Wednesday, June 25, 2008

Âm mưu bán nước và đánh lạc dư luận của CSVN về HS TS

Không biết thời xa xưa hơn ra sao, nhưng kể từ thế kỷ 17 các đảo Hoàng Sa (xưa là tên chung chỉ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đã được các triều đình Huế cai trị và khai thác, với sự mặc nhận của các quốc gia khác qua sự thể các thuyền nhân ngoại quốc (kể cả Trung Hoa) bị đắm tàu tại các đảo ấy thường đến Việt Nam xin chúa Nguyễn che chở. Sự suy nhược của chính quyền Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và trong thời kỳ chiến tranh, cùng niềm ý thức gia tăng về lượng tài nguyên tiềm tàng của quần đảo về san hô và dầu hỏa, dần dần kích thích lòng tham lam của các nước láng giềng, đặc biệt của Trung Hoa.



Trong khi Trung Hoa (sau này gồm cả Trung Cộng lẫn Ðài Loan) lăm le dòm ngó hai quần đảo ngay từ 1909 và vin vào một số sử liệu mơ hồ để bênh vực yêu sách, bắt đầu từ 1951 Phi Luật Tân, viện lý do Trường Sa nằm gần nước họ, cũng đòi tranh một số đảo thuộc quần đảo này. Thấy vậy Nam Dương (kể từ 1971) và Mã Lai (kể từ 1979) cũng bắt chước nhảy vào cuộc, đòi xí phần trên Trường Sa. Nhưng nếu ba nước sau này chỉ dám tranh những đảo ở kề nước họ, không được quân đội Việt Nam canh giữ, Trung Hoa khăng khăng đòi tất, và ngày 20-1-1974 đã không ngần ngại dùng vũ lực để chiếm cứ toàn quần đảo Hoàng Sa sau một cuộc hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, rồi thôn tính tiếp phần lớn quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát vào năm 1988 sau một cuộc đụng độ với quân đội CHXHCN.



Tuy Việt Nam đã mất Hoàng Sa và Trường Sa về tay Trung Cộng, trong lòng người dân Việt, hai quần đảo này vẫn được ghi nhận như một thành phần đất nước bị ngoại nhân tạm thời xâm chiếm, và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này vẫn được giới hữu chức nhắc đến mỗi khi có cơ hội. Như mới đây nhà cầm quyền Hà Nội đã phản đối hợp đồng khai thác dầu hỏa tại vùng Hoàng Sa ký kết giữa Trung Cộng và công ty Crestone Energy Cỏporation. Kháng nghị của Hà Nội dù chỉ có hình thức lấy lệ và vô hiệu quả, vì Việt Nam quá yếu lại không được quốc tế bênh vực, bề ngoài có vẻ như biểu lộ lòng tha thiết của Cộng Sản Việt Nam đối với chủ quyền quốc gia, xét ra lại là một trò tung hỏa mù che lấp một hành động bán nước có chứng cứ rành rành của nhóm cộng sản cầm quyền.



Nếu chính Trung Cộng không vì giận dữ CSVN đem tài liệu ra công bố (xem : La souveraineté incontestable de la Chine sur les îles Xisha et les îles Nansha, Beijing, Ed. en langues étrangères, 1980), ít ai hiểu tại sao năm 1959 Trung Cộng dám toan chiếm lẻn Hoàng Sa rồi, thừa dịp quân đội VNCH sa sút, công khai chiếm đóng thực sự quần đảo năm 1974. Bị lòe bởi những lời tuyên bố yêu nước của nhà cầm quyền Hà Nội và những sách báo chống đối Trung Hoa sau chiến tranh Hoa-Việt năm 1978, dân Việt Nam biết đâu Ðảng đã bán rẻ chủ quyền quốc gia trên Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Cộng từ năm 1958. Chính Phạm Văn Ðồng đã ký công văn ngày 14-9-1958 gửi cho Chu Ân Lai « ghi nhận và tán thành bản tuyên bố (của Trung Quốc) ngày 4-9-1958 quyết định về hải phận của Trung Quốc ». Sau này Hà Nội đã vin vào lời văn mập mờ không nêu tên quàn đảo trong văn thư để chối tội (xem : Lé archipels Hoàng Sa et Trường Sa …, Hanoi, Le courrier du Vietnam, 1981). Nhưng những ai chịu khó tìm hiểu nội dung của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 (đăng trong : La documentation française, Articles et documents, n° 0701, 12-9-1958) có thể thấy rõ Trung Cộng bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa trong địa phận của họ. Một bằng chứng khác bị Cộng Sản Việt Nam làm ngơ vì khó chối cãi chính là sự sử dụng hai danh từ Tây Sa và Nam Sa của Trung Hoa để chỉ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bản đồ thế giới ấn hành năm 1972 tại Hà Nội bởi Cục Ðo đạc và Bản đồ Phủ Thủ tướng. Vả lại, theo Jean Hugues de Dianoux (Les loges françaises dans l’Inde et au Bangladesh et lé îles Spratly, Paris, Académie des sciences d’Outre-Mer, 1986), năm 1965, khi tranh biện với Hoa Kỳ, Hà Nội cũng khẳng định Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa.



Trung Cộng sở dĩ có gan xâm chiếm Hoàng Sa chính vì đã được sự thỏa thuận của chính phủ Bắc Việt cùng sự đồng lõa ngầm của Hoa Kỳ lúc đó đang muốn bang giao trở lại với họ. Là kẻ đã bán đứng quần đảo cho Trung Cộng, dù là bán gió vì lúc đó cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa không thuộc quyền của Hà Nội mà do chính quyền miền Nam quản trị, không lạ gì nhà cầm quyền Hà Nội im hơi im tiếng trước hành vi cướp đất trắng trợn của Bắc Kinh năm 1974. Ngay sau khi thôn tính miền Nam tức trở thành chủ tể của quần đảo, Hà Nội cũng chỉ núp dưới « Chính phủ cộng hòa miền Nam » bù nhìn của Mặt trận Giải phóng để công kích Bắc Kinh.



Phải đợi chiến tranh Hoa-Việt bùng nổ vào cuối năm 1978 mới thấy nhà cầm quyền Hà Nội bắt đầu chính thức xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa Trường Sa. Nhưng vào tháng 11-1991, để lấy lòng Trung Cộng, Hà Nội lại một phen nhượng bộ chủ quyền quốc gia với sự ưng thuận cùng Trung Cộng khai thác chung quần đảo, tức mặc nhiên công nhận ít nhất một phần chủ quyền của Trung Cộng trên quần đảo. Nhưng Cộng sản Việt Nam có xuống nước một phần hay toàn diện cũng chẳng được Trung Cộng coi vào đâu, bởi sau đó Trung Cộng vẫn trực tiếp ký hợp đồng khai thác quần đảo với công ty Hoa Kỳ, không thèm đếm xỉa gì đến XHCN Việt Nam, khiến tháng 5 vừa rồi Hà Nội phải ra kháng nghị dể chữa thẹn với dư luận. Cộng sản Việt Nam vẫn thường đề cao tình yêu nước kiên cường của Ðảng và chửi bới đối thủ là phường bán nước (cho Pháp rồi cho Mỹ) nhưng từ Bảo Ðại cho tới Nguyễn Văn Thiệu chưa thấy chính phủ quốc gia nào ký giấy nhượng địa cho ngoại bang. Ngược lại, hành vi ô nhục đó, Phạm Văn Ðồng đã không ngần ngại nhúng vào nhân danh Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ðã cam tâm cống hiến Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Cộng rồi, nhà cầm quyền Hà Nội làm sao còn tư cách tranh đấu cho chủ quyền quốc gia, bảo quản mấy đảo còn giữ ở Trường Sa và giành lại các đảo khác thuộc Trường Sa cùng toàn bộ Hoàng Sa đã bị các láng giềng chiếm giựt ?

Viết cho Tin Tức 7/1992

Retour à DPN

No comments: