(Trích, phần nói về bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng)
Permanent Link http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=1941
LỜI NÓI ĐẦU
Từ Hội nghị các ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila tháng 7 năm 1992 đến Hội nghị SEAPOL ba khu vực tại Bangkok tháng 12 năm 1994, các đại biểu đều lo lắng về tình hình an ninh của Biển Đông và trao đổi ý kiến về sự hợp tác trong khu vực.
Trong khu vực này có hai vấn đề lớn nổi lên: vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vấn đề hợp tác trước hết là về khai thác tài nguyên. Các đại biểu đều cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề chủ quyền thì khó mà giải quyết được vấn đề hợp tác khai thác tài nguyên. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, phức tạp là vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ba năm lại đây, cùng với việc giải quyết vấn đề Campuchia, việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một nhân tố ổn định quan trọng đối với Đông Nam châu Á. Việt Nam không chỉ mở rộng quan hệ với các thành viên của ASEAN mà Việt Nam đã trở thành quan sát viên của ASEAN, vấn đề trở thành thành viên chính thức của ASEAN chỉ còn là vấn đề thời gian, vì điều kiện đã chín muồi.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc quan hệ các mặt đang phát triển, đang còn những cố gắng từ cả hai phía để giảm bớt bất đồng, từng bước giải quyết các tranh chấp giữa hai nước. Vì lợi ích của hai nước, nên và cần tính việc giải quyết cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa.
Trong bối cảnh thuận lợi đó, Nhà xuất bản CÔNG AN NHÂN DÂN trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn “CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA” của ông Lưu Văn Lợi, một nhà nghiêm cứu quen thuộc. Trên cơ sở những tài liệu lịch sử vững chắc, xuất phát từ những tiêu chuẩn được chấp nhận của luật pháp quốc tế, tác giả đã bình tĩnh, khách quan phân tích lập trường của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc để đánh giá khả năng, phương hướng giải quyết vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề Hoàng Sa vì lợi ích của hai nước Việt-Trung, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á.
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN, 1995
LƯU VĂN LỢI
Nhà báo, luật gia, nhà ngoại giao:
- Chủ bút báo tiếng Pháp LA REPUBLIQUE năm 1945, tờ báo tiếng Pháp LEPEUPLE năm 1946 đều xuất bản tại Hà Nội – Thư ký toà soạn tờ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, tờ báo của QĐNDVN (1951)
- Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam (1980-1985)
- Thành viên Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN gặp đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân Đội viễn chinh Pháp tại Hội nghị Trung Giã năm 1954.
Trợ lý đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thuỷ trong các cuộc thương lượng bí mật với ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Nhà trắng (1972-1973).
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị liên hợp bốn bên tại Sài Gòn năm 1973.
Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989).
CHƯƠNG V
…
3. Họ nói Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa.
Bắc Kinh tuyên truyền rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa nhưng sau lại thay đổi thái độ. Họ đã đưa ra bằng chứng là bức thư của Thủ tướng Phạn Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai về vấn đề lãnh hải của Trung Quốc, tuyên bố của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà năm 1965 nói rằng Tây Sa là của Trung Quốc.
Trước hết nói về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Mọi người chắc chưa quên rằng khi đó là thời kỳ của chiến tranh lạnh, đế quốc Mỹ đang can thiệp vào miền Nam Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội. Tuy bị thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, những phần tử diều hâu trong giới quân sự Mỹ vẫn hò hét chiến tranh chống Trung Quốc, hạm đội của Mỹ hoạt động trong eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng phải phòng ngừa một hành động phiêu lưu của hạm đội Mỹ, nhất là từ khi quân Trung Quốc pháo kích liên tục Kim Môn (quémoy) Mã Tổ (matsu). Trong bối cảnh đó, ngày 4-9-1958 Trung Quốc công bố quy định lãnh hải của mình rộng 12 hải lý.
Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm sau đây:
“Thưa đồng chí Tổng lý”
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hai lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.
Ở đây thủ tướng Phạm Văn Đồng không định đề cập đến vấn đề pháp lý, vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không định nói về Hoàng Sa, Trường Sa, mà chỉ nghĩ đến một điều: sự hung hăng của đế quốc Mỹ và hoạt động của hạm đội 7 trong eo biển Đài Loan đe doạ Trung Quốc, do đó thấy cần ủng hộ càng sớm càng tốt việc quy định lãnh hải rộng 12 hải lý để cản tay đế quốc Mỹ.
Những người Việt Nam và Trung Quốc trung thực đã sống những năm 50, 60 đều còn nhớ mối quan hệ giữa nhân dân hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em”, trong ý nghĩ “Trung-Việt nhất gia”, do đó coi bản công hàm đó là biểu hiện của tình hữu nghị Trung-Việt. Nếu ai cho đó là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa thì là đi quá nội dung và mục đích của công hàm, đồng thời phủ nhận tình cảm thiêng liêng trong lòng người Việt Nam, người Trung Quốc thời bấy giờ.
Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây Sa là có thật, nhưng đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Cần đặt các sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử của nó, vào thời gian những năm 1956 đến 1965 khi nhân dân Việt Nam phải đấu tranh chống sự can thiệp xâm lược của đế quốc Mỹ ở cả hai miền.
Tình hình nước Việt Nam khi đó.
Về mặt hành chính, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 Việt Nam tạm chia làm hai miền với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong khi chờ đợi thống nhất. Miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cộng hoà đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương và từ đó đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính, tổ chức khảo sát và khai thác tài nguyên về biển đồng thời kiên quyết bảo vệ hai quần đảo chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của Bắc Kinh cũng như các nước khác. Chính phủ Việt Nam cộng hoà cũng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình tại các hội nghị và tổ chức quốc tế. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam cùng với Chính phủ Sài Gòn đã tham gia ký kết Định ước về Việt Nam và đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trách nhiệm quản lý lãnh thổ bên này bên kia vĩ tuyễn 17 là rõ ràng.
Về mặt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ năm 1965 nhân dân Việt Nam phải đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc. Đây là một cuộc chiến tranh ác liệt nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó lực lượng quân sự cực mạnh của Mỹ đã huy động tất cả bộ máy chiến tranh của nó từ pháo đài bay, thiết bị điện tử đến vũ khí hoá học. Nhân dân thế giới coi đây là cuộc chiến đấu giữa David và Goliath và coi cuộc chiến tranhViệt Nam là vấn đề lương tri của thời đại. Nhân dân Việt Nam nhất định không thể chịu để mất nước một lần nữa và quyết định làm tất cả cái gì có thể làm được để chống xâm lược, đó là vấn đề sống còn của cả dân tộc Việt Nam.
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa đế quốc ngay từ khi mới ra đời và cũng ngay từ đó các nước thuộc địa hoặc mới giành được độc lập đều coi Bắc Kinh là niềm tin và hy vọng. Trung Quốc không muốn đụng đầu một lần nữa với đế quốc Mỹ, nhưng cần phải tiếp tục giương cao ngọn cờ chống đế quốc, tiếp tục giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc. Việt Nam lại là một nước xã hội chủ nghĩa, một nước láng giềng anh em, “núi liền núi, sồng liền sông”. Trong tình hình đó, Trung Quốc trở thành đồng minh trên thực tế của Việt Nam về chính trị, tinh thần và vật chất. Họ đã gửi sang Việt Nam vũ khí, đạn dược, lương thực, xe cộ và dành con đường quá cảnh cho hàng viện trợ của Liên Xô và Đông Âu và các nước khác. Người Việt Nam và Trung Quốc coi quan hệ giữa hai nước như “môi với răng”.
Mỹ cũng không muốn một lần nữa đụng đầu với Trung Quốc. Việt Nam muốn gắn chặt cuộc kháng chiến của mình với Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Việt Nam chân thành tin cậy Trung Quốc và cho rằng chiến tranh xong mọi vấn đề lãnh thổ sẽ đượch giải quyết tốt đẹp giữa những người “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Về lý luận và thực tiễn đối với người Việt Nam đó là tình đoàn kết quốc tế.
Phải đứng trên tinh thần đó của nhân dân Việt Nam và bối cảnh những năm 50-60 để hiểu các tuyên bố nói trên. Và cũng để hiểu hành động của những đồng minh của Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1949 quân đội nhân dân Việt Nam, theo yêu cầu phối hợp của những người cộng sản Trung Quốc ở phía Nam, đã đưa quân vào vùng Thập Vạn Đại Sơn Tây, dãy núi lớn giữa hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, tiêu diệt nhiều vị trí quân sự của Tưởng Giới Thạch, giải phóng được Trúc Sơn (lãnh thổ Trung Quốc) và sau đó đã trao trả Trúc Sơn cho quân giải phóng Trung Quốc. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1945, năm 1955 Pháp rút khỏi miền Bắc vĩ tuyến 17 và đảo Bạch Long Vĩ khi đó quân đội nhân dân còn bận tiếp quản và quản lý các nơi khác mà Pháp đã trao trả, cho nên trước mắt không đủ sức quản lý đảo Bạc Long Vĩ ở cách xa Hải Phòng 170km, họ đã phải nhở Trung Quốc quản lý hộ. Phía Trung Quốc đã chấp nhận và năm 1957 đã trao trả phía Việt Nam đảo và còn tặng một tầu thuỷ nhỏ để đảm bảo sự liên lạc giữa đất liền và đảo. Sự tin cậy của Việt Nam đến mức là khi Trung Quốc giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Tổng cục đường sắt Việt Nam đã chấp nhận một văn bản có ghi điểm nối ray giữa hai nước “đi qua đường quốc giới”, vào sâu lãnh thổ Việt Nam 316 mét so với đường biên giới chính thức giữa hai nước đã xác định trong Hiệp định đường sắt Việt-Trung ngày 25-5-1955.
Việt Nam cũng đã cư xử như thế với những anh em người Lào. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, phía Việt Nam đã tạm để một số lãnh thổ của Việt Nam cho lực lượng yêu nước Lào làm căn cứ hoạt động như vùng Na Mèo (tỉnh Thanh Hoá), vùng Keng Đu (tỉnh Nghệ An). Cũng như lực lượng yêu nước Lào đã đồng ý tạm để Việt Nam xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh trên một bộ phận lãnh thổ Lào giáp với Việt Nam (những vùng đất gọi là giải phóng, do lực lượng yêu nước Lào quản lý).
Sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã cùng nhau giải quyết thoả đáng mọi vấn đề: Việt Nam đã trả lại Lào những lãnh thổ đã mượn của Lào và Lào đã trả Việt Nam những lãnh thổ đã mượn của Việt Nam. Ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai nước đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở tôn trọng đường biên giới vốn có, khi hai nước tuyên bố độc lập năm 1945.
Quan hệ giữa PLO và nước A Rập ngày nay, về nhiều mặt, cũng tương tự mối quan hệ giữa Việt-Trung Quốc và mang dấu ấn của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Nói đây là một đặc điểm của thời đại cũng không có gì là quá đáng.
Những lời giải thích trên đây có thể được chấp nhận hoàn toàn, một phần hay không được chấp nhận . Mặc dầu vậy những lời tuyên bố nói trên không phải là sự tuyên bố của Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và vẫn phản ảnh một sự thật trong giai đoạn tốt đẹp nhất của tình hữu nghị Việt-Trung.
*
* *
Trung Quốc rất quan tâm tuyên truyền vấn đề bản đồ, họ đã đưa ra nhiều bản đồ. Đây không phải là vấn đề quan trọng, nhưng cũng cần nêu thêm một vài nhận xét:
1. Trung Quốc luôn luôn nói các đảo Nam Hải là phần cực Nam của Trung Quốc và đưa ra nhiều bản đồ. Nhưng họ lại không dẫn chứng những sách hoặc bản đồ cổ của Trung Quốc chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Chẳng hạn đoạn tổng luận của cuốn Trung Quốc địa lý giáo khoa thư đã viết:
“Phía Nam từ vĩ độ Bắc 180 13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu đảo Hải Nam, phía Bắc đến vĩ độ 530 50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía Tây đến kinh tuyến 420 11’, tận cùng là núi Tùng Lĩnh, Nam bắc gồm hơn 36 độ, rộng hơn 7.100 dặm, Đông Tây gồm hơn 61 độ, dài hơn 8000 dặm. Diện tích 32.605.156 dặm vuông, chiếm ¼ Châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả Châu Âu”.
Tổng luận đó hoàn toàn ăn khớp với Hoàng thanh trực tỉnh toàn đồ năm 1862 đời vua Đồng Trị và Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ năm 1894 đời vua Quang Tự, đều là bản đồ chính thức, mà không vẽ các quận đảo Tây Sa và Nam Sa.
Trong Quảng Đông dư địa đồ năm 1897 đời vua Quang Tự do tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuân đề tựa, có Quảng Đông toàn tỉnh dư địa tổng đồ và Quỳnh Châu phủ đồ cũng không vẽ bất cứ quần đảo nào ở biển Nam Hải, phù hợp với lời dẫn ghi giới hạn “cực nam” của lãnh thổ Trung Quốc là “núi ngoài cảng Du Lân, Châu Nhai”.
Theo các án lệ, giá trị của các bản đồ trong một cuộc tranh chấp về chủ quyền chỉ là tương đối. Phán quyết của trọng tài Max Huber trong vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và hà Lan đã nhận xét:
“…Chí với một thái độ cực kỳ chân trọng mới có thể tính đến việc dùng các bản đồ để giải quyết một vấn đề về chủ quyền lãnh thổ…”
Phán quyết còn nói rõ hơn:
“Khi mà trọng tài biết chắc chắn rằng có những sự kiện pháp lý có tính chất quyết định của những người vẽ bản đồ mà không rõ họ lấy nguồn tin ở đâu thì hoàn toàn có thể bỏ qua giá trị của các bản đồ dù cho nó có nhiều và được đánh giá cao đến đâu chăng nữa”
Vấn đề giá trị của những bản đồ của phía Trung Quốc đưa ra như trên thế là rõ.
...
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment