Monday, June 30, 2008

ĐÂU LÀ CON ĐƯỜNG TỰ DO, DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM

Ngày hôm nay ai cũng nhận thấy rằng để phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam cần phải tự do, dân chủ hóa chế độ. Nhưng đâu là con đường đưa đến tự do, dân chủ hóa Việt Nam ?

I ) Tự do, dân chủ là gì ?

Tự do là những quyền căn bản của con người, đi từ quyền tự do đi lại, tự do sinh sống, tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do kinh tế, tự do chính trị v..v… Nó có tính cách bẩm sinh và bất khả nhượng, đã được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào ngày 10/12/1948. Tự do chính là nhân quyền vậy.

Dân chủ là một thể chế chính trị mà trong đó nhân quyền được tôn trọng, trái với chế độ độc tài mà trong đó nhân quyền bị chà đạp.

I I ) Tự do, dân chủ là con đường tất yếu đưa đến phát triển con người và xã hội

1) Để phát triển con người

Một con người, dù là da đỏ hay da vàng, da trắng, có thể ví như một hạt mầm; nếu được gieo trên một mảnh đất mầu mỡ, tức sống dưới một chế độ dân chủ, chính quyền do chính người dân bầu ra; và vì để được người dân bầu, chính quyền này bắt buộc phải lo cho dân, lo cho họ từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành, được đi học; chính vì vậy mà hạt giống đó có nhiều khả năng nẩy mầm, đơm hoa, kết trái. Ngược lại nếu hạt giống đó được gieo trên một mảnh đất khô cằn, tức sống dưới một chế độ độc tài, chính quyền không do người dân bầu ra, mà do một thiểu số đảng đòan cán bộ hay một nhóm người, một số gia tộc tự bầu bán với nhau, không để ý đến nguyện vọng người dân, thì hạt giống đó không thể nẩy mầm, làm sao có thể phát triển, đơm bông kết trái. Điển hình là cả trăm ngàn trẻ em Việt Nam hiện nay phải đi bán vé số, đánh giày, hay bán thân nuôi miệng ở bên Căm Bốt, trong đó có biết bao nhiêu nhân tài bị thui chột vì sống dưới một chế độ độc tài.

2) Để phát triển xã hội: tư tưởng của nhà kinh tế giải Nobel, ông Amartya Senn

Nhà kinh tế học người Anh, gốc Ấn Độ, đã bỏ nhiều công trong việc nghiên cứu hiện tượng chậm tiến, thiếu phát triển kinh tế trên tòan thế giới, từ châu Mỹ La Tinh, Phi châu tới châu Á. Chính công trình nghiên cứu này đã đưa đến vinh dự là được trao giải Nobel về kinh tế năm 1998. Ông không ngần ngại tuyên bố:

“ Lịch sử thiếu phát triển kinh tế, xã hội của những nước chậm tiến trong thế kỷ qua đã chứng minh rất rõ rằng những dân tộc chậm tiến ít là nạn nhân của thiên tai, của những sức mạnh bên ngoài, mà chính là từ sức mạnh bên trong, những chính quyền độc đoán, độc tài, dù là tả hay hữu. Những chính quyền này đã coi tài sản quốc gia như tài sản riêng tư của một thiểu số đảng đoàn, một nhóm người, một số gia đình, gia tộc. “ Chính vì vậy mà ông đi đến kết luận : “ Không có kinh tế tốt, nếu không có thực sự dân chủ ( Pas de bonne économie sans vraie démocratie – Amartya senn - Nhật báo Le Monde số ngày 28/10/1998).

I I I ) Đâu là con đường dân chủ hóa Việt Nam rút tỉa từ kinh nghiệm lịch sử

1) Lịch sử thoái trào của chế độ quân chủ phong kiến: sự chuyển biến ôn hòa của chế độ quân chủ tiêu biểu của Anh, của Nhật; và sự chuyển biến có tính cách bạo động của chế độ quân chủ Pháp.

Người ta có thể nói Tây phương đã phát triển mạnh hơn Đông phương trong lịch sử cận đại là bắt nguồn từ nhiêu nguyên do, trong đó có một nguyên do chính: đó là Tây phương đã sớm biết từ bỏ chế độ độc tài quân chủ phong kiến để bước vào chế độ tự do, dân chủ. Mặc dầu phương Đông văn minh rất sớm, đã biết phát minh ra địa bàn, chữ viết, thuốc nổ v. v..; nhưng bị khựng lại vì đắm chìm quá lâu trong chết độ độc tài quân chủ phong kiến. Chúng ta có thể nói chế độ cộng sản ngày hôm nay chỉ là chế độ độc tài phong kiến trá hình.

Thật vậy, bản chất chính của chế độ độc tài quân chủ phong kiến đó là tôn thờ cá nhân, coi vua như con trời, cha truyền con nối, bắt dân phải phục tùng tuyệt đối, biến giai tầng sỹ phu, trí thức thành những công chức, chỉ biết phục vụ triều đình, càng ngày càng sống xa rời quần chúng, trọng cái học bằng cấp, trích cú, tầm câu, hơn là thực tế thực tiễn, sống sát dân. Đây là những nguyên do chính của sự tụt hậu Đông phương. Ngày hôm nay nhìn vào bản chất của độc tài cộng sản cũng không khác, cũng tôn thờ cá nhân bằng cách tôn thờ lãnh tụ, cũng cha truyền con nối, như ở Bắc Hàn, anh thuyền em nối ở Cu Ba, ở Việt Nam thì chúng ta chỉ nhìn vào thành phần trong Bộ Chính trị và Trung Ương đảng, chúng ta thấy phần lớn là con cháu lãnh tụ cộng sản trước đây, cũng biến giai tầng sĩ phu trí thức thành công cụ phục vụ cho đảng, điển hình là 700 tờ báo và 200 đài phát thanh, truyền hình. Những người phục vụ cho 2 cơ quan này không có can đảm nói lên sự thậi nếu không được phép của đảng, sẵn sang bẻ cong ngòi bút của mình, cố gọt rũa câu văn, dùng những xảo ngữ để ca tụng bạo quyền. Độc tài cộng sản còn tàn độc và đáng phỉ nhổ hơn độc tài phong kiến, vì nó đã biết dung kỹ thuật khoa học cận đại để củng cố độc tài và nó không có một tí gì là danh dự, nhân phẩm, nhân cách, ngược với độc tài phong kiến dầu sao cũng còn có danh dự, nhân phẩm và nhân cách.

Ở đây tôi không thể đi sâu vào chi tiết lịch sử, nhưng sự chuyển biến từ độc tài quân chủ phong kiến sang dân chủ chỉ có 2 cách: Cách ôn hòa đó là những triều đình phong kiến ý thức rõ rằng mình không thể đi ngược lại trào lưu tiến bộ, dân chủ của nhân loại, nên đã tự nhường quyền, chấp nhân chế độ quân chủ lập hiến, như trường hợp điển hình của chế độ quân chủ lập hiến đương thời Anh và Nhật.

Còn những chế độ quân chủ phong kiến không biết điều, cố tình đi ngược lại trào lưu dân chủ, tiến bộ của nhân loại, thì bị đào thải đau thương, điển hình là chế độ quân chủ Pháp, vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinnette phải lên đọan đầu đài.

2) Sự chuyển biến qua chế độ dân chủ của lịch sử cận đại

Có người nói lịch sử là tình cờ; vì “ nếu chiếc mũi của Cléopatre hơi quằm hơn một tý, thì lịch sử nhân loại sẽ khác”; người khác thì nói lịch sử hữu lý. Nhưng nhiều khi lịch sử chẳng tình cờ, chẳng hữu lý, mà lịch sử lập lại; nếu chúng ta xét sự chuyển biến từ độc tài cộng sản qua dân chủ ở các nước Đông âu vừa qua. Cũng chỉ có 2 con đường: con đường ôn hòa và con đường bạo động.

Con đường dân chủ hóa ôn hòa hay cách mạng nhung của Tiệp Khắc

Ở đây tôi không thể đi sâu vào chi tiết lịch sử, nhưng đại để con đường chuyển từ độc tài cộng sản qua dân chủ đó là: Giới lãnh đạo cộng sản Tiệp biết điều, chính Quốc hội Cộng sản Tiệp tự họp lại, sửa đổi bản hiến pháp độc tài, độc khuynh, độc đảng thành hiến pháp dân chủ, đa khuynh, đa đảng, tôn trọng tự do, nhân quyền. Chính chính phủ cộng sản đương thời tự biến thành chính phủ lâm thời có nhiệm vụ tổ chức bầu cử tự do, từ đó có chính quyền dân cử là nền tảng của nền dân chủ Tiệp hiện nay.

Con đường cách mạng dân chủ bạo động của Lỗ Mã Ni. (1)

Con đường bạo động chính là con đường của Lỗ Ma Ni. Vợ chồng nhà độc tài cộng sản Ceausescu đã nhất định không chịu từ bỏ chính quyền. Chính vì vậy mà dân đã nổi dậy. Kết quả là cũng đi đến dân chủ; nhưng đau thương hơn vì vợ chồng Ceausescu đã bị xử tử.

Con đường dân chủ hóa Việt Nam sẽ xẩy ra ôn hòa hay bạo động là phần lớn tùy theo thái độ biết điều hay không của giới lãnh đạo cao cấp cộng sản. Nếu họ còn nghĩ đến dân đến nước, muốn theo kịp càng sớm càng hay đà tiến bộ của nhân loại, thì hãy tìm cách dân chủ hóa ôn hòa chế độ. Nếu không, thì tức nước vỡ bờ, dân sẽ nổi lên và hậu quả khó lường.

Paris ngày 23/06/2008

Chu chi Nam

(1) Xin Qui vi xem them những bài dân chủ và cách mạng trên web: http://perso.orange.fr/chuchinam/

No comments: