Thursday, September 11, 2008

Kế hoạch 31 ngày xâm lấn Việt Nam của Trung Quốc?

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-09-09

Những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo trên biển đông đang ngã theo một khuynh hướng mới khi gần đây xuất hiện một trang web cổ vũ một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

( bấm vào mũi tên ngang để nghe )

RFA graphic

Bản đồ Hiệp ước Biên giới Đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Địa chỉ website này nằm bên trong lãnh thổ Hoa lục mang tên www.Sina.com , chứa đựng những thông tin cực kỳ hiếu chiến đề ra một kế hoạch được gọi là 31 ngày xâm lấn Việt Nam.

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh

Với một số lượng rất lớn người đăng nhập hàng ngày hiện nay thì liệu hậu quả của nó ra sao? Và câu hỏi lớn hơn ai là người đang đứng phía sau để cổ vũ hành động sai trái này và với mưu đồ gì? Mặc Lâm có bài viết sau đây mời quý vị theo dõi.


Luận điệu hiếu chiến
Tờ South China Morning Post số ra ngày 5 tháng 9 cho biết một địa chỉ web site mang tên Sina.com cùng ít nhất ba trang mạng khác có cùng nội dung đã đưa một kế hoạch mang tên "Càn quét Việt Nam trong vòng 31 ngày".

Các địa chỉ này nằm bên trong lãnh thổ của Trung Quốc nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh làm như không biết gì tới những hoạt động cực đoan này.

Kế hoạch tấn công Việt Nam được chi tiết hóa từng phần, trong đó bắt đầu với việc đưa hơn 300.000 bộ binh sang Việt Nam xuất phát từ Vân Nam và Quảng Tây tiến sâu vào miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó một lực lượng hải quân khác sẽ chận các ngã đường tiến vào Việt Nam trên hải phận của Biển Đông.

Nhà nước Trung Quốc không bao giờ để một trang có vấn đề nào trên mạng quá ba ngày vì họ kiểm soát rất gắt những trang web có những thông tin nguy hại cho những nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.


GS Ngô Vĩnh Long
Kế họach này cũng đưa ra cuộc pháo kích bằng hỏa tiển tầm xa liên tiếp trong vòng 5 ngày nhằm tiêu diệt sức kháng cự của Việt Nam. Kế hoạch cũng đưa ra một quy trình tê liệt hóa tất cả các nguồn thông tin của Việt Nam nhằm hoàn toàn cô lập hóa nước này với thế giới bên ngoài.

Trước những khiêu khích có tính chất nghiêm trọng này, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng chính thức phản đối với Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Hà Nội và cho rằng những động thái này sẽ làm nguy hại đến mối bang giao giữa hai nước.

Trung Quốc trả lời một cách vòng vo rằng chính phủ nước này không khuyến khích một hành động nào như vậy, tuy nhiên việc công dân của họ bày tỏ chính kiến trên mạng thì vẫn được cho phép trong hiến pháp.

Những câu trả lời như vậy trong thời gian hiện nay được xem như một thái độ bất hợp tác vì những diễn biến hồi gần đây chung quanh vụ công ty ExxonMobil bị Trung Quốc đe dọa và phản ứng của Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc vô cùng bực bội.


Vai trò của Bắc Kinh?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Main cho biết đây không phải là vấn đề tự phát của dân chúng Trung Quốc nhưng có một sự nhúng tay nào đó của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong vụ này:

“Tôi tin rằng Trung Quốc không bao giờ để một trang có vấn đề nào trên mạng quá ba ngày vì họ kiểm soát rất gắt những trang web có những thông tin nguy hại cho những nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh”.


http://www.youtube.com/v/0FDvTKN3EPI&hl=en

(Video: Đài truyền hình Hongkong cũng loan tin về làn sóng biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam)

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Châu Á hiện đang tư vấn các vần đề quốc phòng cho Australia cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay thì những lời lẽ trên các trang mạng có chứa những đề nghị tấn công như vậy rất khó mà trở thành hiện thực bởi lẽ, trong thế giới hiện đại một cuộc chiến tranh như thế rất nguy hiểm cho cả hai phía.

Ông cho rằng tuy khó xảy ra chiến tranh ngay lúc này nhưng với sự thúc đẩy liên tục của các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của cả hai nước sẽ dẫn đến tình trạng ăn miếng trả miếng rất nguy hiểm.


Thái độ cần có
Khi được hỏi rằng những kế hoạch khích động chiến tranh như vậy tại một trang web có thể dẫn tới những phản ứng nào từ người dân Việt Nam, một công dân mạng cho biết ý kiến:

“Tôi nghĩ rằng trên trang mạng rất khó mà phản ứng thích hợp vì nhà nước không thể chịu trách nhiệm cụ thể một ý kiến nào từ phía người dân. Vì vậy tơi nghĩ là phản ứng của dân chúng không lớn lắm khi biết đây không phải là trang mạng của chính phủ Trung Quốc”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng trong tình hình hiện nay thì nhà nước Việt Nam không nên quá lo lắng trước sức mạnh của Trung Quốc vì quá khứ đã chứng minh rằng nước nào càng lo sợ thì Trung Quốc càng được dịp lấn sâu hơn.

Ngược lại khi tỏ ra mạnh mẽ chống lại họ thì chừng như Bắc Kinh lại có vẻ dè dặt hơn trong cách đối xử:

“Nhà nước Việt Nam nên lên tiếng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tôi nghiên cứu Trung Quốc từ lâu và biết rằng nước nào càng nhượng bộ thì Trung Quốc càng làm tới.”

Khi được hỏi liệu Việt Nam có nên hợp tác với các nước trong khu vực như Thái lan, Indonesia hay Malaysia để có một lực lượng yểm trợ cho nhau khi gặp sự tấn công của Trung Quốc hay không, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết ý kiến của ông:

“Việt Nam nên liên kết với các nước trong khu vực để tìm đồng minh và có chính sách chủ động hơn. Mặc dù các nước như Úc, Ấn Độ, Nhật khó công khai giúp phương tiện chống Trung Quốc nhưng tiếng nói của họ cũng có sức mạnh nhất định.”

Việc Trung Quốc cho rằng công dân của họ được nhà nước cho phép bày to ý kiến cá nhân trên mạng làm người ta nghi ngờ cách trả lời là thiếu trung thực.

Cho tới nay, không một trang Web nào có chứa những từ để tra cứu như: dân chủ, tự do, Pháp Luân Công hay Tây Tạng, Tân Cương...đều bị tường lửa bao vây, huống chi một trang web công khai như Sina.com lại không bị xóa đã nói lên được phần nào mặt trái của vấn đề.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-InvasdionPlans-and-who-was-behind-the-scene-to-mastermind-MLam-09092008134943.html

No comments: