Sunday, September 28, 2008

Việt Nam đứng thứ hai về thuốc giả ở Đông Nam Á



12:05' 21/09/2008 (GMT+7)
- Theo số liệu của Cảnh sát Quốc tế Interpol, Việt Nam đang là nước có mẫu thuốc giả lưu thông đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Lào đang dẫn đầu với 447 mẫu, trong khi đó Campuchia phát hiện 271 mẫu, còn Thái Lan chỉ có 173 mẫu thuốc giả.

DS. Trần Thị Thanh Loan, thanh tra lĩnh vực dược phẩm - Sở Y tế TP.HCM, đã cảnh báo như trên tại hội thảo "Một số vấn đề về thuốc giả". Hội thảo do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào ngày 20/9, nhằm cập nhật thông tin cho các nhà sản xuất - phân phối và kinh doanh dược phẩm.


Tiêu chuẩn hóa các nhà thuốc theo "Thực hành nhà thuốc tốt - Good Pharmacy Practices GPP" có thể giúp kiểm soát được nguồn thuốc đầu vào và chất lượng thuốc. (Ảnh : Minh Quang)


Việt Nam: Cảnh báo thuốc giả

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) thống kê, thuốc giả chiếm 7% - 15% ở các nước phát triển, và đến 25% thị trường dược phẩm ở các nước đang phát triển.

Thuốc giả được vận chuyển lưu thông khắp nơi trên thế giới bằng nhiều con đường khác nhau, từ đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không... cho đến mua bán qua internet.

TIN LIÊN QUAN
Thuốc giả lại tung hoành http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/08/797497/
Nếu không tăng giá, thuốc giả sẽ tung hoành?
Thị trường thuốc giả chưa diệt được tận gốc http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/04/780256/
Thuốc giả ngày càng... "thật"! http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/03/772771/
Phát hiện 7 loại thuốc giả lưu hành trên thị trường
In nhãn thuốc giả, bán thuốc "siêu" lợi
Thuốc giả, thuốc cấm... “bao vây” người bệnh!
Thuốc giả cướp đi mạng sống 200.000 người mỗi năm http://vietnamnet.vn/khoahoc/quocte/2007/02/665989/

Theo báo cáo của Interpol, số lượng mẫu thuốc giả phát hiện tại Việt Nam rất cao (406 mẫu), đứng thứ hai - so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Lào là nước có mẫu thuốc giả cao nhất với 447 mẫu. Campuchia có 271 mẫu, còn Thái Lan là 173 mẫu.

"Interpol nhận định, tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam tuy có giảm nhưng có phần phức tạp do hiện nay thuốc giả được sản xuất bằng công nghệ cao, bao bì sản phẩm rất giống thuốc thật hoặc do hàng kém chất lượng từ nước ngoài đưa về Việt Nam sửa lại hạn dùng", DS. Thanh Loan cho biết.

Các mẫu thuốc giả được phát hiện chủ yếu là các loại thuốc kháng sinh (Ampicilline, Amoxicillin, Chloramphenicol 250mg, Erythromycin 250mg, Teracyclin...), các thuốc điều trị rối loạn cương (Viagra, Cialis...).

Còn tại TP.HCM, trong năm 2008, Sở Y tế TP.HCM đã chuyển 2 trường hợp thuốc giả sang cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM, gồm 2 loại thuốc Ampicillin 500mg và Augmentin 625mg.

Trong những năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện rất nhiều mặt hàng thuốc giả. Thuốc giả có thể là thuốc không có dược chất, không có tác dụng điều trị, như: Clamoxyl 250mg dạng gói và Clamoxyl 500mg dạng viên không có Amoxycilline, Ery enfants 250 dạng gói không có hoạt chất Erythromycine, dầu gió xanh con Ó không có mentol....

Đó là lĩnh vực tân dược, còn trong lĩnh vực đông dược, thuốc giả cũng vô cùng đa dạng. Lượng thuốc đông dược chiếm tỷ lệ cao trên thị trường dược phẩm.

Nguồn gốc thuốc đông dược được nhập lậu phần lớn từ Trung Quốc sang đường biên giới Lạng Sơn rồi tràn về TP.HCM theo các xe chuyên chở dược liệu, cùng có khi là hàng xách tay do khách du lịch mang về và bán lại cho các cửa hàng dược. Thuốc nhập lậu thậm chí còn dán nhãn phụ nhập khẩu giả.


Thuốc tiêm Acetaphen Injection 2ml dùng để giảm đau, hạ sốt bị làm giả (hộp dưới). Nguồn: VietNamNet


Mặt hàng "Phong thấp tê bại tán" giả nhãn hiệu của cơ sở sản xuất Tạ Uyên (địa chỉ 77B Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM), xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Nhưng, thực tế cơ sở Tạ Uyên này ngưng sản xuất từ năm 2002. Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa điều tra được nơi sản xuất giả mặt hàng này.

"Điều đáng nói, nhiều cơ sở chẩn trị y học cổ truyền đã sử dụng một số mặt hàng nhái nhãn hiệu, hàng không có số đăng ký, hàng nhập lậu, kể cả bào chế một số mặt hàng, cao đơn hoàn tán để điều trị cho người bệnh khi chưa được Sở Y tế cho phép", DS. Thanh Loan báo cáo.

GPP: Giúp người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe

Tính đến 6 tháng đầu năm 2008, Sở Y tế TP.HCM đã cấp phép cho hơn 5.800 cơ sở, bao gồm: 388 doanh nghiệp kinh doanh thuốc, 84 cơ sở bán buôn, 3.356 nhà thuốc, 460 đại lý bán thuốc của doanh nghiệp, hơn 300 cửa hàng bán lẻ thuốc y học cổ truyền - thuốc từ dược liệu, 105 cơ sở kinh doanh dược liệu chưa bào chế...

Trong khi đó, thanh tra dược của Sở Y tế chỉ có 4 dược sĩ có bằng đại học. 12/24 quận, huyện có thanh tra trong lĩnh vực dược có bằng đại học.

"Nếu chỉ căn cứ vào những gì mà ngành y tế thành phố phát hiện và xử lý, nhiều người có thể cảm thấy yên tâm vì số lượng thuốc giả không nhiều. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do không đủ nhân lực và điều kiện để phát hiện. Hơn thế nữa, trong thời gian qua, sau khi đi kiểm tra, thanh tra y tế phát hiện rất nhiều nơi kinh doanh dược phẩm không có hoá đơn chứng từ", PSG. TS. Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Việc phát hiện thuốc giả gặp nhiều khó khăn, vì thuốc giả ngày càng sản xuất tinh vi, mẫu mã bao bì giống thuốc thật. Hơn thế nữa, việc kinh doanh, sản xuất thuốc giả phần lớn được phát hiện ở những nơi không do Sở Y tế cấp phép, trong khi chức năng của ngành y tế chỉ dùng lại ở việc tiến hành kiểm tra, thanh tra tại các nhà thuốc, đại lý thuốc do Sở Y tế cấp phép.

Chính vì vậy, tiêu chuẩn hóa các nhà thuốc theo "Thực hành nhà thuốc tốt - Good Pharmacy Practices GPP" có thể giúp kiểm soát được nguồn thuốc đầu vào và chất lượng thuốc.

Tuy chỉ mới chỉ một phần nhỏ, nhưng trên địa bàn thành phố đã có 63 nhà thuốc đạt chuẩn GPP, trong đó 19 nhà thuốc bệnh viện. TS. Phong Lan khẳng định, 95 - 97% thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện có nguồn gốc rõ ràng. Giá thuốc đầu vào tại các nơi này đang được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Hương Cát

- http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/804766/

- Rfa: thuốc giả ở VN
- * Môi sinh môi trường, đạo lý, con người VN bị tàn phá ...

No comments: