Thursday, September 4, 2008

Phạm Thanh Nghiên đi kiện củ khoai?

3/*/08

DCVOnline – phỏng vấn.

DCVOnline: Ngay sau khi đơn xin phép biểu tình tại Hà Nội bị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội từ chối, chị Phạm Thanh Nghiên đã tiến hành các thủ tục khiếu tố về việc này.

Tiếp xúc với chúng tôi, từ Hải Phòng, chị Phạm Thanh Nghiên tỏ rõ quyết tâm theo đuổi vụ việc cho dù có những người cho rằng chị đang đi “kiện củ khoai”.

Chị Phạm Thanh Nghiên kể lại diễn biến của sự việc cho đến hôm nay như sau…


DCVOnline: Chào chị Phạm Thanh Nghiên, được biết chị đã nộp hồ sơ khởi kiện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về vụ họ đã không cho phép chị tụ tập biểu tình vào ngày 16/07 vừa qua, sự vụ diễn tiến thế nào rồi, thưa chị?


Phạm Thanh Nghiên
Nguồn: PTN
--------------------------------------------------------------------------------

Phạm Thanh Nghiên: Một lần nữa xin cảm ơn DCVOnline đã quan tâm đến những diễn biến quanh vụ lá đơn biểu tình.

Ngày 10/07 chúng tôi (tôi và ông Nguyễn Xuân Nghĩa) gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội nhưng họ đã không trả lời đơn khiếu nại của chúng tôi theo thời gian pháp luật quy định. sau đó, chúng tôi đã liên hệ với luật sư Lê Trần Luật thuộc văn phòng luật sư Pháp Quyền, trụ sở tại TpHCM và được ông Luật nhận giúp đỡ pháp lý miễn phí.

Chúng tôi đã chính thức kiện lên Tòa án Hành chánh Thành phố Hà Nội về “Hành vi hành chính không cho tập trung đông người (biểu tình) ở nơi công cộng” trái pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Chúng tôi nộp đơn ngày 22/08 nhưng ba ngày sau, tức ngày 25/08, tôi mới nhận được thông báo số 513 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội do ông Vũ Hồng Khanh ký (thừa lệnh UBND Thành phố Hà Nội) với nội dung “UBND Tp Hà Nội giao thanh tra Thành phố kiểm tra, kết luận giải quyết đơn của cô Thanh Nghiên và ông Nghĩa; báo cáo UBND Tp HN xem xét theo qui định của luật khiếu nại, tố cáo”.

Xin lưu ý các vị là tôi nhận được thông báo này sau khi đã nộp đơn khởi kiện 3 ngày, nhưng trong thông báo lại ký ngày 21/8/2008, tức là trước ngày tôi nộp đơn kiện đúng một ngày.

Và cho đến chiều ngày 30/08, tôi vừa nhận được “thông báo trả lại đơn khởi kiện” của Tòa án Thành phố Hà Nội.

DCVOnline: Tòa án thành phố Hà Nội khi trả lại đơn kiện đã giải thích lý do với chị như thế nào?

Phạm Thanh Nghiên: Lý do Tòa án đưa ra là “theo quy định tại điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì yêu cầu khởi kiện của bà là loại việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng vụ hành chính”, và họ thông báo rằng tôi có ba ngày kể từ ngày nhận được thông báo để tôi có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về việc trả lại đơn khởi kiện theo quy của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

DCVOnline: Chị dự định sẽ làm gì với thời hạn 3 ngày đó, chị sẽ khiếu nại chứ?

Phạm Thanh Nghiên: Tôi sẽ theo vụ này đến cùng, cụ thể là ngày 01/09/2008 vừa qua, tôi đã khiếu nại lên ông Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Các bước kế tiếp, tôi vẫn đang làm việc với luật sư của tôi. Hiện nay, tôi chưa thể nói điều gì với quý vị ngoài việc khẳng định tôi sẽ theo đến cùng.

DCVOnline: Vậy còn ông Nguyễn Xuân Nghĩa, người cùng đứng tên trong đơn kiện với chị thì sao?

Phạm Thanh Nghiên: Dạ thưa, hiện nay thì chỉ còn mình tôi đứng đơn khởi kiện thôi vì nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa không có thẻ Chứng minh nhân dân. Thẻ CMND của ông đã bị công an tịch thu hôm 29/4, khi ông tham gia biểu tình chống ngọn đuốc ô nhục của Trung Quốc rước qua lãnh thổ Việt Nam. Theo Tòa giải thích thì ông không đủ tư cách pháp lý để tham gia khởi kiện vì không có thẻ CMND.

DCVOnline: Ông Nghĩa có cho chị biết khi nào cơ quan chức năng sẽ trả lại thẻ CMND cho ông không?

Phạm Thanh Nghiên: Tôi có hỏi chuyện đó nhưng chính ông Nghĩa cũng không biết bao giờ thì công an trả lại thẻ CMND cho ông. Ông nó sau ngày 02/09 sẽ đi hỏi lại.

DCVOnline: Theo đuổi vụ kiện này, chị kỳ vọng vào điều gì?

Phạm Thanh Nghiên: Tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng những gì tôi đang làm là hoàn toàn chính đáng. Rằng chúng tôi hoàn toàn có quyền biểu tình như trong Hiến Pháp đã quy định.

DCVOnline: Có nghĩa là chị hy vọng tòa hành chánh Hà Nội sẽ phán xử công bằng cho chị?

Phạm Thanh Nghiên: Xin bày tỏ một cách thẳng thắn rằng tôi chưa bao giờ và không bao giờ nghĩ hay kỳ vọng rằng tòa án thành phố Hà Nội sẽ phân xử một cách công bằng cho tôi hay cho bất cứ một công dân nào có những nguyện vọng, tư tưởng như tôi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tôi đã không kỳ vọng điều gì mà còn viết đơn xin biểu tình, rồi khiếu nại, rồi khởi kiện lên Tòa án?

Hãy nhìn lại hành trình từ khi tôi viết đơn xin biểu tình cho đến nay. Khi tôi vừa làm đơn xin phép biểu tình thì vài ngày sau tôi bị hành hung. Một loạt các chính sách xách nhiễu từ phía nhà cầm quyền nhằm vào ba chúng tôi: bên chính quyền thì mời, triệu tập, công an thì canh gác, quản thúc trái phép...

Đặc biệt , khi tôi khiếu nại thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội không trả lời. Tôi khởi kiện thì tòa án thong báo “trả lại đơn khởi kiện” với lý do “không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa”

Khi tôi khởi kiện thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới… vớt vát tình huống bằng cách gửi cho tôi một thông báo là đã nhận đơn khiếu nại và đang giao cho Thanh tra thành phố Hà Nội “kiểm tra, kết luận” và báo cáo lên Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét. Và kế tiếp là những diễn biến mà quý vị đã biết ở trên.

DCVOnline: “Ba chúng tôi” cụ thể là những ai, thưa chị?

Phạm Thanh Nghiên: Ông Vũ Cao Quận, ông Nguyễn Xuân Nghĩa và tôi.

DCVOnline: Chị vừa cho biết ở trên là ông Nguyễn Xuân Nghĩa không tiếp tục kiện tụng được vì không có thẻ CMND, vậy còn ông Vũ Cao Quận tại sao lại không tiếp tục?

Phạm Thanh Nghiên: Dạ thưa, như quý vị biết, khi làm đơn xin phép biểu tình thì ba chúng tôi cùng đứng đơn. Khi khiếu nại thì chỉ còn có tôi và ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đến giai đoạn này chỉ còn mình tôi khởi kiện.

Về hình thức, ông Vũ Cao Quận không có tên trong các bước tiếp theo nhưng về cơ bản, ông vẫn là người tham gia và đồng hành cùng chúng tôi.

Thực tế là sức khỏe của ông Vũ Cao Quận không được tốt. Việc kiện tụng cần phải đi lại nhiều. Vả lại chúng tôi không chỉ làm một việc là kiện tụng xoay quanh lá đơn biểu tình. Còn rất nhiều việc khác nữa và chúng tôi cũng phải nghĩ đến những tình huống khác, những đòi hỏi khác của công việc.

DCVOnline: Quá trình kiện tụng của chị cho đến nay đã gặp phải những khó khăn hay thuận lợi nào?

Phạm Thanh Nghiên: Tôi chỉ xin chia xẻ với quí vị những diễn biến quanh việc chúng tôi đi nạp đơn khởi kiện thôi. Luật sư Lê Trần Luật từ Sài Gòn ra Hải Phòng vào tối 21/8 để cùng chúng tôi đi nạp đơn khởi kiện vào ngày hôm sau, thứ Sáu 22/8.

Từ hôm 16/8, nhà tôi và nhà ông Nghĩa đã bị công an đặt chốt canh gác 24/24 (đến hôm nay, 03/09 vẫn nguyên tình trạng ấy). Tối hôm ấy, tôi và ông Nghĩa đi đón Luật sư Lê Trần Luật thì công an đã tăng cường lực lượng để theo sát chúng tôi ra tận sân bay.

Và đêm đó, khoảng 23:30, có bốn công an vào phòng ông Luật ở khách sạn yêu cầu ông phải “làm việc” với họ. Họ khuyên “ông không nên làm vụ này”. Lý do công an Hải Phòng đưa ra là vì tôi và ông Nghĩa “là những người bất đồng chính kiến” và “nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ có tiền lệ nào như thế”

Sáng hôm sau, chúng tôi vẫn tiến hành mọi chuyện như dự định. Công an Hải Phòng đã theo chúng tôi đến hết địa phận Hải Phòng (sang đến Hải Dương), khi chúng tôi đến Hà Nội thì lại tiếp tục “được” công an Hà Nội theo sát, kể cả khi vào Tòa án cũng vậy.

Nhưng chuyện “thú vị” có lẽ là những gì diễn ra tại tòa.

Theo quy định, Tòa Hành chính nhận đơn kiện vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần. Hôm đó chúng tôi đi vào sáng thứ Sáu.

Khi chúng tôi đến nơi thì… rất bất ngờ, không một ai làm viẹc trong Tòa Hành chính trong khi các tòa khác vẫn làm việc bình thường và bên ngoài cửa Tòa Hành chính có ghi một bản thông báo rất mới là “nhận đơn vào thứ Ba hàng tuần”.

Tôi nói bản thông báo rất mới là vì ở bên ngoài cửa của các Tòa khác đều có ghi thống nhất rằng “nhận đơn vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần”, những bản thông báo ấy đều giống nhau về hình thức và đã cũ. Riêng bản thông báo của Tòa Hành chính thì giấy còn mới, vết dán cũng mới (như là họ mới thay vậy) và nội dung thì khác với những bản thông báo kia.

Khi chúng tôi hỏi về bản thông báo để xác định cho chính xác ngày nhận đơn của Tòa và hỏi về sự vắng mặt của những nhân viên trong Tòa Hành chính thì chúng tôi nhận được những câu trả lời rất khác nhau. Người thì bảo “hôm nay có phiên tòa nên mọi người đi tham dự”, người thì bảo có ông cựu Chánh tòa chết nên tất cả đi dự tang lễ, người thì quả quyết rằng Tòa Hành chính nhận đơn vào cả thứ Ba và thứ Sáu, người thì vừa đọc bản thông báo ghi ngoài cửa vừa nói “hình như chỉ nhận đơn vào thứ Ba thôi thì phải”… Nói chung, họ không thống nhất câu trả lời cho chúng tôi.

Chúng tôi đợi đến 11:00. Sau đó, đầu giờ chiều, chúng tôi trở lại Tòa. Khi luật sư Luật vừa mới chào xã giao và chưa kịp rút tập tài liệu ra thì cô thư ký đã vội vã nói: “vụ này chị Thu chịu trách nhiệm mà”, ông Luật hỏi vặn lại: “tôi còn chưa nói vụ kiện gì mà cô đã biết là do chị Thu chịu trách nhiệm. Hay cô biết trước việc gì?”

Quả thật là chúng tôi rất buồn cười.

DCVOnline: Vậy cô thư ký đấy phản ứng ra sao?

Phạm Thanh Nghiên: Họ tỏ ra rất ngượng ngùng nhưng vẫn đưa đẩy trách nhiệm. Họ đưa ra vô số lý do để không nhận đơn. Tuy nhiên, với những lý lẽ rất thông minh của luật sư, cô thư ký tòa là Nguyễn Thị Phương Thủy đã phải nhận đơn.

DCVOnline: Nói đến luật sư, chị đã gặp Luật sư Lê Trần Luật thế nào?

Phạm Thanh Nghiên: Khi chúng tôi nhận được thông báo bác đơn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thì chúng tôi nghĩ vấn đề cần được “đẩy cao” lên. Chúng tôi nghĩ đến một lộ trình đấu tranh mới. Tôi cũng chưa biết sẽ tìm luật sư nào. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã tìm thấy Luật sư Lê Trần Luật, một luật sư mạnh mẽ và có tư tưởng dân chủ rất rõ rệt. Ở Việt Nam không dễ gì tìm được luật sư sẵn sàng nhận giúp đỡ pháp lý cho những việc “nhạy cảm” như thế.

Tôi đọc được lá thư của Luật sư Lê Trần Luật viết cho Anh Ba Saigon, là thành viên của Câu lạc bộ nhà báo tự do. Đó là những xúc cảm rát chân thành của một trí thức biết nghĩ cho vận mệnh đất nước. Sau đó tôi được biết anh Luật đã nhận bào chữa miễn phí cho ký giả Trương Minh Đức của đảng Vì Dân.

Tôi đã chủ động liên hệ với anh và thật may cho tôi là anh đã nhận giúp đỡ pháp lý miễn phí cho chúng tôi.

Trong thời gian này, tôi được biết anh cũng nhận bào chữa miễn phí cho anh Phạm Bá Hải, một thành viên của khối 8406

DCVOnline: Quay trở lại chuyện chị đi khiếu kiện, chị có tự đặt ra câu hỏi là “…tại sao tôi đã không kỳ vọng điều gì mà còn viết đơn xin biểu tình, rồi khiếu nại, rồi khởi kiện lên Tòa án?”, vậy tiện thể chị trả lời luôn câu hỏi này giúp.

Phạm Thanh Nghiên: Hãy nhìn vào một loạt những rủi ro tôi đã gặp phải, hãy nhìn vào tất cả những thực tế xảy ra suốt chặng đường khiếu kiện của tôi. Ngoài tất cả những cái đó, tôi còn muốn nói đến mục đích của chúng tôi trong chuyện này.

Xin thẳng thắn nói rằng chúng tôi không tin sẽ có một phiên tòa dành cho chúng tôi vì bằng chứng như quý vị đã thấy là tòa đã trả lại đơn.

Tòa án là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý mà lại trả lời công dân rằng “không thuộc thẩm quyền của tòa”, vậy ai có thẩm quyền đây? Mục đích chính của chúng tôi là qua một vụ kiện đòi dân quyền cụ thể (quyền biểu tình) trong Hiến Pháp, chúng tôi lột được mặt nạ dân chủ của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Chúng tôi đã tuân theo một trình tự pháp lý, tức là hoàn toàn tuân thủ đúng các quy định pháp luật mà Cộng sản Việt Nam đưa ra. Và chúng tôi đã lấy chính cái pháp luật của đảng để hành xử với Nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Cuối cùng, những văn bản của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trả lời chúng tôi là một minh chứng cho việc tự lột mặt nạ dân chủ giả hiệu. Điều này khẳng định rằng nhân dân Việt Nam thực sự không được hưởng những quyền căn bản của con người, những quyền được Hiến Pháp, luật pháp công nhận nhưng chưa bao giờ được thực thi.

Qua việc làm này, chúng tôi cũng muốn thể hiện quyết tâm, ý chí phản kháng mạnh mẽ của những công dân yêu tự do, dan chủ rằng đảng Cộng sản đã đến lúc không phải thích làm gì thì làm, thích áp đặt điều gì cũng được.

Chúng tôi cũng muốn khích lệ những người dân lao động (đang còn nhút nhát) hãy mạnh dạn đòi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả lại quyền làm người cho mình.

DCVOnline: Chị có bao giờ cảm thấy nản chí hay mệt mỏi không?

Phạm Thanh Nghiên: Tôi nghĩ những dấu hiệu mệt mỏi trong công việc, dù là một công việc đơn thuần là điều rất bình thường và tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng nản chí thì không. Tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trong đấu tranh. Tôi hạnh phúc về điều đó.

DCVOnline: Cảm ơn chị Phạm Thanh Nghiên đã trả lời phỏng vấn DCVOnline.

© DCVOnline
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5433
-----------

- Nhà nước Pháp Quyền qua vụ việc hành sử của Chính ...

- Phỏng vấn Luật sư Lê Trần Luật về sự kiện tòa án H...
- Pham Thanh Nhien di kien cu khoai ?

No comments: