Wednesday, June 11, 2008

Xóa Sổ Văn Hóa

TRẦN KHẢI . Việt Báo Thứ Tư, 6/11/2008, 12:02:00 AM
Sau khi nhìn thấy những cuộc biểu tình của người Tây Tạng tại các thành phố lớn, nhà nước Trung Quốc nghĩ ra cách đàn áp ở diện rộng hơn và tàn bạo hơn: xóa sổ văn hóa. Và trong đó, cách đơn giản nhất là bắt cóc những người có ảnh hưởng văn hóa, vừa làm mất đi một cội rễ với quá khứ của dân tộc Tây Tạng, vừa khủng bố tinh thần những người còn lại.
Bài viết của phóng viên Barbara Demick, trên tờ Los Angeles Times ngày 9-6-2008, nhan đề "China silences Tibet folk singer Drolmakyi" (Trung Quốc Bịt Miệng Ca Sĩ Dân Ca Tây Tạng Drolmakyi) viết rằng công an vừa mới bắt cóc chị Drolmakyi, và ca sĩ dân ca này là một trong ít nhất 7 nhân vật văn hóa Tây Tạng bị bắt gần đây mà không có truy tố chính thức nào. Bài náo nói cô có thể đã dùng một lá cờ Tây Tạng vẽ tay trong một màn trình diễn của cô. Sau đây là các thông tin về cô qua bài báo này.

Cô Drolmakyi biết rằng sẽ rất là nguy hiểm khi cô mở ra nơi duy nhất để nghe nhạc sống ở thị trấn Dawu nhỏ, đầy bụi trên đồng bằng Tây Tạng. Cô là một ca sĩ, 31 tuổi, độc thân nuôi con, là một thành viên trong hội đồng chính quyền địa phương và là khuôn mặt nổi tiếng ở thị trấn, trưởng thành qua những năm chăn nuôi đàn bò yak miệt núi và đã không quên gốc rễ du mục của cô. Trong quán nhạc đêm, cô và các bạn cô mặt bộ váy truyền thống và mang xâu chuỗi có hạt lớn như quả nho, và hát các bản dân ca mang âm hưởng đau đớn hoài niệm về kiểu Tây Tạng xưa.

Mẹ cô là bà Caito, nói nhạc của cô con gái bà không có gì là chính trị, "Nó hát từ quả tim thôi. Con tôi luôn luôn nói là chúng ta phải gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng, Đó là toàn bộ mọi chuyện."

Hôm 30-3-2008, công an TQ bắt Drolmakyi trong khi cô đang treo đồ mới giặt xong ở ban-công căn hộ chung cư của cô. Cô không được nói lời từ biệt với ba đứa con của cô, tuồi 9 tới 13 tuổi, lúc đó đang chơi ngoài sân. Khi ba em bé trở lại, thì mẹ các em biến mất rồi.

Có ít nhất 6 khuôn mặt văn hóa Tây Tạng khác đã bị bắt các tháng gần đây, trong các trường hợp tương tự mà không có văn bản cảnh cáo hay truy tố chính thức nào. Các bạn hữu và gia đình nói là họ đã phải vận động xin trả tự do bằng cách trả các khoản lệ phí lớn và cam kết im lặng.

Điều dị thường là vì: Dawu, thuộc huyện Golog, khoảng 150 dặm ngoài Khu Tự Quản Tây Tạng, chưa từng có cuộc biểu tình chống nhà nước TQ trong những ngày tháng bùng nổ các cuộc biểu tình giữa tháng 3 vừa qua. Những khuôn mặt văn hóa bị bắt thì lại không dính gì tới các cuộc biểu tình.

Huyện Golog là một khu vực thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai), có 120,000 dân sắc tộc Tây Tạng và chưa tới 10,000 người Hán tộc. Người Tạng gọi vùng này là Amdo và xem đây như một nơi thuộc vùng đất lịch sử của họ. Vùng này xa xôi hẻo lánh, cách trạm xe lửa gần nhất tới 12 giờ đi xe hơi trên con đường đất gồ ghề, nên ít ảnh hưởng của TQ.

Cho tới tháng 3 thì Tạng dân ở Golog còn tương đối tự do. Nhiều nơi còn treo hình Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các tiệm bán công khai hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma, cả bản sao các bài diễn văn của ngài.

Dân ca Tây Tạng lại đang hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt với kiểu gần đây khởi từ Amdo trong thời 1980s, gọi là dunglen. Các bản dân ca này chậm, buồn, thường khi hoài niệm về mối tình đã mất hay vài bi kịch khác. Chuyến đi lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma và căn cước Tây Tạng bị xóa mất dưới chính quyền CSTQ là các đề tài tuyệt hảo cho kiểu nhạc này.

"Ngày càng nhiều trong các năm gần đây, người ta hát về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi đoán là họ không hài lòng với chính phủ TQ hiện nay," theo lời một tiểu thương 25 tuổi, chuyên bán các băng video và CD nhạc ở một gian hàng trong chợ chính của Dawu.

Donzhub, một thanh niên thỉnh thoảng vào quán nhạc đêm của Drolmakyi, một hộp đêm với các bức tường sơn hình hoa sen và các biểu tượng Phật Giáo, nói, "Chúng tôi thường hát về những chuyện chúng tôi không thể nói ra."

Hộp đêm mở cửa từ mùa thu năm ngoái. Cô Drolmakyi muốn cung cấp văn hóa cho một thị trấn, mà đời sống ban đêm ở đây chủ yếu là đánh bi-da ngoài chợ. Cô cũng dùng quán nhạc này làm trung tâm dạy nhạc cho các phụ nữ Tây Tạng mù chữ, dạy họ cách hát để rồi sẽ tự mưu sinh.

Drolmakyi, ly thân với chồng, đã sống ở vùng núi cho tới cách nay 5 năm mới về mua 1 căn chung cư ở Dawu cho mẹ và các con, nhằm đưa các con ghi danh đi học. Drolmakyi vốn học chỉ có chút xíu, và đã phải tự học đọc và viết. Người ta vẫn chưa rõ vì sao cô bị bắt, vì không có văn bản truy tố nào.

Mẹ cô nói qua phỏng vấn, trong căn phòng khách của gia đình, trên vách là bức hình khổng lồ của Lhasa, thủ đô vùng Tây Tạng, "Không gì cả, không gì cả, không gì cả. Họ không nói với chúng tôi gì cả. Y hệt như là con tôi biến mất."

Bà mẹ nói là bà nghe kể cô đã vẽ một lá cờ Tây Tạng để dùng trong một màn trình diễn trong hộp đêm của cô. Theo Điều 105 Luật Hình Sự TQ, người ta có thể bị truy tố tội "kích động lật đổ chính phủ" chỉ vì phê phán nhà nước.

Theo lời kể từ gia đinh và bạn hữu, cô Drolmakyi được phép về nhà hồi cuối tháng 5-2008, sau gần 2 tháng bị giam. Một người bạn nói là cô tin là điều kiện thả về là cô sẽ không xuất hiện trước công chúng hay nói gì về vụ bắt cóc.

Người bạn ẩn danh này kể, "Cô ta cơ bản là bị bảo là phải im lặng một thời gian."

Công an không trả lời bất cứ thắc mắc nào từ phóng viên.

Các thông tin từ các vụ bắt giam đưa ra khỏi TQ từ một trang blog viết bởi Woeser, một nhà thơ Tây Tạng, người bị quản thúc tại gia một tuần trong tháng 3 và có trang blog bị tin tặc phá liên tục.

Robbie Barnett, nhà nghiên cứu về Tây Tạng ở Đại Học Columbia, tin là công an nhắm vào các người Tây Tạng nổi tiếng để hù dọa mọi người khác. Hầu hết những người bị bắt đã được thả với điều kiện tương tự như cô Drolmakyi, nghĩa là công an đã làm vắng lặng những tiếng nói văn hóa Tây Tạng một cách hiệu quả.

Từ bịt miệng, cho tới xóa sổ… Tiến trình thủ tiêu văn hóa này sẽ cần tới bao nhiêu năm? Đó là mưu tính của nhà nước TQ, và là nỗi lo của người dân Tây Tạng.

TRẦN KHẢI

No comments: