Tuesday, September 2, 2008

Phạm Hồng Sơn: Cuộc cách mạng vẫn tiếp tục

Cuộc cách mạng vẫn tiếp tục
Phạm Hồng Sơn


Có lẽ khó có niềm vui nào sánh được sự hân hoan, vui sướng của người dân một nước sau gần 100 năm bị ngoại bang đô hộ, khinh rẻ, hắt hủi, khi được nghe những lời nói âm vang từ chính người cùng dòng máu, cùng tiếng nước mình:

“Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”….Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”
(Trích: Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/09/1945).



Sự bức xúc, ấm ức của cả một dân tộc bị coi rẻ trong bao năm, cho dù nguyên nhân không hẳn chỉ do ngoại bang, dường như được vỡ oà vào câu “Có” đồng thanh từ biển người vào cái ngày đó, khi vị Chủ tịch lâm thời khéo léo buông câu hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Lòng tự tôn dân tộc, sau bao năm bị đè nén đã gặp đúng dịp thăng hoa làm ngây ngất lòng người. Mọi của cải, vàng bạc, châu báu và cả sinh mạng từng được tích cóp chi li hay suy tính hơn thiệt đều trở thành tầm thường. Lòng ái quốc đã vượt lên tất cả. Mọi người dân đều sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc không gợn chút toan tính cá nhân.

Trường lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam luôn cho thấy mỗi lần giành lại được độc lập từ tay ngoại bang luôn là một chiến công đầy cam go của cả dân tộc. Nhưng không biết do vô tình hay có chủ ý, những người con của nước Việt thời hiện đại khi khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập nói trên đã không nhắc đến tầm quan trọng của việc thực thi những quyền cơ bản của con người và sự bình đẳng cần phải có giữa các công dân trong một quốc gia – điều kiện làm cho độc lập dân tộc trở nên có ý nghĩa. Trong 1014 từ của bản Tuyên ngôn Độc lập đó phần lớn chỉ được dùng để lên án, kết tội lực lượng ngoại bang (Pháp và Nhật) và nhấn mạnh sự bình đẳng cần phải có giữa các dân tộc.

Đúng là sau đó, những khát khao độc lập, sự hy sinh vô cùng của dân chúng đã được đáp đền bằng một chính quyền hoàn toàn không có một ông “mắt xanh, mũi lõ” nào. Tất cả đều là người Việt Nam cả. Thậm chí tiếng Tây cũng phải lén lút khi sử dụng. Nhưng sự bất bình đẳng nội tại ngay giữa những người Việt da vàng, mũi tẹt đã ngày càng lộ rõ khi lực lượng ngoại bang dần rút khỏi đất nước.

Nhìn lại một cách toàn cảnh, giai đoạn thiết lập và củng cố của chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khi đó, ta có thể thấy những mâu thuẫn ngày càng tăng theo thời gian đối với tinh thần “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Chính quyền đưa ra chương trình “Diệt giặc đói”, nhưng theo sau đó là chương trình hắt hủi, triệt hạ những người có của ăn, của để. Chương trình “Diệt giặc dốt” đã mang lại kết quả to lớn về xoá mù chữ trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó người dân chỉ có thể an toàn khi đọc hoặc viết theo những gì người cầm quyền không phật ý, kể cả việc ghi chép của các nhà sử học cũng không được là ngoại lệ. Ngay đến những sáng tác nghệ thuật không dùng đến chữ viết cũng phải trông chừng thái độ của người cầm quyền, nếu không muốn tai ương ập tới. Các thiết chế quyền lực công được dựng lên luôn kèm theo tên Nhân Dân như Uỷ Ban Nhân Dân, Hội Đồng Nhân Dân, Toà Án Nhân Dân, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, Công An Nhân Dân, v.v nhưng tuyệt đối đều do các đảng viên của Đảng Cộng Sản nắm giữ. Cơ quan có sứ mạng bảo vệ công lý cho xã hội (bộ Tư Pháp) còn bị xoá đi trong hơn 20 năm, cho dù mọi quyền lực lúc đó đã hoàn toàn nằm trong tay Đảng Cộng Sản. Trong hệ thống chính quyền hoàn toàn của người Việt Nam lãnh đạo đó đã từng có những vị trí do những người dân không thuộc Đảng Cộng Sản đảm nhiệm, nhưng thường có ảnh hưởng không đáng kể hoặc chỉ có tác dụng làm cho sự bất bình đẳng giảm bớt đi sự phản cảm. Trước 1945 người dân lao động chỉ căm phẫn dựa vào thái độ ngạo mạn của kẻ ngoại quốc khi chúng xì xồ “Sa-lôt, san anh-đi-gien” (1) thì sau năm 1954, người dân lao động luôn phải bấm bụng nghe những câu tiếng Việt tươi rói nơi cửa miệng những cán bộ Nhà nước hay trên báo chí: “Bọn tư thương”, “ Quân phe phẩy, “Lũ con buôn”, “ Bọn Nhân Văn-Giai Phẩm”, “ Lũ phản động chống đảng”,…

Đến hôm nay, hẳn nhiều người đã hiểu ra rằng sự mất tự do, sự miệt thị do chính người đồng bào của mình gây ra có thể còn tệ hơn kẻ ngoại bang và rõ ràng là chua xót hơn.

Nếu bắt chước những người khởi thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam lấy bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền của Pháp năm 1791 làm sự đối chiếu, ta có thể thấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, những người khởi thảo đã đề cập ngay đến tầm quan trọng và một số điều kiện cơ bản để đảm bảo cho mọi người dân của nước Hoa Kỳ độc lập trong tương lai (khi thoát khỏi sự áp chế, đô hộ của nước Anh) có quyền bình đẳng với nhau trong mọi vấn đề, kể cả quyền lãnh đạo đất nước. “…Trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo cho các quyền này, con người thiết lập ra các chính phủ và chính sức mạnh của các chính phủ này xuất phát từ sự ưng thuận của nhân dân. Và khi một hình thức Chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên thì Nhân dân có quyền thay đổi, hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một Chính phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các quyền lực của mình theo hình thức nào để cho các quyền lực đó có khả năng đảm bảo An ninh và Hạnh phúc cho họ nhiều nhất”, “…Nhà Vua đã không chịu tuân theo Pháp luật, một công cụ lành mạnh nhất, cần thiết nhất cho lợi ích công cộng”, “…Nhà Vua đã cản trở công việc Tư pháp bằng cách không chấp thuận Luật thiết lập Quyền Tư pháp” (…”among these are Life, Liberty, and the pursuit of happiness – That to secure these rights, Goverments are instituted among Men, deriving their just powers from the consent of the governed. That whenever any Form of Government becomes destructive of these ends, it is the Right of the People to alter or to abolish it, and to institute new Government, laying its foundation on such principles and organizing its powers in such form, as to them shall seem most likely to effect their Safety and Happiness”, “…He has refused his Assent to laws, the most wholesome and necessary for the public good”, “…He has obstructed the Administration of Justice, by refusing his Assent to Laws for establishing Judiciary Powers”) (2)

Tất cả 17 điều của bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền của Pháp năm 1791 đều là những điều nói đến những quyền cơ bản của từng cá nhân con người, nhấn mạnh rất nhiều lần và bằng nhiều cách về quyền bình đẳng tất yếu giữa những công dân khác nhau. “Mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp, nên đều có thể được giữ mọi chức vụ, mọi địa vị, mọi công vụ theo năng lực, và không có bất cứ sự phân biệt nào khác ngoài đạo đức và tài năng của mỗi người” (Tous les citoyens étant égaux à ses yeux, sont également admissibles à toutes dignités , places et emplois publics, selon leur capacité, et sans autres distinctions que celles de leurs vertus et leurs talents) (2).

63 năm đã trôi qua kể từ ngày câu nói bất hủ “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” vang lên trên Quảng trường Ba Đình của nước Việt, nhưng sự bình đẳng giữa chính những người Việt với nhau vẫn là vấn đề đang phải phấn đấu. Biết bao câu hỏi trong xã hội Việt Nam đang còn bỏ ngỏ. Bao giờ công ty tư nhân cũng được đối xử trọng vọng như các tổng công ty nhà nước? Bao giờ đi tìm công lý không phải kèm theo “phong bì”? Bao giờ lời ta thán của người dân có tranh cãi đất đai với chính quyền cũng được đăng công khai trên mặt báo? Bao giờ một bí thư đảng uỷ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như một nhân viên thường? Bao giờ một người Việt Nam không phải là đảng viên Đảng cộng sản sẽ nắm chức vụ Thủ tướng hay chức vụ Bộ trưởng bộ Công an? Bao giờ trong Quốc hội sẽ có thành viên của không chỉ một đảng? Bao giờ thì Đảng cộng sản lịch thiệp với các đảng phái khác? Bao giờ? Bao giờ?...

Có lẽ đó chính là lý do sâu xa của nhiều người Việt Nam hôm nay đang dấn thân giống như những vị tiền nhân làm nên mùa thu Cách mạng năm xưa. Dấn thân là bởi nhiều người Việt Nam đang cầm quyền vẫn còn coi quyền bình đẳng giữa những người Việt với nhau như một nguy hiểm, một thách đố. Nhưng trong cuộc dấn thân hôm nay để tạo dựng một xã hội bình đẳng, tôn trọng quyền con người cho mọi người Việt Nam không chỉ có những người không phải cộng sản. Bởi không phải tất cả những người cộng sản hôm nay đều tán thành sự độc chiếm quyền lực của đảng của họ, cũng như không phải tất cả ai là cộng sản cũng đều muốn trở thành kẻ ăn trên ngồi trốc. Như vậy, với ý nghĩa hoàn thiện, cuộc cách mạng cách đây 63 năm vẫn đang được tiếp tục.

Phạm Hồng Sơn
Tháng 08/2009

(1) Nguyên văn tiếng Pháp “Salaud, sale indigène” có nghĩa “Mẹ kiếp, đồ bản xứ dơ bẩn!”
(2) Theo: Quyền con người, các văn kiện quan trọng. Viện thông tin khoa học xã hội, Hà nội 1998.
http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6333

No comments: