Sunday, September 21, 2008

KHÔNG THỂ MỴ DÂN LÂU HƠN NỮA - NO LONGER DEMAGOGY

Thuỷ-Triều

Trong thời đại Mao Trạch Đông ở Hoa Lục đã có hàng triệu người dân Trung Quốc bị chết vì đói. Trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng sẽ có rất nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp tân tư sản đủ loại bị chết vì phá sản. Các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng ở các cấp đã có thể bưng bít thông tin về những cuộc biểu tình nổi dậy của người nông dân Trung Quốc đòi lại ruộng đất nhà cửa và quyền được sống, nhưng họ đã không thể che giấu được những tin tức về thị trường lao động khi các chủ nhân ngoại quốc đã rút vốn đóng cửa nhà máy xí nghiệp gia công sản xuất làm cho hàng triệu công nhân Trung Quốc không có việc làm; cũng như những tin tức về thị trường chứng khoán ở Hoa Lục bắt buộc phải công khai số liệu mỗi ngày vì có sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại quốc.

Khi Trung Quốc bị bắt buộc phải tự công khai như thế đã giúp cho người ta thấy rõ toàn cảnh của những giao dịch thị trường chứng khoán Thượng Hải đang ở trạng thái tuột dốc; một số lượng phỏng chừng 67 ngàn công ty nội địa Trung Quốc đã đang lâm cảnh khánh tận và chắc chắn những công ty ngoại quốc hiện ở tại Hoa Lục đang vội vã tìm đường rút lui; cả hai khu vực tài chánh ngân hàng và kinh doanh địa ốc của Trung Quốc đang chịu đựng tổn thất rất nặng. Các nhà quan sát và phân tích tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc đã chỉ ra rõ tình trạng trống rổng ở đàng sau những hình ảnh quyền lực của đảng Trung Cộng. Các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng ở các cấp đang không thể nào tiếp tục che giấu sự thật và lừa dối nhân dân Trung Quốc lâu hơn nữa, bởi vì nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng mà họ đang xây dựng thực sự đang bị khủng hoảng rất trầm trọng.

Ở trong nước Trung Quốc không có cái gì là thật và giản dị. Có rất nhiều đồ vật hoặc sự việc ở bên ngoài trông có vẻ rất đẹp rất hay nhưng ở bên trong lại trống không hoặc giả mạo. Một trường hợp điển hình được nhắc lại ở đây là Buổi Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008 vừa qua. Buổi Lễ Khai Mạc đã được hơn 80 yếu nhân lãnh đạo ngoại quốc tới tham dự, họ đã làm như vậy chỉ để giữ lấy cái thể diện của chính phủ của họ. Thế Vận Hội Bắc Kinh như một bửa đại tiệc linh đình để tập đoàn cầm quyền trung ương đảng Trung Cộng nhân danh người dân Trung Quốc ở Hoa Lục mà thiết đãi quan khách quốc tế với lòng kiêu hãnh tự hào Hán tộc quật cường. Bửa đại tiệc thế vận hội đã tàn, các quan khách quốc tế đã ra về từ lâu và họ đã mau quên đi cái tính khoa trương thái quá của những người tổ chức; tuy nhiên, cái dư vị đắng cay của bửa đại tiệc quá xa xỉ tốn kém kia vẫn còn nguyên trong miệng trong lưỡi của người dân Trung Quốc cho tới hôm nay.

Sau cái xa xỉ hào nhoáng của cái buổi lễ khai mạc quá tốn kém xem như những màn biểu diễn nghệ thuật ở những phim trường rộng lớn, chỉ một vài ngày sau là sự thật bị che giấu lại được phơi bày ra cho cả thế giới đều biết. Quang cảnh pháo bông màu sắc rực rỡ ở khắp nơi trong thành phố Bắc Kinh là do máy điện toán tạo ra trước đó, rồi lại đem phát ra ở những màn ảnh đại vĩ tuyến để làm hoa mắt khán giả ở trong buổi lễ và khán giả ở các màn ảnh truyền hình khắp thế giới; em gái nhỏ xinh xắn dễ thương đứng trên sân khấu chỉ hát nhép; năm mươi sáu em thiếu niên nam nữ mặc trang phục dân tộc thiểu số khác nhau ở Trung Quốc để mô tả cuộc sống chung hoà bình và hài hoà chủng tộc ở trong Hoa Lục, thì tất cả các em lại toàn là Hán tộc.

Một cách mỉa mai, sự thật cũng tương tự như vậy đối với sự lai căng của nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng. Kể từ năm 1978 tập đoàn cầm quyền trung ương đảng Trung Cộng đã cho áp dụng chính sách "cải cách và cởi mở" của Đặng Tiểu Bình để xây dựng một nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng, thì nền kinh tế Hoa Lục đã phát triển với một tốc độ nhanh phá kỷ lục trước những con mắt quan sát của một thế giới tăng dần mức báo động vì cái nền kinh tế lai căng càng ngày càng tăng nhiệt độ của nó.

Có một số học giả nổi tiếng đã ước tính rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Lục sẽ tiếp tục lớn mạnh cho tới năm 2020. Vì vậy đã có nhiều người vội vàng đồng ý các quan điểm và nhận định của họ với một giá trị tiêu biểu chỉ ở bề mặt, nhưng thực tế ở trong Hoa Lục ngược lại không một cái gì có được một giá trị thật. Vì cái lý lẽ đó mà nền kinh tế Hoa Lục đang cần phải được xem xét lại giá trị thực sự của nó dưới mọi khía cạnh được phơi bày minh bạch.

Một cách cụ thể là chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm mạnh từ 6124 điểm trong tháng 10 năm 2007 xuống 2154 điểm vào ngày 8 tháng 9 năm 2008. Nói cách khác là chỉ số chứng khoán đã giảm 64.8 phần trăm.

Có chừng 100 triệu người Trung Quốc hiện nay đang bị trói chặt vào cái thị trường chứng khoán và họ đang phải chịu đựng cái nỗi lo sợ thua lỗ nặng nề. Sự thua lỗ nặng nề cho đến nỗi những người Trung Quốc rất giàu cũng cảm thấy những ước muốn của họ hiện nay bị dập tắt rất phũ phàng.

Thị trường chứng khoán "phong vũ biểu" của Trung Quốc đang trải qua nhiều cái "tụt xuống liên tiếp" cho thấy rằng nền kinh tế Hoa Lục đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Năm ngoái các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các cấp đã cho liệt kê những công ty Trung Quốc trong Hoa Lục để chứng tỏ sức tăng trưởng mạnh và thu lợi cao; tuy nhiên, trong năm nay họ đang phải đương đầu với những khiếm hụt nặng nề dẫn tới phá sản, hoặc là ngược lại họ sẽ nhận được tiếp sức cứu nguy khi họ phải trở thành công cụ của chính phủ Trung Cộng để luân chuyển lượng tiền Nhân Dân Tệ do chính phủ cho in thêm nhiều tiền và phát hành xoay vòng trong Hoa Lục. Nếu như vậy thì mức lạm phát ở Hoa Lục càng ngày càng tăng cao hơn.

Căn cứ vào chính số liệu thống kê trong các báo cáo kinh tế của chính phủ Trung Cộng cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2008 ở trong Hoa Lục đã có "độ chừng" 67 ngàn công ty kinh doanh cỡ nhỏ và cỡ trung đã đóng cửa vì khánh kiệt và đã khiến cho "độ chừng" 20 triệu người dân Hoa Lục phải bị thất nghiệp. Tại sao số liệu thống kê của chính phủ mà lại có tính cách "độ chừng"? Các số liệu thống kê của những chính phủ cộng sản độc tài đã có cái truyền thống giả tạo gian dối. Dĩ nhiên những người quan sát và phân tích tình hình Hoa Lục đều nhận định rằng "cái con số thật" phải dễ sợ lắm.

Cái kích thước rộng lớn của sự sụp đổ này trong tiến trình xây dựng một nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng đã tự nó bộc lộ rõ những vấn đề nghiêm trọng đã bị cố ý bỏ qua để đẩy nhanh mức độ phát triển kinh tế Hoa Lục mà giờ đây những vấn đề này quay trở lại hàng đầu trực diện với các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các cấp. Sau khi hàng loạt các xí nghiệp gia công sản xuất và các công ty kinh doanh cỡ nhỏ và cỡ trung đã phá sản, chắc chắn một hệ quả sụp đổ dây chuyền sẽ tiếp tục nhanh chóng va chạm tới những công ty cỡ lớn ở trong Hoa Lục.

Các yếu tố định giá lại đồng Nhân Dân Tệ, sự tăng giá của nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng cao hơn, xuất cảng giảm sút hơn trước, người di dân từ nông thôn ra thành thị làm công ăn lương thấp không có nhiều như trước và thiếu hụt năng lượng sản xuất đang khiến cho lợi nhuận của các công ty bị giảm nhiều. Hơn nữa, các công ty của người Trung Quốc ở Hoa Lục sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn và những món tiền vay để kinh doanh sẽ có lãi suất cao hơn cũng sẽ đẩy các công ty này tới bên bờ vực thẳm.

Có một thí dụ cụ thể là ở Vùng Đồng Bằng Sông Dương Tử, khu vực kỷ nghệ gần Thượng Hải và Quảng Đông, đã từng có rất nhiều xí nghiệp gia công sản xuất đủ loại hàng hoá tiêu dùng cho cả thế giới, hiện nay hầu như tất cả các xí nghiệp này đều đóng cửa ngưng hoạt động, và đã chạm mức phá sản, bởi vì rất nhiều công ty ngoại quốc đã rút lui và rất nhiều công ty Hoa Lục đã khánh tận.

Trong cùng thời gian này rất nhiều người dân ở Mỹ đang chịu đựng cơn khủng hoảng tín dụng địa ốc và có thể còn kéo dài tới năm 2010; cũng như nạn thất nghiệp đang tăng lên trên mức ấn định an toàn 4 phần trăm ở trong toàn nước Mỹ, cho nên sức tiêu thụ của họ đang giảm sút rất rõ. Tương tự như vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá gia dụng ở Liên Âu và các nước khác trên toàn thế giới đang giảm mạnh và sức tiêu thụ chậm chạp ở Mỹ, ở Liên Âu và các nước khác đang trực tiếp ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiệp xuất cảng của Trung Quốc.

Trong khi khu vực xí nghiệp gia công chế xuất để xuất cảng đang bị trì trệ hoặc ngưng sản xuất và chạm mức khánh tận thì khu vực kinh doanh địa ốc của người Trung Quốc tại Hoa Lục cũng đang bị chựng lại. Cái bong bóng địa ốc ở Hoa Lục từ bấy lâu nay đã được bơm quá nhanh và quá căng cứng đang có nguy cơ nổ tung nếu không kịp thời cho xả bớt hơi để nó có thể xẹp xuống an toàn. Trung Quốc là một nước theo chế độ cộng sản dưới sự toàn trị độc tài của độc đảng Trung Cộng cho nên toàn bộ đất đai đều là tài sản của nhà nước, hay nói đúng hơn là tài sản do độc đảng Trung Cộng chiếm hữu và có toàn quyền sử dụng. Các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng ở các cấp ngang nhiên trở thành những địa chủ ở các địa phương trong Hoa Lục. Họ là những sở hữu chủ đất đai ở các địa phương và họ đã bán hết những lô đất đã được qui hoạch phát triển đô thị hoá với những giá tiền rất cao cho những nhà thầu phát triển địa ốc, những nhà thầu phát triển địa ốc này cũng là những đảng viên Trung Cộng đã lột xác để tư nhân hoá các công ty địa ốc của họ. Các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng các cấp ở địa phương đã cho phép những nhà thầu phát triển địa ốc này trả tiền mua đất tới 80 phần trăm của tổng trị giá lô đất bằng những món tiền vay ngân hàng. Với một qui mô nhỏ hơn, có một số người dân thường ở Hoa Lục cũng có đủ tiêu chuẩn vay tiền ngân hàng để mua căn nhà của họ. Đó là trình bày sơ lược về thị trường địa ốc ở Hoa Lục, nhưng dưới sự chỉ đạo gian xảo tráo trở của các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các cấp thì cái thị trường địa ốc ở Hoa Lục rất phức tạp.

Với số tiền 500 tỉ mỹ kim là lợi tức thu được trong kinh doanh xuất khẩu, các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng đã cộng chung với các món tiền vay ngân hàng độ chừng là 100 tỉ mỹ kim để đầu tư vào các công ty hợp doanh với các nhà thầu phát triển địa ốc Hoa Lục. Chủ trương và cách thức kinh doanh địa ốc kiểu này đã làm phát sinh một cuộc "đổ xô đi tìm vàng" trong khu vực kinh doanh địa ốc ở Hoa Lục và nó đã đẩy những cái giá tiền nhà đất lên tận mây xanh; chỉ mới một hai năm qua mà giá tiền nhà đất tại Hoa Lục đã tiếp tục tăng cao hơn năm sáu lần.

Trong hai thập niên vừa qua ở Hoa Lục cái kỷ nghệ xây dựng cao ốc của người Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của độc đảng cầm quyền Trung Cộng đã điên cuồng, mê loạn trong việc xây cất rất nhiều chung cư nhiều tầng và rất nhiều toà nhà chọc trời ở khắp nơi. Trong rất nhiều năm đã qua hầu như đa số những toà nhà chung cư này chưa có người ở và những toà nhà chọc trời này chưa có dùng cho việc gì. Cũng như cả cái làng thế vận hội rộng lớn kia cũng đang bỏ trống một cách rất lãng phí, nhưng những sở hữu chủ của nó không cần biết tới. Vì họ là những nhà thầu phát triển địa ốc người Hoa Lục, mà họ cũng chính là những đảng viên Trung Cộng và tài sản của họ được tính bằng giá trị địa ốc. Được biết là họ đã chiếm hơn phân nửa số người trở thành tiêu biểu cho một giai cấp mới là Đại Tư Sản Đỏ của Hoa Lục.

Trong quá khứ không lâu tất cả bọn họ đã rất mạnh dạn trong việc tận dụng quyền lực của các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các địa phương khác nhau để chiếm hữu ruộng đất nhà cửa và những phương tiện khác của người nông dân Trung Quốc yếu thế. Họ đã luôn luôn sử dụng bạo lực của bọn công an cảnh sát ở địa phương để trấn áp tàn bạo sự phản kháng của người nông dân Trung Quốc. Kết quả của bạo lực cướp giựt đó là ruộng đất của một số đông nông dân Trung Quốc đã nằm trong tay của một số ít đảng viên Trung Cộng có thế lực đảng trị và có rất nhiều tiền mỹ kim. Một thực tế rất rõ ràng là ở Hoa Lục đã có hơn phân nửa tổng số các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng tại địa phương có được những thu nhập lợi tức rất cao từ thị trường kinh doanh địa ốc.

Ngoài cái tệ nạn chiếm hữu ruộng đất và nhà cửa của người nông dân, người dân Trung Quốc ở tỉnh thành cũng phải cam chịu khổ nạn giải toả khu vực dân cư. Cái hình ảnh những chiếc xe ủi ngã sập nhà cửa của người dân hầu như được trông thấy ở khắp nơi trong Hoa Lục. Cái hệ quả thảm thương của cơn bệnh mê loạn xây dựng lên nhà nhiều tầng chọc trời và làm giàu một cách điên cuồng đúng theo chủ trương vô nhân đạo của tập đoàn cầm quyền trung ương đảng Trung Cộng là đã có hàng triệu triệu người dân Trung Quốc trở thành vô gia cư. Đời sống của đa số người dân lao động ở các tỉnh thành càng cực khổ nhiều hơn khi giá tiền nhà cứ tiếp tục tăng cao mà họ thì chỉ kiếm được những đồng lương quá thấp.

Hiện nay cái thị trường địa ốc ở Hoa Lục đang giống như một cái bong bóng bị bơm hơi quá căng cứng để sẵn sàng nổ tung. Những tài sản địa ốc có tính cách cướp giựt để nhanh chóng tăng giá cao, để thu lợi nhiều đang bị ứ động kéo dài ngoài sự dự đoán. Theo nhận định và kết luận của một bản nghiên cứu hiện tình thị trường địa ốc Hoa Lục thì một giải pháp giảm giá 50 phần trăm của toàn bộ địa ốc Hoa Lục mới may ra cái bong bóng được xả bớt hơi để đạt mức an toàn. Cũng tương tự như cái thị trường chứng khoán ở Hoa Lục, cái thị trường địa ốc ở Hoa Lục đang phải đương đầu với một sự giảm sút rõ ràng không thể tránh khỏi. Hai cái thị trường đang bệnh hoạn này của nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng thay phiên nhau gây ảnh hưởng xấu lên các ngân hàng ở Hoa Lục và tất nhiên là dẫn tới một cơn khủng hoảng toàn bộ kinh tế của chế độ Trung Cộng.

Cũng còn có một số vấn đề quan trọng khác nữa đã xảy ra ở trong Hoa Lục và trực tiếp gây ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế đã bệnh hoạn của Trung Cộng:

Trong năm 2008 Hoa Lục đã chịu đựng mọi thứ thiên tai, từ những trận bão tuyết rất lớn cho tới trận động đất ở Tứ Xuyên, từ những cơn mưa đá và mưa giông kéo dài nhiều ngày cho tới những cơn lũ lụt, đã khiến cho rất nhiều bộ phận của nền kinh tế Hoa Lục bị tổn hại rất nặng. Chi phí dành cho công việc tái thiết chỉ riêng cho khu vực Tứ Xuyên thôi cũng đã lên đến 140 tỉ mỹ kim.

Chỉ trong vòng 30 năm ra hết sức để xây dựng phát triển nhanh ở Hoa Lục cũng đã gây ra biết bao thiệt hại nặng nề cho thiên nhiên và tình trạng môi sinh ở Hoa Lục đã trở nên rất xấu. Sự ô nhiễm đủ loại do đã không có kế hoạch xử lý hoàn toàn các nguồn ô nhiễm ngay từ ban đầu cho nên bầu không khí và các nguồn nước tiêu dùng trong sinh hoạt của người dân Hoa Lục đã có những mức độ nguy hiểm rất cao.

Các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng ở các cấp chắc chắn phải chịu trách nhiệm và sẽ phải trả một cái giá rất đắc cho việc dọn dẹp làm sạch môi trường sinh sống của nhân dân Trung Quốc mà họ đã gián tiếp gây ô nhiễm qua các chính sách phát triển không cân đối của họ. Hơn nữa họ cũng phải bị bắt buộc cộng tác với nhiều quốc gia khác trong khu vực trong công tác bảo vệ môi trường chung; họ không thể bạo ngược ngang nhiên xây cất nhiều cái đập ngăn nước ở trên vùng thượng lưu của một con sông chảy qua nhiều quốc gia khác khiến cho đảo lộn các hệ sinh thái ở các vùng hạ lưu.

Như trước đây chúng tôi đã có nêu ra những hậu quả xấu của Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008, quả thật Thế Vận Hội Bắc Kinh không chỉ là một sự lãng phí tiền bạc và công sức lao động của nhân dân Trung Quốc mà nó còn làm cho nền kinh tế vốn đã bệnh hoạn nóng sốt quá độ càng bệnh nặng thêm. Căn cứ vào những báo cáo chính thức thì tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng đã tiêu xài hơn 40 tỉ mỹ kim chỉ riêng phần xây dựng hạ tầng cơ sở của làng thế vận. Thế Vận Hội Bắc Kinh đã đi vào lịch sữ thế vận hội như là một thế vận hội tốn kém nhất. Thế Vận Hội Sydney nước Úc đã tốn tiền của nhân dân Úc là 1.5 tỉ mỹ kim. Thế Vận Hội Los Angeles nước Mỹ đã tốn tiền của nhân dân Mỹ là 500 triệu mỹ kim. Còn Thế Vận Hội Bắc Kinh ở Hoa Lục đã tốn tiền của nhân dân Trung Quốc tới 43 tỉ mỹ kim! Đây là cái dư vị cay đắng mà nhân dân Trung Quốc, đa số vẫn còn nghèo đói, phải ngậm nguyên trong miệng sau khi bửa đại tiệc thế vận hội của tập đoàn cầm quyền Trung Cộng đã tàn.

Nếu nghe theo guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng thì Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008 đã là một thành công quá rực rỡ, thí dụ như các lực sĩ thế vận của Trung Quốc đã chiếm số huy chương vàng nhiều nhất. Tuy nhiên, trên phương diện kinh tế thương mại thì rõ ràng nó là một sự thất bại ê chề. Bởi vì các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các cấp đã áp dụng các biện pháp an ninh quá gay gắt cho nên chỉ có 400 ngàn du khách ngoại quốc tới xem Thế Vận Hội Bắc Kinh trong tháng Tám vừa qua. Những người tổ chức thế vận hội đã mong ước là hai triệu du khách ngoại quốc, chứ không phải con số quá khiêm nhường như thế.

Con số phần trăm du khách đã thuê phòng khách sạn đã chứng minh được sự thất bại vừa nêu trên. Trong thời gian có thế vận hội diễn ra, ở những khách sạn bốn-sao chỉ có khoảng 50 phần trăm phòng ngủ đã được du khách thuê; ở những khách sạn năm-sao thì có khoảng 70 phần trăm phòng ngủ đã được du khách thuê; còn lại khách sạn loại bình dân thì chỉ có 30 tới 40 phần trăm tổng số phòng đã được du khách thuê. Thật là mỉa mai khi những con số phần trăm này lại cho thấy rõ số lượng du khách ngoại quốc thuê phòng khách sạn ở thành phố Bắc Kinh lại giảm xuống 20 phần trăm so với cùng kỳ trong năm 2007. Sự vắng khách thưởng ngoạn các cuộc tranh tài của lực sĩ ở Thế Vận Hội Bắc Kinh đã được nhận thấy rõ ràng qua các hình ảnh của rất nhiều dãy ghế ngồi bỏ trống ở các khán đài.

Tình trạng vắng khách như vậy cũng đã xảy ra ở nhiều cửa hàng kinh doanh nhiều loại khác nhau trong thời gian có thế vận hội diễn ra tại Bắc Kinh. Thí dụ như các cửa hàng ăn uống hạng sang và hạng trung bình tại thành phố Bắc Kinh đã dự tính là phải có rất đông thực khách tới thưởng thức các món ăn độc đáo của họ, nhưng thực tế chỉ có hai phần ba của tổng số thực khách dự trù đã tới các tiệm ăn này. Như vậy, sau khi Thế Vận Hội Bắc Kinh đã bế mạc và tổng kết kinh doanh gồm đủ các loại đã cho biết rõ là một sự thất bại và buôn bán lỗ lã nặng nề.

Trong nhiều năm trước khi khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, có nhiều chuyên gia về ngành du lịch của Trung Cộng đã dự tính và tiên đoán là có khoảng hai triệu du khách ngoại quốc đổ xô tới thành phố Bắc Kinh trong thời gian có thế vận hội diễn ra và sau đó còn tiếp tục đi tham quan du lịch ở các nơi khác ở trong Hoa Lục. Thực tế đã cho thấy chỉ có độ chừng bốn trăm ngàn du khách đã tới thành phố Bắc Kinh. Hơn nữa, cái sự cố không hay của hai du khách người Mỹ, một bị đâm chết và một bị thương rất nặng trong lúc đang được hướng dẫn đi tham quan di tích lịch sử Trung Quốc, đã khiến cho rất nhiều du khách ngoại quốc đã lỡ tới Bắc Kinh rồi sau đó họ không còn thích đi đâu nữa. Như vậy Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 đã thất bại nặng nề khi không đạt được những kỳ vọng của một sự cố quyến rũ du lịch quốc tế.

Hơn nữa, trong thời gian có thế vận hội đang diễn ra là giá xăng dầu tăng cao và khách hàng tiêu thụ ở trên khắp thế giới đều chịu ít nhiều ảnh hưởng của lạm phát trong nước của họ. Ở nước Mỹ đã xảy ra cơn khủng hoảng tín dụng địa ốc và nó thực sự khiến cho người dân Mỹ phải tính toán cẩn thận nhiều hơn khi tiêu tiền. Có rất nhiều người dân Mỹ cuối cùng đã quyết định không đi du lịch Bắc Kinh để xem Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 như đã dự tính trước đó, vì giờ đây họ đã bắt đầu biết tiết kiệm nhiều hơn. Cũng tương tự như vậy, có rất nhiều người dân Trung Quốc ở các thành phố khác nhau trong Hoa Lục đã không đi xem Thế Vận Hội Bắc Kinh. Họ đã ở lại nhà để xem những cuộc tranh tài thế vận hội trên màn ảnh truyền hình.

Những người quan sát và phân tích tình hình ở Hoa Lục đã chỉ ra một dữ kiện mà chính nó đã làm cho ngành du lịch của Trung Quốc bị thất bại thê thảm trong thời gian có thế vận hội. Đó là vào đầu tháng Tư năm 2008 tập đoàn cầm quyền trung ương đảng Trung Cộng đã đột ngột cho áp dụng các biện pháp an ninh rất gay gắt và kiểm soát việc cấp chiếu khán nhập cảnh vào Hoa Lục thật chặt chẽ. Một cách quá vô lý đến độ rất kỳ quặc, ngớ ngẩn là trong thời gian nhiều tháng trước ngày lễ khai mạc thế vận hội thì giới cầm quyền Trung Cộng đã yêu cầu tất cả du khách ngoại quốc phải xuất trình bằng chứng là họ có sẵn sàng nơi tạm trú hoặc tờ biên lai xác nhận đã đặt thuê trước phòng khách sạn, và nhất là cái vé máy bay khứ hồi phải trở về quốc gia gốc của họ chứ không phải một nước nào khác; nếu họ có đạt được những yêu cầu đó thì họ mới được cấp chiếu khán nhập cảnh vào Hoa Lục để xem thế vận hội. Cái biện pháp kỳ cục này đã khiến cho rất nhiều du khách ngoại quốc cảm thấy rằng giới cầm quyền Trung Cộng không được thân thiện và không tạo sự dễ dàng, thuận tiện cho du khách tới Bắc Kinh.

Cũng có những nguồn tin nội bộ của ban tổ chức thế vận hội là họ dự trù tới 80 phần trăm của tổng số vé là dành cho khán giả nội địa ở Hoa Lục, và đây cũng là một hình thức biểu lộ tinh thần ham chuộng thể thao, đồng thời nâng cao lòng tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế của đại đa số nhân dân Trung Quốc đã phũ phàng không đáp ứng lại sự mong muốn của tập đoàn cầm quyền Trung Cộng khi họ không mua vé đi xem các cuộc tranh tài của các lực sĩ thế vận. Một cách rất giản dị và không tốn kém quá nhiều trong thời buổi sinh sống khó khăn là họ chỉ việc ở lại nhà mà cũng xem được thế vận hội trực tiếp truyền hình.

Nhân dân Trung Quốc đã tiếp tục phản kháng chống lại các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các cấp bằng nhiều hình thức, và một hình ảnh phản kháng tiêu biểu nhất là ngay trong buổi lễ khai mạc thế vận hội, trước hàng triệu cặp mắt của những khán giả đang ngồi trên khán đài và những khán giả đang ngồi xem trước màn ảnh truyền hình trên khắp thế giới, lá cờ máu trung cộng đã bị treo ngược-the red blood chinese communist flag was put upside down. Có thể lá cờ máu trung cộng này đã từng bị nhân dân Trung Quốc ở Hoa Lục treo ngược nó nhiều lần ở nhiều nơi rồi, nhưng vì các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng ở các cấp đã che giấu sự thật bưng bít thông tin, cho nên nó đã tìm được một cơ hội trăm năm mới có một lần là thế vận hội ở Bắc Kinh, để một lần nữa nó bị treo ngược là quá đủ ý nghĩa cho tất cả những lần đã xảy ra về trước và những lần nữa sẽ xuất hiện trong tương lai khi nhân dân Trung Quốc đòi lại các quyền làm người của họ mà các tập đoàn cầm quyền đảng Trung Cộng ở các cấp đã lường gạt họ rồi cướp mất đi từ năm 1949 cho tới nay.

Để kết luận, chúng ta hãy xét qua tổng quát tình hình kinh tế thế giới hiện nay: nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn suy thoái, cái cỗ máy kinh tế ở toàn Liên Âu đang chạy chậm tại chỗ, và ở Nhật Bản thì chỉ số tăng trưởng đang trở thành số âm; đó là những hình ảnh trung thực chỉ rõ cho chúng ta thấy tình hình kinh tế thế giới đang lâm vào cảnh suy thoái trầm trọng có lẽ còn tệ hại hơn cả Thời Kỳ Suy Thoái trước Đệ Nhị Thế Chiến. Riêng nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thị trường thế giới, nền kinh tế lai căng này không thể nào tránh khỏi bị cuốn hút mạnh vào tâm điểm của trận cuồng phong suy thoái kinh tế toàn cầu. Ở Hoa Lục trong thời đại Mao Trạch Đông đã có hàng triệu người dân Trung Quốc bị chết vì đói. Giờ đây ở Hoa Lục trong thời kỳ kinh tế thị trường có định hướng XHCN mang bản chất Trung Cộng sẽ có rất nhiều công dân Trung Quốc thuộc giai cấp Tư Sản Mới sẽ chết vì phá sản./.

Thuỷ-Triều

20/09/2008

No comments: