CHỐNG CỘNG THEO GƯƠNG THÁNH JOHN FISHER VÀ
THÁNH THOMAS MORUS.
GƯƠNG SÁNG GIÁO OAN XỨ THÁI HÀ:
DẤN THÂN CHO SỰ THẬT VÀ LƯƠNG TÂM
Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh
Lời ngỏ:
Trong bài vừa qua: ”Chống cộng theo gương người Samaritô nhân hậu. Trường hợp xứ Thái Hà”, (31.08.08) có người cho rằng, chúng tôi dùng danh từ không thanh như: ” bọn côn đồ, gian manh, hung hãm...” để ám chỉ Công An Việt Cộng.
Tại sao chúng tôi không dùng danh từ Công An? Thưa, vì họ không thực thi đúng chức năng và đúng dang xưng của mình là Công An. Công: là công bình, công chính, công minh chính đại. An: giữ gìn an ninh trật tự cho người dân, bảo vệ sự bình an cho người dân. Công An: Bảo vệ công chính, công bằng, quyền lợi và sự bình an cho người dân.
Đằng này, nhóm này lén nút xịt hơi cay, dùng dùi cui, dây điện hành hung giáo oan. Chúng tôi nhận xét đây là những hành động của bọn côn đồ ngu ngốc. Dân Thái Hà thì gọi họ là “bọn cớm”. Một danh từ mới, khá hay và diễn tả đầy đủ bản chất của nhóm người này.
Chúng tôi hiệp thông với qúi ông bà anh chị em giáo oan xứ Thái Hà nói chung, và qúi anh em tu hội dòng Chúa Cứu Thế nói riêng. Cùng chung nhau chống lại bình thường hóa sự gian manh xảo trá của tập đoàn tuyên truyền Việt Cộng. Chống lại việc bình thường hóa gian dối. Dối trá điêu ngoa của Cộng Sản là một đại hoạn nạn cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Trong ý nghĩa đó, chúng tôi xin gửi đến qúi vị bài: “Chống cộng theo gương thánh John Fisher và Thomas Morus…”
1. Giới thiệu sơ qua về hai Thánh John Fisher và Thomas Morus
Không ngạc nhiên, khi Giáo Hội Công giáo chọn ngày 22.06, kế cận ngày mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô (24.06), để kính nhớ thánh John Fisher và Thánh Thomas Morus. Giáo hội tuyên dương hai vị thánh cùng ngày Lễ Kính, nhằm nhắc nhở nhân loại sống noi gương hai vị, người có công với nhân loại và Giáo hội. Hai vị thánh này có chung một lòng đấu tranh: Đó là họ thà chết cho lương tâm, cho sự thật, còn hơn là cầu vinh phù da, sống trong giả dối trái ngược với lương tâm. Thật là gương sáng anh dũng qủa cảm đáng cho nhân loại ngưỡng mộ và thán phục.
Giữa Thánh John Fisher và Thomas Morus có gì tương đồng?
a)- Năm 1469 John Fisher sinh ra tại Beverly (Yorkshire). Mới 35 tuổi đã trở thành Giám Mục thành Rochester. Khác với nhiều Giám mục đương thời, John Fisher có cuộc sống thật đơn sơ giản dị. Và đặc biệt nôi dung trọng tâm chương trình sống của Ngài là phục vụ cho người nghèo, cho kẻ oan người ức.
Thánh Thomas Morus là một nhà chính trị gia nổi tiếng, điều hành hành chánh trong triều đại Henrich VIII, vua Anh Quốc.
Để đạt nguyện vọng: cưới thêm vợ, và cho phép tái hôn, nhằm duy trì triều đại, Henrich đã nhờ đến Hồng Y John Fisher và Thomas Morus mục đích tiêu hôn. Morus, Thủ tướng và đồng thời còn là cố vấn thân cận của Henrich. Cả hai vị, người thì phục vụ cho Giáo Hội, người thì phục vụ cho quốc gia, nhưng cùng chung một chí hướng, cùng một lý tưởng. Họ gặp nhau và quen nhau trong lý tưởng cao cả: Đó là không phủ nhận chối bỏ lương tâm. Cả hai đều làm chứng cho lẽ phải, cho công chính, cho sự thật, vì lương tâm đạo đức con người.
b)- Thời còn trẻ, Thomas Morus (1477-1535) ao ước muốn trở thành Linh Mục. Nhưng sau đó, ngài quyết định đeo đuổi mục đích làm chính trị. Morus là một chính trị gia nổi tiếng, uyên bác, học cao hiểu rộng, thuộc gia đình danh giá giầu có. Theo gót chân thân phụ, lúc 24 tuổi, Morus đã trở thành luật sư. 28 tuổi Morus lập gia đình. Dù có tiền tài danh vọng, nhưng đời sống gia đình của Morus thật đầm ấm đơn sơ và thuận hòa. Hằng ngày Morus còn tham dự Thánh lễ, ngắm chầu nguyện Thánh Thể. Song song đó, Morus dành thời gian dấn thân hằng ngày giúp đỡ cho những kẻ đói nghèo khốn khó trong khu vực nghèo thành London.
Sự tranh chấp giữa vua Henrich và John Fisher và Thomas Morus bắt đầu, khi vua Henrich đòi một Giáo Hội Tự Trị Anh Giáo, tách rời Giáo Hội Roma, do chính Henrich làm Giáo Chủ, và đòi hỏi mọi tu sĩ, giáo dân phải tuyên thệ trước vị Giáo Chủ mới này.
Hồng Y Fisher chống vua Henrich công khai. Từ đó, mạng sống của ngài không còn bảo đảm. Ngài bị bắt giam. Trong tù, nhiều lần ngài bị bí mật cho uống thuốc độc. (Giống trường hợp đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền, bị Việt Cộng đầu độc năm 1987 tại nhà thương Chợ Rẫy, Sài-Gòn). Trong thời giam bị cầm tù, John Fisher được phong chức Hồng Y. Sau cùng, sáng ngày 22-06-1935 Hồng Y bị xử trảm.
Trước khi Ngài bị xử, ngài rất bình thảm. Sáng sớm, cai tù đánh Ngài thức giậy sửa soạn đến nơi hành xử. Nhưng Ngài yêu cầu cho Ngài được ngủ thêm chút nữa: Thế là Ngài được ngủ thêm hai tiếng nữa.
Năm 1532, Thomas Morus đệ đơn xin từ chức, bởi vì Ngài không chịu trách nhiệm với chính sách tôn giáo của Henrich (Henry). Là Thủ tướng, Thomas Morus lãnh lương cao của Vương quốc, nhưng ngài một lòng cương quyết chối từ chức vụ Thủ Tướng, làm cho cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn về tài chánh. Khi Morus cưỡng cự không chịu tuyên thệ trước Giáo Chủ Anh Giáo, vua Henrich, ngài bị bắt và kết án tử hình.
Chỉ 9 ngày sau vài ngày xử trảm Hồng Y John Fisher, ngày 6-07-1535, Thomas Morus bị treo cổ. Cũng giống như Hồng Y John Fisher, Thomas Morus cũng rất bình thảm, coi cái chết nhẹ như lông tơ. Khi bị áp tải lên đoạn đầu đài, Morus còn khôi hài nói: „Xuống khỏi đoạn đầu đài không cần ai áp tải. (Tôi tự xuống một mình được).“
400 năm, sau cái chết oan ức của John Fisher và Thomas Morus, năm 1935, Đức Giáo Hoàng Piô XI phong Hồng Y Fisher và Thủ tướng Morus lên bậc hiển thánh. Và vào tháng 11 năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong thánh Thomas Morus là Quan thầy của những người sinh hoạt chính trị.
Một Hồng Y tôn giáo, một người cha, một luật sư, một chính trị gia: Hai vĩ nhân tài ba lỗi lạc của thời cận đại đã anh dũng bảo vệ lương tâm, dù phải trả giá chính mạng sống. Họ trung thành với lương tâm của mình, cho dù phải gánh chịu hậu qủa bất lợi cho mình. Hai vị thánh này làm được việc trọng đại cao cả là nhờ sức mạnh và niềm tin vào Đức Giêsu. Họ tin vào Ngài, vì „Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống“ (Gioan 14, 6), Đấng chúng ta tuyên xưng và là Đấng thấu hiểu rõ tận cõi tâm can tấm lòng mỗi chúng ta.
Fisher và Morus: Cả hai trở thành thánh gương mẫu: Họ làm chứng nhân cho sự thật, chết cho lương tâm. Hai qúi Thánh nhân dấn thân cho kẻ nghèo đói, bênh vực những người khốn khổ oan bức.
2. Lương tâm là gì?
Có những người bằng cấp đầy mình, nhưng tâm của họ thì trống rỗng, mà người ta còn gọi là kẻ dã tâm. Có những người “thiếu học” nhưng “đầy lòng người”, sống thật đạo đức lương thiện. Có những người giầu, nhưng nghèo lương tâm… Như vậy, lương tâm không được đào tạo qua bằng cấp hay qua khoa bảng khoa học. Lương tâm không có được nhờ vào tiền bạc của cải hay khoa học kỹ thuật. Vậy lương tâm là gì? Lương tâm phát xuất từ đâu?
Mọi người sinh ra, từ bẩm sinh đã được Thiên Chúa, Thượng Đế, “cấy” vào trong mỗi chúng ta “cây lương tâm”: cây biết việc tốt nên làm, việc nhân hậu. “Ta lấy trái tim bằng đá ra khỏi lòng các ngươi, và trao ban các người một trái tim bằng thịt”. (Ich nehme das Herz von Stein aus eurer Brust und gebe euch ein Herz von Fleisch) ( Ezechiel 36, 26). “Trái tim bằng thịt” là trái tim biết rung động nhậy cảm trước hoạn nạn đau khổ con người. “Trái tim bằng thịt” biết cảm thấy đớn đau, trái tim biết yêu thương nhân loại, yêu thương anh em như yêu thương chính mình. “Trái tim bằng thịt” thể hiện trong trái tim lương tâm. Không những vậy, “trái tim bằng thịt” còn phải biết tiêu hủy chận đứng sự ác độc gian manh. Nhưng tại sao một người học cao hiểu rộng không nhìn ra? Còn người “ít học” lại hiểu biết phân biệt được tốt xấu?
Một em bé, khi làm bể cái chén của mẹ nó trân qúy, thì nó cảm thấy áy náy trong lòng. Khi nó chia đồ chơi cho em nó, nó cảm thấy mình làm điều tốt, nó cảm thấy an lòng. Sự hiểu biết tốt xấu xẩy ra ngay tức khắc không cần suy luận của đứa bé. Tại sao vậy? Đứa bé đó áy náy, vì cái chén đẹp đó được mẹ nó trân qúy. Có nghĩa, giữa cái chén và mẹ nó có sự tương giao. Ngược lại, cũng cái chén đẹp đó, nếu đứa bé làm bể nó ở khu rừng không ai thèm dòm ngó nó, không ai trân qúi cái chén đó, thì chắc chắn đứa bé đó sẽ không cảm thấy bị bồi hồi áy náy. Như vậy: Không có tương quan “tay ba” chặt chẽ, không có lương tâm.
Đứa bé chia đồ chơi cho em nó, vì nó muốn có sự tương quan tốt đẹp giữa nó và em nó được duy trì. Đứa bé phân biệt đâu là thiện, đâu là gian ác, tùy thuộc vào sự tương quan giữa nó và đồ vật, giữa đồ vật tương quan tới người khác. Lý trí giúp nó phán đoán làm như thế thì tốt, làm thế nọ thì xấu.
Lương tâm đứa bé được thử thách, khi nó được đòi hỏi chia đồ chơi cho em nó hay giúp đỡ em nó, khi em nó bị gặp nạn.
Cội rễ của lương tâm, bắt nguồn từ một tình cảm tự nhiên, khiến một người bình thường muốn làm lành tránh dữ cảm thấy bứt rứt xấu hổ, hối tiếc… Đây là những biểu lộ tìm cảm thông thường của lương tâm.
Khi chúng ta làm điều sai quấy, chúng ta cảm thấy xấu hổ. Sự xấu hổ còn lớn hơn nhiều, khi nó bị vạch trần cho mọi người biết. Điều thiện cũng thế. Khi chúng ta cứu giúp người nghèo oan ức, giúp đỡ bằng thực phẩm hiện kim mà chúng ta thấy họ vui mừng, cảm động đón nhận qùa, thì viêc đó tốt và việc thiện được thúc đẩy thêm.
3. Giúp người dân oan, giáo oan: Lương tâm không cắn rứt!
Để giúp cho người dân oan và giáo oan tìm lại được nhân phẩm và quyền nhân bản con người bởi là vì chúng ta muốn có sự tương quan tốt đẹp với họ. Chúng ta tôn trọng nhân cách và quyền lợi của họ, chúng ta có tình liên đới, tình hiệp thông với những người này. Thêm nữa: Những người này đều được Thiên Chúa yêu thương. Giữa họ và Thượng đế có mối tương quan mật thiết với nhau, và chính Thiên Chúa yêu qúi họ. Đứng trước sự đau khổ khốn khó của họ mà chúng ta không ra tay nghĩa hiệp là trái với lương tâm, vì giữa họ với Thiên Chúa có sự tương quan. (Tương quan tay ba).
Hằng ngày, chúng ta sinh hoạt và chung sống với họ. Nhưng lương tâm chúng ta chỉ bị thử thách, nếu chúng ta đứng trước sự lựa chọn: Làm việc nghĩa hiệp hay quay mặt làm ngơ? Lý trí sẽ phán đoán hành động.
Những kẻ nào không có tình cảm, thông hiểu người dân oan, thì dĩ nhiên họ cũng chẳng ngần ngại ra tay đàn áp vì quyền lợi riêng tư. Họ không có sự tương quan đến những người này, vì tương quan của họ đặt hướng khác. Tương quan của họ là chế độ độc tài Cộng Sản gian manh. Vì vậy, dù họ có bằng cấp đầy người, họ cũng chẳng thấy hổ thẹn lương tâm, vì đối với những “tác nhân” này, họ không có mối tương quan cần thiết. Giầu quyền lực, nhưng nghèo nàn về quyền nhân đạo là vậy!
Kết luận:
Lương tâm chúng ta bị dày vò, khi chúng ta bị thử thách đứng trước vấn nạn của anh em. Nếu chúng ta không có tương quan mật thiết với họ, thì chúng ta sẽ cảm thấy không bị áy náy, lương tâm không bị cắn rứt. Người Samaritô nhân hậu cứu giúp người hoạn nạn, vì giữa anh ta và người bị nạn có tương quan “chạch lòng thương”, mặc dù trước kia, hai người không hề quen biết. “Chạnh lòng thương” là tình cảm tự nhiên mà người Samaritô đó dành cho người bị cướp bóc đánh đập. Đánh động lương tâm được đánh giá là nhân hậu.
Có người nói: “Công An Việt Cộng mất hết lương tâm, khi họ hành hung người dân!” Họ có đâu mà mất!?
4. Giáo oan xứ Thái Hà nói chung và tỉnh dòng Chúa cứu Thế nói riêng làm gương sáng: Họ đang bênh vực cho lẽ phải, đấu tranh vì lương tâm
Chúng ta thật ngưỡng mộ và kính phục giáo sĩ và giáo dân thuộc xứ Thái Hà vẫn cam đảm can trường, dù phải chịu bôi xấu của guồng máy tuyên truyền xảo trá của Việt Cộng. Họ vẫn hiên ngang can trường chống lại bạo lực hành hung của bọn cớm. Họ sẵn sàng chảy máu để làm chứng nhân cho sự thật, cho lẽ phải. Tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế anh dũng dấn thân vì lương tâm. Đây, qủa là những hành động khôn ngoan do lý trí suy đoán.
Chắc chắn lương tâm sẽ bị cắn rứt khi họ phải phục vụ cho sự xảo trá điêu ngoa. Lương tâm họ áy náy khi phải im hơi bị miệng trước sự bất công. Giáo sĩ dòng Chúa Cứu Thế và giáo oan Thái Hà đang xây dựng cột trụ đạo đức lương tâm con người, trong lòng giáo hội. Họ làm gương sáng cho mọi người cần phải noi theo.
Họ hành động theo lý trí lương tâm là vì họ làm theo bản tính tự nhiên và bẩm sinh, vì mối tương quan giữa tu sĩ và giáo dân, giữa Thiên Chúa và con người. Có lẽ, Giáo dân chưa học về điều thiện là gì để làm, và điều ác thế nào, biết mà tránh. Nhưng việc họ đang làm ngày hôm nay là do trời sinh bản tính họ. Người ta yêu thiện, ghét ác, cũng chính vì mình yêu qúi tôn trọng chính mình, và không muốn lường gạt chính mình.
Thấy bọn cớm hành hung trẻ em người già, chúng ta ra tay ngăn chận là hành động tự phát không tính toán, không suy nghĩ hơn thiệt. “Nghĩa cử ra tay cứu người dân oan, giáo oan” không phải là vì được họ ban thưởng. Không! Chúng ta làm vì nhân phẩm lương tâm đạo đức con người! Nơi đâu có con người bị áp bức oan ức, nơi đó cần cử chỉ nghĩa hiệp, cần hành động hiệp sĩ. Hành động bộc phát đó là hành động lương tâm.
“Hành động lương tâm” được trải qua kinh nghiệm và môi trường. Qúi Linh mục tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế học bản tính của Đức Giêsu, đấng cứu nhân độ thế. Nhờ qua họ, những bản tính này, đã được giáo dân hấp thụ, giúp họ hiểu phải ứng xử theo đạo đức lương tâm.
Tổng Kết
Cuộc đấu tranh của giáo oan xứ Thái Hà, Quận Đống Đa, Hà Nội, tiêu biểu cho sự đấu tranh của toàn dân, toàn nước, toàn giai cấp đang bị đảng Cộng Sản và tập đoàn tay sai bán nước hại dân, áp bức. Họ đấu tranh chống lại cảnh cướp đất phá nhà, cướp tài nguyên của quốc gia bán cho ngoại xâm. Họ chống lại tư hữu hóa đất đai của đảng Cộng sản. Họ chống lại sự bình thường hóa sự xảo trá gian manh đang mọc rễ trong xã hội Việt Nam, làm đạo đức suy xụp, lương tâm bị rẻ mạt như bèo.
Gương sáng hai vị thánh John Fisher và Thomas Morus đang là ngọn đuốc chiếu sáng Giáo oan, cùng với qúi Linh Mục tu sĩ. Họ hành động theo lương tâm như xưa qúi nhị vị thánh nhân đã quyết tâm trung thành với lương tâm. Đừng lường gạt lương tâm! Xin đừng giả dối với chính lương tâm mình!!!
Họ dấn thân cho sự thật, cho công lý cho hoà bình. Họ đang thực thi sứ mệnh cao cả, không những riêng cho xứ đạo, mà còn cho toàn giáo hội, toàn thể dân tộc. Họ đấu tranh, vì lương tâm không cho phép họ chấp thuân sự lường gạt giả dối gian xảo. Lương tâm không cho phép bị thuần hoá và đồng nhất với cướp bóc lưu manh cho tập đoàn Mafia Cộng sản Việt Nam. Họ không chấp nhận làm tay sai cho sự dữ, cho sự giả dối gian ác qủi quyệt.
Cuộc tranh đấu đòi đất tại xứ Thái Hà là cuộc vận động đào tạo lương tâm con người, là cuộc chỉnh lý: sự thật trả lại cho sự thật, công bằng trả lẽ phải cho Công lý, phản ảnh cuộc Cải Cách Ruộng Đất thập niên 1960, vụ chiếm của giết người, dưới sự chỉ đạo tay sai Hán ngụy Hồ Chí Minh, mang danh nghĩa chuyên chính vô sản.
Thiên Chúa Gia-ve (Giesua), Đức Giêsu có nghĩa: Cứu độ, cứu rỗi, cứu giúp, cứu thế. Suốt chặng đường lịch sử, từ thời Cựu ước sang thời Tân ước, Thiên Chúa luôn chứng minh danh xưng tên người, Đấng cứu độ (Heiland, Retter), Đấng Chúa Bình An (Friedensfürst), Đấng Immanuel (Thiên Chúa Hằng ở cùng chúng con).
Cùng toàn thể với giáo hội hoàn vũ, với cộng đồng yêu chuộng tự do trên thế giới, hiệp thông với qúi anh em tu sĩ dòng Chúa Cứu thế và giáo oan xứ Thái Hà thực hiện đúng lương tâm danh xưng của mình: Chúa Cứu Thế, để nguyện danh Ngài cả sáng.
Nguyện Xin Đức Giêsu, Chúa Cứu Thế, xin cứu rỗi dân tộc Việt Nam đau thương của chúng con thoát khỏi qủi thần gian xảo Cộng Sản Việt Nam.
(Đức Quốc, thứ sáu, ngày 4 tháng 9 năm 2008)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment