Tuesday, September 9, 2008

SCMP: CSVN âm thầm phản đối "kế hoạch xâm lược" của Trung Quốc

CSVN âm thầm phản đối "kế hoạch xâm lược" của Trung Quốc

Tháng vừa rồi tờ báo mạng http://www.sina.com/   cùng nhiều tờ báo mạng khác của Trung Quốc đã trắng trợn cho khởi đăng một “kế hoạch xâm lược” Việt Nam. Điều lạ lùng là trong khi các tờ báo mạng này đều nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, tất nhiên phải chịu sự kiểm soát của nhà nước Trung Cộng, thế nhưng vẫn được phép đăng tải những bài viết “có thể làm phương hại đến mối quan hệ song phương”. Có phải chăng nhà nước Trung Cộng đã “bật đèn xanh” cho các bài viết này để cảnh cáo đàn em CSVN?

Điều thứ hai nữa là, lá thư phản đối của Lê Dũng mà báo South China Morning Post (Bưu Ðiện Hoa Nam Buổi Sáng) nhắc đến trong bài dịch bên dưới lại không được loan báo ở Việt Nam. Có phải chăng các thông tin liên quan đến mối quan hệ Trung-Việt cũng là thông tin “nhạy cảm”?

Sắp tới đây, nhân dịp đánh dấu 50 năm bức công hàm bán nước do Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958, chắc chắn còn nhiều chi tiết quanh co trong “tình đồng chí” anh em Việt-Trung sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

***

Việt Nam phản đối “kế hoạch xâm lược” của Trung Quốc.
Bắc Kinh bác bỏ những đe doạ đăng tải trên mạng internet
Greg Torode and Shi Jiangtao, South China Morning Post 5/9/2008, Nguyễn Phương Nga lược dịch

Việt Nam đã chính thức phản đối Trung Quốc về cái gọi là “kế hoạch xâm lược” xuất hiện trên nhiều trang web trong lục địa Trung Hoa với nội dung rất chi tiết để chiếm đóng trọn vẹn Việt Nam bằng quân sự.

Hà Nội đã hai lần triệu tập các giới chức ngoại giao Trung Quốc đến để lên tiếng bày tỏ những quan tâm của họ về tài liệu trên, dù nó không có nguồn gốc và rõ ràng là không chính thức, nhưng đã làm giao động giới ngoại giao và quân sự cao cấp ở thủ đô Việt Nam sau khi tài liệu đó liên tục xuất hiện suốt cả tháng qua.

Kế hoạch giả định trên đã đưa ra rất chi tiết về một cuộc xâm chiến trong vòng 31 ngày, khởi đầu là một cuộc tấn công bằng hoả tiễn dài 5 ngày từ đất liền, ngoài biển và trên không, tới cao điểm là một cuộc đổ bộ với 310,000 quân tràn ngập vào Việt Nam, từ các tỉnh Yunan, Guangxi và Biển Ðông. Việc làm nhiễu loạn các làn sóng điện tử của các trung tâm hành quân và thông tin liên lạc của Việt Nam cũng được đề cập đến, cùng với việc đóng chốt ngăn chặn các hải trình trên Biển Ðông.

Bản đồ chi tiết về cái gọi là "kế hoạch xâm lược" Việt Nam trong 31 ngày của Trung Quốc


Kế hoạch được đăng tải trên trang mạng Sina.com và ít nhất 3 trang web khác, nói rằng, "Việt Nam là một mối đe doạ chính yếu cho vấn đề an ninh lãnh thổ Trung Quốc, và là điều trở ngại lớn nhất cho sự trỗi dậy trong hoà bình của Trung Quốc. Việt Nam cũng là trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Ðông Nam Á. Việt Nam cần phải được chế ngự trước nhất nếu Trung Quốc muốn Ðông Nam Á lại nằm dưới sự kiểm soát của mình. Xét từ tất cả mọi khía cạnh, thì Việt Nam là một mảnh xương khó nuốt".

Trong một tuyên bố gởi đến báo South China Morning Post, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Dũng xác nhận rằng giới thẩm quyền Bắc Kinh đã được yêu cầu “phải hành động để các bài báo có nội dung tiêu cực như vậy không xuất hiện trở lại vì có thể làm hại đến mối quan hệ song phương”.

Ông Dũng nói, “Ðây là những thông tin không xác đáng đi ngược lại với xu hướng hoà bình, hữu nghị và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới, và không nằm trong lợi ích của mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Ông Dũng cũng nói thêm rằng Trung Quốc đã nhận được yêu cầu của phía Việt Nam và “tuyên bố rằng bài viết trên không phản ánh tư thế của chính phủ Trung Quốc”.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “những tiếng nói khác thường” trên mạng internet là những hành động đơn lẻ của “một nhóm chỉ có vài người, do đó không có nghĩa là đại diện cho lập trường của Trung Quốc”.

“Chính phủ Trung Quốc đặt tầm quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ Trung-Việt và tích cực quyết tâm củng cố rộng rãi mối quan hệ hữu nghị Trung-Việt.”

Nhiều nguồn tin từ trong nhà nước Việt Nam cho biết rằng họ cảm thấy khó hiểu khi những bài viết đó vẫn còn nằm ở trên mạng vì Trung Quốc thường chủ động kiểm tra nội dung các trang web ở lục địa Trung Hoa.

Nhiều viên chức nhà nước cho rằng các bài viết trên có lẽ bị khuấy động vì những căng thẳng tranh chấp đang gia tăng trên Biển Ðông, là nơi mà Bắc Kinh mới đây đã cố gây áp lực lên các công ty thăm dò dầu khí buộc phải rút ra khỏi các hợp đồng thăm dò với Việt Nam.

Báo The Post tường thuật hồi tháng 7 rằng đại diện của nhà nước Trung Quốc đã cảnh cáo công ty ExxonMobil –công ty xăng dầu lớn nhất thế giới– rằng công việc làm ăn trong tương lai của công ty ở lục địa Trung Hoa có thể gặp trở ngại trừ khi họ rút ra khỏi các hợp đồng khai thác các mỏ dầu ở miền trung và nam Việt Nam. Giới quản trị công ty ExxonMobil nói rằng tư thế pháp lý của Việt Nam thì vững chắc

Ông Song Xiaojun, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh đã mô tả những kế hoạch đăng tải trên mạng internet, trong đó có một bài mang tựa đề “Một trận đánh để lấy lại trật tự cho khu vực”, như là một câu chuyện khôi hài.

“Cùng lắm thì đó chỉ là một trò chơi của vài tay quân sự tài tử và hoàn toàn không có giá trị gì về quân sự,” ông nói.

Ông cho biết vẫn còn một số nhân vật ở cả hai nước không thể quên được những mối hận thù đắng cay xưa kia của nước mình.

Theo ông thì, “Trung Quốc và Việt Nam có hệ thống chính trị giống nhau và nên đoàn kết để đối phó với Hoa Kỳ, vốn là kẻ thù chung của cả hai nước. Rõ ràng là Hoa Kỳ đang cố xoay chuyển Việt Nam để chống lại một nước Trung Hoa đang nổi lên.”

Ông Song cho rằng công tác thăm dò dầu khí của công ty Mỹ ExxonMobil trên Biển Đông là một sự khiêu khích.

“Chúng ta nên cảnh giác về các âm mưu có thể chỉ là giả thuyết đằng sau cái gọi là kế hoạch xâm lược và những chuyện khiêu khích vớ vẩn khác. Những người biết phân biệt phải trái ở cả hai nước đều biết rõ rằng Trung Quốc không có lý do gì để nghĩ tới việc xâm lược Việt Nam trong khi họ cần làm bạn bè tốt với các nước láng giềng của mình.”

Ông nói chính phủ Trung Quốc cũng nên rút ra một bài học từ vấn đề này.

“Nhà cầm quyền nên có trách nhiệm hướng dẫn dư luận quần chúng về các quốc gia khác và làm sao cho lập trường của mình về những vấn đề mơ hồ được rõ ràng và dễ hiểu. Chính phủ không nên để yên cho những kẻ gây rối và những suy đoán tai hại có bất cứ cơ hội nào.”

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích quân sự Việt Nam kỳ cựu của Trường đại học Quốc gia Úc Ðại Lợi, cho biết đó là điều không thể tưởng tượng được rằng Trung Quốc lại xem xét đến một cuộc chiến xâm lăng như vậy ở bối cảnh hiện tại trong khu vực, nhưng ông đã cảnh báo rằng trường hợp này nêu rõ tiềm năng về một “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” ở cả hai bên.

“Nó có thể trở thành một phần của cái xu hướng ăn miếng trả miếng. Trung Quốc không thích các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh tại Hà Nội, rồi Việt Nam cảm thấy phải có phản ứng về những việc như thế này”, tiến sĩ Thayer nói.

“Chiến lược quân sự hiện thời của Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị từ lâu nhằm ngăn cản Trung Quốc dùng quân sự để yểm trợ cho các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ”, ông nói.

Trung Quốc là nguồn nhập cảng lớn nhất của Việt Nam và cả hai chính phủ đã làm việc để xây dựng lại mối quan hệ trong những năm qua, mặc dù có nhiều căng thẳng còn dai dẳng sau cuộc xung đột biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979.

Cũng như để làm cho sâu đậm thêm mối quan hệ anh em giữa các lãnh đạo đảng cộng sản, hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ nhằm giải quyết các bất đồng trên 1400 cây số biên giới trên đất liền và trong Vịnh Bắc Bộ.

Nhưng các tuyên bố tranh giành chủ quyền ở những khu vực có tiềm năng dầu hoả giàu có bên dưới quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vẫn còn là một điểm xích mích chủ yếu giữa hai nước.

Nguồn:
http://www.scmp.com/portal/site/SCMP/menuitem=Asia&s=News

No comments: