Tàu hay Mỹ?
Lâm Thế Nguyên
Là nước nhỏ, Việt Nam ta không tránh khỏi sự chọn lựa khó khăn cho thế ngoại giao thích hợp trong bối cảnh chính trường phức tạp của một thế giới đa diện ngày nay, đặc biệt là đối với các siêu cường. Trong trường hợp chế độ CSVN, câu hỏi khó hơn là: nên chọn thân Tàu để được một sự bảo hộ chính trị cần thiết cho chế độ độc đảng, hay thân Mỹ để có thể phát triển đất nước?
Làm sao để nước ta có thể phát triển trong sự độc lập?
Thật ra sự chọn lựa một chính sách ngoại giao thích hợp không phải là một điều phức tạp, nếu Việt Nam đang có một thể chế tự do và một chính phủ dân chủ. Bởi lẽ, nếu Việt Nam không hiện nằm dưới một chế độ độc đảng Cộng sản, thì tất nhiên là chính phủ Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ chính trị như chế độ CS hiện nay. Hơn thế nữa, khi Việt Nam đã có dân chủ đa đảng thì cộng đồng người Việt ở các nước sẽ có thể là những gạch nối ngoại giao vô cùng hiệu quả.
Tiếc là, vì sự giới hạn của một chế độ độc đảng, NNVN đã gây ra nhiều sai lầm nghiêm trọng trong các chính sách đối ngoại. Trong đó, có một số sẽ trở thành hậu quả lâu dài cho vận mệnh đất nước Việt Nam, điển hình là các hiệp ước phân định lãnh thổ và lãnh hải bất hợp lý với Trung Quốc vừa bị ký kết.
Chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm để tìm kiếm các giải pháp hợp lý nhất.
Với Trung Quốc, tất nhiên, chúng ta cần có một chính sách ngoại giao thật sáng suốt và khôn khéo. Điều thiết yếu là Việt Nam không thể đối đầu, song cũng không thể lệ thuộc Trung Quốc, dù là ở lãnh vực hay giai đoạn nào. Chúng ta không chấp nhận Trung Quốc ở vị trí một nước bảo hộ chính trị cho chế độ cầm quyền, hay vận dụng sự liên hệ với Trung Quốc để mặc cả chính trị với một siêu cường khác.Chúng ta cần khẳng định để Trung Quốc hiểu được rằng, vì vị trí địa lý và quan hệ văn hoá, lịch sử, Việt Nam luôn luôn đánh giá cao sự cần thiết của tình hữu nghị Việt-Trung. Tuy nhiên, Việt Nam có chủ quyền lãnh thổ và danh dự quốc gia, dân tộc cần phải được Trung Quốc tôn trọng. Ngược lại, dân tộc Việt Nam sẽ tự bảo vệ bằng mọi giá như lịch sử đã từng có. Việt Nam muốn Trung Quốc là một nước láng giềng thân thiện và có tinh thần tương kính, tương trợ. Tóm lại, chỉ có chính sách tương kính và tương quan đó mới giúp cho tình hữu nghị của hai nước Việt-Trung được tốt đẹp và bền vững.
Với Hoa Kỳ, chúng ta luôn hoan nghênh mọi thái độ thân thiện và sự yểm trợ cho công cuộc phát triển đất nước Việt Nam. Việt Nam cần sự trợ lực của Hoa Kỳ trong tiến trình hội nhập vào cộng đồng thế giới một cách hữu ích và tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và danh dự của Việt Nam, tương tự như yêu cầu đối với Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ, dù là do đảng nào lãnh đạo, cũng cần rút tỉa kinh nghiệm trong cuộc chiến đã qua để không gây ra sai lầm lịch sử thêm một lần nữa. Trong hoàn cảnh ngày nay, người Việt rất cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để phát triển kinh tế và nhân quyền, song chính phủ Mỹ cũng cần phải luôn quan tâm đến quyền tự quyết của người Việt Nam.
Việt Nam không nên ngả theo bất cứ một phía quyền lực quốc tế nào, dù là Tàu hay Mỹ. Nếu thiếu bản lãnh bảo vệ chủ quyền, Việt Nam có thể sẽ bị đẩy vào thế trận của một “quả độn” trong các ván bài tranh giành ảnh hưởng giữa hai khối quyền lực lần nữa. Tuy nhiên, nếu có đủ khôn ngoan, Việt Nam có thể vận dụng được nhu cầu dung hoà ảnh hưởng của cả hai. Nói khác hơn, nếu nhìn thấy được là cả Tàu và Mỹ đều cần Việt Nam, ít nhất là cần nước ta không đứng hẳn về một phía kia, thì Việt Nam sẽ có một thế đứng ngoại giao vừa quan trọng, vừa có lợi nhiều mặt.
Nói chung, Việt Nam cần giữ thế liên lập về kinh tế, trung lập trong ngoại giao, và độc lập về chủ quyền đất nước.
Lâm Thế Nguyên (ĐVD)
http://www.dvdvn..org/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment