Monday, September 22, 2008

Hội luận về quá khứ và tương lai chính trị Việt Nam

September 18, 2008


Võ Long Triều


Ðài truyền hình SBTN đã phổ biến một cuộc hội luận về “quá khứ hiện tại và tương lai chính trị của Việt Nam” do nhà báo Võ Long Triều tổ chức và điều hợp. Cuộc hội luận chia làm ba phần, mỗi phần được phát hình nhiều lần trong tuần, khởi sự từ ngày 17 tháng 9 năm 2008. Những vị khách được mời tham gia cuộc hội luận:

1- Ông Bùi Diễm, cựu Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington.

2- Ông Bùi Tín, nhà báo.

3- Ông Trần Văn Sơn, nhà báo, bút hiệu Trần Bình Nam, cựu Dân Biểu.

4- Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Giáo Dục.

5- Ông Lê Tấn Trạng cựu Dân Biểu.

6- Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, cựu trưởng ban mạng lưới nhân quyền Việt Nam.

7- Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiên.

8- Nhà Văn Trần Phong Vũ, chủ Bút Diễn Ðàn Giáo Dân.

9- Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng cựu Dân Biểu.

10- Cựu Thẩm Phán Ðặng Ðình Long.

11-Tiến sĩ Nguyễn công Bằng.

12- Ký Giả Nguyễn Thiện Thanh Toàn.

Trước khi vào đề thảo luận ông Võ Long Triều xác định một số ý kiến:

- Chúng tôi, những người tham gia cuộc hội luận hôm nay hoàn toàn với tư cách cá nhân, không đại diện cho một khuynh hướng chính trị hay đoàn thể nào cả.

- Những suy nghĩ, nhận định và lời phát biểu của chúng tôi chắc chắn chưa đầy đủ và phong phú như mong muốn.

- Mục đích của chúng tôi là muốn thảo luận về một vấn đề mà hơn 30 năm qua nhiều người trong chúng ta ưu tư suy nghĩ. Chúng tôi muốn phân tích và nhận định tình hình với niềm hy vọng sự nhận định đó không khác biệt quá đáng với cách nhìn của quí khán thính giả và đồng bào hằng lưu tâm đến tương lai của đất nước và dân tộc.

- Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là những suy nghĩ, nhận định của chúng tôi chỉ nhằm mục đích tìm một phương cách nào đó tạo được tự do dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền cho Việt Nam mà thôi.

- Sau hết chúng tôi có lời đề nghị với những khán thính giả xa gần, chắc chắn sẽ có vị muốn đóng góp ý kiến đầy đủ và phong phú hơn, chúng tôi hy vọng sẽ được hân hạnh tiếp kiến quí vị đó trên đài truyền hình SBTN nầy.

Sau mấy câu mở đầu dè dặt ông Võ Long Triều tiếp tục:

Nói về quá khứ: Có người cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là chiến tranh vì ý thức hệ, có người cả quyết là chiến tranh huynh đệ tương tàn, cũng có người khẳng định là chiến tranh giành độc lập và chống Mỹ cứu nước. Vậy để mở đầu tôi xin nhường lời cho vị huynh trưởng cao niên là anh Bùi Diễm phát biểu ý kiến trước.

Bùi Diễm: Trước hết tôi xin có lời chào quí kháng thính giả đài SBTN. Hôm nay tôi hân hạnh được ông bạn Võ Long Triều muốn tôi tới đây cùng với tất cả các bạn khác đóng góp ý kiến về cuộc hội luận nầy. Chúng tôi biết rằng với tuổi đã cao, khả năng đóng góp của chúng tôi cũng rất hạn hẹp, vì vậy nếu sự đóng góp của chúng tôi chỉ có một giá trị tương đối thì xin quí khán thính giả cũng như các anh em hiện diện nơi đây thông cảm. Ðược như vậy chúng tôi hết sức cám ơn. Còn về câu hỏi của anh bạn Võ Long Triều nói đến ý thức hệ. Một cách đơn giản chúng tôi nói rằng chỉ có miền Bắc họ mới có ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản mà thôi. Còn miền Nam chúng tôi chỉ muốn tranh đấu cho độc lập của tổ quốc. Về sau nếu có độc lập rồi thì chúng tôi tranh đấu cho tự do dân chủ, sự trôn trọng nhân quyền và công bằng xã hội. Nếu có người bảo rằng sau nầy còn có Hoa Kỳ, một nước tư bản tham gia vào chiến tranh Việt Nam thì sao? Chúng ta cũng nên nhớ rằng người Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam rất muộn với ý đồ là muốn ngăn chận làn sống cộng sản lan tràn khắp nơi trên thế giới. Bởi vì lúc đó do hoàn cảnh, Hoa Kỳ phản ứng để ngăn chận sự lan tràn của chế độ cộng sản quốc tế nên mới xẩy ra cuộc chiến giữa miền Nam có Hoa Kỳ tiếp tay và miền Bắc với sự ủng hộ triệt để của Liên-Xô và Trung Cộng.

Bùi Tín: Phía cộng sản, từ ông Hồ Chí Minh cho đến trung ương đảng, ngay từ đầu của cuộc chiến tranh đã có cái mục đích là theo tôn chỉ của đệ tam quốc tế, là cộng sản hóa toàn thế giới. Họ tin một thế giới đại đồng cộng sản, trong đó không có bốc lột, không có đàn áp bất công. Ðảng và dân được tiếp thu như vậy và họ nghĩ rằng tham gia chiến tranh là để dành độc lập dân tộc. Cho nên người dân đã chấp nhận hy sinh tất cả, người ta đã hy sinh, dâng đất đai nhà cửa phá đi để mà làm đường. Có gia đình đã hy sinh tới 5 người con. Vì những hy sinh đó mà nhà triết học thiên tả Jean Francois Revel từ đầu rất thán phục Staline, nhưng mà sau nầy, sau những sự kiện xẩy ra ở Hung-ga-ri, ông nhìn ra và đã nói về Hồ Chí Minh. Cốt lõi về Hồ Chí Minh là ông ta đã cướp đoạt cái lòng yêu nước của nhân dân để phục vụ cho cái mục tiêu của cộng sản. Những bài báo trứ danh đó dưới tựa đề là “Le Détournement du patriotisme Vietnamien”. Détournement theo tiếng Pháp có nghĩa là cướp đoạt, cuỗm lấy, cuỗm lấy cái đó để phục vụ cho cái mục tiêu riêng của mình. Do đó mà tôi nghĩ cuộc chiến tranh tùy theo cái chỗ đứng, do đảng cộng sản lãnh đạo nó dẫn đến sự tận dụng cái lòng yêu nước, gợi cái lòng yêu nước đó để mà làm cho nhân dân chịu chết cay đắng. những người tham gia cho con em đi kháng chiến gọi là chống Pháp và chống Mỹ. Cay đắng vì cuối cùng đất nước gọi là được độc lập cũng không phải là độc lập. Và nhân dân đã tham gia thấy kết quả không có tự do và không có quyền sống cho xứng đáng là con người cho đến tận bây giờ!

Võ Long Triều: Theo như anh Bùi Tín vừa nói tùy theo chỗ đứng, Cái chỗ đứng của đa số người Việt Nam là chỗ đứng của người dân bình thường, và theo anh nói ngay từ đầu là đã có ý đồ bành trướng cái chủ nghĩa cộng sản, như vậy là rõ ràng là chiến tranh ý thức hệ rồi.

Trần Bình Nam (T.V.Sơn): Tôi xin đặt một câu hỏi như thế nầy: Nguyên nhân cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, nguyên nhân sâu xa của nó là cái sự đô hộ của Pháp trên nhân dân Việt Nam và cái nỗ lực của nhân dân Việt Nam theo đúng tài liệu lịch sử là đấu tranh giành độc lập. Ông Hồ chí Minh lúc ông ta rời xứ ra nước ngoài, theo tài liệu thì lúc đó ông ta chưa biết gì về chủ nghĩa cộng sản cả. Ông qua bên Pháp mới tiếp xúc được luồng tư tưởng mới, tại Paris ông đọc được cái gọi là cương lĩnh của Lenin viết về phong trào chống thuộc địa, ông đắc ý quá nên mới gia nhập vào đệ tam quốc tế. Khi ông ta đã gia nhập vào con đường đó rồi thì ông phải nằm trong hệ thống đệ tam quốc tế, và cái hệ thống thống đó đã đưa ông về Á Châu để mà tổ chức đảng. Tổ chức đó là tổ chức cộng sản đệ tam quốc tế, ông đã dùng cái hệ thống đó để mà đấu tranh. Nhưng một khi ông nằm trong cái hệ thống đó rồi thì ông bị nằm trong cái gọng kềm. Nói đến gọng kềm, tôi nghĩ đến cuốn sách “Gọng Kềm Lịch Sử” của anh cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, hai chữ gọng kềm đó rất có ý nghĩa. Nó cho chúng ta thấy rằng mọi việc mà chúng ta đang dính líu vào đó là vô tình mà chúng ta dính vào cái gọng kềm. Cái gọng kềm nó chuyển chúng ta đến đó và chúng ta phải hành động như vậy. Thành ra cuộc chiến ở Việt Nam mà chúng ta nói nó là chiến tranh ý thức hệ cũng đúng. Tại vì sao? Sau lưng Hồ Chí Minh là cả một hệ thống cộng sản quốc tế đã yểm trợ cho ông. Và Miền Nam muốn bảo vệ thì đương nhiên phải cần sự tiếp tay hỗ trợ của nhiều thế lực đi theo con đường tự do dân chủ. Thành ra nhìn vào nó như là một cuộc đấu tranh vì ý thức hệ. Là vì Bắc Nam đánh nhau trước năm 1960 chúng ta không thấy hình bóng một người ngoại quốc nào cả. Cho nên có người nói rằng là một cuộc nội chiến là chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhưng theo thiển ý của tôi, tôi nghĩ rằng nguyên nhân cuộc chiến Việt Nam là sự tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước Việt Nam. Vậy thử hỏi nếu không có sự đô hộ của người Pháp sẽ có chiến tranh Việt Nam hay không?

Võ Long Triều: Tôi xin được phép có ý kiến và đặt một câu hỏi nầy rồi tôi sẽ trao lời cho giáo sư Liêm. Nếu Việt Nam không bị Pháp đô hộ thì sẽ không có chiến tranh theo như anh Sơn đã nói. Vậy sự bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới, nếu không có Hồ Chí Minh sẽ có ai đây? Tôi nghĩ nếu không có Hồ Chí Minh sẽ có A, B, C, D có phải vậy không? Quí anh nghĩ sao?

Nguyễn Thanh Liêm: Tôi đồng ý với anh Võ Long Triều ở chỗ nầy, đảng cộng sản Ðông Dương nó đã có mặt từ trước khi có chiến tranh năm 1945. Và khi mà có phong trào kháng chiến chống Pháp thì đảng cộng sản nó phải tiếp tục con đường, chủ trương và chánh sách của nó là phải nắm trọn quyền chỉ đạo để bành trướng chủ nghĩa cộng sản, dù bất cứ chống Pháp chống Mỹ hay chống bất cứ cái gì, bởi vì nó muốn lúc nào cái vai trò chủ chốt đó chỉ thuộc quyền của nó mà thôi. Thành ra nếu không có phong trào chống pháp thì sự cạnh tranh giữa cộng sản và các đảng phái khác vẫn có như thường. Dĩ nhiên là nếu các đảng phái khác hợp lại để mà thành lập một phong trào quốc gia hay một đảng quốc gia chẳng hạn, thì tôi nghĩ trong trường hợp đó mình sẽ có một cuộc đấu tranh của người quốc gia chống lại chế độ cộng sản. Cho rằng cuộc chiến 1945 chống Pháp hay là sau nầy cho đến 1975, cộng sản huênh hoang rằng họ có cái tài chống Pháp chống Mỹ, nhưng thực tế là cộng sản luôn luôn tìm mọi cách để nắm cái độc quyền với mục đích duy nhứt là bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Cho đến bây giờ cộng sản vẫn nắm trọn quyền cai tri không có một đảng phái nào, một cá nhân nào chen được vào cái quyền lãnh đạo của họ.

Lê Tấn Trạng: Chứng minh thứ nhứt là theo hiệp ước ngày 6 tháng 3 giữa ông Hồ Chí Minh và Jean Sainteny thì một mặt cộng sản hô hào chống Pháp còn một mặt Hồ Chí Minh ký hòa ước để rước Pháp vào Hà Nội, Hải Phòng để mượn tay Pháp diệt các đoàn thể quốc gia mà cộng sản không tốn một viên đạn nào, như vậy có phải là chống xăm lăng để giành độc lập hay không? Chứng minh thứ hai là sau khi mượn Pháp để diệt hết các đoàn thể quốc gia rồi thì sau đó họ trở lại cầm cờ chống Pháp? Ðó là điểm thứ hai. Còn điểm thứ ba là để chứng minh rằng không phải là gọng kềm lịch sử mà tại vì ủy ban lãnh đạo của đảng cộng sản muốn kéo dài cuộc chiến tranh nầy một mặt để làm tay sai cho ngoại bang để bành trướng một ý thức hệ ngoại lai và một mặt khác để tiếp tục nắm độc quyền. Chúng ta thấy năm 1954 nếu cộng sản Việt Nam khôn khéo như Bắc Hàn và Nam Hàn, Ðông Ðức và Tây Ðức mỗi bên lo phát triển phần mình, bởi vì mình biết là chúng ta đang lâm vào cái gọng kềm lịch sử. Nếu mỗi bên lo phát triển đất nước của mình rồi đợi thời cơ, chừng đó dân tộc chúng ta ngồi lại với nhau sẽ đoàn kết nhẹ nhàng hơn êm ái hơn bớt thù hận hơn. Miền Bắc đỡ tốn ba triệu người chết oan uổng, miền Nam cũng cỡ bao nhiêu triệu người đó. Ðể rồi cộng sản khởi sự diệt tư sản mại bản, rồi rước tư bản trở lại, cộng sản chống Mỹ rồi lại rước Mỹ trở vào. Tất cả những nghịch lý đó chứng minh rằng cộng sản Việt Nam lừa mị nhân dân và tìm đủ mọi cách để nắm quyền mà thôi.

Trần Phong Vũ: Tôi xin thưa ngay là cái sự kiện mà Việt Nam bị cộng sản hóa như ngày nay đó, nó không cần phải có cái chuyện mà thực dân chiếm cứ đất nước ta. Sự thật hiển nhiên là chúng ta nhìn sang Trung Hoa giữa cái lúc mà chủ nghĩa Tam Dân đang giúp đất nước Trung Hoa bùng nở tốt đẹp như thế đó mà Mao Trạch Ðông và những người cộng sản cứ tiến hành một cuộc chiến lâu năm đề rồi cuối cùng cộng sản hóa toàn diện đất nước Trung Hoa. Vậy thì trước sau chúng ta vẫn thấy cái chủ nghĩa bá quyền của cộng sản dù có hay không có thực dân, dù thế nào đi chăng nữa thì người cộng sản vẫn làm những gì họ thấy cần làm.

Lê Minh Nguyên: Việt Nam chúng ta có hai cuộc chiến, cuộc chiến đầu tiên chính danh là đề dành độc lập, trong cuộc chiến đó đảng cộng sản Việt Nam và ông Hồ chí Minh đã nhuộm vào đó cái ý thức hệ cộng sản và do đó rơi vào cái gọng kềm của quốc tế cộng sản. Một khi rơi vào cái gọng kềm đó thì họ tìm cách diệt trừ, tàn sát người quốc gia. Vì vậy mà cuộc chiến chống Pháp để giành độc lập nó trở thành cuộc chiến có màu sắc chiến tranh vì ý thức hệ rồi. Khi qua đến chiến tranh lần thứ hai thì có Mỹ vào, người Mỹ vào để bảo vệ cái tiền đồn của thế giới tự do chứ không phải vào để chiếm thuộc địa như đế quốc Anh hay đế quốc Pháp ngày xưa. Do đó theo tôi nghĩ hai cuộc chiến vừa qua là chiến tranh vì ý thức hệ.

Nguyễn chí Thiện: Tôi xin có ý kiến, trước tiên chúng ta phải nhìn rõ cái manh tâm sâu xa của cộng sản thì chúng ta mới xác định được vì sao mà có chiến tranh triền miên? Vì ngay từ đầu ông Marx đã nói bạo lực là bà đỡ, bà đỡ đẻ của cách mạng. Cho nên muốn làm cách mạng phải có chiến tranh. Thế rồi ông Lenin còn tuyên bố như thế nầy: Nếu ba phần tư nhân loại phải chết đi mà còn lại một phần tư trở thành cộng sản thì điều đó có thể chấp nhận được. Cho nên sau nầy bọn Pon Pot ở Campuchia mới giết có hai triệu thôi, họ cần phải giết thêm bốn triệu nữa thì nó mới đủ cái số ba phần tư để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Thế còn chiến tranh ở Việt Nam, theo tôi nghĩ nó không cần phải có Pháp vì thực tế chứng minh bên Trung Quốc, bên Triều Tiên chẳng hạn đều có chiến tranh cả. Chủ nghĩa cộng sản là phải nắm chính quyền toàn diện và triệt để. Không bao giờ nó khoan nhượng với người quốc gia. Ngay năm 1930 một tên công sứ Pháp De la Chevautière có viết một câu như thế nầy: Những người quốc gia đang cộng tác với cộng sản, họ không hiểu rằng người Pháp chỉ là kẻ thù trước mắt của cộng sản mà thôi. Họ, những người quốc gia, mới là kẻ thù lâu dài và cơ bản của cộng sản.

Chiến tranh Việt Nam, ngay trong thời kỳ chống Pháp nó đã mang cái màu sắc ý thức hệ rồi. Vì sau khi ký Hiệp Ðịnh Genève rồi thì trong quyển sách “Hồ Chí Minh Toàn Tập” có nêu rõ là Hồ Chí Minh báo cáo ngay với đệ tam quốc tế là “chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Thế rồi không phải chỉ đánh nhau ở Việt Nam thôi nhé, còn đánh nhau ở Lào và Cam Puchia, còn gởi cán bộ sang giúp du kích ở Ðông Bắc Thái Lan, mang tính chất quốc tế mà! Thế rồi sau năm 1975 chính Lê Duẫn đã tuyên bố: Ðảng ta đã cấm lá cờ Mác-Lê trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam. Vậy thì cuộc chiến tranh nầy là chiến tranh ý thức hệ không còn cái gì để bàn cãi nữa.

Một điểm nữa là chúng ta phải thấy thế nầy: Sau khi được chiến thắng toàn bộ rồi ấy mà, đáng lẽ còn có những cuộc chiến tranh lớn xẩy ra ở chung quanh vùng Ðông Nam Á nữa vì bản chất của cộng sản là phải tiến công xa hơn, bành trướng trên toàn cầu. Nhưng mà do sự tình cờ của lịch sử, do sự mâu thuẫn Nga-Hoa và vấn đề Pon Pot cho nên sự bành trướng sang các nước lân bang mới tạm ngừng mà thôi. Vậy chúng ta phải xác định một điều như thế nầy. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam giả sử như đảng cộng sản quá yếu hay là không có đảng cộng sản thì tôi nghĩ đó là một đại phúc cho dân tộc. Bất cứ một dân tộc nào trên thế giới mà không nhuốm vào cộng sản đều phát đạt cả, Tây Ðức so với Ðông Ðức, Nam Triều Tiên so với Bắc Triều Tiên, Ðài Loan, Singapour so với Trung Quốc. Cho nên nếu không có đảng cộng sản thì Việt Nam chúng ta tránh được bao nhiêu sự chết chóc tàn sát. Ðó là một đại bất hạnh cho dân tộc!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=84390&z=12
(Còn tiếp)
*
***
*

No comments: