Friday, September 5, 2008

Thế Giới Sẽ Lâm Vào Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới Hay Một Trật Tự Thế Giới Mới?

Hoàng Đức Nhã

BÀI HỌC NÀO CHO CÁC QUỐC GIA TRÔNG CẬY VÀO MỸ?

Vào cuối tuần lễ đầu tháng Tám vừa qua, trong khi thế giới chứng kiến Trung Quốc ra mắt với buổi lễ khai mạc rất ngoạn mục Thế vận hội Bắc Kinh 2008, quân lực Nga với rất nhiều binh lính, thiết giáp, pháo binh, oanh tạc cơ và chiến hạm xâm chiếm Georgia và tấn công ồ ạt quân đội của quốc gia nhỏ bé này mà tổng lực lượng quân sự chỉ vỏn vẹn 21,000 quân.


Trong khi lực lượng Nga tàn phá và tiêu diệt hầu hết các cơ sở quân sự, từ các bộ chỉ huy các đơn vị tác chiến đến trung tâm hành quân của Georgia, TT Bush và Thủ tướng Nga Vladimir Putin thưởng thức buổi lễ khai mạc Thế vận hội. Tuy nhiên, trong khi TT Bush còn ở lại Trung Quốc Thủ tướng Putin rời Bắc Kinh ngay sau buổi lễ ấy, và đi thẳng đến chiến trận để khuyến khích binh lính Nga.


Sau một tuần chiến tranh, quốc gia Georgia coi như không còn một sức mạnh quân sự nào, với nhiều tổn thương và cơ cấu bị phá vỡ. Lực lượng xâm chiếm Nga vẫn còn trên lãnh thổ Georgia, và Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu bối rối không biết giải quyết vấn đề ra sao.


Thỏa hiệp ngưng bắn giữa hai bên mà TT Pháp Sarkozy đã làm môi giới thực hiện và Ngoại trưởng Condoleeza Rice thuyết phục TT Georgia chấp thuận chỉ là một mảnh giấy phía Nga bất chấp và phía Tây phương không biết làm gì hơn là hù Nga sẽ có những biện pháp trầm trọng trong tương lai!


Mặc dù nhiều quan sát viên chánh trị có thể tranh luận mãi về việc Nga hay Georgia khơi chiến trước hay không, điểm thiết yếu và điều bi thảm là Nga đã chà đạp chủ quyền và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia độc lập trong lúc đó phía Tây phương, từ chánh phủ Hoa Kỳ đến các chánh quyền lớn trong Liên hiệp Âu Châu, và ngay cả Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây dương (NATO), hệ thống quốc phòng và an ninh để chống lại bành trướng Cộng sản Liên Sô trước đây, tỏ ra bất lực.


Vấn đề đặt ra hiện nay có hai phía cạnh: một mặt, liệu Nga sẽ thấy khuyến khích vì thành quả tại Georgia và sẽ vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của một số quốc gia trước đây thuộc Liên Sô? Mặt khác, Tây phương – từ Hoa Kỳ đến Liên hiệp Âu Châu và giới lãnh đạo của NATO - sẽ phải đương đầu với Nga trong một chiến tranh lạnh mới với một cuộc chạy đua quân sự mới, hay là sẽ giàn xếp và thuyết phục các quốc gia bị tấn công chấp nhận một trật tự thế giới mới.


Trên bình diện cao cả hơn, liệu Hoa Kỳ và Tây phương sẽ hy sinh những nguyện vọng của một số quốc gia tập tễnh trên con đường dân chủ, độc lập để khỏi phật lòng siêu cường quốc Nga?


Nguồn gốc cuộc chiến Georgia

Quốc gia Georgia, trước đây là một trong những Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Sô viết thuộc Liên Sô, đã giành được độc lập vào tháng Tư năm 1991, hai tháng trước khi Liên Sô chánh thức tan rã. Sau một thập niên nội chiến và tranh giành quyền hành giữa nhiều phe nhóm, Georgia thật sự bước vào con đường dân chủ sau một biến chuyển chánh trị nội bộ không đổ máu, cuộc Cách mạng Hồng, vào cuối tháng 11 năm 2003 và sự đắc cử của đương kim Tổng thống Saakashvili vào tháng Giêng 2004.


Ngay sau khi giành độc lập quốc gia Georgia trải qua nhiều chính biến, đặc biệt là đòi hỏi được ly khai của chánh quyền hai vùng biệt lập về phía Bắc của quốc gia này – vùng Abkhazia và vùng Nam Ossetia. Những tranh chấp này trở nên trầm trọng hơn khi tânTổng thống Saakashvili tuyên bố sẽ thống nhất hai vùng này.


Tranh chấp giữa chánh phủ Georgia và chánh quyền hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia gây nhiều đụng độ giữa quân đội của ba bên, và tình hình tương đối bớt căng thẳng nhờ một thỏa hiệp chánh trị tạm thời giữa Georgia và hai vùng này do một lực lượng gọi là để bảo vệ hòa bình giám sát. Lực lượng bảo vệ hòa bình này có binh lính của Nga, Georgia, Abkhazia và Nam Ossetia và đóng trên lãnh thổ của hai vùng này.


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các vệ binh quốc gia dưới quyền chỉ huy của chánh quyền Abkhazia và Nam Ossetia, đặc biệt là các vệ binh Nam Ossetia – và chắc thế nào cũng có sự khuyến khích, nếu không muốn nói xúi dục của Nga – đã ra khỏi ranh giới ấn định bởi thỏa ước chánh trị tạm thời và công khai tấn công quân đội và cơ sở dân sự Georgia.


Những vụ tranh chấp giữa hai vùng muốn ly khai và chánh quyền trung ương Georgia đã tạo cho Nga cơ hội để một mặt, tìm cách lấy lại ảnh hưởng của thời Liên Sô đối với những chư hầu lúc trước, và mặt khác, ngăn chặn ảnh hưởng của Tây phương và tạo cho mình một thế ảnh hưởng việc cung cấp dầu thô từ những giếng dầu ven bờ biển Caspian đến các quốc gia Âu Châu.


Hiện nay, trong ba hệ thống dẫn dầu từ các giếng dầu vùng biển Caspian đến Nga và Tây phương có hai hệ thống không xuyên qua lãnh thổ Nga. Một trong hai hệ thống đó - hệ thống Baku Supsa - đi từ giếng dầu gần thủ đô Baku của quốc gia Azerbaijan xuyên ngang lãnh thổ của Georgia đến Supsa, nơi xuất cảng dầu bên bờ Hắc Hải (Black Sea), để rồi từ đó đến các quốc gia Âu Châu qua eo biển Bosphorus va eo biển Dardanelles gần Thổ Nhĩ Kỳ. Khi xuyên qua lãnh thổ Georgia hệ thống dẫn dầu này đi về phía nam của ranh giới bán chánh thức giữa vùng Nam Ossetia và Georgia – và đây là một yếu điểm chiến lược Nga tìm cách khai thác.


Lịch sử tái diễn

Ai khai chiến trước trong ngày 7 tháng 8 vừa qua giữa các vệ binh Nam Ossetia và quân đội Georgia sẽ là đề tài suy gẫm của sử gia trong những năm sắp đến. Điều quan trọng là Nga đã thừa cơ hội công khai tấn công quân đội Georgia viện cớ là muốn bảo vệ kiều dân của họ và thành viên Nga trong Lực lượng bảo vệ hòa bình trong vùng Nam Ossetia. Trong tuần lễ trước khi một thỏa hiệp ngưng bắn được ký kết quân lực Nga đã phá vở rất nhiều cơ sở quân sự của Georgia và gây nhiều thiệt hại trong hạ tầng cơ sở của quốc gia này, đặc biệt là hải cảng yểm trợ việc xuất cảng dầu trên bờ Hắc Hải.


Có thể TT Saakashvili khi ra lịnh tấn công các vệ binh Nam Ossetia đã tin rằng Nga sẽ không giám can thiệp vì sợ Mỹ và Anh Quốc phản đối. Từ khi đắc cử tổng thống ông Saakashvili đã trở thành một thứ “con cưng” của Hoa Kỳ - ông Saakashvili tốt nghiệp đại học Columbia tại Nữu Ước vào năm 1994 với văn bằng Thạc sĩ Luật khoa (LL.M). Hơn nữa, vì công ty dầu lửa Anh, BP, có phần đầu tư lớn nhất trong hệ thống dẫn dầu Baku Supsa, chánh quyền Georgia tin rằng chánh phủ Anh sẽ can thiệp để bảo vệ quyền lợi của một công ty Anh.


Thế giới đã chứng kiến sự bối rối của Hoa Kỳ, Anh quốc và các quốc gia khác trong Liên hiệp Âu Châu trước thái độ ngạo nghễ của Nga trong việc thi hành thỏa hiệp ngưng bắn. Điều cần chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ đã không lên tiếng phản đối Nga về việc họ tấn công Georgia, và điều này cho thấy rõ Tây phương thật cô đơn trong việc kêu gọi thế giới lên án hành động xâm lăng của Nga và tích cực giúp đỡ Georgia.


Trong lịch sử thế giới nhiều khi những diễn biến nhỏ có thể báo hiệu cho những thay đổi trọng đại. Duyệt lại lịch sử thế giới ta cần nhớ rằng đúng 40 năm trước đây 200,000 quân lính Nga và đồng minh thuộc Khối Warsaw đã công khai tấn công và chiếm đóng Tiệp Khắc, một diễn biến được lịch sử ghi lại là kết thúc của Mùa Xuân Prague, một thời điểm chánh quyền Tiệp Khắc lúc ấy muốn phát động phong trào cải cách chế độ xã hội chủ nghĩa và mở rộng tự do, trong đó có tự do báo chí và tự do di chuyển.


Ông Leonid Brezhnev, lãnh tụ Liên Sô lúc ấy, bất chấp các phong trào biến chuyển trên thế giới đã bóp nghẹt phong trào cởi mở chớm nở tại Tiệp khắc vì sợ ảnh hưởng dây chuyền tại các quốc gia khác thuộc Liên Sô, cũng như quân đội Nga đã đập tan cách mạng tại Hung Gia Lợi vào năm 1956. Trong những tuần qua Thủ tướng Nga Valdimir Putin và bộ hạ của ông ta, Tổng thống Medvedev, đã cho thế giới thấy rằng họ chủ tâm trở lại thời điểm Liên Sô trước khi ông Gorbachev thực thi chương trình cải cách Perestroika vào tháng Sáu năm 1987.


Chiến tranh lạnh mới hay trật tự thế giới mới?


Trong chuyến viếng thăm thủ đô Ba Lan trong những ngày qua để ký thỏa hiệp thiết lập hệ thống chống hỏa tiển của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Ba Lan Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice khi đề cập đến chiến cuộc tại Georgia nói rằng “Tôi không nghĩ rằng đây là một chiến tranh lạnh mới”.


Thật ra những động lực chánh trị chi phối thế giới trong thời kỳ chiến tranh lạnh khác nhiều với những động lực hiện nay. Thế giới hiện đại khác với thời điểm hai khối tự do và cộng sản đối đầu với nhau trên những chiến tuyến cố định và rõ ràng. Ngày nay Nga không còn là một đế quốc độc lập do xã hội chủ nghĩa chi phối một cách cứng rắn, và Tây phương không còn tập trung vào một đối thủ duy nhất.


Hiện nay thế giới phải đối phó với những vấn đề gọi là vấn đề không biên giới – như vấn đề năng lượng, môi sinh, khủng bố, mậu dịch, tài chánh và ngay cả vấn đề mafia toàn cầu – cần sự cộng tác giữa Tây phương và Nga, Trung Quốc, v.v.. Vấn đề Iran chỉ giải quyết được khi có sự cộng tác tích cực của Nga.


Nhưng nếu họ nghĩ rằng việc Nga tấn công Georgia không có nghĩa là thế giới đang trở về một loại chiến tranh lạnh mới thì các chuyên gia và giới ngoại giao cho rằng tấn công chớp nhoáng của Nga tại Georgia biểu tượng cho một thế giới mới. Chưa ai biết chắc được sắc thái của thế giới mới đó như sao.


Liệu Nga sau khi cho Georgia một bài học mà Tây phương không trả đũa được sẽ lộng hành và xâm chiếm các quốc gia chư hầu lúc trước như Ukraine, Ba Lan, Azerbaijan và ba quốc gia vùng Baltic – Estonia, Latvia và Lithuania?


Và trong trường hợp đó Tây phương, đặc biệt là Hoa kỳ sẽ phản ứng như sao? Loại Nga khỏi tổ chức G8 gồm các quốc gia giàu nhất thế giới? Đình trệ việc Nga gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO? Hay là Hoa Kỳ tích cực giúp đỡ các quốc gia này có khả năng quân sự có thể giúp họ đối đầu với ý đồ xâm lăng của Nga?


Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu cần tìm một giải pháp để đối phó với mưu đồ của Nga kẻo quốc gia này chà đạp luật lệ quốc tế và áp dụng luật rừng của họ. Sau khi Liên Sô xâm chiếm A Phú Hãn TT Hoa Kỳ Jimmy Carter tẩy chay Thế vận hội mùa đông tại Mạc Tư Khoa vào năm 1980, áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, cung cấp viện trợ quân sự cho A Phú Hãn và dọn đường cho chương trình tân trang quân sự của TT Reagan sau đó.


Hoa kỳ chỉ hủy bỏ những thao diễn giữa hạm đội Mỹ và Nga và gởi viện trợ nhân đạo cho Georgia. Âu Châu thì giữ im lặng ngoại trừ hành động có phần tự đề cao của TT Pháp Sarkozy và cuộc viếng thăm thân hữu tượng trưng của Thủ tướng Đức tại thủ đô Georgia.


Hoa Kỳ và Tây phương cần khẩn cách phác họa và thi hành một chiến lược để đối phó với Nga kẻo bị đồng minh nghĩ rằng hai khối cường quốc này đã trở thành một bà mụ giúp đỡ đẻ ra một đế quốc Nga mới.


Quan trọng hơn hết là Hoa Kỳ và Âu Châu cần chống đối hữu hiệu những xu hướng – trong đó có xu hướng của ứng cử viên Dân Chủ Obama – cho rằng không nên giúp đỡ các quốc gia đối đầu với Nga kẻo khai trương một chiến tranh lạnh mới và trái lại, cần áp dụng chánh sách nhân nhượng để giải quyết khủng hoảng Georgia hay những khủng hoảng tương tự trong tương lai. /.

(T D)

No comments: