Monday, September 22, 2008

Sinh viên Hà Nội 1945: biểu quyết dời bỏ hàng ngũ Việt Minh

8.9.2008

Nguyễn Quang Duy

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=14251&rb=0302

Năm mươi năm về trước, vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng đã ký công hàm gửi Tổng lý Quốc vụ viện (= Thủ tướng) nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Chu Ân Lai, cam kết “... triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc...” Lấy cớ này Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục công khai lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Mấy hôm nay, mở hộp thơ hay bước vào các mạng “đối lập”, bên cạnh các tin về từ Công giáo, Phật giáo,... tin tức nổi bật nhất là việc sinh viên trong và ngoài nước lên tiếng kêu gọi cùng góp sức xoá bỏ cam kết này. Vào mạng talawas lại được đọc / học hỏi về đề tài “Trí thức và thời cuộc”. Người viết cứ nghĩ mãi xem liệu mình có đóng góp được gì không. May quá nhớ ra một tài liệu sưu tập được. Xin được phổ biến lại nhằm góp phần nào trong ngày kỷ niệm buồn 14 tháng 9 năm nay.

*
“Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên” là bài báo đã được phổ biến trên tờ Sự Thật, số 4, ra ngày 15-12-1945. “Mấy lời tâm huyết...” được gởi đến sinh viên vì: “Trong buổi họp hôm 9-12-1945 mới đây, các bạn đã chia làm hai phe: phe tán thành đứng trong Việt Minh, phe chủ trương ra khỏi hàng ngũ Việt Minh. Lúc biểu quyết phe sau trội hơn phe trước 8 phiếu.” Báo Sự Thật là cơ quan tuyên truyền công khai cuả “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Hội này được thành lập theo thông báo “Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự ý giải tán” (đúng hơn là trở lại hoạt động bí mật) ngày 11/11/1945. Tác giả lá thơ là T.C. là tự đầu ngữ viết tắt từ tên (bí danh) Trường Chinh, Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong hồi ký Hà Nội 1945 của mình, tác giả Trần Ðỗ Cung đã đề cập đến sự kiện này. Ông từng được bầu làm Tổng hội trưởng Tổng hội Sinh viên Việt Nam. Qua hồi ký có thể biết được ông từng theo Việt Minh, được điều về Hà Nội làm gián điệp, nhưng bị cắt đứt liên lạc, sau đó vào Nam và hiện đang ở Hoa Kỳ. Hồi ký của Trần Đỗ Cung có thể được coi là một tài liệu lịch sử có giá trị về những thành viên tích cực của Tổng hội Sinh viên Việt Nam và khung cảnh “Hà Nội 1945”. Ông đã viết “Mặc dầu chúng tôi ngưỡng mộ họ [1] như những nhà ái quốc chân chính nhưng họ đã chậm chân trở về dưới sự che chở của một đoàn quân thổ phỉ nên thanh danh của họ đã lu mờ. Trong khi ấy Việt Minh đã nhanh chóng kéo sinh viên về với họ. Họ đưa những nhà hùng biện nổi tiếng xuống Ðại học xá như Trần Văn Giầu, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh lôi kéo sinh viên. Ðã có các cuộc thảo luận sôi nổi, nhiều khi nặng nề ẩu đả để đổi tên Tổng hội Sinh viên Việt Nam thành Tổng hội Sinh viên Cứu quốc, một cái đuôi cho tất cả các hội đoàn Việt Minh. Không khí nghi kị đã khác hẳn sự đồng lòng nhất trí của thuở ban đầu.”

Ngoài dữ kiện việc bầu phiếu thực ra liên quan đến “đổi tên Tổng hội Sinh viên Việt Nam thành Tổng hội Sinh viên Cứu quốc” thay vì “giữ danh nghĩa Tổng hội Sinh viên Cứu quốc gia nhập Việt Minh” cần được nêu lên. “Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên” đúng ra là một chỉ thị cho các đảng viên phải bằng mọi cách nuốt sống Tổng hội Sinh viên Việt Nam. Chỉ thị này tự nó nói được tất cả các chiến lược và chiến thuật đối với các tổ chức mà Đảng Cộng sản đã đang và sẽ tiếp tục làm. Đây là một tài liệu vô cùng giá trị. Nó nói lên từ việc tiếm danh, chia rẽ, bôi nhọ,... và cuối cùng là “ném quả tạ vào đĩa cân”. Nhân ngày 14 tháng 9 năm nay, người viết xin được phổ biến lại lá thơ của T.C. (Trường Chinh) để chúng ta cùng đọc, suy ngẫm và để hiểu rõ hơn những thủ đoạn mà Đảng Cộng sản đã, đang và sẽ tiếp tục làm.

Melbourne, Úc Đại Lợi – 14/9/2008

© 2008 talawas

*

Nguồn tài liệu

T.C., 1945, “Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên”, Văn kiện Đảng 1945–1954, Lưu hành nội bộ. Đảng Cộng sản Việt Nam – Ban Chấp hành Trung ương, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội – 1978, (từ trang 149 đến trang 154).

Trần Ðỗ Cung, Hà Nội 1945 (Hồi ức). Báo Thời Luận số đặc biệt Xuân Ðinh Hợi 2007 (từ trang 77 đến trang 83), đăng lại trên nhật báo Người Việt xuất bản tháng Ba 2007, trang A10 mục “Diễn đàn”, gồm sáu kỳ; cũng được phổ biến (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57235) trên) trênhttp://www.nguoi-viet.com/

Phụ lục
Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên

Hà Nội, ngày 12-12-1945

Các bạn,

Luôn hai kỳ các bạn họp để bàn: có nên ở trong Việt Minh hay ra ngoài Việt Minh.

Các bạn đã tranh luận nhiều, hơi nhiều một chút, trong khi các chiến sĩ cứu quốc – mà phần lớn là chiến sĩ Việt Minh, nghĩa là có cả một số sinh viên cứu quốc nữa – đang xông pha trong lửa đạn để ngăn cản quân thù.

Trong buổi họp hôm 9-12-1945 mới đây, các bạn đã chia làm hai phe: phe tán thành đứng trong Việt Minh, phe chủ trương ra khỏi hàng ngũ Việt Minh. Lúc biểu quyết phe sau trội hơn phe trước 8 phiếu. Cuộc đầu phiếu này đã bóc trần một nhược điểm của sinh viên ta: trong khi toàn dân đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thì sinh viên lại chia rẽ, chia rẽ về thái độ chính trị.

Ở trong Việt Minh hay ra ngoài Việt Minh, cố nhiên đó là việc riêng của các bạn. Song lấy tư cách vừa là một người công dân, vừa là một cựu sinh viên, tôi tự xét cần phải phát biểu một vài ý kiến về việc làm của các bạn, vì các bạn há không phải là tinh hoa của đất nước, là các phần tử anh tuấn trong dân tộc? Chủ trương hành động của các bạn đúng, quốc dân tự lấy làm vinh. Chủ trương hành động của quý vị sai, quốc dân không thể không hổ thẹn.

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám, các bạn đã quyết nghị lấy danh nghĩa TỔNG HỘI SINH VIÊN CỨU QUỐC gia nhập Việt Minh.

Đúng lắm! Trong bao năm nô lệ, muốn yêu nước không được yêu, muốn cứu nước không được cứu. Ngày nay rũ được xiềng xích, các bạn mạnh bước lên đài chính trị, quyết làm tròn SỨ MẠNG CỦA KẺ SĨ VIỆT NAM; các bạn quyết kề vai sát cánh với các đoàn thể trong Việt Minh. Suốt mấy năm nay đã vào sinh ra tử để giành độc lập cho Tổ quốc.

Điều quyết nghị ấy của các bạn thích hợp lắm. Ai dám bảo sinh viên Việt Nam là hèn đớn? Thực ra không phải bấy giờ sinh viên Việt Nam mới tham gia công cuộc cứu nước. Từ năm 1924-25 đến nay, gia đình sinh viên Việt Nam chúng ta, thường có người hiến thân cho nước, hoặc đã hy sinh, hoặc đang chiến đấu. Điều quyết định của các bạn chỉ chứng tỏ thêm các bạn luôn luôn trung thành với tập truyền yêu nước của sinh viên Việt Nam mà thôi.

Ngày nay nhân những khó khăn về ngoại giao và nội trị của nước nhà, một bọn nhát gan và khiêu khích đặt giữa các bạn vấn đề nên đứng trong Việt Minh hay ra ngoài Việt Minh. Trong khi Việt Minh đang cùng Chính phủ lâm thời lĩnh đạo cuộc chiến đấu vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược mà đặt ra vấn đề ấy! Còn gì xúc phạm đến tinh thần của sinh viên hơn nữa? Song những kẻ khiêu khích cứ nói, nói hệt như giọng thực dân Pháp trước đây vậy. Họ bảo sinh viên chỉ nên học và “yêu nước” thôi; sinh viên nên đứng trung lập, không nên tham gia chính trị đảng phái. Họ phỉnh lòng tự ái của sinh viên và bảo cho các sinh viên “không nên để cho đảng phái nào lợi dụng”. Họ kháy tính tự cao, tự đại của sinh viên mà nhủ sinh viên nên “đứng trên các đảng phái” để hòa giải mọi sự phân tranh, v.v... Đến nỗi họ đưa ra những luận điểm đê hèn và gian dối, ví dụ: từ ngày giành được chính quyền, Việt Minh đã hắt hủi sinh viên, không để sinh viên có một địa vị xứng đáng; Việt Minh là cộng sản, những Ủy ban Nhân dân do Việt Minh lĩnh đạo đang tịch thu tài sản của nhà giàu (vì họ biết phần đông sinh viên là con nhà khá giả). Họ lừa phỉnh, khinh miệt sinh viên ta đến thế là cùng! Họ nói nhiều nữa và chính họ đã la ó một cách khiếm nhã trong các buổi họp của các bạn gần đây. Chính họ là cái loa của nhóm “Việt Nam” [2] , một nhóm chuyên môn chia rẽ trong sinh viên đó.

Không, không! Hỡi các bạn sinh viên yêu qúy! Tôi tin rằng các bạn không để cho họ khiêu khích, cũng không thể tự hợm mình. Tôi tin rằng các bạn các bạn đủ trí thông minh mà nhận chân thời cuộc, đủ lòng kiên quyết vượt mọi gian nan, đặng thẳng tiến trên con đường cứu nước.

Đúng thế, lúc nào nước đang gặp nạn. Sinh viên đi học không để cứu nước thì để làm gì? Hãy trông: nhi đồng, phụ nữ, học sinh, thầy thợ v.v... còn biết hăm hở cứu nước. Sao sinh viên lại có thể nói: chỉ biết học, không biết yêu nước? Sinh viên yêu nước nhưng không cứu nước có được không? Không thể được. Nước đang bị xâm lược, yêu nước mà không cứu nước là yêu nước ngoài miệng. Sinh viên đứng trung lập có được không? Cũng không. Vận nước đang chênh vênh; trung lập là trốn tránh trách nhiệm, là hèn nhát. Từ trung lập đến phản bội, chỉ một bước mà thôi. Sinh viên không muốn cho ai lợi dụng. Được lắm. Sinh viên gia nhập Việt Minh là tự mình “lợi dụng” tài năng của mình trong công việc cứu nước; sinh viên ra ngoài Việt Minh là bắt đầu bị bọn khiêu khích chuyên nghề lợi dụng rồi.

Sinh viên đứng trung gian dàn xếp sự xung đột đảng phái. Nếu được thế còn gì hay bằng? Nhưng sinh viên hãy tự dàn xếp trong hàng ngũ mình trước đã. Sinh viên không nên bắt chước: “con ruồi của cái xe ngựa” trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten. Sinh viên cũng như các giới khác trong nhân dân, không thể làm một việc mà lúc này chỉ có Quốc hội và sự thành tâm của chính đảng mới làm nổi. Vả chăng tại sao cứ đứng ra ngoài Việt Minh, mới dàn xếp sự xích mích đảng phái được? Muốn mau “dàn xếp” chỉ có một cách là đứng trong Việt Minh mà đập lại bọn chia rẽ kia.

Hỡi các bạn sinh viên! Hai nẻo đường – mà chỉ có hai nẻo đường – đã mở ra trước mắt các bạn: cứu quốc và phản quốc. Trong hai đường ấy các bạn phải chọn lấy một. Phản quốc ư? Quyết không! Cứu quốc ư? Nhất định thế. Đã cứu quốc, phải chọn bạn đồng hành, phải tìm vây cánh, vì không một giới nào có thể riêng mình làm tròn được nhiệm vụ cứu nước. Có bạn đáp: Phải, chúng tôi sẽ tìm bạn đồng hành ấy không cứ phải là Việt Minh. Các bạn tự do chọn. Song có điều chắc chắn là trên con đường cứu quốc, ở nước ta hiện nay, ngoài Việt Minh ra, các bạn không thể tìm được một người bạn đồng hành trung thành, khoẻ mạnh và can đảm thứ hai nữa.

Tóm lại, theo ý kiến của tôi, các bạn sinh viên nên và cần đứng trong mặt trận Việt Minh. “TỔNG HỘI SINH VIÊN CỨU QUỐC”, cái tên ấy ta nên giữ như một vật báu chừng nào nước vẫn chưa hoàn toàn độc lập. Bạn nào tự nhận chưa xứng đáng là người cứu quốc thì gắng trở thành người cứu quốc. Bạn nào trong giờ phút nghiêm trọng này còn do dự, hoài nghi, không dám đi vào con đường cứu quốc, xin hãy tạm rút lui. Ta giữ làm sao được họ? Trong cơn bão táp, những lá vàng nhất định phải lià cành!... Song ta không thể vì sự hoang mang, hèn nhát hay thiếu thành thực của một số người mà bỏ tên cứu quốc. Ta cũng không thể lià bỏ Việt Minh, trong khi một bọn người tự nhận là “cách mạng” hòa nhịp với thực dân Pháp công kích Việt Minh. “Khi vui thì vỗ tay vào”, đó quyết không phải là thái độ của sinh viên chúng ta.

Trong buổi hội họp 9-12-1945, cuộc biểu quyết của các bạn chưa được hợp lệ. Chủ nhật tới đây, các bạn lại biểu quyết lại. Tôi đề nghị các bạn sinh viên có mặt tại Hà Nội đi họp tất cả để ném thêm quả tạ vào đĩa cân.

Danh dự các bạn sẽ được định đoạt trong buổi họp tới và quốc dân sẽ căn cứ vào thái độ của các bạn mà xét các bạn.

Mong các bạn đừng phụ lòng ái mộ của đồng bào.

Chào quyết tâm

T.C.

---------------------------------------------------------------------------
[1]Các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Ðảng (chú thích của người viết)
[2]Nhóm “Việt Nam” là Việt Nam Quốc dân Đảng (chú thích của người viết).
*
***
*
Hà Nội 1945 (Bài chót)
March 19, 2007

Trần Ðỗ Cung

Thế rồi đầu Tháng Tư 1966 bỗng nhiên có một khách lạ vào hỏi tôi. Tôi chạy ra thì ngỡ ngàng, trước mặt tôi cán bộ Thành bằng xương bằng thịt không biết làm cách nào mà đã lọt qua cổng Phi Long vào nhà. Tôi điềm tĩnh mời hắn ngồi, liếc mắt xem hắn có khí giới không và hỏi một cách thân tình, “Ðã lâu quá sao bây giờ chú lại vào đây, từ lúc nào vậy”? Tên Thành, mặt bủng da chì như nghiện thuốc phiện trả lời tôi một cách khiêm tốn không áp đảo đương đầu. “Thưa anh, em bỏ bên kia rồi. Em vượt Bến Hải vào đây”. Tôi hỏi lại ngay, “Trông chú như nghiện ngập phải không, bây giờ làm gì sống”? Thành trả lời, “Em trót nghiện nhưng đã cai rồi; bây giờ em làm Bí Thơ cho Tổng Trưởng Lao Ðộng. Em chỉ muốn đến thăm anh thôi và mừng thấy anh vẫn khỏe”. Tôi tin lời hắn và cũng không báo cho an ninh.

Cuộc đời của tôi từ năm vào ngưỡng cửa Ðại Học cũng khá rắc rối sau ba năm đầu tươi đẹp vô lo ở Hà Nội, như một sinh viên hấp thụ các điều mới lạ trong chốn Ngàn-Năm-Văn-Vật. Kể từ khi thời cuộc đưa đẩy với cao trào ái quốc chống Pháp, với những say sưa không tính toán, tôi cũng đã bị Việt Minh lợi dụng lòng ái quốc của mình cũng như bao nhiêu thanh niên thời đại. Tuy nhiên tôi còn may mắn thức tỉnh sớm, có lẽ không phải vì đầu óc suy xét của mình mà tôi cho là do ông bà ông vải phù hộ.

Cho nên tôi đã thoát khỏi cảnh tù tội cộng sản hay cái vỡ mộng của bao nhiêu bạn đã xả thân vì nước làm công dã tràng vun xới đất nước Việt Nam để bây giờ tuy có danh nhưng há-miệng-mắc-quai, nuốt cay ngậm đắng như các Ðặng Văn Việt, Lê Thiệu Huy, Phạm Thành Chính, Lê Ðình Luân, Nguyễn Kèn, Nguyễn Thế Lương, Phan Hạo, Hoàng Xuân Bình, Ngô Ðiền, Hoàng Ðình Phu. Họ phải ngồi nhìn bọn bần-cố-nông cộng sản, sâu bọ lên làm người, hành xử như những tư-bản-đỏ bóp nát nhân dân nghèo đói, để hưởng thụ trên xương máu của các anh hùng liệt sỹ hy sinh cho tổ quốc.

Tôi không được sinh trưởng tại Hà Nội và chỉ sống vẻn vẹn ở Hà Thành có ngót sáu năm. Trong đời sống sinh viên tỉnh lẻ, tuy nghèo tiền, nhưng tôi cũng đã có dịp làm quen khá rõ mức sống văn hóa và không khí phong phú cổ kính trong một nền nếp lịch sử đã hun đúc từ bao nhiêu Triều Ðại. Chưa bao giờ tôi trở lại thăm nền-xưa-lối-cũ nhưng theo những tin tức qua báo chí và các mạng truyền thông cũng như sự kể lại của bạn bè đã về thăm quê hương, hình như họ đã và đang phá tan hoang cái di sản quý giá nhất của tổ tiên để lại.

Thật là một sự phí phạm ngu xuẩn của cái bọn ma đầu dốt nát, bọn trọc phú học làm sang, đến nỗi những địa danh như Nghi Tàm, Hồ Tây cũng đã bị hiếp dâm một cách thô tục. Tất cả khu phố cổ với băm sáu phố phường đang dần dà bị biến thể khiến cho các du khách ngoại quốc kêu trời! Ngay gần Núi Nùng, một địa danh lịch sử ở khu vườn bách thảo lại sừng sững mọc lên lăng Hồ tặc với kiến trúc Nga Xô lạc lõng bê tông cốt sắt như chửi rủa ngôi chùa Một Cột tiền nhân để lại. Thế mà đấm ngực tự xưng là đỉnh-cao-trí-tuệ-loài-người, có lẽ là loài người ăn lông ở lỗ thì phải! Ô hô ai tai cho Hà Nội, một đô thị trong sông!

Trần Ðỗ Cung
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57235
*
***
*
Hà Nội 1945

No comments: