Tại Sao Việt Nam Cộng Hòa Sụp Đổ ?
Trần Văn Thưởng
Hiện tượng sụp đổ của chính thể VNCH vào ngày 30/4/75 là hậu quả của những biến cố liên hệ dây chuyền của Quân sự, Chính trị và Ngoại giao của các lực lượng tham chiến tại Việt Nam, kể từ tháng 8/69. Ðặc biệt sự sai lầm của tướng Minh trong cương vị chỉ huy của một Tư lệnh Quân đoàn là khởi điểm cho những biến cố về sau của lịch sử Việt Nam.
Chiến dịch bí mật đàm thoại hòa bình của chiến tranh Việt Nam đã đi vào một khúc quanh quan trọng của lịch sử, khi Kissinger đã bí mật họp mật mười hai lần tại Ba Lê với phái đoàn Bắc Việt từ tháng 8/69, như Nixon đã tiết lộ [1] . Hai cuộc hành quân vượt biên cấp quân đoàn của QLVNCH đồng loạt kể từ ngày 8/2/71, là hậu quả của chiến dịch hòa đàm nầy để mặc cả trên bàn hội nghị, Hành quân Lam Sơn 719 và Hành quân Toàn Thắng 1. Hành quân Lam Sơn 719, theo Nguyễn Tiến Hưng kể lại, được soạn thảo bởi Hoa Kỳ và đưa cho Ðại tướng Cao Văn Viên ký [2]. Ðây là một cuộc đem con bỏ chợ tại Hạ Lào, bởi vì bên ta chỉ có 25,000 quân để đương đầu với 36,000 địch quân, tăng cường thêm hai Sư đoàn thiết giáp tối tân của Nga Sô cùng với nhiều trung đoàn pháo binh và phòng không. Kết quả là quân ta bị thua to và mất đi rất nhiều chiến sĩ ưu tú, trong khi tướng Wesmoreland án binh bất động vì không dám đem bốn sư đoàn của Mỹ vượt biên để cùng tham chiến với QLVNCH[2].. Như vậy tướng Wesmoreland hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc Hành quân Lam Sơn 719 nầy. Tuy nhiên trong thực tế, QLVNCH đã chịu những búa rìu của báo chí cũng như phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, để dẫn đến một sự chiến bại chiến lược trên phương diện quốc gia sau nầy. Ngoài ra đây là một cơ hội cho địch lượng giá khả năng chỉ huy điều binh trận địa chiến cấp quân đoàn của tướng lãnh ta và Hoa Kỳ, để chúng có yếu tố soạn thảo một chiến lược đấu tranh bằng trận địa chiến toàn diện về sau. May mắn thay, Ðại tướng Ðỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã đích thân soạn thảo kế hoạch và chỉ huy trực tiếp Hành quân Toàn Thắng 1, để đem lại chiến thắng vẻ vang cho QLVNCH trong một cuộc hành quân cấp quân đoàn tại Cam Bốt. Do đó địch phải hoang mang trong việc lượng giá khả năng chỉ huy và điều binh trận địa chiến của tướng lãnh ta trên cương vị cấp quân đoàn sau hai cuộc hành quân viễn chinh của QLVNCH.
Nghị quyết tháng 5/71[3] do Bộ Chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng CSVN là bước đầu để thăm dò lại khả năng chỉ huy và điều binh trận địa chiến của tướng lãnh ta trên cương vị cấp quân đoàn. Trận Snoul[4], là khởi đầu cho Nghị quyết nầy. Ðịch đã xử dụng toàn bộ ba Sư đoàn 5, 7 và 9 để tấn công và bao vây Chiến đoàn 8 tại Snoul, đồng thời cầm chân nỗ lực chính của Quân đoàn 3 tại Tây-Nam Snoul, lực lượng tăng viện của LLXKQÐ3 tại Ðông-Nam Snoul. Chính những sự sai lầm của tướng Minh trong lãnh vực chỉ huy cũng như lượng giá chiến trường trong trận đánh Snoul [4], đã thúc đẩy địch quyết định mở rộng thêm chiến lược trận địa chiến trên toàn lãnh thổ miền Nam trong năm 1972 về sau.
Vào ngày 30/3/72, Ðịch đồng loạt mở rộng chiến trường bằng ba chiến dịch, chiến dịch Nguyễn Huệ phía Ðông Nam Bộ là nỗ lực chính, chiến dịch Trị-Thiên cũng là nỗ lực chính, và chiến dịch Tây-Nguyên là nỗ lực phụ[3]. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, địch đã xử dụng toàn bộ ba Sư đoàn 5,7 và 9 để chiếm lãnh Lộc Ninh và các vùng lân cận, trước khi bao vây và tấn công An Lộc trong khoảng hai tháng. QLVNCH đã phải xử dụng Sư đoàn 5, hai Lữ đoàn Dù, một Liên đoàn 81 BCD, hai trung đoàn của Sư đoàn 21, cùng nhiều Liên đoàn Biệt động quân để giữ An Lộc, dưới sự yểm trợ hùng hậu của Không quân Hoa Kỳ, gồm cả các pháo đài bay B52. An Lộc đã được quân ta anh dũng giữ vững, tuy nhiên Quảng Trị đã bị mất trong tay địch, bởi vì các lực lượng trừ bị thiện chiến của ta đã bị cầm chân ở hai chiến trường Tây-Nguyên và An Lộc[5]. Ðặc biệt trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, địch đã học lóm mưu lược xử dụng truyền tin của quân ta trong trận Snoul, nên chúng đã xử dụng im lặng vô tuyến trước khi tấn công để đạt được yếu tố bất ngờ trong ngày đầu tiên của chiến dịch[4] .
Chiến dịch Trị-Thiên và Nguyễn Huệ là hậu quả của sự ép buộc chính thể VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê ngày 27/1/1973, sau khi Nixon đã gởi bức thư dọa dẫm Tổng thống Thiệu[1,2,6]. Tiếp theo là việc rút quân cấp bách của Mỹ và Ðồng Minh trong vòng 60 ngày, căn cứ vào điều khoản 5 và 6 của hiệp định. Hơn nữa, căn cứ vào điều khoản 12(a), địch lại ở thế ngang hàng với chính thể VNCH, cũng như không phải rút quân khỏi miền Nam. Như vậy, chúng ta hầu như đã mất nước sau ngày ký Hiệp định Ba Lê gần như đầu hàng nầy[6,7,8,9].
Tiếp theo Hiệp định Ba Lê là việc Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho VNCH, trong khi Nga Sô lại thừa thắng xông lên, tăng cường thêm viện trợ các vũ khí tối tân hơn cho Bắc Việt. Lại còn Ðạo luật Quyền Hạn Chiến Tranh cho Tổng thống Hoa kỳ cũng được QHHK phê chuẩn vào hồi tháng 6/73[2] tăng cường thêm cho sự sụp đổ của miền Nam năm 75[10].
Thử hỏi nếu kế hoạch “Ðiệu Hổ Ly Sơn” được tướng Minh thi hành trong trận Snoul vào cuối tháng 5/71, liệu địch có đủ sức và tự tin để mở Chiến dịch Nguyễn Huệ mười tháng sau trận Snoul. Nếu không có Chiến dịch Nguyễn Huệ thì đâu có trận An Lộc, để khoảng một sư đoàn trừ bị thiện chiến của QLVNCH phải bị cầm chân tại An Lộc gần hai tháng. Nếu QLVNCH không bị cầm chân ở An Lộc thì chúng ta sẽ không mất Quảng Trị, bởi vì QLVNCH đã rảnh tay để có thể tăng cường ít nhất một sư đoàn trừ bị thiện chiến cho chiến trường tại Quảng Trị. Dĩ nhiên nếu chúng ta không mất Quảng Trị, thì đâu có sự ép buộc VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê, bởi vì địch đã bị thất bại mặc cả trên bàn hội nghị, khi chiến dịch Trị-Thiên của địch bị đánh bại bởi quân ta. Do đó đâu có việc Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho VNCH, cũng như việc duyệt ký Ðạo luật Quyền Hạn Chiến Tranh cho Tổng thống Hoa kỳ vào hồi tháng 6/73[2]. Vì thế, lịch sử VNCH đã thay đổi hoàn toàn sau năm 1975, cũng như không có hiện tượng sụp đổ của miền Nam trong năm 1975, để hơn hai triệu người Việt Nam phải sống kiếp lưu vong ở Hải ngoại, cũng như hàng vạn thuyền nhân bỏ mạng trên biển cả để tìm tự do, cũng như những năm tháng tù tội tàn nhẫn của địch dành cho Quân dân miền Nam.
Trần Văn Thưởng
THAM KHẢO
[1] Nixon, Richard, The Memoirs of Richard Nixon, New Yorks: Grosset and Dunlap, 1978
[2] Nguyễn Tiến Hưng & Jerold L. Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, C&K Promotion, Inc., Los Angeles, tr. 75, 78, 267,417.
[3] Lê Kinh Lịch, Trận Đánh Ba Mươi Năm, nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1996, tr.405-406, 421, 432,
[4] Trần Văn Thư ởng,Trận Đánh Snoul và Những Hậu Quả http://www.generalhieu.com
[5] Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972, Indochina Monographs, U.S Army Center of Military History, 1980
[6] Goodman, Allen E., The Lost Peace: America’s Search for a Negotiated Settlement of the Vietnam War, Stanford, CA : Hoover Institution, 1978
[7]] Nguyễn Duy Hinh, Hành Quân Lam Sơn 719, Indochina Monographs, US. Army Center of Military History, 1979
[8] Isaacs, Arnolds, Without Honor: Defeat in Vietnam and Cambodia, New York: Vintage Books, 1983
[9] Kissinger, Henry A., The White House Years, Boston: Little Brown, 1979
[10] Cao Văn Viên, The Final Collapse, Indochina Monographs. Washington D.C.: U.S Army Center of Military History, 1983.
http://www.vietland.net/main/showthread.php?t=4
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment