Ngày 19 tháng chạp 1946, chiến tranh chính thức bùng nổ tại Việt Nam, một cuộc chiến sẽ kéo dài gần 30 năm với những nguyên ủy và hậu quả tiếp tục cản trở mọi sự phát triển đất nước. Ðược kẻ thắng trận đặt cho cái tên đẹp đẽ là « cuộc chiến tranh giải phóng hiển hách », nó tiếp nối một cuộc « cách mạng » không mấy « hiển hách » xảy ra ngày 17 tháng tám 1945 được nhắc trong sách báo dưới danh từ « Cách mạng tháng tám » phỏng theo cách mạng tháng mười của Nga Sô. Nhưng đối với toàn thể dân Việt phải hứng chịu nó trong tâm hồn cũng như thể xác, từ đầu chí cuối, từ lâu trước tới tận mãi sau, nó chỉ là một cuộc nội chiến trong đó ngoại quốc nhúng tay ít nhiều.
Những ai suy nghĩ hay mở mắt một chút có thể thấy rõ rằng cuộc chiến dai dẳng không hề giải phóng một ai mà chỉ cột dần dân chúng theo bước tiến của nó, rằng nó biểu hiện ý chí khôn nguôi của các tín đồ cộng sản muốn áp đặt chủ thuyết trên toàn cõi Việt Nam chống lại sự kháng chiến của các phần tử quốc gia thức thời nhưng chia rẽ, không có năng lực sách động quần chúng, thường do dự vì có tình người và không cuồng tín, ít được hỗ trợ bởi dư luận quốc tế đương bị tư tưởng tả phái chi phối. Dư luận này không đếm xỉa gì đến thực trạng Việt Nam cũng như đến những người Việt hô mình chống cộng sản, và đồng hóa chiến tranh Việt Nam với một cuộc chiến chống thực dân và tân thực dân, gọi nó là chiến tranh Ðông Dương chống Pháp (từ 1946 đến 1954) và chiến tranh Việt Nam chống Mỹ (từ 1956 đến 1975).
Song chiến thắng của cộng sản tại Việt Nam chỉ là một tác phẩm tuyệt mệnh vì vào cuối những năm 70 cộng sản bắt đầu phá sản, các chế độ cộng sản Ðông Âu nối gót nhau sụp đổ vào những cuối năm 80, khiến giới trí thức « tiến bộ » bắt buộc phải nhìn thời cuộc Việt Nam với một con mắt khác và nhận thức bản chất của nhóm cầm quyền Hà Nội. Tuy nhiên, để khỏi phải đổi ý hay trở mặt quá trớn, nếu họ không còn dám chửi đổng những người quốc gia là quân bù nhìn hay bán nước, họ vẫn tiếp tục giảm nhẹ vai trò chính trị và quân sự của phe quốc gia để làm nổi bật hành động của phía đồng minh Pháp-Mỹ và nhất là để dễ tâng bốc Hồ Chí Minh vầ đồng bạn, được coi là những nhà ái quốc (làm như người quốc gia không yêu nước) đứng trên mọi sự lệ thuộc ý thức hệ.
Cũng như những người cộng sản quốc tế vỡ mộng cố cứu Lê Nin và Cách Mạng tháng mười khỏi sự tan băng của nhà nước Sô Viết, các nhà Việt học tiến bộ, tuy đã hé mắt, vẫn bám víu vào ba huyền thoại về Bác Hồ kính yêu, nhà ái quốc trong sạch cứng rắn, về đại Cách Mạng tháng tám và về cuộc chiến tranh anh dũng giành độc lập, mặc dầu những huyền thoại ấy tỏ ra vô căn cứ sau một sự đối chiếu tường tận với sử liệu.
Ngày nay, khó ai phủ nhận Nguyễn Tất Thành (tên thật của Hồ Chí Minh) chỉ ra điều chống thực dân sau 1911, khi bị bác bỏ đơn xin vào học Trường thuộc địa vào khoảng 19 hay 21 tuổi (tùy theo năm sinh là 1890 hay 1892), mặc dầu có nguyện trong đơn sẽ « giúp ích cho nước Pháp trong sự xử sự với đồng bào » mình. Nhờ một sự ngẫu hợp tình huống, có lẽ do ý trời dun dủi, anh Ba Paul Tất Thành (tên N.T. Thành tự đặt cho mình, chứng tỏ lâu sau 1911 N.T. Thành vẫn sính làm Tây con) bắt được cơ hội đổi tên là Nguyễn Ái Quốc để nhờ đó có tiếng tăm và chinh phục sự kính nể của nhiều người. Nguyên Nguyễn Ái Quốc là tên chung của một nhóm nhà cách mạng Việt Nam sống tại Paris vào khoảng 1918 ; nhóm này dùng tên ấy (sau khi bỏ tên Nguyễn Ố Pháp khí kém thanh) để ký vào những văn bản chống Pháp thường do Phan Chu Trinh đề xướng, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh thảo ra Pháp văn. Vì ai nấy trong nhóm đều bị nhà chức trách theo dõi, để qua mặt các cơ quan an ninh họ nghĩ ra kế để cho một người vô danh tiểu tốt đội lốt tác giả Nguyễn Ái Quốc.
Người được chọn chính là Nguyễn Tất Thành, mới tới Paris sau 8 năm phục dịch trên các tàu thủy vượt Ðại Tây Dương, thường hay lại chỗ Phan Chu Trinh chơi vì cụ Phan có quen với thân phụ anh ta. Mỗi khi cảnh sát có trát gọi Nguyễn Ái Quốc đến cho họ hạch hỏi thì Nguyễn Tất Thành được cử đi trình diện. Dần dần nhóm cách mạng trao cho Nguyễn Tất Thành trách nhiệm thay thế họ đọc các diễn văn ký tên Nguyễn Ái Quốc tại các buổi họp mặt công cộng như tại Hội nghị của đảng xã hội ở Versailles và Tours. Nhờ lốt Nguyễn Ái Quốc giả được chính thức hóa đó, sau này Nguyễn Tất Thành đoạt luôn làm của mình, do chính mình viết hay giao ý, những tác phẩm do nhóm cách mạng kia soạn thảo, mặc dầu có lúc ông ta công nhận rằng vào cuối 1919 ông còn rất kém Pháp ngữ. Ðặc biệt, ông khoe mình là tác giả của « Bản cáo trạng chế độ thực dân » lừng danh, một tác phẩm được ghi trong quyển số 2 là của Nguyễn Thế Truyền và được Nguyễn Thế Truyền viết bài tựa trong quyển số 1 !
Có lẽ vì mặc cảm tự ti của kẻ tự học, Hồ Chí Minh cần tỏ ra mình là một nhà trí thức giỏi ngoại ngữ. Nhưng theo lời Ðặng Chấn Liêu, có thời làm thư ký riêng cho ông ta, kể lại cho một người cháu hiện ở Pháp, nếu Hồ Chí Minh quả biết một số từ ngoại ngữ để đối thoại thường, ông không đủ khả năng viết văn đúng mẹo trong bất cứ tiếng gì, nói chi đến chuyện viết các áng văn hay gán cho ông. Mới đây Lê Hữu Mục có chứng minh rằng tập thơ Hán văn viết trong tù ngục Trung Hoa mà Hồ Chí Minh lấy làm hãnh diện không hề do ông ta viết, mà có tác giả là một tù nhân bị nhốt chung ngục với ông nhưng chết trong ngục. Mà chẳng lạ sao khi thấy ngoài tập thơ ấy và các tác phẩm Pháp văn viết vào đầu những năm 20, Hồ Chí Minh không sản xuất gì khác bằng Việt ngữ hay ngoại ngữ - các văn bản chính trị tuyên truyền không đáng kể -, mặc dầu sau khi nắm chính quyền ông có nhiều thì giờ nhàn rỗi ?
Muốn tìm hiểu tính tình và tài văn của Hồ Chí Minh chỉ cần đọc bản tự truyện do ông viết dưới bút hiệu Trần Dân Tiến, trong đó tính gian dối xảo quyệt và tự mãn của ông hiện rõ dưới một thể văn lỏng lẻo vụng về. Vào thời xưa (vì ngày nay với hàng lớp người Việt sinh sống ở ngoại quốc sự kiện này xảy ra thường xuyên) một người viết tiếng mẹ đẻ yếu nhạt như thế làm sao có thể là tác giả của những bài Pháp ngữ mạch lạc hùng hồn cho được ? Thế nhưng nhiều học giả vẫn tiếp tục loan truyền huyền thoại Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh với tác giả Nguyễn Ái Quốc là một.
Còn huyền thoại về nhà cách mạng đại ái quốc thì sao ? Hồ Chí Minh đã trở thành nhà cách mạng thật sau khi gia nhập đảng xã hội rồi đảng cộng sản Pháp. Chính đảng này cử ông sang Nga vào tháng sáu 1923 để dự hội nghị của đảng nông dân quốc tế họp tại Moscou tháng mười năm ấy. Hội nghị họp xong, ông ở lại Nga rồi được nhận vào học tại Trường huấn luyện cán bộ của Ðảng. Ở đây, xin hỏi các nhà sùng bái Bác : làm sao kể từ 1923 đang ở Nga rồi ở Tàu, Hồ Chí Minh có thể cộng tác được với báo Le Paria ở Pháp và soạn thảo « Bản cáo trạng chế độ thực dân » xuất bản tại Paris năm 1926 ?
Nhưng Hồ Chí Minh có quả là một nhà đại ái quốc không ? Phải biết rằng vào thời Staline chỉ những kẻ vô nhân tính tuyệt óc tư sản mới được chấp nhận vào các trường Ðảng của Nga, và họ chỉ được chọn sau khi tiểu sử của họ được tra xét kỹ lưỡng, bởi Staline rất ghét những tiểu sử không vết ô, theo lời Isaac Babel. Ngoài ra, như Phan Bội Châu ghi lại trong quyển « Tự phán », sau một cuộc tiếp xúc với phái đoàn cộng sản Nga sang Trung Hoa năm 1920, ngoại nhân nào sang Nga học cũng phải cam đoan trung thành với thuyết cộng sản, cam đoan học xong về nước tuyên truyền cho chủ thuyết vô sản, và tích cực tranh đấu cho cuộc cách mạng vô sản. Trừ phi có óc méo mó đồng hóa quyền lợi quốc gia với chế độ cộng sản như các nhà lý tưởng suông và đồng bạn, khó mà tin được lòng ái quốc của một kẻ gắn bó với quyền lợi của ngoại bang, từng làm cán bộ thừa hành cho ngoại bang, sẵn sàng vì chủ thuyết hấp thụ ở ngoại bang làm đủ mọi việc, kể cả dấn đất nước vào cảnh giết chóc điêu tàn, miễn sao dựng được một chế độ hợp ý ngoại bang.
Ðúng theo lời cam kết với đảng cộng sản Nga, sau khi tốt nghiệp trường Ðảng năm 1925 Nguyễn Tất Thành (đổi tên là Lý Thụy) lãnh nhiệm vụ sang miền Nam Trung Hoa phụ tá cho Borodine, chuyên viên quấy rối, nhưng chính thức là cố vấn của Nga cạnh Quốc dân đảng Trung Hoa. Ðến Quảng Châu, ông liền kết nạp một nhóm thanh niên cách mạng lưu vong vào một tổ chức lấy tên là « Việt Nam thanh niên cách mạng » sau hợp với « Việt Nam cách mạng đồng chí hội », một đảng lập ra từ trong nước, thành « Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội » năm 1927. Ðến 1929 đảng này biến thành đảng cộng sản nhưng phân chia làm ba : « Ðông Dương cộng sản đảng », « An Nam cộng sản đảng » và « Ðông Dương cộng sản liên đoàn ». Năm 1930 Moscou ra lệnh cho Lý Thụy lấy lại tên Nguyễn Ái Quốc để dựa trên uy tín của tác giả này mà khiến ba phân đảng cộng sản thống nhất trong « Ðảng cộng sản Ðông Dương ».
Vào đầu năm 1930 các đảng phái chống thực dân hoạt động rất sôi nổi. « Việt Nam quốc dân đảng », địch thủ chính của đảng cộng sản, vì được nhiều người theo, tưởng mình đã đủ mạnh để dấy một cuộc tổng khởi nghĩa chống Pháp, cố nhiên thua trận, mất rất nhiều cán bộ đầu não và bị Pháp truy nã ráo riết. Sự suy vi của VNQDÐ mở đường cho sự bành trướng của đảng cộng sản (thường mượn tay người Pháp để gia hại địch thủ quốc gia qua sự tố cáo nặc danh). Nhưng vào cuối 1930, các đảng phái dù lớn đến đâu cũng chỉ còn vài chục đảng viên tản mác khắp nơi để tránh sự lùng bắt của công an Pháp. Một số lớn đảng viên chạy trốn sang miền Nam Trung Hoa sinh hoạt cầm chừng chờ đợi cơ hội hoạt động và tái thiết đảng, một cơ hội sẽ tới với họ vào năm 1940, khi đệ nhị đại thế chiến bùng nổ và quân Nhật tràn vào Việt Nam.
Dưới sự bảo trợ của một số tướng lãnh Trung Hoa quốc dân đảng, các đảng phái đương tự củng cố thì Nguyễn Tất Thành /Nguyễn Ái Quốc mà mọi người tưởng đã mất tích từ 1933 sau khi bị bắt tại Hồng Kông, bỗng xuất hiện trở lại. Lần này, ông được Moscou ra lệnh tạm dẹp ý đồ vô sản để nhất thời tập hợp các lực lượng đấu tranh chống phát xít. Trước nhất, ông lập một « Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh hội », gọi tắt là Việt Minh, bề ngoài gồm đủ thành phần quốc gia nhưng thực ra do cộng sản hoàn toàn nắm giữ dưới sự lãnh đạo của chính ông, rồi với nhãn hiệu có vẻ quốc gia này, ông cho người về Việt Nam tuyên truyền. Nhờ sự hóa trang này, ông được giới lãnh tụ quốc dân đảng Trung Hoa địa phương giúp đỡ. Họ ép các đảng quốc gia như VNQDÐ, VN phục quốc hợp tác với ông, thành lập năm 1942 một mặt trận lấy tên là « Việt Nam cách mệnh đồng minh hội » (VNCMÐMH) dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần.
Ðại biểu của Việt Minh trong mặt trận này là Hồ Chí Minh, tên mới và kể từ nay nhất định của Nguyễn Tất Thành. Cái tên này cũng là một tên chiếm hữu, nguyên là bí danh của một nhà cách mạng quốc gia thực sự, Hồ Học Lãm, chết trong ngục Trung Hoa năm 1940, được ông mượn để qua mặt QDÐ Trung Hoa và để gây cảm tình nhờ sự hơi trùng tên với Hầu Chí Minh, viên sĩ quan QDÐ coi nhà tù nơi ông bị giam giữ trước đó vì bị nghi là cán bộ cộng sản. Ðược xếp vào thành phần quốc gia, Hồ Chí Minh dễ bề hoạt động hơn. Sau khi khiến các thành viên quốc gia của VNCMÐMH giao cho ông trách nhiệm tổ chức quân sự trong nước, ông gửi đảng viên cộng sản (Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh…) về Việt Nam lấy danh nghĩa của VNCMÐMH mà mộ người, tuyên truyền cho Việt Minh. Suốt thời gian tranh đấu giành độc quyền, cộng sản Việt Nam sẽ không ngưng lợi dụng sự nhầm lẫn giữa Ðồng Minh (VNCMÐMH, đa số gồm người quốc gia) và Việt Minh để lấy lòng dân và độc gán cho mình phẩm tính cách mạng yêu nước, đồng thời phủ nhận vai trò chính trị của người quốc gia bị vu cho tội phát xít bán nước.
Nhờ có căn cứ tại Việt Bắc, được lập nhân danh các đoàn thể quốc gia, để chống lại phe quốc gia, cộng sản VN chiếm một ưu thế đặc biệt, khiến cả QDÐ Trung Hoa lẫn tình báo Hoa Kỳ ủng hộ họ, cho họ tiền và khí giới đổi lấy tin tức về quân đội Nhật. Tuy vậy, đầu tháng tám 1945, thực lực của Việt Minh không lấy gì làm lớn với tối đa 5000 người theo (không tất có khí giới, tức số binh sĩ ít hơn nhiều) theo lời của chính Bác trong một diễn văn năm 1960. Lực lượng của họ tuy không mạnh hơn lực lượng của phe quốc gia (có nhiều hậu thuẫn trong dân chúng từ hồi khởi nghĩa Yên Báy) mấy tí, họ hơn phe này ở cái họ có một tổ chức vững vàng, một kinh nghiệm tiền vô hậu khoáng về những phương pháp sách động quần chúng học ở Nga Sô, và nhất là một ý chí quyết giật quyền mà người quốc gia quá nhu nhược và ngập ngừng không thể có.
Nhu nhược và ngập ngừng, đúng là tính tình của Bảo Ðại, ông vua trẻ tuổi được mọi người trông nhòm khi, dưới sự bảo trợ của quân Nhật vừa mới đảo chánh Pháp xong, ông tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 11 tháng ba 1945. Tuy ông là một người hết sức thông minh, theo nhận xét của Hồ Hữu Tường khi so sánh ông với các chính khách đương thời, ông không biết hay không dám (vì hiểu thế nào Pháp cũng trở qua) lợi dụng khát vọng tự do và sự kính nể triều đình (tiềm tàng dưới sự bất phục nhất thời) của dân để đứng ra kêu gọi dân sát cánh cùng ông duy trì độc lập. Cộng sản bị ông phỗng tay trên, sợ ông thâu được nhân tâm, bèn cản trở mọi cải cách của nội các Trần Trọng Kim, khai thác sự thất bại của Nhật và sự trung lập của các nước Ðồng minh để tuyên truyền chống chính phủ và tổ chức biểu tình liên miên, cài người lũng đoạn giới thân cận nhà vua như biến chánh văn phòng Phạm Khắc Hòe thành tay sai đắc lực, khiến khâm sai Phan Kế Toại ngồi yên vì nghe con trai là cán bộ của Ðảng. Các bộ trưởng và thủ tướng Trần Trọng Kim chán nản từ chức dần, thành thử sau khi Nhật đầu hàng ngày 12 tháng tám 1945, Bảo Ðại gần như bị những người được ông tin cậy bỏ rơi hoàn toàn. Bấy giờ, một ủy ban công chức trung thành với triều đình có ý nghĩ hướng về dân, hô hào dân chúng đi biểu tình rầm rộ vào ngày 17 tháng 8 để đòi nội các Trần Trọng Kim ở lại.
Nhưng các lãnh tụ cộng sản rập rình về nước khi hay tin Nhật đầu hàng và sắp sửa tiến vào châu thổ với một đoàn quân hỗn hợp, không thể không canh chừng. Ngày 17 tháng 8, lúc số 200 000 người đi biểu tình đáp lời kêu gọi của công chức, tấp nập kéo nhau đến trước cửa nhà hát lớn tụ họp, vừa đi vừa hô hào « Việt Nam muôn năm », họ bất ngờ thấy một số người mang vũ khí kéo cờ đỏ sao vàng, giật ống nói của viên đại diện công chức đang diễn thuyết khen Trần Trọng Kim để khuyến họ hoan hô Việt Minh, một lệnh họ vội tuân theo khi thấy còn thêm một số người cũng mang vũ khí coi bộ dữ tợn chực quanh họ. Những lời hoan hô miễn cưỡng này đã được cộng sản vin vào để biện hộ cho tính chính đáng của Ðảng, để rồi chiếm cứ các cơ quan hành chánh khắp nơi, không được thì thủ tiêu những nhân vật chống đối như Ngô Ðình Khôi, cốt sao dằn mặt quần chúng. Cái Cách mạng tháng tám hiển hách được cộng sản đề cao chỉ là những trò cướp quyền từ một chính quyền rỗng, nhờ vũ lực và tiểu xảo, xảy ra tản mát suốt tháng tám kia. Lúc đó, nếu Bảo Ðại muốn, Việt Minh rất dễ bị dẹp, vì quân đội Nhật còn ở Việt Nam có ủy nhiệm giữ an ninh trật tự, đã mấy lần đề nghị đặt 35 000 binh lính rắn dày của họ dưới sự sử dụng của ông. Nhưng ông cũng như Trần Trọng Kim là những người chủ hòa, không muốn có sự đổ máu.
Bị bỏ rơi trong cung điện bởi đám cộng sự viên, vừa nhát vừa tin lời tuyên truyền của cộng sản về lòng dân chúng thiên về Hồ Chí Minh, Bảo Ðại bằng lòng thoái vị ngày 23 tháng 8, giúp ông Hồ không phải khó nhọc mà lên làm Chủ tịch nước dân chủ cộng hòa Việt Nam ngày 2 tháng 9, với sự đồng ý của Hoa Kỳ, có nhiều thiện cảm với một người cộng sản được Ðồng minh ủng hộ hơn là một ông hoàng được Nhật che chở. Lạ là ngày 2 tháng 9 không được cộng sản tưởng niệm như ngày thành lập nền Dân chủ cộng hòa hay Xã hội chủ nghĩa, mà là ngày Việt Nam độc lập bởi hôm đó Hồ Chí Minh cũng tuyên bố độc lập. Nhưng hôm đó cộng sản đâu có giành độc lập của đất nước từ quân ngoại xâm nào. Nền độc lập, dù chỉ hữu danh và không mấy hữu thực, đã được Bảo Ðại tuyên bố từ trước, không ai có thể hối cái được. Khi lại tuyên bố độc lập trong một bối cảnh tương tự, Hồ Chí Minh rõ muốn lòe thiên hạ và vơ cho mình một sự kiện lịch sử hàm nhiều ý tốt đẹp có hiệu lực tô điểm cho hình ảnh của ông và đảng ông.
Cộng sản nắm quyền một mình không lâu vì các đảng phái quốc gia ngày thêm sôi động từ khi lãnh tụ của họ trở về nước theo 180 000 binh lính Trung Hoa được Ðồng minh giao phó nhiệm vụ lột vũ khí của quân Nhật ở trên vĩ tuyến 16. Hồ Chí Minh đành phải chia quyền với họ, bằng cách nhượng cho họ một phần ghế bộ trưởng, nhưng ông giữ lại cho đảng cộng sản những chức vụ chủ chốt cùng quyền hành thực sự. Tuy bắt buộc phải ngồi chung với nhau, hai phe vẫn hầm hè nhau, tranh giành ảnh hưởng với nhau, ai nấy đều lo bành trướng đảng mình. Lẽ dĩ nhiên, trong sự cạnh tranh này, cộng sản dễ thắng vì ở thế mạnh.
Vào tháng mười, sau khi Anh nhường cho Pháp nhiệm vụ lột vũ khí của Nhật ở dưới vĩ tuyến 16 (nhiệm vụ do Ðồng minh ủy cho, chiếu theo quyết định của hội nghị Postdam), tuân theo chỉ thị nhất định chiếm lại Ðông Dương của De Gaulle, tướng Leclerc mang quân đổ bộ Sài Gòn, tiến hành việc chinh phục Nam Kỳ (mới được tái sát nhập vương quốc An Nam ngày 14 tháng 8). Hoa Kỳ và Trung Hoa đang bắt đầu ngán cách cai trị tàn bạo của cộng sản chỉ lo thanh trừng những kẻ chống đối họ bị họ gán cho tội Việt gian, thấy quân Pháp mạnh, bèn khuyên Hồ Chí Minh nhượng quyền cho Bảo Ðại, lúc đó giữ chức cố vấn (đúng hơn là bình phong) cho Chủ tịch tại Hà Nội, để Bảo Ðại đứng lên lập một chính phủ hòa giải dân tộc dễ được dư luận quốc tế hỗ trợ. Hồ Chí Minh mới vào ưng thuận nhưng rồi đối ý, chắc do nhóm Võ Nguyên Giáp chủ chiến chống đối. Từ nay, ghen với Bảo Ðại, ông kiếm cách đầy Bảo Ðại đi xa (Sầm Sơn rồi Trung Hoa) và hạ uy tín của cựu hoàng bằng cách khiến cựu hoàng sa ngã (như cho gái đẹp đến phục dịch ông).
Về lời khuyên của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh chỉ ghi cái ý gây một tư cách chính đáng cho chính phủ. Ông liền cho tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội vào tháng giêng 1946, nhưng cuộc bầu cử này là một trò bịp vì các ghế đã được phân phối trước, đa số (300) cho Việt Minh và bằng hữu, một số nhỏ (70) cho các đảng phái quốc gia. Các đảng viên quốc gia khó từ chối vào tân chính phủ liên hiệp, nhưng ngay thoạt đầu họ hiểu họ cần cảnh giác đối với cộng sản và thường tuyên truyền chống cộng. Cảnh sát trong tay cộng sản phản ứng bằng cách vu khống nhiều tội tày trời cho đảng viên quốc gia rồi bắt và xử tử họ. Giữa không khí nội chiến tiềm tàng này và trên bối cảnh đói kém với quân Tàu chiếm đóng, cộng sản chỉ lo củng cố quyền lực, sẵn sàng điều đình với Pháp. Theo hiệp ước Trùng Khánh ký với Tưởng Giới Thạch ngày 28 tháng hai 1946, Pháp được Trung Hoa nhượng ủy quyền của Ðồng minh tại Bắc Việt (quân Tàu phải rút lui khỏi Việt Nam vào cuối tháng 3, nhưng đến tháng 5 mới thực sự ra đi).
Trước sự đổ bộ sắp tới của quân đội viễn chinh, Hồ Chí Minh nhận ký hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng ba 1946, theo đó Pháp công nhận Việt Nam là một nước tự do (nhưng không độc lập) trong khuôn khổ Liên bang Ðông Dương và Liên hiệp Pháp. Việc ký kết một hiệp định chối bỏ sự độc lập của Việt Nam bị toàn dân coi như một hành động phản phúc, khiến Việt Minh phải mở một chiến dịch biện minh và giữ một lập trường cứng rắn hơn tại hội nghị Ðà Lạt (tháng tư 1946) tiếp theo đó. Vì thế hội nghị thất bại, và hai bên Việt-Pháp đồng lòng rời hội nghị sang Pháp, tại Fontainebleau. Ðể phục hồi uy tín đối với dư luận, trước khi đi Pháp, Hồ Chí Minh dựng lên một « Mặt trận quốc dân Việt Nam » gọi là Liên Việt để đóng một vai trò liên hiệp bù nhìn, bởi chính phủ liên hiệp coi như tan rã với sự xa lánh của một số lớn phần tử quốc gia (sau hội nghị Ðà Lạt, Nguyễn Tường Tam trốn sang Trung Hoa).
Như mọi người tiên đoán, hội nghị Fontainebleau (từ tháng 6 đến tháng 9) không đi đến đâu và phái đoàn Việt Nam phải về tay không tuy Hồ Chí Minh xin cho được chữ ký của Pháp trên một bản Tạm ước mơ hồ để khỏi mất mặt. Biết không thể tránh được một cuộc đụng độ với Pháp, để khiến Việt Minh trở thành kẻ đối thoại độc nhất của Pháp, Võ Nguyên Giáp vừa lo thâu lượm tiền của và khí giới để sửa soạn chiến tranh, vừa ra tay thủ tiêu các đảng viên quốc gia không nhanh chân chạy trốn. Sự xung đột dự kiến với Pháp xảy ra vào tháng 11. Ngày 23 tháng này, khi tối hậu thư của Pháp ép Việt Minh rút quân khỏi Hải Phòng mãn hạn, quân Pháp bắn vào thành phố nơi đông dân cư có cộng sản ẩn nấu, khiến hàng ngàn người bỏ mạng. Tình hình vô phương cứu vãn. Ngày 19 tháng 12 Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng tấn công Pháp. Ông biết quân mình yếu hơn Pháp nhiều nhưng muốn đánh lớn để gây tiếng vang trước khi rút quân về vị trí miền Bắc bộ. Chiến tranh Việt Nam chính thức bắt đầu.
Thoạt nghĩ thì sự cộng sản giao chiến với Pháp bởi Pháp không trả độc lập cho Việt Nam là hợp lý. Nhưng nếu ông Hồ thật sự quý nền độc lập của đất nước, tại sao ông có thể chấp nhận Hiệp định sơ bộ dù với ẩn ý tranh thủ thời gian ? Tại sao khi ngay 1945 ông biết giải pháp Bảo Ðại có thể duy trì hòa bình ông không chịu tạm rút lui vì quyền lợi của xứ sở ? Vả lại, khi Pháp bằng lòng công nhận nền độc lập của Việt Nam với Bảo Ðại và chấp nhận với cựu hoàng các điều kiện do Việt Minh đòi hỏi (tuyên ngôn ngày 5 tháng sáu 1948), tại sao hết lý do cầm súng rồi, ông và đồng đảng vẫn tiếp tục cuộc chiến, xoay súng chống Pháp ít mà giết dân Việt nhiều ? Thực ra sự kháng Pháp của ông và đồng đảng chỉ là một màn che đậy ý chí tiêu diệt người quốc gia. Vì hết sức độc tôn, Cộng sản Việt Nam chỉ ham quyền, một quyền lực tuyệt đối không những không thể chia xẻ được với kẻ khác mà còn không dung thứ một kẻ chống đối nào. Ngọn cờ độc lập ngày xưa cũng như dân chủ ngày nay lúc nào đối với họ cũng chỉ là một trò lừa trẻ nít. Nhờ giọng lưỡi không xương, họ luôn luôn hạ rủa nơi người khác những hành động sẽ được họ tâng bốc nếu là do họ làm ; biện chứng luận giúp họ biến điều xấu thành tốt và điều tốt thành xấu.
Nhận rõ bộ mặt thật của cộng sản thì hiểu tại sao vị Bác kính yêu thật ra là một nhân vật chẳng hay ho chút nào, tại sao Cách mạng huy hoàng chỉ là một trò biểu diễn tiểu xảo không có gì là vẻ vang, và tại sao cuộc kháng chiến anh dũng chỉ là một nồi da sáo thịt vô nghĩa lý. Người có óc chẳng nên thờ thần bị truất, nếu khôn hơn tránh cả thần đương được thờ.
Bài viết cho Tin Tức tháng 4-5/1992
Retour à DPN
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment