Tuesday, September 2, 2008

Hoàng Sa “Ngoại Sử”

Hoàng Sa “Ngoại Sử”
Bài 2

Xem ra việc đòi Hoàng Sa và Trường Sa bây giờ là khó lắm!
Về quân sự, dù Cộng Sản Hà Nội có gan cùng mình đi nữa, dám chống lại Trung Cộng, đem quân chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thì chắc chắn Quân Đội Việt Cộng không thể nào chống lại nổi quân đội Trung Cộng.

Tháng 1 năm 1974, sau khi nổ súng bắn nhau với tàu của Trung Cộng, thấy yếu thế, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tính tăng cường thêm hai chiến hạm nữa thì bộ Tư Lệnh Hạm Đội 7 cảnh cáo, nếu chúng ta tăng cường thêm hai chiến hạm, (coi như đã tăng cường hết sức của mình) thì Trung Cộng sẽ cho thêm 17 chiến hạm, từ Hải Nam xuất hiện, tham gia trận hải chiến. Liệu thế chống không lại lực lượng Tàu Cộng quá đông, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đành chịu thua.

Bây giờ, Hải Quân Việt Cộng cũng chẳng tài giỏi, chẳng mạnh hơn, nên không thể đương đầu với hải quân Trung Cộng, nếu hải chiến giành hải đảo xảy ra.

Trung Cộng chỉ sợ có Hạm Đội 7 mà thôi. Vì sợ Hạm Đội 7 nên Trung Cộng không dám đụng tới Đài Loan, để cho ông Tưởng Giới Thạch, khi còn sinh tiền, tuyên bố hung hăng, năm nào cũng đòi “Giải phóng lục địa” nhưng chỉ đứng yên một chỗ ngoài Đài Loan mà nói chõ vào Bắc Kinh. Trung Cộng cũng chỉ nổ pháo vào hai đảo Kim Môn, Mã Tổ gần bờ biển tỉnh Phúc Kiến chớ chẳng dám tiến xa hơn.

Kể từ khi Mỹ ký hiệp đình hòa bình Paris để chạy làng, biết chắc Hạm Đội 7 không che chở cho Việt Nam nữa, nên Trung Cộng mới dám đánh chiếm Hoàng Sa, trước 1975, và Trường Sa, sau khi Cộng Sản Bắc Việt thôn tính hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Mấy lâu nay, trên biển Đông, coi bộ Trung Cộng đe bên nầy, dọa bên kia, hung hăng lắm, nhất là những hành vi tàn ác như đánh phá ghe thuyền và bắn giết ngư dân Việt Nam.

Nếu như Mỹ lập căn cứ ở Cam Ranh, làm tên Sen Đầm đứng gác ở Ngã Tư Quốc Tế ngoài biển Đông, thì tình hình sẽ khá lên đấy. Nói như vậy, có thể có người cho rằng tôi là tên bán nước cho Mỹ.

Nếu không bằng giải pháp quân sự để chiếm lại hải đảo thì chúng ta lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa bằng gì? Bằng biểu tình đã đảo Trung Cộng, đòi hỏi chúng trả đảo cho ta được không?

Cỡ như vụ Thiên An Môn, hàng chục ngàn sinh viên học sinh Trung Cộng biểu tình chống lại đường lối chính sách của đảng Cộng Sản Trung Hoa, bọn chúng đem quân đội, xe tăng ra đàn áp khốc liệt, chưa xem dân tộc của chúng cũng như dư luận thế giới là cái gì cả, thì việc biểu tình và hô khẩu hiệu của thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam sẽ đi tới đâu, liệu Trung Cộng có ngán mà trả Hoàng Sa, Trường Sa lại chăng? Điều Trung Cộng e ngại nhất, không phải là ở ai hết, nước nào hết, mà chính là ở chính họ. Tháng 8 tới đây, họ tổ chức Thế Vận Hội Olympic. Họ muốn thành công, không muốn bị Tây Phương, đặc biệt là Mỹ tẩy chay như thế vận hội 1980 ở Mascơva, Liên Xô. Tuy nhiên, từ đây đến đó, thời gian còn ngắn quá, những cuộc biểu tình của người Việt trong nước và hải ngoại đòi lại đảo, liệu có ảnh hưởng ít nhiều đến Thế Vận hội Bắc Kinh 2008, hay đến lúc đó, dân giàu có ở Việt Nam, các tay tư bản đỏ lại lên máy bay đi Bắc Kinh xem Thế Vận Hội khai mạc để cho bàn dân thiên hạ biết rằng “Tôi bây giờ giàu có lắm!”, lại có thêm mấy ông hải ngoại cùng tham gia cho có vẻ “hòa hợp hòa giải” giữa những người giàu có với nhau!

Nếu người Việt trong nước và hải ngoại có gây được chút áp lực gì với Bắc Kinh đi nữa, thì Bắc Kinh sẽ làm gì?

- Trước hết, Trung Cộng gọi mấy tên đầu sỏ ở Bắc Bộ phủ, cảnh cáo ít lời, là mấy ông ấy rét run, sợ muốn té đ…, bèn ra lệnh cho Công An đi dẹp biểu tình, là xong. Nói cho ngay tình, ngay trong bộ chính trị cũng có người chống Trung Cộng đấy, không ngoan ngoãn với Tàu Cộng như những tên bảo thủ Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, nhưng liệu phe thân Mỹ đã đủ mạnh để làm khác ý muốn phe bảo thủ được chăng?

Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo gọi giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tới mà bảo rằng: “Các đồng chi thiếu tinh thần quốc Tế Vô Sản. Hoàng Sa, Trường Sa hay ngay cả lãnh thổ, dân tộc Việt Nam đi nữa, với chủ nghĩa Mác, với thế giới đại đồng, với tinh thần quốc tế vô sản, đòi hỏi như thế là còn “cục bộ”.


Ngày trước, năm 1958, khi Hồ Chí Minh biểu Phạm Văn Đồng, ký công hàm ghi nhận và tán thành thông cáo của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, là đầy đủ ý thức và tinh thần quốc tế vô sản đấy! Nếu chính phủ Hà Nội không quản lý Hoàng Sa và Trường Sa thì nên để những hải đảo ấy cho Trung Quốc hơn là để cho Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Trung Quốc thuộc thế giới Cộng Sản còn Việt Nam Cộng Hòa thuộc thế giới tư bản, đế quốc, mặc dù nhân dân Miền Nam cũng là người Việt Nam. Việt Nam hay không, điều đó không quan trọng bằng chủ nghĩa quốc tế.

Năm 1946, khi nghe tin ở Việt Nam toàn dân kháng chiến chống Pháp giành độc lập, tướng Nguyễn Sơn, một người tốt nghiệp trường Hoàng Phố, từng tham gia cuộc “Vạn Lý Trường Chinh” nổi tiếng thế giới (!!!) của Mao, xin với Mao cho về Việt Nam để cùng dân tộc tham gia chống Pháp. Mao cho về, nhưng theo giáo sư Hoàng Văn Chì trong “Từ Thực dân đến Cộng sản”, Mao nói riêng với Hồ Chí Minh rằng Nguyễn Sơn thiếu “tinh thần quốc tế vô sản”. Lời nói riêng ấy khiến Hồ sợ Mao, nên Hồ chỉ cho Nguyễn Sơn làm tư lệnh Liên khu 4, một liên khu lãnh thổ thì nhỏ mà lại không có quân đội, trở thành một “tướng không quân”. Buồn tình, tướng Nguyễn Sơn tập trung đám văn nghệ sĩ Hà Nội tản cư ở Thanh Hóa mà sinh hoạt!

. Ông cũng là người yêu thích văn nghệ. Về sau, đụng chạm với tướng Giáp, Sơn chê Giáp chẳng xuất thân ở một trường quân sự nào hết, bị Hồ bỏ bê, không dùng tới, nên tướng Nguyễn Sơn xin trở về lại bên Tàu.

Liệu các nhà lãnh đạo ngồi ở Bắc Bộ phủ có “tinh thần độc lập dân tộc” như thế nào, có “tinh thần quốc tế vô sản” như thế nào?

Nếu họ có tinh thần độc lập dân tộc thì họ sẽ làm gì? Sẽ ủng hộ, hoan nghênh, hướng dẫn cho các lực lượng đấu tranh chống Tàu giành lại các hải đảo.

Nếu theo gương Hồ Chí Minh, giữ vững “tinh thần quốc tế vô sản” thì sẽ noi gương Phạm Văn Đồng, một lần nữa, ghi nhận và tán thành… và tự họ biến thành những Phạm Nhan, Trần Ích Tắc.

Nói cho đúng thì các nhà lãnh đạo ở Bắc Bộ phủ sợ các cuộc biểu tình tự phát, nghĩa là những cuộc biểu tình không do họ tổ chức và kiểm soát. Có hai điều đáng e ngại:

Một là các phần tử thanh niên, sinh viên, học sinh có nhiệt tâm, nhiệt tình, hăng hái, sẽ hướng dẫn lèo lái các cuộc biểu tình vượt ra ngoài những khuôn phép, tiêu chuẩn mà họ mong muốn. Đó là chưa kể đám thanh niên, sinh viên, học sinh nầy có thể bị những phần tử xấu (Xấu theo nghĩa của họ) lợi dụng.

Thứ hai, các phần tử chống đối quốc nội, hải ngoại, “các thế lực ngoại quốc thù địch” (Chắc chắn đế quốc Mỹ là đầu sỏ) sẽ tham gia, chi phối, chỉ huy các cuộc biểu tình nầy, chuyển hướng mục đích, tấn công vào thành lũy chế độ xã hội chủ nghĩa Hà Nội, có thể làm cho chế độ Việt Cộng sụp đổ hoàn toàn.

Việt Cộng cũng sợ các cuộc biểu tình sẽ như vết dầu loang, cháy tràn lan; nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không thể nào dập tắt được. Tất cả mọi việc, ngoài vòng kiểm soát của chính quyền là điều không thể chấp nhận trong chế độ Cộng Sản.

Trường hợp bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” là một ví dụ điển hình? Nhiều người biết bài hát nầy là của Nguyễn Đức Quang, người Miền Nam trước đây. Thế nhưng bây giờ, trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, các thanh niên sinh viên học sinh Saigon lại hát bài đó.

Tất cả những bài hát cũ, nếu bây giờ hát lại là phải có phép: Bài gì? Ai hát? Hát ở đâu, hát vào dịp nào? Thanh niên sinh viên học sinh miền Nam bây giờ muốn khơi lại tinh thần đấu tranh cũ: Đấu tranh gì? Chống độc tài? Chống chính quyền miền Nam? Chống Mỹ can thiệp? Chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Đã giải quyết chưa? Chưa giải quyết trọn vẹn sao nay lại đem ra hát? Hát bây giờ để chống Tầu? Điều nầy cần phải xem lại vì sợ mất lòng Trung Cộng. Hát để chống độc tài? Như vậy có nghĩa là chống chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện tại. Đem bài hát ấy mà hát ngay bây giờ, chắc chắn là điều Việt Cộng không thể chấp nhận. Vậy mà thanh niên sinh viên học sinh Việt Nam bây giờ đang hát! Rõ ràng là những cuộc biểu tình ấy đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ, đã bị “bọn phản động” lèo lái, giật giây…

Giành lại Hoàng Sa, Trường Sa bằng cách nào?

Về mặt quân sự, để cho các nhà quân sự lo liệu tính toán, ước lượng và có kế hoạch. Nhưng nếu không có một sự biểu dương lực lượng, Trung Cộng sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề. Trung Cộng rất ngại đem quân gây chiến với bất cứ nước nào. Trung Cộng là nước lớn, gây chiến tranh với nước nhỏ là điều khó chấp nhận trong tình hình thế giới hiện nay. Khi tấn công Việt Nam năm 1979, Đặng Tiểu Bình phải tuyên bố cuộc chiến tranh đó có giới hạn không gian và thời gian. Ngoài Hạm Đội 7, trên lục địa, còn ngại 40 Sư Đoàn quân đội Liên Xô lúc đó đang đóng dọc theo Hắc Long Giang trên biên giới Nga-Hoa.

Đó cũng là kinh nghiệm của Bush khi tấn công I-Rắq, không ít quốc gia lên tiếng phản đối hay không hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến tranh đó.

Về mặt chính trị và luật pháp, chính quyền Cộng Sản Hà Nội hiện nay không có cách chi nói chuyện với Trung Cộng được cả. Ải Nam Quan có ghi trong lịch sử hẵn hòi, bao nhiêu lần quân Tàu chạy trối chết, cố thoát qua khỏi ải Nam Quan để hú hồn, biết mình còn sống. Vậy mà nay chỗ ấy là lãnh thổ của Tàu, thì nói làm gì tới những hải đảo xa xôi, sử sách còn mù mờ.

Ngoài việc vua Minh Mạng cho dựng bia xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa như tôi trình bày trong bài 1, trước đó, thời các chúa Nguyễn xây dựng xứ Đằng Trong, hay trước nữa, Đinh Lê Lý Trần Lê, có sách sử nào nói rằng Hoàng Sa đã được xác nhận chủ quyền của Việt Nam? Điều nầy chắc phải hỏi ông Trần Gia Phụng, một người viết sử có hạng hiện nay ở hải ngoại. Ngoài ra, nếu quí vị nào biết, xin lên tiếng, giải thích cho dân chúng trong ngoài nước được biết.

Vấn đề “xác nhận chủ quyền đầu tiên” là rất quan trọng. Ai khám phá ra, đến trước, xác nhận chủ quyền thì lãnh thổ ấy thuộc về quốc gia họ.

Ở Việt Nam cũng vậy. Sau khi Tây cai trị nước ta, có anh Tây thực dân tên là Mari, lên cao nguyên, tuốt trong vùng mọi, và tự xưng làm vua. Anh ta tự cho mình là ngươi khám phá ra vùng đất ấy nên có quyền làm vua ở đấy. Tây thực dân ở Đông Dương không làm gì được. Chờ khi anh ta về Pháp thăm gia đình, chính quyền thực dân Đông Dương yêu cầu mẫu quốc không cho anh ta trở lại nữa, coi như quốc gia của anh Tây nầy bị thực dân chiếm đóng luôn.

Vụ Hoàng Sa cũng vậy. Năm 1958, khi tổng thống Ngô Đình Diệm xác nhận chủ quyền Hoàng Sa, chính phủ Pháp ở Paris cũng lên tiếng tranh giành. Họ giải thích rằng khi họ đến xâm lăng Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, Hoàng Sa là đảo hoang, không thuộc chủ quyền ai hết. Chính họ tìm ra đảo nầy và cho quân đến trấn đóng ở đó, (Như trong bài 1, ông chú họ tôi, khi ông là cai lính khố xanh ở toà Khâm Sứ Trung Kỳ, ra đóng đồn ngoài ấy). Không hiểu tại sao sau đó, tôi không thấy chính phủ Pháp lên tiếng gì nữa. Có phải chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho họ xem các tài liệu, như tấm bia của vua Minh Mạng chẳng hạn, xác nhận người Việt Nam đã đến Hoàng Sa trước Pháp từ lâu, và cũng đã xác nhận chủ quyền ở đó, nên chính phủ Pháp tẻn tò và im re?!

Không biết người Tàu, trong ba lần nước ta Bắc thuộc, họ có cắm mốc ở Hoàng Sa để xác nhận chủ quyền hay không? Nếu họ làm việc ấy trước ta thì ta cũng khó khăn khi tranh chấp Hoàng Sa với Tầu đấy. Để rõ hơn, xem người Tàu có làm gì ở Hoàng Sa vào thời xa xưa ấy, lại cũng phải hỏi ông Trần Gia Phụng mới được.

Nếu người Tầu xác nhận chủ quyền Hoàng Sa của họ sau ta thì về mặt lịch sử, họ nắm chắc phần thua, ngoại trừ khi họ căn cứ vào công hàm của ông Phạm Văn Đồng “ghi nhận và tán thành” thì chúng ta cũng “nghẹn ngào.”

Năm học chứng chỉ địa lý với linh mục Nguyễn Hòa Nhã, linh mục có giải thích về mặt biển và thềm lục địa. Về mặt biển, hải phận quốc tế tiến gần vào bờ biển, nhưng chủ quyền ở thềm lục địa thì tính ra rất xa. Mỗi đại lục hay hải đảo đều nằm trên một thềm lục địa, tức là khối đất có lãnh thổ ở trên đó. Giả thử như Hoàng Sa nằm trên thềm lục địa Việt Nam thì hải đảo đó thuộc nước ta, còn như nó nằm trên thềm lục địa Hải Nàm thì nó thuộc nước Tầu.

Một buổi chiều trong dịp Noel năm 1974, tôi được mời đi ăn tối tại một nhà hàng có tiếng ngon ở Cần Thơ. Bữa ăn chỉ có ba người: Người đứng ra mời là một người quen, một ông thanh tra của hãng Shell Việt Nam và tôi. Trong khi chuyện trò, ông thanh tra hãng Shell VN có kể rằng các giàn khoan thăm dò dầu ở ngoài khơi như Bông Hồng, Trái Dừa, v.v… đã tìm thấy dầu và hãng Shell đã mở Champagne ăn mừng. Để biết rõ hơn về các điều linh mục Nguyễn Hòa Nhã dạy tôi cả chục năm về trước, tôi hỏi ông thanh tra căn cứ vào đâu để xác nhận rằng đó là tài nguyên của nước ta, ông thanh tra cho biết tại hãng Shell có tài liệu giải thích về việc đó. Những giếng dầu nầy nằm trong phạm vi thềm lục địa VN nên nó là của VN.

Trở lại vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Các đảo nầy cũng nằm trên thềm lục địa Việt Nam, tại sao Tàu và vài nước Đông Nam Á lại tranh giành?

Người Tàu lại rất đểu. Bây giờ họ tuyên bố Trường Sa nên chia cho các nước chung quanh như Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Việt Nam và cả chính họ, mỗi nước một ít. Chia Trường Sa, tức là Hoàng Sa thuộc phần một mình nước Tàu hưởng. Muốn giành một mình Hoàng Sa thì đem Trường Sa mà khóa miệng các nước nhỏ yếu hơn họ. Sao mà khôn thế?! Chỉ có Việt Nam là thiệt thòi. Cả Hoàng Sa và Trường Sa là của ta. Bỗng dưng “ông” Trung Cộng cướp Hoàng Sa, rồi đem Trường Sa mà chia chung cho bá tánh, để bá tánh im mồm cho Tàu giữ Hoàng Sa một mình. Người Tàu khôn, dĩ nhiên. Người Việt ta thì sao? Không khôn sao? Tôi không bàn được chuyện dân ta nhưng rõ ràng Hồ Chí Minh và cả Phạm Văn Đồng không khôn và là kẻ phản bội, đem đất đai tổ tiên mình để lại mà dâng cho ngoại bang trong cái gọi là “tinh thần quốc tế vô sản”. Đem dâng cho Tàu còn hơn để cho người Miền Nam gìn giữ. Cả bọn nầy ăn cháo lú mất rồi.

Nếu chính phủ Hà Nội gồm những người yêu nước, muốn giành lại lãnh thổ cho nước ta, đưa vấn đề ra trước tòa án Quốc Tế xin xét xử, thì hai vấn đề lịch sử và địa lý như tôi trình bày một cách sơ lược như trên là những dữ kiện để xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Tuy nhiên. “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”. Liệu ta có mạnh hơn Tầu để thắng họ, hay chúng ta cần có sự ủng hộ của các cường quốc, các siêu cường hỗ trợ, để công lý được sáng tỏ.

Có người qui trách cho Mỹ. Mỹ đã bật đèn xanh cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa thì nay Mỹ phải gánh chịu cái trách nhiệm ấy. Bật đèn xanh, khác chi Mỹ xúi Tàu chiếm Hoàng Sa?

Nhưng Mỹ thường hay “phủi tay”. “Khi vui thì vỗ tay vào, Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai!” Ai đây là Mỹ đấy. Ký hiệp định Paris là đẩy miền Nam VN vào hoạn nạn. Vậy rồi sau vụ mất Hoàng Sa, tới vụ mất Phước Long, mất Buôn Mê Thuột, mất Cao Nguyên, mất Miền Trung, mất dài dài… tất cả Mỹ chỉ đứng ngó, phủi tay.

Trưa ngày 21 tháng 2 năm 1972, Nixon cùng Kissinger, Roger tới Bắc Kinh. Chiều hôm đó, Nixon bắt tay Mao Trạch Đông. Bắt được con cá lớn quá, Mỹ bỏ rơi con tép Việt Nam.

Vậy bây giờ có thể nào Mỹ quay trở lại hỗ trợ Cộng Sản Hà Nội lấy lại hoàng Sa, Trường Sa? Mỹ có lợi gì không khi làm việc đó? Lợi gì? Dầu hỏa. Nhưng trữ lượng dầu hỏa ở ngoài khơi VN được bao lăm. Nó có phải là cái rốn của tất cả các giếng dầu trên thế giới. Khi khai thác dầu ở cái rốn thì dầu hỏa tất cả các nơi khác sẽ đổ dồn về đó như Việt Cộng tuyên truyền? Nếu điều đó là đúng thật thì may ra vì dầu hỏa, Mỹ sẽ nhúng tay vào.

Nhưng chuyện Việt Cọng tuyên truyền huyễn hoặc quá, phong thần quá, và phản khoa học quá. Có nghĩa là ngoài thềm lục địa Việt Nam dầu hỏa không nhiều, chẳng thấm thía vào đâu cả. Mỹ biết như vậy nên đã bỏ VN hồi năm 1975, nay trở lại làm gì? Mỹ đang bận bịu với các vùng có dầu hỏa trữ lượng lớn trên thế giới: Iran, Iraq, Ả Rập, Koweit, Venezuela… Dầu hỏa của Việt Nam chỉ là cò con, có lẽ Mỹ không quan tâm lắm. Riêng đối với Tầu, buôn bán làm ăn với Tầu, Mỹ có lợi hơn nhiều. Hoàng Sa là cái lợi nhỏ, nước Tầu là cái lợi lớn. Mỹ bỏ cái nào bắt cái nào?

Tình cảnh Việt Nam bây giờ rõ ràng tuyệt vọng, không biết nhờ vào ai được. Không có chỗ dựa sức mạnh để chống lại ông Tàu không lồ, làm sao đòi lại được lãnh thổ của cha ông để lại.

Một là đưa Tầu ra tòa án Quốc Tế, thưa về việc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, hai là dựa vào các nước Đông Nam Á: “Tầu ăn hiếp được tôi thì sẽ tới phiên các anh.” Nếu các nước Đông Nam Á thấy mối nguy đó trong tương lai thì họ sẽ ủng hộ Viêt Nam đòi Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là tình cảnh “Mãnh hổ nan địch quần hồ.” (Con hổ mạnh khó địch lại một đám chồn đông). Tàu cũng biết vậy, nên vội vàng dụ dỗ vài nước Đông Nam Á bằng cách đem Trường Sa mà chia cho. Tầu có mất cái gì đâu mà giữ được Hoàng Sa.

Người Việt Nam cần có một chính phủ có chính danh. Chính danh là một chính phủ thực sự đại diện cho nhân dân VN, do dân chúng tự do bầu chọn.

Nói tới chính danh là phải nói lại từ đầu, từ khi Tây thất trận. Biến cố tháng Tám 1945, sử gọi là “Việt Minh cướp chính quyền”. Đã gọi là cướp thì không có chính danh, dù vua Bảo Đại có thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh.

Từ biến cố đó, mặc dầu Việt Minh, sau nầy là Việt Cộng có tổ chức bầu cử, nhưng chưa từng có một chính phủ nào thực sự đại diện cho dân chúng VN. Tất cả các cuộc bầu cử đó đều gian lận, bức ép, sắp đặt sẵn.

Trước tòa án Quốc Tế, chúng ta có thể nêu lên vấn đề chính danh mà phủ nhận những điều Phạm Văn Đồng đã “ghi nhận và tán thành.” Phạm Văn Đồng không do dân chúng VN bầu lên một cách tự do và trung thực, nên ông ta không thể đại diện cho dân chúng VN. Ông ta chỉ đại diện cho đảng Cộng Sản VN. Vì vậy, việc “ghi nhận và tán thành đó” là việc làm của đảng Cộng Sản VN. Đảng đó không phải là nhân dân VN và cũng không thể đại diện cho nhân dân VN mà đem lãnh thổ giao cho người Tầu.

Vã lại, tình hình VN lúc đó đang bị chia cắt, Phạm Văn Đồng không thể đại diện cho người Miền Nam, và người miền Nam hoàn toàn không đồng ý với việc “ghi nhận và tán thành” của Đồng.

Nói như thế, rõ ràng là chúng ta cần có một chính phủ thật sự đại diện cho dân chúng VN thì chính phủ đó mới có chính danh, tiếng nói của chính phủ đó mới mạnh, quốc tế phải nể trọng. Như vậy, để có một chính phủ như thế, người Việt Nam chúng ta, trong cũng ngoài, cần phải đánh đổ chính phủ hiện tại ở Bắc Bộ phủ, và tiến tới bầu cử tự do, dân chủ thật sự.

Từ đây đến đó, chúng ta cần có những cuộc biểu tình, phản đối, tẩy chay, bất hợp tác liên tục, nhằm ngăn chận không cho Tầu thực hiện thêm một bước nào khác nữa về Hoàng Sa, Trường Sa.

Chỉ chừng đó, cũng không phải dễ dàng gì!

hoànglonghải

No comments: