Wednesday, June 25, 2008

Thực dân mới

Ðương lúc Hà Nội hãnh diện về sự thành công của chính sách mở rộng cửa cho người nước ngoài đến kinh doanh hay du lịch, vụ Waché nổ ra tại Sài Gòn như một còi báo động về thực trạng quan hệ giữa ngoại kiều (kể cả Việt kiều) và dân Việt. Thật ra, đã từ lâu, thái độ ngạo nghễ của ngoại nhân tại Việt Nam khiến rất nhiều người bất mãn ; nhờ lương lậu và hối suất chênh lệch họ có phương tiện vung tiền như rác, mua chuộc thường dân nghèo đói dễ dàng nên tưởng mình thuộc chất cao sang hơn rồi giở trò khinh mạn xấc xược đối với người bản xứ. Thành kiến của họ càng gia tăng khi ngược lại một số càng ngày càng đông dân Việt, vì miếng cơm manh áo hay vì đồng tiền chi phối, sẵn sàng bán rẻ thân xác hay lương tri cho kẻ mạnh thế.

Nếu sự tủi nhục của phận ăn xin làm điếm chỉ nhất thời và là giá phải trả cho sự phát triển của đất nước, tình trạng không có gì bi thảm lắm. Ðiều đáng lo ngại là với sự bất lực và hủ bại của giới cầm quyền, với nạn tham nhũng ăn sâu trong xã hội, với nền văn hóa giáo dục suy đồi, Việt Nam hoàn toàn phá sản vâ trở thành thuộc địa của các nhà đầu tư (do ba nước người Hoa - Ðâi Loan, Tân Gia Ba, Hồng Kông – dẫn đầu) tha hồ hoành hành trên đất nước.

Ðối với dân một nước đã trải qua nhiều cuộc đô hộ như Việt Nam, không có cái nhục nào lớn hơn cái nhục mất nước, khi người dân trong nước bị ngoại nhân công khai đè đầu cưỡi cổ, không những chẳng được nhà nước bồ nhìn che chở mà còn bị nhà nước tay sai a dua kiềm chế. Sỏ dĩ dư luận Việt Nam xôn xao về hành động ngang ngược của nhà chủ Georges Waché cũng tại sự lộng quyền rồ dại của ông ta, song song với sự phục tùng quá trớn của công nhân ông, không khỏi khơi lại trong mọi người dĩ vãng nhục nhằn thời thực dân, nhất là khi thái độ lúng túng của nhà chức trách Việt Nam cố tình giảm nhẹm vấn đề làm liên tưởng đến triều đình nhà Nguyễn thời suy vi.

Mà không liên tưởng sao được khi thấy các viên chức cán bộ cộng sản càng ngày càng quan liêu (từ xưng hô “ngâi” tưởng đã lỗi thời hiện rất thông dụng trong ngôn ngữ hành chánh ngoại giao của chế độ), cung kính hèn hạ bao nhiêu đối với kẻ bề trên, thì hách dịch le lói đối với kẻ yếm thế bấy nhiêu. Với tư cách ấy, họ sẵn sàng dọn đường cho thực dân mới cũng phải thôi.

Có thể nói, khẩu hiệu “Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc” ghi trên mọi giấy tờ chính thức của nhà nước xã hội chủ nghĩa đề cao những tài sản do cộng sản không phải mang lại cho Việt Nam mà tước đi của giống nòi. Về tự do, hạnh phúc thì rõ rệt quá rồi. Riêng về độc lập, còn rất nhiều người chưa nhận rõ vai trò tiêu cực của cộng sản bởi còn bị các chiến công oanh liệt của Ðảng lòe bịp. Nhưng chẳng cần tranh luận tới tính xác đáng của các cuộc chiến do cộng sản gây ra để thắng thế, chỉ cần nhìn vào sự bán tháo dần các tài nguyên quốc gia (như rừng hay dầu hỏa mới đây được để cho ngoại quốc khai thác 100% tức không có vốn của Việt Nam và vì vậy không mang lại gì cho Việt Nam ngoài tiền thuế và việc làm cho một số dân nhưng sẽ để lại hiệu quả tai hại về môi sinh) đủ rõ sự thể.

Hy vọng dân Việt Nam, phần lớn còn giữ “tinh thần tự trọng dân tộc” (như công nhân Trần Anh Dũng trong công ty của Waché) sớm ý thức bản chất bán nước của chế độ cộng sản, dù là cộng sản đổi mới, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi tổ quốc, để kịp chặn đứng tiến trình thuộc địa hóa đất nước.

10/1994
Retour à DPN

No comments: