy.
Ông Tôn Thất Tần là con trưởng của cụ Tôn Thất Hoàn chứ không phải là người em như ông Trần Ðỗ Cung nói. Ông Tần là người rất thông minh, học giỏi, nhưng vì là con lớn trong gia đình, cha chết sớm, nên sau khi đỗ trung học, ông phải xin đi làm. Trước năm 1945, ông là nhân viên ngạch thư ký thuộc Bộ Lại (tức Bộ Nội Vụ). Năm 1946, ông bị Việt Minh bắt một lượt với ông Bửu Viêm (cử nhân luật, bí thư Ðại Việt tỉnh Thừa Thiên, là em Bác Sĩ Bửu Hiệp). Ðầu năm 1947, khi nghe tin quân Pháp đổ bộ Huế thì Việt Minh bèn chuyển số tù nhân này ra vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh... Các ông Bửu Viêm, Võ Tùng, võ sĩ Kim Anh cũng bị đưa ra giam ở Trại Ðưng, Hà Tĩnh. Ðầu năm 1948, các ông Bửu Viêm, Võ Tùng và võ sĩ Kim Anh... tổ chức giết cai ngục, phá cửa nhà tù, dự trù theo đường núi qua ngã Hòa Bình ra Hà Nội vì lúc bấy giờ quân Pháp đã chiếm Hà Nội rồi. Nhưng trong số bạn tù có một người trước làm việc trong ngành thú y ở Huế phản bội, đi báo cáo cho bọn cai ngục. Các ông Bửu Viêm, Võ Tùng và Kim Anh bị bắt và bị xử tử tại Vinh.
Ông Tôn Thất Tần lúc đó đang bị giam tại Quảng Bình, cũng liên quan đến một vụ phá ngục nên bị án chung thân... mãi đến 1978-1979 mới được tha về, vợ đi lấy chồng và ở ngoại quốc, con trai là kỹ sư ở Nhật, con gái còn ở Việt Nam. Tính ra ông bị tù trên 33 năm! Vì thế trong sách “Ðêm Giữa Ban Ngày”, Vũ Thư Hiên đã gọi ông Tôn Thất Tần là “vua tù”... Nhiều người đã ở chung trại tù với ông Tôn Thất Tần, trong đó có ông Nguyễn Chí Thiện (tác giả tập thơ Hoa Ðịa Ngục)... đều biết rõ ông ấy.
Ông Tôn Thất Uẩn là kỹ sư điện, thiếu tá ngành quân cụ, dân biểu quốc hội lập hiến năm 1966 (ứng cử tại đơn vị Quảng Tín), nghị sĩ trong liên danh Bông Lúa (Ðại Việt) 1967. Sau khi mãn nhiệm kỳ quốc hội, ông được làm phó tổng giám đốc điện lực (không phải tổng giám đốc). Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông Tôn Thất Uẩn vượt biển hiện cư trú tại London, Anh Quốc.
Bà Tôn Nữ Oanh là con thứ ba, (chồng là Kỹ Sư Hà Thúc Ký, chủ tịch Ðại Việt Cách Mạng). Năm 1930, khi ông cụ mất, bà mới 4 tuổi. Bà qua Mỹ năm 1975, hiện ở vùng Hoa Thịnh Ðốn.
Bà Tôn Nữ Ngọc là con thứ tư, vợ của Dược Sĩ Dương Hồ Châu, hiện ở Việt Nam. Và người con út là Tôn Thất Vy, trước 1975, làm thư ký văn phòng trường Quốc Học Huế, hiện còn ở Việt Nam. Cụ bà đã qua đời sau năm 1975 tại Huế.
*
***
*
7. Hà Nội 1945 (bài 4)
Trần Ðỗ Cung
Vào đầu tháng Tư, Hoàng Ðế Bảo Ðại thành lập chính phủ do Thủ Tướng Trần trọng Kim lãnh đạo. Cụ Kim là một học giả uyên thâm và một sử gia nổi tiếng. Ðổng Lý Văn Phòng của Thủ Tướng là Bác Sỹ trẻ Phan Huy Quát đã từng là hội trưởng Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương. Một khuôn mặt nổi bật trong nội các là Tiến Sỹ Phan Anh trong chức Tổng Trưởng Thanh Niên với sự phụ tá của Giáo Sư Tạ Quang Bửu, một huynh trưởng hướng đạo Trung Kỳ và giáo sư toán nổi tiếng của trường Providence Huế. Tổng Trưởng Y Tế Bác Sỹ Vũ Ngọc Anh bị tử nạn khi đoàn xe kinh lý bị phi cơ Mỹ bắn trên đường đi Hải Phòng.
Nhu cầu cấp thiết là đào tạo ngay các cán bộ quân sự trám vào các lỗ hổng do quân Pháp bỏ trống. Các sinh viên Huế và các vùng phụ cận từ Hà Nội về tích cực tham gia ghi học cùng các học sinh gần tốt nghiệp của trường Quốc Học Khải Ðịnh. Ðã có tổng số nhập học là 47 khóa sinh quân. Trong tương lai họ đã trở thành những cán bộ quân sự lãnh đạo mà óc sáng tạo và hứng khởi đã tạo ra các huyền thoại chiến đấu với các khí cụ thô sơ và đầu óc sáng kiến vô biên. Nhiều học viên đã trở thành tướng lãnh và nhiều người đã anh dũng hy sinh trong các chiến trận từ Bắc vào Nam và ở Hạ Lào.
Những tên nổi bật như Ðặng Văn Việt đã đánh hơn trăm trận trên núi rừng Bắc Việt mà quân Pháp khiếp đảm đã đặt cho cái tên Con Hùm Xám Ðường số 4. Lê Thiệu Huy, một sinh viên toán nổi danh và tay cờ tướng cừ khôi, con cụ cử Lê Thước ở Thanh Hóa, tử trận trên sông Mékong khi dùng thân che chở cứu mạng Hoàng Thân Souphanovang. Sinh viên Luật Phạm Thành Chính tức Trung Tướng Phạm Hồng Sơn nổi tiếng trong trận đánh đoàn quân Lepage-Charton và trong mặt trận Nam Lào. Con trai trưởng Bác Sỹ Lê Ðình Thám, Lê Ðình Luân bị thương nặng trọng pháo trong thời kỳ đầu giao tranh với Pháp ở nam Trung Bộ và đã chết trong tay thân phụ vì liễm độc. Sinh viên Thủy Lâm Nguyễn Kèn trở thành danh tướng Thế Lâm, sinh viên khoa học Nguyễn Thế Lương là Tướng Cao Pha chỉ huy quân báo. Cũng có một số đã quay về với phe quốc gia như Hải Quân Ðại Tá Võ Sum là anh hùng thuốc nổ Trung Kỳ, Không Quân Ðại Tá phi công Từ Bộ Cam, kỹ sư Ðặng Văn Châu giám đốc hãng oxygène-acétylène Sài Gòn và tôi thành Trung Tá Không Quân rồi Tổng Cuộc Trưởng Tiếp Tế phá vỡ sự bao vây kinh tế thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng. Tất cả đều là những người yêu nước nhiệt thành đã nghe theo tiếng gọi non sông với tấm lòng trong trắng không gợn chút nào mầu sắc chính trị.
Trở lại Hà Nội, những tay sai khích động đệ tam (agitprops) tung ra hỏa mù tuyên truyền sự trở về của nhân vật cứu quốc Nguyễn Ái Quốc với sự yểm trợ của cơ quan OSS Mỹ chỉ huy bởi Ðại Úy Patti. Chủ Tịch Dương Ðức Hiền rời Hà Nội lên chiến khu. Ðảng Ðại Việt tuyển mộ một số sinh viên gia nhập trường Võ Bị Lục Quân Yên Bái. Ngoài một số sinh viên Ðại Học ra còn một số đông là các học sinh trường Tây Albert Sarraut. Ðầu óc thanh niên bấy giờ hết sức hoang mang nặng trĩu với những ý nghĩ về tương lai bản thân và những đòi hỏi nội tâm hy sinh cho sự tồn vong của xứ sở. Thủ Tướng Trần Trọng Kim chấp thuận dùng bài Tiếng Gọi Sinh Viên của Lưu Hữu Phước làm Quốc Ca. Quốc Kỳ nền vàng có ba sọc đỏ mà sọc giữa cắt đôi theo quẻ ly trong sách Trung Hoa.. Tại các trường học mỗi buổi sáng các học sinh chào cờ mới và đồng hát quốc ca một cách hết sức hồ hởi.
Ngày 17 tháng 8 xuất hiện các truyền đơn kêu gọi tất cả các công tư chức ngưng việc vào ngày 19 để biểu tình ủng hộ nền độc lập quốc gia. Một sự hưởng ứng không tiền khoáng hậu; từ sáng tinh sương các đám đông đã tụ tập kéo từ các phố đến Tòa Thị Chính Hà Nội trưng những khẩu hiệu tiếng Anh trên nền vải trắng chữ đen VIETNAM TO THE VIET NAMESE (có đầu óc khôi hài đã đọc chệch ra thành “Việt Nam to thế Việt Nam mẹ xề” và INDEPENDENCE OR DEATH. Thật là một cảnh tượng hùng tráng vĩ đại khi các viên chức tầm thường dơ tay cao hô các khẩu hiệu ái quốc và đồng ca bài Tiếng Gọi Thanh Niên. Bỗng nhiên trên khán đài, một vài nhân viên khích động dơ cao cờ đỏ sao vàng Việt Minh và thông báo sự trở về của Nguyễn Ái Quốc cứu tinh dân tộc.
Rồi cuộc biểu dương không màu sắc đương nhiên trở thành một cuộc nổi dậy do Việt Minh giật dây cướp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Trong đám đông các nhân viên khích động Việt Minh và những bàn tay ngây ngô phát các lá cờ đỏ sao vàng nhỏ. Những cánh tay thật thà dơ cao nắm đấm, mồm hô khẩu hiệu ái quốc mà nức nở tuôn lệ. Ðoàn người hăng say tiến chiếm các cơ quan, đồn bót cảnh sát và Hiến Binh dưới cặp mắt thờ ơ của lính gác Nhật. Ðột nhiên trên bờ hồ Hoàn Kiếm xuất hiện một đoàn kỵ mã mặc quân phục vàng, chân đi giầy ủng đen, lưng đeo súng lục, đầu đội mũ thanh niên tiền tuyến. Ði đầu là Lê Văn Lăng sinh viên Luật và Ðào Khánh Thành trước sự vỗ tay say sưa của đám đông chứng kiến các thần tượng đẹp đẽ ấy.
Ở Huế khi có tin hoàn tất cướp chính quyền ở Thủ Ðô thì hai học viên Nguyễn Thế Lương và Ðặng Văn Việt, đầy đủ cân đai bố tử, chân đi ghệt, lưng giắt súng sáu, được lệnh kéo ngọn cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Ngọ Môn. Hai anh chàng Ngự Lâm Quân đặt lá cờ cuộn to lên khung xe đạp và ì ạch đẩy đến bờ thành Hoàng Cung. Họ ra lệnh cho năm lính pháo đùng hạ cờ vàng xuống rồi buộc cờ mới kéo lên phấp phới. Mười lăm lính ngự lâm lên cò sẵn sàng nhả đạn thì Hoàng Ðế cản nói rằng: ”Việt Minh đó, nếu các chú bắn thì tôi sẽ chết”! Việt và Lương đứng nghiêm chào theo lễ nghi quân cách đánh dấu chấm dứt Triều Nguyễn.
Vài ngày sau, trên cổng Ngọ Môn, trong một lễ nghi cảm dộng, Hoàng Ðế Bảo Ðại trao ấn tín Triều Nguyễn cho Trần Huy Liệu đại diện chính phủ trung ương. Trong khi ấy một đám biểu tình khổng lồ của dân chúng cố đô vỗ tay vĩnh biệt vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Nếu Chúa Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời tiên tri của Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” thì Hoàng Ðế Bảo Ðại đã chấm dứt ba trăm năm Triều Ðại Nguyễn với câu tuyên bố thoái vị lịch sử, “Thà làm dân một nước tự chủ còn hơn làm Vua một xứ nô lệ”!
Học viên Hoàng Xuân Bình là em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn được giao trách nhiệm hộ tống Cố Vấn Vĩnh Thụy ra Hà Nội nhậm chức. Theo lời Bình kể lại, “Xe đưa bốn chúng tôi, Bộ Trưởng Lê Văn Hiến, ông Phạm Khắc Hòe, anh Thế Lương và tôi đến miệt An Cựu tới Cung An Ðịnh là chỗ ở mới của Cố Vấn Vĩnh Thụy. Tôi giáp mặt lần đầu ông Vua cũ, to lớn, phương phi, nhưng nặng nề khi đi đứng, mặc dầu nghe nói là nhà thể thao. Ông mặc âu phục chải chuốt và nói giọng Huế đặc sệt. Trên xe Mercury đời 1941 tôi bố trí ở hàng ghế sau, Cố Vấn ngồi giữa, đồng chí Lê Văn Hiến ngồi bên phải và ông Hòe ngồi bên trái. Theo sát là một chiếc Packard Familiale chở đầy đồ, thường được Hoàng Hậu chở các con khi đi ra ngoài. Xe chở Cố Vấn vào Hà Nội sau khi được phái đoàn Trần Huy liệu đón tiếp tại Phủ Lý trong cơn mưa tầm tã. Tới ga Hàng Cỏ xe rẽ phải theo đường Gambetta thẳng tắp, vào đậu trong sân nhà số 51 nguyên là tư dinh của Ðốc Lý Pháp”.
Trở lại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố nước nhà độc lập ở công trường Ba Ðình ngày mồng 2 tháng 9. Hồ Chí Minh là tên mới của Nguyễn Ái Quốc có mầu sắc Ðệ Tam Quốc Tế đưa đến nghi kỵ của quần chúng. Theo Hòa Ước Postdam, quân đội Tưởng Giới Thạch sẽ tiến xuống Việt Nam giải giới Nhật trong khi quân Anh chỉ huy bởi Tướng Gracey thi hành nhiệm vụ tại miền Nam. Bộ đội ô hợp của các Tướng Lư Hán và Tiêu Văn kéo qua biên giới với những sư đoàn đói rách bị phù thũng và sốt rét, đưa đến cướp bóc, chợ đen và các hành động kém văn minh làm cho dân chúng bất mãn. Các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Ðảng theo chân họ hồi hương.
Mặc dầu chúng tôi ngưỡng mộ họ như những nhà ái quốc chân chính nhưng họ đã chậm chân trở về dưới sự che chở của một đoàn quân thổ phỉ nên thanh danh của hộ đã lu mờ. Trong khi ấy Việt Minh đã nhanh chóng kéo sinh viên về với họ. Họ đưa những nhà hùng biện nổi tiếng xuống Ðại Học Xá như Trần Văn Giầu, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh lôi kéo sinh viên. Ðã có các cuộc thảo luận sôi nổi, nhiều khi nặng nề ẩu đả để đổi tên Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam thành Tổng Hội Sinh Viên Cứu Quốc, một cái đuôi cho tất cả các hội đoàn Việt Minh. Không khí nghi kị đã khác hẳn sự đồng lòng nhất trí của thuở ban đầu.
Trong thời kỳ ấy đã xẩy ra các vụ ám sát bắt cóc thanh toán đẫm máu mà vụ nổi bật nhất là vụ Ôn Như Hầu với hàng chục xác chết bị đâm chém trong ngôi biệt thự xinh đẹp ở đường Bonifaci. Ðây là một trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Tại đây cậu con trai thứ ba của cụ phủ Giai tên là Ðỗ Quang Vỹ từ chiến khu Bắc Giang về ghé lại bị xử 20 năm và đưa vào giam tại Hỏa Lò rồi khi chiến tranh Việt-Pháp bắt đầu đã bị thủ tiêu bởi tên đao phủ là cán bộ Chất. Anh trưởng của Nguyễn Ngọc Linh là Nguyễn Ngọc Trác, sinh viên Luật và võ sỹ ném lao, bị thủ tiêu trên chiến khu VNQÐD Bắc Giang. Tại Thanh Hóa Việt Minh lôi chủ nhân Khách Sạn Tứ Dân trên Phố Lớn ra lề đường đập dập đầu chết. Ông ta là Ðặng Trần Hồ đảng viên QÐD và là ông nội của Ðặng Tuyết Mai, vợ cũ Nguyễn Cao Kỳ. Ngoài đường phố, các bà vai đeo bị, tay xách giỏ lẵng chạy đi chạy lại buôn bán đồng Quan Kim-Quốc Tệ.
Trong khi ấy có tin đồn là Ðề Ðốc Thierry d'Argentieu đã có mặt trên chiến thuyền ngoài khơi Hải Phòng. Trong Nam quân Anh kéo theo đuôi bọn Pháp của Leclerc. Nguồn tin gây một chấn động mạnh mẽ và các sinh viên Nam Bộ bàn nhau trở về xứ đánh đuổi thực dân. Từng nhóm cưỡi xe đạp xuôi Nam. Tôi còn nhớ những bộ mặt quen thuộc như Huỳnh Văn Tiễng, Trần Ngọc Liễng, Giang Văn Tửng, Ðặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Trung Trinh, Lâm Trọng Thức, Huỳnh Văn Huởn, các sáng lập viên của đảng Tân Dân Chủ.
Chính quyền Việt Minh đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Một mặt sự hiện diện của quân Tàu đưa lại cho dân chúng một bầu không khí bất ổn. Họ thành bình phong cho các hoạt động đối lập ngày càng lộ liễu của VNQÐD. Trên khu Ngũ Xã VNQÐD ra rả suốt ngày những lời thóa mạ thậm tệ cộng sản Việt Minh, đặc biệt nhất là các lời đanh thép của Phan Huy Ðán. Thường ngày tôi cùng bạn Nguyễn Tấn Hồng đem theo bánh mì thịt nguội lên ngồi bờ lề nghe phát thanh QÐD. Mặt khác sự trở lại của quân Pháp tại Nam Bộ và sự hiện diện của Thierry d'Argenlieu ngoài khơi Hải Phòng đã tạo nên các áp lực quân sự và ngoại giao nặng nề. Bởi vậy Việt Minh dùng chiêu bài liên hiệp, tổ chức Hội Nghị Liên Hiệp trước cuối năm tại Chùa Bà Ðá trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tôi có mặt trong buổi họp ấy với phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên. Chúng tôi đã đến mười phút trước Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong bầu trời u ám, mưa phùn rả rích. Khi phái đoàn VNQDÐ đến với Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam thì họ Hồ mặc áo ka-ki cổ cao, đi giầy vải hải xảo, vội vã chạy ra, dang rộng hai tay ôm chầm lấy Nguyễn Hải Thần, hai mắt rưng rưng ướt lệ.
Sau đó chính phủ liên hiệp được thành lập, Nguyễn Hải Thần trở thành Phó Chủ Tịch, Nguyễn Tường Tam Tổng Trưởng Ngoại Giao và Vũ Hồng Khanh là Chủ Tịch Quân Ủy Hội. Ông Nguyễn Tường Tam cầm đầu phái đoàn phó hội với Tây ở Ðà Lạt. Rồi Phạm Văn Ðồng đi với Hồ Chí Minh qua Pháp dự hội nghị để ký thỏa hiệp Fontainebleau mùng 6 tháng 3 trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Tây được chính thức trở lại có nghĩa là Tàu phải cuốn gói về Tàu và VNQÐD hỏng cẳng.
Việt Minh rảnh tay thanh toán các lực lượng quốc gia, phá chiến khu Ðại Việt Di Linh, trường Lục Quân Yên Bái Ðại Việt và các trụ sở Quốc Dân Ðảng trong Hà Nội cũng như các chiến khu Vĩnh Yên và Bắc Giang. Trên Yên Bái, bộ đội Việt Minh vây hãm xung phong, bắn giết không nương tay và chém bằng mã tấu, ném thây xuống sông nhuộm máu. Em kế bạn Ðỗ Quang Trị, con cụ Phủ Ðỗ Quang Giai là Ðỗ Quang Hiển, sinh viên canh nông, chủ tịch ALAS thoát chết chạy lên Lào Kai. Khi nghe giới chức Việt Minh địa phương tuyên bố là chính phủ khoan hồng cho trở về không bắt bớ thì mua vé tàu hỏa về Hà Nội. Ðến Yên Bái anh bị bắt lại đưa đi làm đường khổ nhục. Cụ Phủ Bà lặn lội đi tìm con đã nhìn thấy cảnh con trai rách rưới đói lả mà chỉ biết khóc lóc không làm gì được.
Em nhỏ Ðỗ Quang Lung đang học Sarraut cũng đi theo bạn vào trường Lục Quân Yên Bái. Khi bị Việt Minh đánh bật khỏi căn cứ thì đi theo một tốp chỉ huy bởi Phạm Xuân Chiểu sinh viên y khoa tìm đường sang Tàu. Lung phần vì sức yếu, phần bị sốt rét nặng nên không theo kịp và bị bỏ rơi dọc đường làm mồi cho cọp. Bạn Lê Hữu Hoài sinh viên y khoa thoát khỏi, chỉ huy một trung đội tấn công Việt Minh và bị bắt giam tại Hỏa Lò trên mười năm trước khi được phóng thích đi giao bánh mì độ nhật. Có bạn Nguyễn Ðình Tú (phóng viên Nguyễn Tú tường thuật cuộc di tản đau thương trên đường số 7 đưa đến sụp đổ VNCH) bị mã tấu chém nát lưng ném xuống sông nhưng may dạt vào bờ sống lại. Hai anh em Ðặng Văn Bút, Ðặng Văn Nghiên, sinh viên khoa học là con thứ Bác Sỹ Ðặng Văn Dư và em chú bác với Ðặng Văn Việt cũng bị chết thảm trong vụ đánh phá trường Lục Quân Yên Báy. Còn phải kể Trần Kế Tạo, sinh viên Luật, con trưởng Thượng Thư Trần Thanh Ðạt và là thân phụ bà T.T.Nhu, một cây bút sáng giá của San José Mercury hồi nào, cũng bị thảm sát tại đây.
Gia Ðình cụ Phủ Ðỗ Quang Giai nguyên Thượng Nghị Sỹ đã mất ba con trai vào tay đồ tể Việt Minh. Một số thoát qua dược Trung Quốc, vào năm 1948 bị ép nhập quân Lâm Bưu và khi công sản Tàu thắng thì đóng bè trở về Lao Kay trên sông Hồng. Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí đón về thu nạp vào Bảo Chính Ðoàn. Tại Việt Nam Học Xá trong một đêm tháng 11 không trăng sao mù mịt, mấy tên côn đồ Việt Minh đã lẻn vào nhà A leo lên lầu 3 bắt tuteur Phan Thanh Hòa còn mặc pyjama, bịt mắt giải đi mất tích luôn. Anh Hòa là anh ruột chị Nguyễn Tôn Hoàn và là đương nhiệm Hội Trưởng Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam. Tại Ðại Học Xá một bầu không khí u tối bao trùm trong khi các lãnh tụ VNQÐD lẹ làng chạy theo quân Tàu thoát thân.
Tuy nhiên cuộc hôn nhân gượng ép Pháp Việt đã không bền. Trong vài tháng trăng mật ngắn ngủi hai phe đã bí mật củng cố các công sự phòng thủ. Pháp đã lập CSH (corps de security de Hanoi) dùng bọn mật thám Tây lai. Phe Việt Nam gia tăng các đội Thanh Niên Tự Vệ Cứu Quốc và đã có các vụ đụng độ lẻ tẻ khắp nơi. Tình hình trở nên tồi tệ hơn và đã có mật lệnh cho các nhà hàng phố đục tường thông nhau sửa soạn du kích thành phố. Việt Nam Học Xá cũng lập Ðại Ðội Sinh Viên Chiến Ðấu. Chúng tôi thay phiên canh gác ngày đêm tại các địa điểm quan yếu với các khẩu súng mousqueton cổ lỗ sỹ. Hằng ngày có cán bộ quân sự đến huấn luyện chúng tôi các động tác bò bắn. Có tin đồn là chính phủ đã di tản lên mạn ngược.
*
***
*
6. Hà Nội 1945 (kỳ 5)
5.
Tại Hải Phòng vào đầu tháng Chạp 1946 đã có súng nổ giao tranh. Gọi là giao tranh nhưng thực sự phía Việt chỉ có lẻ tẻ một số tổ chức Cứu Quốc và ít nhóm Tự Vệ thì đánh sao? Súng nổ có hơn một ngày và Pháp làm chủ tình thế ngay rồi ngưng bắn để điều đình. Chính quyền và dân chúng được cơ hội tản cư ra khỏi thành phố. Hà Nội cần kéo dài tình thế để hô hào tiêu thổ kháng chiến. Quốc Lộ Hà Nội-Hải Phòng bị đào cắt để cầm chân quân Pháp. Lính Pháp đi sục sạo các khu người Việt và cả khu người Tàu kế cận. Người Việt dơ tay lên đầu và bị các báng súng tống vào ngực. Người Tàu đeo dấu hiệu Thanh Thiên Bạch Nhật nên không bị đập. Tây vây dân Việt lại bắt quỳ xuống khám trước sân tàu thủy Nhà Rồng và đưa về giam tại trại Cát Ðem (4ème Régiment d'Infanterie Coloniale), khám từng người, vạch vai ngửi tay xem có phải dân bắn súng không.
Dân chúng Hà Nội tản cư hàng loạt bằng đủ loại xe cộ, đem theo chăn màn cho một cuộc di tản lâu dài. Ðêm 20 tháng Chạp Tây nổ súng chiếm hầu hết các địa điểm quan yếu và các Tự Vệ rút ra ngoại ô. Bác Sỹ Lê Tài Chất một nội trú y khoa nổi tiếng tử thương khi mặc blouse trắng ra băng bó cứu cấp nạn nhân. Ðại Ðội Sinh Viên Chiến Ðấu cũng rút ra dưới áp lực và chém vè khi đến làng Cự Ðà trên bờ sông Nhuệ. Cự Ðà là một nơi nổi tiếng làm tương và các ông chồng đều nấu ăn rất giỏi trong khi phụ nữ rất tháo vát buôn bán. Tại đây tôi được anh bạn học đưa về nhà cho thưởng thức món ba ba om nấu với các gia vị đặc biệt. Tất cả thật là hỗn độn, không có lãnh đạo, tôi nằm ngủ trên bờ sông với đồng bọn, chuyện trò bàn tán tùy hứng. Bỗng nhìn thấy Bác Sỹ Hoàng Ðình Cầu ráo riết thiết lập trạm cứu thương khẩn cấp trong khi Bác Sỹ Phạm Hữu Chương cỡi ngựa tía đảo qua. Xa xa dưới một tán cây dừa Phạm Duy gảy guitar ca bài Bên Cầu Biên Giới vây quanh bởi một nhóm thanh niên như thể trên bãi bể nghỉ mát.
Như vậy chiến tranh lại xảy ra sau chin tháng hòa bình ngắn ngủi. Cuộc chiến cam go lãnh dạo bởi các thanh niên trí thức với lòng yêu nước nhiệt thành chống sự xâm lược của giặc Pháp. Họ không quan tâm đến Việt Minh và Hồ Chí Minh mà ẩn ý là kéo dân tộc vào một quỹ đạo man rợ, Cộng Sản Quốc Tế Nga-Tàu. Trong cuộc chiến để kiểm soát chặt chẽ nhân dân, chúng đã áp dụng tất cả các sách lược Mác-Mao, xóa bỏ tất cả các di tích văn hóa cổ truyền. Chúng diệt tiểu tư sản, dùng chính sách đấu tố cải cách ruộng đất của Tàu Mao và bài học tiêu thổ kháng chiến của Stalin. Năm 1947 chúng tung ra chiến dịch vườn không nhà trống tiêu thổ kháng chiến để cho Tây lúng túng theo kế sách Stalin.
Nhưng thật ra Tây đâu đã tiến xa như vậy. Mục đích thâm độc là nhân dịp triệt hạ tư sản. Bố mẹ tôi sau nhiều năm cần cù dành dụm đã tạo được một ngôi nhà khang trang ở tỉnh Thanh Hóa. Việt Minh ra lệnh phá hủy cái công trình mồ hôi nước mắt ấy, một sáng một chiều trắng tay. Trên Di Linh chúng bắt ông Cả Bân là chủ đồn điền mặc dầu đang tham gia ủy ban huyện Nông Cống, đưa ra bãi đấu tố để cuối cùng thưởng cho ba kẹo đồng, xô xuống hố và không cho con cái chịu tang. Ở Nho Quan Nghệ An, Bộ Trưởng phụ trách Thanh-Nghệ Ðặng Văn Hướng là song thân anh hùng Ðặng Văn Việt về thăm quê cũng bị đem ra đấu tố. Bà Hướng uống độc dược quyên sinh còn cụ ông bị bỏ tù cho đến chết. Cậu con Ðại Tá Việt đã làm đơn lên Phạm Văn Ðồng xin phục hồi danh dự cho bố mẹ nhưng vẫn không được trả lời. Cụ Hướng bà là chị ruột Tráng Trưởng Hoàng Ðạo Thúy.
Khi chiến cuộc Việt Pháp xảy ra ngày 21 tháng Chạp năm 1946 toàn dân hăng hái tham gia chỉ muốn nước nhà đánh đuổi hết bọn Pháp thực dân dưới ngọn cờ đỏ sao vàng. Các đảng phái quốc gia cũng mặc nhiên tham chiến. Các Tráng Sinh trong Tráng Ðoàn Lam Sơn đều sẵn sàng sung vào công tác liên lạc do sáng kiến của Trưởng Hoàng Ðạo Thúy khi các đơn vị chiến đấu tài tử tan hàng rời khỏi Thủ Ðô. Nhiệm vụ liên lạc không nhất định, dùng cặp giò hay xe đạp chuyển mệnh lệnh đến các đơn vị, hoặc thu thập tin tức trong dân chúng đưa về cơ quan mà không cần biết là cơ quan gì và ở đâu. Công việc thô sơ, nhân sự tùy tiện, dùng sáng kiến cá nhân, không có huấn luyện mà tổ chức thì lỏng lẻo. Nhân vật Hoàng Ðạo Thúy là một Trưởng Hướng Ðạo nổi tiếng có tinh thần ái quốc rõ ràng. Gia đình ông có nhiều người danh tiếng, đóng góp vào Tuần Lễ Vàng những con số khổng lồ. Lại có các ông anh rể như cụ Ðặng Văn Hướng Bộ Trưởng đặc trách Thanh-Nghệ, ông Phạm Lê Bổng một nhà kinh doanh và chủ báo nổi tiếng Hà Thành. Ðương nhiên Trưởng Thúy đứng lên lãnh đạo hệ thống tình báo khởi thủy mà cán bộ là các tráng sinh tháo vát, đầy nhiệt huyết và giỏi thám hiểm đi rừng.
Sau vài năm kháng chiến đảng cộng sản nắm vững tình thế nên từ bỏ nhãn hiệu Việt Minh. Chúng đưa cán bộ vào phụ trách các việc quan yếu, chuyển Hoàng Ðạo Thúy qua chỉ huy Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng phát triển Khoa Học Kỹ Thuật. Các đoàn viên nổi tiếng như Nguyễn Như Kim, con rể cụ Ðốc Trần Văn Thìn, được gửi đi Thái Lan đem vàng mua các thiết bị vô tuyến cho kháng chiến. Ðoàn viên Ðặng Văn Việt lên mặt trận Việt Bắc vang danh với biệt hiệu Con Hùm Xám Quốc Lộ 4. Các đoàn viên khác như Hoàng Kim Hải, Ngô Ðiền, Hoàng Ðình Phu, Lê Bá Hoan, Nguyễn Trinh Tiếp đi phụ trách các công việc của Cục Quân Giới, hệ thống truyền thanh báo chí. Riêng tôi sau khi Ðại Ðội Sinh Viên Chiến Ðấu tan hàng lang thang ở Cự Ðà, Ðồng Quan, Cống Thần thì được cán bộ giao liên Thành tuyển mộ lên Hòa Bình nhập toán nghiên cứu quân giới của kỹ sư Trần Ðại Nghĩa. Nhưng khi tôi đeo ba-lô đạp xe đến Vân Ðình thì Pháp nhẩy dù xuống, dội lại và mất liên lạc luôn trở về chợ Ðồng Quan bán thuốc Tây độ nhật. Mãi đến tháng 9, 1947 thì cán bộ Thành trở lại tuyển tôi trở về Hà Nội do thám tình hình quân Pháp.
Hôm ấy khi tôi đang ngồi ở chợ Ðồng Quan thì Thành (tên thật là Phạm Phú Ưng, con cụ Án Sát Thanh Hóa, học dưới tôi năm lớp ở Lycée Khải Ðịnh) mò đến cho tôi biết là bạn học cũ Toán Khải Ðịnh Nguyễn Ðình Quảng, phụ trách phản gián, nhắn giao cho tôi công tác về thành điều nghiên tình hình hành quân của Pháp với bí danh Z-4. Sẵn óc phiêu lưu mạo hiểm tráng sinh cộng với lòng ghét Pháp cao độ, và hơn nữa vị hôn thê còn trong Hà Nội nên tôi nhận công tác nguy hiểm không một chút do dự. Sáng hôm sau theo ước hẹn tôi mang một túi quần áo nhỏ ra chợ Ðồng Quan thì Thành đã đợi sẵn. Thành giới thiệu một nữ giao liên trẻ chit khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân nâu và quần thâm đi chân đất. Tôi theo chị ta len lỏi qua các làng xóm vắng tanh, quanh co cả mấy tiếng đồng hồ thì đến chỗ nghỉ chân.
Chỗ tạm nghỉ là một căn lều tranh hiu quạnh và chị giao liên lặng lẽ rút đi.
Ðêm tôi nằm ổ rơm chỉ nghe tiếng ễnh ương òm ọp thâu canh. Tuy nhiên vì mỏi mệt nên giấc ngủ đến thật nhanh và khoảng bốn giờ sáng một nữ giao liên khác đến tự giới thiệu có nhiệm vụ tiếp tục hướng dẫn tôi. Chị này đứng tuổi, ăn mặc xuề xòa, răng đen, môi ăn trầu cắn chỉ. Tôi ra vại múc nước mưa rửa mặt chải đầu và thay quần trắng sơ-mi cụt tay trắng mà chị đưa cho, thoát xác bần-cố-nông đen đủi thành một sinh viên Hà Nội. Rồi tôi lại theo chân thoăn thoắt của chị băng qua các cánh đồng, men theo các bờ ruộng nhiều khi trơn như mỡ. Trong đêm khuya không có một bóng người qua lại, các làng mạc thì vườn không nhà trống, chỉ nghe tiếng giun dế và tiếng cành tre cọ vào nhau xào xạc. Ði như vậy độ hai chục cây số thì chị ta ngừng lại, chỉ cho tôi đi độ khoảng 5 cây số thì đến đường cái rồi rẽ phải vài cây là đến Ngã Tư Sở, rồi đồn kiểm soát Pháp đầu tiên. Xong nhiệm vụ chị ta lủi ngay không một lời từ biệt.
Lúc ấy khoảng chin giờ sáng, xung quanh vắng tanh. Khi ra đến Quốc Lộ Một tôi rẽ tay phải và cứ thế đi cho đến khi nghe tiếng Tây quát “Halte là”. Tôi đứng yên lo sợ thì một tên Thượng Sỹ Pháp dơ súng vào tôi hô to “Haut les mains”! Hắn tiến sát lại, nắn người tôi từ trên xuống dưới, lục soát túi quần áo trong có vài quyển sách Pháp văn rồi hỏi, “Ton nom, où vas tu, que vas tu faire”? Trống ngực tôi đánh thình thình nhưng tôi cố trấn tĩnh trả lời bằng tiếng Pháp, “Tôi là sinh viên khoa học, trở về nhà vợ ở số 153 Route Mandarine”. Sau khi ghi chép qua loa hắn ra lệnh, “Ca va, vas”! Hoàn hồn, tôi chào rồi dông một mạch, chân bước thoăn thoắt trên con đường tráng nhựa thênh thang không một bóng người qua lại. Ði độ mươi cây số thì đến Kim Liên rồi vào đầu Hàng Lọng. Bảo, vị hôn thê tôi, từ trên lầu chạy xuống ôm chầm lấy tôi khóc nức nở, không ngờ có được trùng phùng như vậy. Nhưng nào nàng có ngờ đâu là sự trùng phùng này còn nhiều cam go bất trắc trước mắt!
Bố mẹ vợ tôi là ông bà Phủ Nguyễn Ðình Tại về lưu ngụ tại đây là nhà Từ Ðường. Trong thời gian ở đây tôi đi làm thợ may, thợ chụp ảnh căn cước và cũng không nghĩ trở lại trường lấy nốt cái bằng cử nhân toán đang dang dở. Ðộ mươi ngày sau thì tên cán bộ Thành mò đến giao cho tôi nhiệm vụ điều nghiên sự sắp đặt của tụi Pháp cho cuộc hành quân sắp tới của chúng. Thì thà thì thụt, Thành lui tới hai ba lần và Chú Năm của Bảo Nguyễn đình Giáp sinh nghi nói với Bảo, “mày coi chừng, thằng chồng mày là Việt Minh đó”!
Pháp sửa soạn hành quân thì xuất phát từ Thành Pháo Thủ trên đường Duvilliers ngay cột cờ. Hai ba lần tôi đạp xe qua địa điểm và thấy cách tốt nhất và nguy hiểm nhất là đột nhập vào trong mới xác định được. Tôi thấy 7 giờ sáng thì nhân công lũ lượt kéo vào cổng qua sự kiểm soát của lính canh rồi trưa lại kéo ra. Vì đám nhân công khá đông đảo nên tên lính gác chỉ khám từng tốp một thôi và có khi chỉ lướt mắt qua tờ giấy mà không đọc. Tôi liền liều mạng, may rủi số Trời. Sáng hôm ấy tôi đi theo đám nhân công lũ lượt đi qua cổng kiểm soát nhỏ bên cạnh, một tay cầm ghi đông, tay kia cầm mảnh giấy vớ vẩn điềm nhiên đi vào. Tên lính Lê Dương khoát tay cho tôi đi qua. Hú hồn, mồ hôi toát ra dưới lưng áo. Sau khi dựa xe vào giá tôi liền theo đám đông tản mát vào. Có một nhóm độ mười người đi vào kho. Tôi tháp tùng theo họ khiêng các thùng lương khô ra xe vận tải GMC che mui bít bùng. Theo chỉ thị của phản gián, ngày hôm sau tôi đi dạo phố Hàng Ngang, viết hai con số ước lượng nhân công và xe GMC vào giấy bọc kẹo, vo viên lại rồi vứt xuống gốc cây xế cửa hàng tạp hóa Ðông-Bảo-Cánh-Hồng của bạn Ðỗ Quang Trị. Sau khi đi dạo phố một vòng quay trở lại thì miếng giấy kẹo vo tròn đã biến mất, có nghĩa là phản gián đã cho người rình sẵn đâu đây. Về sau tôi được biết là Pháp sửa soạn cho cuộc hành quân Atlante ở miệt đồng bằng.
Tôi trở lại hai lần nhưng không đột nhập, chỉ quan sát bên ngoài mà thôi. Một tuần sau Thành trở lại cho biết đã nhận được phúc trình rất xác đáng và chuyển lời khen ngợi của Thủ Trưởng. Tôi tỏ ý vui mừng thì hắn rút ra một bọc lá chuối khô vuông vức nói là thuốc phiện thô cần tiêu thụ vì ngoài ấy anh em cần tiền. Tôi nói là không rành việc mua bán nên nhờ người khác thì hơn. Thành có vẻ tiu nghỉu, nhét gói nhựa vào túi và bắt tay ra về. Trong đầu óc tôi lúc ấy đã thấy có điều không ổn. Ðược ít ngày sau thì tôi gặp anh Ðặng Văn Sung rủ tôi về cùng ở biệt thư 68 Reinach mà anh thuê rẻ của bà em họ Phan Huy Quát khi gia đình dọn lên Clinique Émile Sargeant trên phố. Biệt thự xinh xắn nằm trong khu vườn trồng cây và từ đường phố đi vào phải qua một cái cổng sắt uốn rèn rất đẹp. Ðã có sẵn vợ chồng một anh bếp lo cơm nước.
Anh Sung đứng đầu Ðảng Ðại Việt miền Bắc mà người ta thường gọi là Ðại Việt Quan Lại vì có nhiều quan chức Phủ-Huyện tham gia. Anh Sung hay đi vắng và giao tôi đôn đốc mọi việc. Qua sự giới thiệu của anh Sung, tôi vào làm ở Sở Xã Hội Bắc Việt dưới quyền cô Rosa Minh trong chức vụ Chủ Sự Phòng Cho Vay Danh Dự (prêt d'honneur) cho các gia đình hồi cư. Chủ Sự Kế Toán là bạn Nguyễn Duy Giá sau này thành Tỉnh Trưởng Nam Ðịnh và bị cộng sản giết chết khi anh đang làm việc tại Bank of Tokyo ở Sài-Gòn.
Nhà 68 Reinach là nơi lui tới các nhân vật chính trị, các đảng viên Ðại Việt, Duy Dân, người Bắc cũng như Nam họp hành, ăn uống và có khi lưu lại qua đêm. Anh Sung thường đi Pháp hay Hồng Kông trong thời gian ngắn liên lạc với Cựu Hoàng Bảo Ðại. Lúc ấy Tân Thủ Hiến là Nguyễn Hữu Trí, một thành viên Ðại việt Quan Lại. Những nhóm Ðại Việt lưu vong từ Hồng Kông về cũng như nhóm học viên võ bị Yên Bái hồi hương trên bè xuôi sông Hồng như các anh Phạm Xuân Chiểu, Vũ Văn Phấn, Ðặng Văn Ðệ, Vũ Ðức Hải, Trần Thanh Ðạm đều tụ tập ở đây. Tôi thành thân thiết với các bạn Nguyễn Tất Ứng, Nguyễn Ðình Tú, Phạm Trọng Nhân và các bạn Ðại Việt miền Nam như Nguyễn Tôn Hoàn, Ðỗ Văn Năng, Trần Ngọc Lập (Thái Còng), Nguyễn Ngọc Huy (Ba Xạo) và trở thành phóng viên của báo Thanh Niên Sài Gòn và báo Thanh Niên Hà Nội trên Ðường Hàng Bút. Rồi không biết từ bao giờ tôi nghiễm nhiên đeo nhãn hiệu Ðại Việt. Chính phủ Nguyễn Văn Xuân thay đổi qua Nguyễn Phan Long và anh Nguyễn Tôn Hoàn nhận Bộ Thanh Niên giao cho tôi Giám Ðốc Thể Dục Thể Thao.
Một hôm cán bộ Thành mò đến 68 Reinach yêu cầu tôi chuyển hướng theo dõi các hoạt động của các phe nhóm quốc gia nhất là Ðảng Ðại Việt. Tôi sững sờ vì lúc nhận nhiệm vụ vào thành là để đối phó với Tây chớ đâu phải làm chó săn rình mò các đảng phái yêu nước. Tuy nhiên tôi không để lộ ý tưởng và chỉ ầm ừ cho qua và trong đầu đã sẵn có kế hoạch thoát khỏi bọn chúng, nhất là khi tôi nhận được một bức thư viết tay ký tên Ðặng Văn Việt dục tôi ra huấn luyện bổ túc. Cho nên khi chính phủ trung ương rục rịch di chuyển vào Nam tôi liền xung phong đi trước nghiên cứu đưa bộ Thanh Niên vào Sài Gòn. Tôi đi với hai bạn Nguyễn Tất Ứng và Nguyễn Ðình Tú, nhận lãnh biệt thự số 185 Mayer là tư dinh Bộ Trưởng nhưng chưa có phòng sở làm việc. Chúng tôi xếp đặt từng trên làm chỗ ở và từng dưới gồm cả hành lang và nhà để xe thành cơ sở bộ. Cuộc sống Sài Gòn thoải mái với các giải trí trường Chợ Lớn, các Chợ Trâu (marché aux buffles) tức các ổ bình khang của lính Tây trên đường Galiéni. Công việc bận rộn tổ chức Bộ Thanh Niên đã cho tôi xa lánh những lo âu về cán bộ Thành và công việc tình báo tôi đã nhận với Việt Minh.
Rồi tôi nhập ngũ, du học hơn hai năm tại trường Không Quân Salon de Provence của Pháp càng làm cho tôi quên hẳn bộ máy kháng chiến Việt Minh. Nhưng cái nhãn hiệu rởm Ðại Việt Bắc Kỳ vẫn theo đuổi tôi trong suốt đời quân ngũ. Cho đến sau đảo chính 1-11 lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ chấp chính giao cho tôi chức Thứ Ủy/Tổng Cuộc Trưởng Tiếp Tế đương đầu với sự phong tỏa kinh tế Thủ Ðô của cộng sản. Tôi vẫn ở trong căn cứ Tân Sơn Nhất cho an ninh và tránh các áp lực tài phiệt.
(Còn tiếp)
*
***
*
5. Hà Nội 1945 (Bài chót)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57235
*
***
*
Thư độc giả: Tinh thần quốc gia rất cao
Kính anh Ðỗ Cung,
Ðọc bài “Hà Nội 1945” (báo Người Việt ngày 20 Tháng Ba 2007), tôi xin gởi đến anh lời khen, vì tinh thần quốc gia rất cao của anh đáng được vinh danh và trọng nể.
Jerry K. Qui (***@sbcglobal.net; địa chỉ IP: Hoa Kỳ)
Tòa soạn trả lời: Xin cám ơn quý độc giả Jerry K. Qui đã có lời khen ngợi, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến này đến tác giả Ðỗ Cung
*
***
*
3. Thơ thời sự độc giả: Lẳng lặng nghe chúng hoan hô
(Bài “Hà Nội 1945 (kỳ chót)” - báo Người Việt ngày 20 Tháng Ba 2007)
Lẳng lặng mà nghe chúng hoan hô
Ðứa thời vêu mỏ, đứa bi bô
Việt Nam thống nhất hay hay quá
Thực hiện mơ xưa của “Bác Hồ”
Thực hiện mơ xưa của “Bác Hồ”
Ai ngờ Bắc Cộng giống Hung Nô
Ðộc tài, tàn bạo hơn Tây, Nhật
Ðất nước lạnh tanh giống mả mồ
Tiên sư nhà bác “Bác Hồ” ơi
Ðầy tớ Nga Xô, đủ quá rồi
Cố công cướp đất dâng Nga Cộng
Bia miệng ngàn năm, rõ cả rồi.
Ðả Cẩu Bổng (***@hotmail.com; địa chỉ IP: Hoa Kỳ)
*
***
*
2. Phở Hà Nội
Trần Ðỗ Cung
LTS - Sau loạt bài Hà Nội 1945 được độc giả hoan nghênh, tác giả Trần Ðỗ Cung lại vừa gởi cho Mục Diễn Ðàn nhật báo Người Việt một bài khác nhan đề “Phở Hà Nội”. Chạy bài viết về phở trong mục Diễn Ðàn thì có vẻ nghịch lý, nhưng người phụ trách không thấy nghịch lý chút nào khi đọc toàn bộ bài viết cho nên xin đăng tải nguyên văn những chia sẻ của tác giả với độc giả của nhật báo Người Việt về Phở Hà Nội xưa, phở Hải Ngoại và Phở Hà Nội bây giờ.
Tôi viết bài này do gợi cảm hứng của bạn Ðỗ Quang Trị, hay như các vị tiền bối văn chương hay dùng danh từ yên-sĩ-phi-lý-thuần. Bạn Trị là một công tử một trăm phần trăm Hà Nội, sinh trưởng ở đất ngàn năm văn vật, lấy bút hiệu là Phượng Linh theo địa danh của sinh quán là một làng ở ven đô phía sau nhà Ga Hàng Cỏ. Bạn rất giỏi Hán Tự và viết chữ Hán rất đẹp. Bạn đã hoàn tất toàn tập thơ Ðường và đang nhờ người quen đưa về Hà Nội in ấn cho rẻ. Bạn lại còn yêu văn nghệ cổ truyền như hát ả đào, trống quân, chèo cổ và đã nhiều lần về Việt Nam nghe danh ca nổi tiếng Hà Nội Kim Dung, Thanh Hoài. Bạn Trị nay đã 86 và hiên định cư tại Paris.
Tôi rất thân với bạn từ thời Hà Nội và thường đến cửa hàng Ðông Bảo Cánh Hồng của bạn ở phố Hàng Ngang. Trị là con trưởng cụ Phủ Ðỗ Quang Giai là một nhà trí thức nặng lòng với quốc gia dân tộc, nguyên Nghị Sỹ thời Ðệ Nhị Cộng Hòa và chủ tịch ủy ban Ngoại Giao Thượng Viện. Cụ đã lên làm Hội Ðồng An Dân rồi Thị Trưởng Hà Nội năm 1947. Có lẽ cụ là người Việt độc nhất được triều đình Anh Quốc truy tặng bằng Order of the British Empire với tư cách Hội Trưởng Hội Việt Anh. Cụ Phủ Giai đã mất ba cậu con trai vào bàn tay đẫm máu của Việt Minh Cộng Sản trong vụ Ôn Như Hầu, vụ đánh phá Trường Lục Quân Yên Bái Ðại Việt và Chiến Khu Bắc Giang Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Là người Hà Nội thuần túy, Trị rất sành ăn mặc, không nơi nào mà không biết, không thưởng thức, cũng như nhà văn quá cố Nguyễn Tuân. Theo bạn Trị thì Phở là món ăn quốc hồn quốc túy ở Hà Nội cho những ai đã sống ở đây trước năm 1954. Phở là do sự đọc chệch Việt Nam Hóa tên một món ăn của người Tàu miền Nam là phẩn. Ví dụ khi ta vào tiệm Tàu mà gọi “ngầu nhục xưởng phẩn” thì có đĩa phở xào thịt bò. Ta dịch món phở cho người Pháp là “soupe chinoise”. Nhưng phở Việt khác hẳn vị phở Tàu vì có vị nước mắm. Thịt thường là thịt chín; thịt tái chỉ có vài tiệm như phở Hàng Da mở hồi 1940-45 gần tới rạp Olympia. Phở Tàu dùng các gia vị như quế hồi đinh hương cộng thêm chút chanh vắt và ớt tươi thường không đúng khẩu vị Việt Nam.
Trước 1945, phở Hà Nội chỉ là phở gánh, mỗi phố đều có một gánh quen thuộc. Người Tàu thì mở tiệm, nổi tiếng là Phở Nhà Cháy ở cuối Hàng Buồm, Phở Nghi Xuân Hàng Nón sang Hàng Quạt. Nước dùng ở đây có vị sáng sáu tức nước tương đậu nành soy sauce. Phở Hà Nội bắt đầu nổi danh sau ngày Nhật đảo chính Mồng 9 Tháng Ba 1945, khi Nhật không cấm hàng quà rong như Tây. Gánh phở đầu tiên nổi tiếng là Phở Văn Miếu gần Sinh Từ. Rồi đến gánh phở đông khách ở Bãi Chuối gần Lò Ðúc được nhiều công chức chiếu cố. Thịt cũng được cải tiến nhiều kiểu, thịt tái cắt rộng bản, chín, nạm, lổn nhổn gầu gân nấu dừ, mỡ gầu nhồi trong ruột lợn cắt mỏng như cervelas, trên rắc hành ngò, thêm mấy lát hành Tây tùy vị khách đòi hỏi.
Sau năm 1947 mọc lên nhiều gánh phở và quán phở nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng, nước dùng nêm thảo quả, gừng, tí chút hồi, đặc thù của miền Bắc, sau nhập vào miền Nam vẫn phải giữ nguyên hương vị đó. Nổi tiếng là Phở Gánh Hàng Than, Phở Michaux sau lưng nhà kho Michaux bán thịt, Phở Ngõ Hàng Khay, thường thêm mỗi bát một củ cải lấy từ nồi nước dùng, các tiệm Phở Bờ Hồ, Phở Cầu Gỗ, Phở Tầu Bay cuối đường Gia Long mà ông chủ luôn luôn đội mũ da nâu có quai rộng bản kéo xuống dưới cầm như phi công. Ðặc biệt là Quán Phở Bà Ba Béo, người hơi đẫy đà ở cuối Hàng Bạc thường được gọi là Phở Máy Nước, nước dùng trong vắt mà lại ngọt. Bà Béo làm thêm phở áp chảo khô, áp chảo nước, phở xào, bán trưa, bán tối. Lại có thêm món ăn chơi, thịt thái mỏng dội tái nước dùng sôi chấm tương gừng ngon tuyệt, tuy phở xào thì phải nhường cho Tầu làm ngon hơn và điệu nghệ hơn. Còn phải kể Phở Gà Gánh đặc biệt ở Ðường Huyền Trân Công Chúa. Con gà luộc lấy nước dùng rồi treo lên, phao câu mập như cái nắm tay.
Trong những người sành Phở phải kể Bác Sỹ Phạm Văn Phán, người đã đi dự Thế Vận Hội thứ XV ở Helsinki như một nhà dìu dắt cùng với tôi năm 1952. BS Phán đã nhường thứ phi Mộng Ðiệp cho Hoàng Ðế Bảo Ðại. Ông ta chỉ mê phở gánh và sáng nào cũng nhẩy xích lô đi tìm phở. Ông Louis Chức chủ nhà đòn đám ma thường lái xe chở toàn gia đi ăn phở bên lề Trường Hàng Than. Ðại Tá Nguyễn Phùng con cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng thích phở, sáng nào cũng mặc binh phục đưa vợ Suzanne đến tiệm phở. Sau năm 1946 khi quân Tầu rút lui thì có người ở lại mở phở Ngầu Pín ở cuối Phố Huế và được nhiều người ưa chuộng vì đồn là bổ dương bổ thận.
Tại tỉnh nhà Thanh Hóa cũng có nhiều phở ngon đặc biệt là vì gạo ngon và thịt bò nổi tiếng của Bái Thượng. Ai cũng biết đến Phở Nhà Ðoan thanh vị, mỗi người thưởng thức một cách. Có người húp nước dùng trong suốt trước, nếm cái ngọt đậm đà đưa vào tì vị trước khi ăn đến bánh phở trắng phau rồi đến các miếng thịt bò chin vừa độ với hai ba cọng hành trần xanh tươi. Người khác lại vớt cái xác nhai kiệt để bưng bát lên húp hết nốt nước dùng còn lại. Xong lại mua một ít xương phở để gậm cho đến cái xương trắng hếu rồi mút nốt gân tủy như thấy ngấm vào từng thớ thịt của cơ thể.
Ngoài phở, Thanh Hóa còn có hai món quà tiêu biểu là con phi chỉ có địa điểm cửa sông Mã và sông Chu là có tuy nhiên sau chiến tranh nghe nói bị người ta bắt sạch tuyệt chủng. Cứ đến mùa là nghe tiếng rao đặc biệt “ai mua phi i i mua” của các cô hàng gánh nồi phi luộc, nước trắng như sữa loãng với những con phi trắng nuốt ngọt đặc biệt. Một món quà ngon nữa là bánh khoái nồi rang ở vỉa hè do các bà bán hàng tráng tại chỗ vừa nóng vừa ròn với hương vị bột gạo Thanh Hóa, chỉ nhỏ bằng cái đĩa tách trên chảo đất, thơm phức với nhân trứng có thịt ba chỉ mỡ và hành lá xanh mát, úp lại bằng vung đất nhỏ cho mặt chin và lớp dưới ròn tan. Mùa rét, có khi mưa phùn căm căm, đứng góc phố chờ mua ăn vừa ròn vừa ngậy cũng còn hơn là ở trên lề Quartier Latin Paris chờ mua hạt dẻ nướng.
Sau cuộc chia đôi đất nước năm 1954, làn sóng cả triệu dân di cư cũng du nhập phở vào Nam, bắt đầu là các Phở gánh ở các hẻm phố Sài Gòn. Người Nam quen ăn hủ tíu nên lúc đầu chê, rồi dần dần quen vị; Bắc cũng ăn hủ tíu mà Nam cũng thưởng thức vị ngọt đâm đà của Phở Bắc Kỳ rau muống, có thêm rau húng tiết canh. Vì đất Nam trù phú, la liệt hàng quà bánh đầy đường nên Phở Bắc gà bò chỉ thu hẹp vào góc cuối đường Pasteur và Hiền Vương chen vào các cửa hàng Bánh Cuốn và hàng giò chả của bà Quốc Hương. Nhất là ngay đó có tiệm hớt tóc nhỏ xíu nổi tiếng với anh chàng Ðàm lấy ráy tai mà nhiều người nghiện. Khu Phú Nhuận cũng có vài quán ăn sáng đắt khách, gần Bệnh Viện Cơ Ðốc, ngã tư Chi Lăng-Võ Tánh gần đường quân nhân đi lại vào ra phi trường Tân Sơn Nhất và bộ Tổng Tham Mưu. Phở Ngầu Pín cũng mò vào Sài Gòn, cạnh Bệnh Viện Nhi Ðồng, có nấu thêm đuôi bò dừ tan được nhiều người ưa chuộng.
Nói đến hủ tíu miền Nam thì cũng là một thứ Phở với bánh bột gạo, thịt thái mỏng và nước dùng mà người Nam gọi là nước lèo. Tuy nhiên nước lèo không có vị đậm đà như nước dùng phở vì nước lèo thường nấu cả xương lợn và có khi có đầu mực khô hay tôm khô. Thịt là thịt nạc chiên vàng như xả xíu thái mỏng. Không thêm hành ngò như phở nhưng có khi để thêm trên mặt cây hẹ trần hay rau diếp trần. Cũng có tiệm thêm bánh tôm chiên ăn như lối mì nước. Một tiêm nổi tiếng là tiệm Viễn Ðông góc đường Nguyễn Huệ và đường rẽ tới Bộ Công Chánh, hủ tíu ngọt ngào có thêm tôm trần và thịt gà vào thịt lợn. Tiệm cũng có xe ép nước mía nên rất đông khách. Lại còn hủ tíu Nam Vang. hủ tíu Mỹ Tho, mỗi loại gia giảm vài thứ, với hương vị đặc biệt.
Sau năm 1975, món Phở lan ra khắp Thế Giới, Pháp, Mỹ, Úc, Ðức và cả Tiệp Khắc là những nơi có người Việt định cư. Ở Pháp thì tại Khu 15 có rất nhiều hàng phở. Tây đã quen với Phở nay ghé vào mua đem về nhà vì đời sống tất bật không còn cho họ có thì giờ để nấu các nồi xúp ngon lành nữa. Ở Mỹ lúc đầu có Phở Hòa nghe nói là thuộc cánh kinh tài cho Hoàng Cơ Minh. Rồi Phở Hòa lan ra nhiều chỗ theo cách franchise. Các tiệm fast food Mỹ làm ăn kém đã đóng cửa cũng nhường chỗ cho phở. Lúc đầu thì dơ dáy lộn xộn cho khách Việt dễ tính. Dần dần khách Mỹ lui tới do sự hướng dẫn của các đồng nghiệp Việt trong các hãng xưởng. Và các tiệm Phở được chỉnh trang sạch sẽ hơn, phục dịch nhanh nhẹn hơn, mặc đồng phục và nhận cả thẻ tín dụng Visa Master Card. Ðặc biệt, khi ngồi vào bàn, người hầu tự động đưa ra một đĩa húng quế, ngò gai xanh mướt cộng thêm các lát ớt xanh và vài khẩu chanh xanh. Cũng có một đĩa giá sống tươi mát theo lối Sài Gòn.
Mỹ vào ăn Phở mỗi ngày một đông, nhất là vào buổi cơm trưa, trong giờ nghỉ việc. Có người còn biết gọi kèm thêm cốc cà phê đá sữa đặc theo lối Việt Nam. Và đặc biệt là họ xơi hết cả đĩa giá sống và rau ghém xanh tươi. Ðối với Mỹ thì Phở là một món ăn bổ dưỡng hoàn toàn mà lại rẻ so với MacDonald hay Kentucky Fried Chicken. Không khí thoải mái bình dân mà còn có người hầu bàn nữa. Bởi vậy tiệm Phở mở tùm lum, với những tên gợi đến những địa điểm xa xưa như Tầu Bay, 79, Hiền Vương, Công Chức, Phở Bà Dậu, hãnh diện tự giới thiệu là giữ nguyên kỹ thuật nướng xương bò trước khi ninh cho nước dùng ngọt và thanh vị.
Cạnh tranh đưa đến nhiều cải tiến hay về cung cách tiếp khách cũng như sạch sẽ. Bát Phở ở Mỹ thì to ngoại khổ, lúc đầu có ba cỡ Ðại, Trung và tô nhỏ. Nay chỉ còn có hai cỡ lớn và nhỏ thôi nhưng tô nhỏ cũng khá lớn trong khi tô lớn thì tổ chảng trông như một chậu phở. Thịt thì đủ mốt đủ kiểu, thái bằng máy đều và mỏng, nào là vè, gầu, gân, sách, nạm giòn, nạm dừ, tái, chín v.v... Mỗi nhà đều quảng cáo Phở của mình hảo hạng hay gia truyền. Tuy nhiên hiện nay vì nhu cầu sức khỏe nên không thấy ai xin thêm một thìa nước béo mửa. Hơn nữa nhiều nơi còn quảng cáo rõ ràng là chúng tôi không bỏ bột ngọt. Khi mới đặt chân đến nước Mỹ có nhà đã bắc sẵn nồi phở đun từ đêm trước và khi có khách đến thăm là đã sẵn đồ ăn cùng ngồi xì xụp khỏi cần lo bếp nước nhiêu khê.
Trái lại Hà Nội bây giờ thì tô phở đã nghèo nàn mà phục vụ lại kém cỏi. Khách hàng xô bồ văng tục thả giàn không còn cái thanh lịch của ngày xưa nữa. Khi khách gọi thêm một đĩa rau thơm và giá trần thi bồi bàn phản bác một cách tự nhiên, “Ðéo mẹ, muốn giá thì vào Sài Gòn”! Thật là mất cái duyên dáng của Hà Thành Nghìn Năm Văn Vật. Không hiểu làm sao mà Phòng Ban Văn Nghệ Hà Nội lại dám cả gan đem chuông đi đánh xứ người với cả một đại ban “Duyên Dáng Việt Nam” qua Úc trên một chuyến phi cơ Vietnam Airlines trong năm 2006? Thất bại cũng phải!
Trần Ðỗ Cung
Prunedale, California đầu Xuân 2007
*
***
*
1. Hiệu đính vài điều trong “Hà Nội 1945” của tác giả Trần Ðỗ Cung
Lê Ðình Cai
Lời người viết: Khi tôi hoàn tất bài viết này vào ngày 14 Tháng Tư, 2007 thì Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng có e-mail cho tôi một đoạn văn đăng trên các báo hải ngoại với nhan đề “Bổ túc một số chi tiết về trường hợp tri huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bị phong trào “Xô Viết Nghệ Tỉnh” (Cộng Sản) giết. Nội dung cũng đề cập đến cụ Tôn Thất Hoàn, tri huyện Nghi Lộc. Như vậy, có thêm một tiếng nói nữa để soi rọi vào vấn đề mà chúng tôi đã nêu lên. Xin cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng về tư liệu quý hóa này.
Trong hồi ký “Hà Nội 1945” của tác giả Trần Ðỗ Cung đăng trong Giai phẩm “Thời Luận”, Xuân Ðinh Hợi 2007 (từ tr. 77 đến tr. 83-sau đo co đăng lại trên nhật báo Người Việt) có đề cập đến cụ thân sinh của bà Hà Thúc Ký như sau:
“Năm 1931 tôi mới lên 9 thì bố tôi bị đổi đi làm hiệu trường huyện Nghi Lộc cách tỉnh Vinh 7 cây số về hướng Nam. Hồi ấy là thời kỳ Xô-Viết-Nghệ-Tỉnh rất sôi động mà Nghi Lộc là cái nôi lửa bỏng dầu sôi. Năm 1932 xảy ra vụ thảm sát quan huyện Tôn Thất Úy khi ông đi khảo sát với thầy đề Lại và sáu lính khố lục. Cả đoàn rơi vào ổ phục kích Cộng sản và bị chặt ra làm 3 khúc ném xuống biển Cửa Hội. Toàn gia có ông Tôn Thất Tần là Vua Tù trong trại cải tạo của Cộng sản. Ngoài ra hai con Tôn Thất Uẩn bằng tuổi tôi sau thành Tổng Giám Ðốc Ðiện Lực Saigon và cô em nhỏ lấy Hà Thúc Ký lãnh tụ Ðại Việt Trung Kỳ, theo mẹ về Huế.”
Ðoạn văn này có nhiều điều cần phải hiệu đính lại trước khi sử dụng nó như là một tài liệu lịch sử. Nhưng, trước hết, người viết xin cảm ơn tác giả Trần Ðỗ Cung đã ghi lại những hồi ức về một giai đoạn lịch sử trải dài từ Xô Viết Nghệ Tĩnh (1931) đến Hà Nội những ngày của 1945 như tiêu đề của bài hồi ký này. Tuy thế tác giả còn kể lại những ngày tham chính dưới quyền của Bộ trưởng Thanh Niên Nguyễn Tôn Hoàn trong chính phủ Nguyễn Phan Long, rồi thứ ủy/Tổng Cục Trưởng Tiếp tế dưới nội các của Tướng Nguyễn Cao Kỳ (1966)
Vì là người nghiên cứu về ngành Sử học, nên những bài hồi kí như thế này đã giúp cho chúng tôi nhận ra được nhịp thở, nhịp đi của một chặng đường lịch sử mà tác giả Trần Ðỗ Cung ít nhiều là chứng nhân của thời đại, của dòng chuyển động bão táp mà thế hệ ông phải chịu đựng. Tác giả đã làm sống lại bối cảnh của những năm tháng cam go của thập niên 40, trong đó thế hệ của tác giả đã không có nhiều hiểu biết hay cơ hội để lựa chọn cho lập trường chính trị. Lòng yêu nước thôi thúc tác giả phải tham gia cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Pháp, nhưng mặt khác vẫn rất mù mờ về chân tướng của người Cộng sản núp đằng sau chiêu bài giải phóng tổ quốc.
Dù đây chỉ là một bài viết về hồi ức “Hà Nội 1945” chứ không phải là một cuốn sách, nhưng những điều kể lại, tuy ngắn ngủi, cũng đã giúp soi chiếu vào những uẩn khúc của lịch sử cần được soi sáng. Chẳng hạn đoạn tác giả kể về cậu học sinh Albert Phạm ngọc Thuần, người Nam Kỳ vào học lớp Tú tài Toán ở trường Quốc học Khải Ðịnh (1939), nhưng chỉ một năm sau, Albert Thuần nghe nói là qua Pháp du học và chính tác giả Trần Ðỗ Cung xác nhận “Mãi về sau, trong năm 1963 trước khi đảo chính Ngô đình Diệm tôi mới biết anh ta chính là Phạm ngọc Thảo”. Những chi tiết mà tác giả kể lại về Phạm ngọc Thảo trong thời gian chuẩn bị đảo chánh Ngô đình Diệm và những hoạt động của Thảo trước đó khi đang còn cộng tác với chế độ, giúp rất nhiều cho những nhà chép sử có thêm dữ kiện để đối chiếu và tìm hiểu con người thật của Ðại tá Phạm ngọc Thảo.
Những hồi ức về cuộc đảo chính Pháp 9.3.1945 do Nhật chủ xướng ở Ðông Dương mà chính tác giả đã chứng kiến, rồi hình ảnh bi thảm của nạn đói năm Ất Dậu mà chính ông Trần Ðỗ Cung là một nhân chứng trực tiếp, để rồi 62 năm sau ông kể lại thảm trạng này trong nỗi kinh hoàng tột độ (vào dịp Tết Ất Dậu cách đây hai năm, tôi đã có bài viết về “Nạn đói năm Ất Dậu” nhưng tiếc là không gặp đoạn văn này của tác giả Trần Ðỗ Cung sớm hơn để minh họa cho bài khảo luận ấy):
“Trong thời gian xảy ra vụ đói chết cả triệu người. Nhiều làng xóm ở miền Bắc hoàn toàn biến mất. Vào làng thì không khí yên lặng ghê rợn, không tiếng chó sủa chim hót. Cảnh tượng thật thê lương, chỉ thấy mấy củ chuối bị đào gốc và củ bị ăn trụi. Ðó đây các xác chết nằm rải rác lộ thiên có vài con chuột đang gậm nhấm. Dân chúng già trẻ lớn bé lần lượt ra đường bưng theo cả bàn thờ tổ tiên đi tìm sống. Ai nấy gầy giơ xương, mặt mày hốc hác, mắt mũi lơ láo, gặp gì ăn nấy. Thậm chí đến các cây dọc đường phố Hà Nội cũng bị gậm tróc vỏ rồi lăn ra chết, da bọc xương khắp đầu đường xó chợ. Các nhà hàng phố đóng cửa im ỉm, để các nồi cháo cám ra ngoài cứu đói.
Sáng nào tôi cũng cùng các bạn tráng sinh đẩy xe bò đi thu nhặt các xác khô đét đem đến địa điểm để xe vận tải chở đi hố chôn tập thể Giáp Bát. Chứng kiến một cảnh đau lòng khi một xe nhà binh Nhật chở đầy các bao tải gạo chạy chậm lại tại ngã tư Hàng Ngang thì cả một lũ ma đói xông lên cào cắn các bao gạo rơi vãi. Mặc dầu lính áp tải Nhật dùng báng súng lưỡi lê đâm đập tới tấp, họ vẫn lăn xả ngấu nghiến ăn các nắm gạo rơi vãi đầy đường.”
Những nhận định của tác giả về Việt Nam Quốc Dân Ðảng, về Ðại Việt, về việc cướp chính quyền của Việt Minh, về chính phủ liên hiệp Quốc Cộng (1946) cũng giúp soi được nhiều uẩn khúc của lịch sử. Nếu tài liệu hồi ký lịch sử này của tác giả được viết thành sách thì đó sẽ là cuốn sách quý giúp nhiều cho các nhà nghiên cứu sử học sau này.
Riêng cá nhân người viết, xin có vài điều cần hiệu đính lại khi tác giả đề cập đến cụ thân sinh của bà Hà Thúc Ký với những chi tiết không đúng về tên tuổi, gia thế và cái chết của vị trí huyện Nghi Lộc vào thời kỳ Xô Viết Nghệ Tỉnh (qua đoạn văn đã nêu trên).
Cách đây hai tuần (đầu tháng 4 năm 2007) trong cuộc điện đàm với chị Hà Thúc Ký (chúng tôi thường gọi bà Hà Thúc Ký là chị Cả khi còn hoạt động trong đảng ÐVCM), tôi có đề cập đến bài viết của tác giả “Hà Nội 1945” thì được chị Ký cho biết lại những nhầm lẫn như sau:
- Tên thân sinh chị Hà Thúc Ký (nhũ danh Tôn nữ Oanh) không phải là cụ Tôn Thất Úy như tác giả Trần Ðỗ Cung đã kể mà tên là Tôn thất Hoàn, tri huyện Nghi Lộc. Cụ Tôn thất Úy hiện nay 90 tuổi, còn sống ở Việt Nam; là em sau cùng của cụ Hoàn. Con cháu cụ Úy hiện đang sống ở Cali rất buồn lòng khi tác giả Trần Ðỗ Cung đã viết không đúng về gia đình họ. Cụ Tôn thất Hoàn có cả thảy là 5 người con ba trai, hai gái (Ông Tôn Thất Tần khi cụ Hoàn mất, mới có 13 tuổi, Tôn thất Uẩn mới có 9 tuổi, Tôn nữ Oanh 4 tuổi, Tôn nữ Ngọc 2 tuổi, và người con út là Tôn thất Vy lúc ấy đang nằm trong bụng mẹ).
- Về cái chết của cụ Tôn thất Hoàn, ông Trần Ðỗ Cung kể là xác cụ bị chặt ra làm ba khúc, ném xuống biển cửa Hội sau khi bị Cộng sản phục kích cùng với sáu lính khố lục vào thời điểm 1932. Thực ra cụ mất vào ngày 1.1.1931 (theo tài liệu của GS Cao Thế Dung). Nhưng theo chị Hà Thúc Ký cho biết, sau này khi Nam Bắc thống nhất, người nhà có ra tận huyện Nghi Lộc, Nghệ An, có gặp các cụ đồ Nho còn sống và được các cụ tra cứu sổ bộ còn lưu giữ thì ngày mất của cụ Hoàn là ngày 2.1.1931, nhằm ngày 14 tháng 11 âm lịch, chứ không phải là ngày 1.1.1931 như GS Dung đã cho biết.
Theo lời kể của các vị bô lão còn sống ở huyện Nghi Lộc thì quan huyện Tôn thất Hoàn, khi nghe báo cáo có cuộc họp của hội kín, liền cùng viên quản và viên đội trong huyện đường đến kiểm tra thì bị Cộng sản phục kích. Cả ba người bị giết chết thả trôi sông. Gần 7 ngày sau xác của cụ Hoàn mới được tìm thấy trong một hốc đá ở cửa Hội. Xác được vớt lên nguyên vẹn đặt vào hòm gỗ, có bọc kẽm, chở về Huế, được chôn cất ở núi Ngự Bình, gần Ðàn Nam Giao (chứ không phải bị chặt làm 3 khúc như tác giả Trần Ðỗ Cung đã kể lại). Cụ Tôn thất Hoàn mất vào lúc tuổi đời 38, lứa tuổi mà công danh sự nghiệp đang tràn đầy hứa hẹn trên đường hoạn lộ.
Ghi nhận vài điều theo lời kể của chị Hà Thúc Ký, người viết chỉ mong hoàn trả lại sự thật cho người đã khuất (cụ Tôn thất Hoàn) và cho người hiện còn sống ở Việt Nam (cụ Tôn thất Úy) như ước muốn của gia đình con cháu hai cụ hiện đang sống ở hải ngoại hay trong nước. Và điều quan trọng là những nhà nghiên cứu về sau khỏi phải nhầm lẫn khi đề cập đến tên vị tri huyện Nghi Lộc trong thời Xô Viết Nghệ Tỉnh.
San Jose, những ngày vào Hạ 2007.
Lê Ðình Cai
*
***
*
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment