Thursday, September 11, 2008

BA MƯƠI THÁNG TƯ, CHIẾN THẮNG HAY CHIẾN BẠI CỦA TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Chu Chi Nam

Phạm văn Đồng, Thủ tướng cộng sản, người đã ký công hàm ngày 14/9/1958 gửi Thủ tướng Trung Cộng về vấn đề hải phận 12 hải lý, gây nên sự khó khăn về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chính ông đã tuyên bố trước báo chí quốc tế và quốc nội vào năm 1986 : « Chúng tôi đã chiến thắng chiến tranh ; nhưng chúng tôi đang chiến bại hòa bình. « Từ đó đến nay, xét về ngày 30/04/1975, xét sự tiến triển tình hình quốc nội và quốc ngoại, quốc nội thì kinh tế tụt hậu, giáo dục xuống cấp, luân lý và đạo đức băng hoại, quốc ngoại thì « Liên Sô, thành trì cách mạng » , « Đông Đức, thiên đàng cách mạng » của cộng sản Việt Nam, nay đã sụp đổ ; nhiều người cũng cho rằng cộng sản Việt Nam đang chiến bại trong hòa bình. Có phải thật thế không ?


Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề trên.


Thật vậy, theo Tôn Tử, nhà tư tưởng quân sự Đông phương cách đây cả hơn 2 000 năm có viết :


« Đem quân phơi dãi lâu thì khoản tiêu dùng trong nước phải không đủ… Này cùn binh, nhụt khí, cạn sức hết tiền, thì Chư hầu thừa dịp núng của mình mà khởi lên, tuy người có trí năng cũng chẳng thể giữ trọn vẹn ở sau được.. Cho nên việc binh, thà vụng mà chóng, chứ không nên kéo dài mà lâu. Việc binh kéo dài mà nước lợi, chưa từng có vậy « ( Tôn Ngô binh pháp – Ngô văn Triện dịch – trang 41) Người ta có thể nói, vì Hồ chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam kéo dài chiến tranh, làm cho đất nước sức cạn hết tiền, Chư hầu Trung cộng lợi dụng thế núng, ép phải dâng đất, nhượng biển.


Không nói đâu xa, Đức Trần Hưng Đạo, người đã được dân Việt tự tôn lên thành Thánh, chứ không như Hồ chí Minh mà đảng cộng sản bắt buộc dân phải tôn thờ. Đức thánh Trần đã 3 lần đánh bại quân Mông Cổ, quân đội hùng mạnh nhất thế giới vào đầu thế kỷ thứ 13, trước khi chết, được vua Trần anh Tôn vấn kế, Đức Thánh Trần đã trả lời :

« Làm thế nào thu hút quân lính như cha con một nhà mới có thể dùng để chiến thắng được. Và phải khoan dùng sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hơn. » ( Trần hưng Đạo - Binh thư Yếu lược – trang 23 – Nhà xuất bản Quê mẹ - Paris 1988). (1)

Ngài còn luận về tướng như sau :


« Khí tượng của tướng, lớn nhỏ khác nhau. Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến quần chúng oán ghét, đó là tướng chỉ huy mười người. Tướng mà dậy sớm, khuya nằm, lời lẽ kín đáo, đó là tướng chỉ huy được trăm người. Tướng thẳng mà biết lo, mạnh mà giỏi đánh, đó là tướng chỉ huy được ngàn người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà gần người hiền, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, thành thực, rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được mười vạn người. Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc ngưới, coi bốn bể như một nhà, đó là tướng chỉ huy cả thiên hạ, không ai địch nổi. » ( Sách vừa dẫn – trang 15).


Xét về « Chiến thắng ngày ba mươi tháng tư » , xét những tướng tá cộng sản, từ Hồ chí Minh tới Võ nguyên Giáp, Lê đức Anh, chúng ta thấy quả thật đây là những tướng tá che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến quần chúng oán ghét, đem quân phơi thây ngoài mặt trận không biết bao chục năm trời. Đây chỉ là những tướng chỉ huy mười người như Đức Trần hưng Đạo đã nói, chỉ là những tướng giết dân hại nước. Và ngày ba mươi tháng tư chỉ là một ngày đại họa cho quê hương, đất nước, cho dân tộc Việt Nam.


Thật vậy, Hồ chí Minh, khi theo Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản, thì chưa phân biệt nổi Đệ Nhị và Đệ Tam là gì, như chính ông tự thú trong quyển sách Những Mẫu Chuyện Về Cuộc Đời Hồ Chủ Tịch, tác giả là Trần dân Tiến, chính là ông. Thêm vào đó ông lại nhập cảng lý thuyết Mác-Lê, chủ trương đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, một lời kêu gọi nội chiến triền miên. Thử hỏi một nước mà có nội chiến triền miên, một gia đình mà con đấu bố, vợ tố chồng, thì đất nước đó, gia đình đó làm sao có thể phát triển kinh tế được. Sự sụp đổ của những chế độ cộng sản bắt đầu chính bằng quan niệm bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp của Karl Marx.


Thêm vào đó, nếu lấy con mắt của nhà chiến lược quân sự đề xem xét, thì những Lénine, Trotski, Mao trạch Đông, Hồ chí Minh, Võ nguyên Giáp chỉ là những người giỏi về chiến thuật chứ không biết về chiến lược.


Ngô tử, cũng là một nhà tư tưởng quân sự Đông phương, cũng cách đây hơn 2 000 năm, có nói :

« Nếu làm không hợp đạo, động không hợp nghĩa thì ở lớn, ngồi sang, tai nạn tất cũng sẽ đến. Cho nên thánh nhân yên bằng đạo, trị bằng nghĩa, động bằng lễ, nuôi băng nhân… Đánh mà thắng thì dễ, giữ được cái thắng mới là khó. Cho nên nói rằng : Những các chiến quốc trong thiên hạ, năm trận thắng thì tai vạ, bốn trận thắng thì tồi tệ, ba trận thắng thì làm nên nghiệp bá, hai trận thắng thì làm nên nghiệp vương, một trận thắng thì làm nên nghiệp đế. Ấy cho nên những người năng thắng mà được thiên hạ thì ít, chỉ mất thì nhiều . » ( Tôn Ngô Binh Pháp- trang 269).


Đọc câu trên, nhiều người ngạc nhiên, tự hỏi tại sao chiến thắng nhiều lại tai vạ, « năm trận thắng thì tai vạ » , trong khi « Một trận thắng thì làm nên nghiệp đế » , chức cao nhất trong thiên hạ, hơn cả nghiệp vương và nghiệp bá. Thực ra thì cái nhìn của Ngô tử là cái nhìn của nhà chiến lược, biết nắm vững tình hình, biết gồm thâu tất cả các trận đánh vào một trận đánh chính trị, mang ý nghĩa chiến lược cuối cùng, để giải quyết tất cả những vấn đề của chiến tranh cùng một lúc, để tiết kiệm xương máu cho quân và cho dân, không những cho quân và cho dân bên mình,mà cả bên địch. Đây là người giỏi trong những người giỏi, khác với những nhà chiến thuật phải đánh hết trận này qua trận nọ, dù là chiến thắng, nhưng chết quân chết dân, hao tổn tài nguyên quốc gia.


Chính vì vậy mà Tôn Tử còn nói thêm : « Phàm cách dùng binh, lành nước là hạng trên, vỡ nước là hạng kém, lành quân là hạng trên, vỡ quân là hạng kém. Không đánh mà khuất phục được quân người, ấy là người giỏi trong những người giỏi. »


Xét về «Chiến thắng Ba mươi tháng Tư » , chúng ta thấy CSVN thắng được quân miền Nam, nhưng làm cho quân miền Nam tan, lấy được thành miền Nam, nhưng làm cho quân miền Nam vỡ. Thậm tệ hơn nữa, ngày hôm nay, không những quân miền Nam tan, mà quân miền Bắc cũng bắt đầu tan ; không những thành miền Nam vỡ, mà thành miền Bắc cũng bắt đầu vỡ. Tình trạng tụt hậu kinh tế, băng hoại xã hội, suy đồi đạo đức, lời nói của cựu đại tá cộng sản, cựu Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quân đội Nhân dân, Phạm quế Dương: « Cộng sản vừa bất tài, vừa bất lực, vừa bất nhân », của nhà văn Dương thu Hương : « Dân tộc Việt Nam dù có mù chữ chăng nữa cũng thấy mặt giới lãnh đạo cộng sản vừa tối tăm, ngu dốt, vừa ác ôn côn đồ và hèn hạ » ; cùng những cảnh « đầu đường đại tá vá xe, cuối đười thiếu tướng bán chè đậu đen » . Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ rằng cộng sản Việt Nam đang chiến bại hòa bình. Những người Việt đấu tranh cho quốc gia dân tộc, cho tự do, dân chủ, nhân quyền, (1) hãy tin tưởng rằng mình đang chiến thắng trong hòa bình, can đảm đứng lên đấu tranh. Hãy tận nhân lực, tất số mạng sụp đổ của chế độ độc tài cộng sản phản dân, hại nước, phản dân chủ, nhân quyền , sẽ đến !

http://www.tiengnoigiaodan.net/anews/0804_111.html

No comments: