Thursday, August 21, 2008

Các tập đoàn Nhà nước lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam

Các tập đoàn Nhà nước lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam

Thụy Mi

Bài đăng ngày 19/08/2008 Cập nhật lần cuối ngày 19/08/2008 15:37 TU

Gần đây, tại Việt Nam đã có những tiếng nói nêu lên mối quan ngại về nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế của các tập đoàn Nhà nước. Không ít tập đoàn đã đầu tư dàn trải sang nhiều ngành khác, trong khi vẫn chưa đủ sức mạnh cạnh tranh trong lãnh vực chính của mình .Chúng tôi đã trao đổi về vấn đề này với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội.

Trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia ngay trên sân nhà, thì việc hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam cũng là điều cần thiết. Từ hai năm qua, kể từ khi tập đoàn kinh tế được chính thức cho thành lập, đến nay đã có 8 Tổng công ty nhà nước được chuyển thành tập đoàn và nhiều tổng công ty khác cũng có các họat động khá quy mô, chưa kể đến một số tập đoàn kinh tế tư nhân đang được hình thành. Riêng về các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, gần đây đã có những tiếng nói nêu lên mối quan ngại về nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế của họ. Không ít tập đoàn đã đầu tư dàn trải sang nhiều ngành khác, đặc biệt là trong lãnh vực tài chánh; họăc mua đi bán lại nhiều công ty con làm cho khó tách bạch được phần vốn sở hữu Nhà nước. Trong khi đó, các tập đoàn này vẫn chưa đủ sức mạnh cạnh tranh trong lãnh vực chính của mình về mặt thị phần cũng như công nghệ, chưa nói đến trình độ quản lý. Khác với sự hình thành qua quá trình tích tụ một cách tự nhiên về quy mô sản xuất và năng lực tài chánh của các tập đoàn kinh tế ở các nước công nghiệp phát triển, đa số các tập đoàn kinh tế vốn có nguồn gốc là các tổng công ty nhà nước trước đây, vẫn chưa vươn nổi đến tầm vóc cần thiết. Chúng tôi đã trao đổi về vấn đề này với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội.

RFI: Kính chào tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cám ơn tiến sĩ đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay. Tiến sĩ có nhận xét như thế nào về vai trò của các tập đoàn của nhà nước trong nền kinh tế VN hiện nay?

TS Lê Đăng Doanh : Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì các tập đoàn và các tổng công ty của nhà nước có vị thế hết sức quan trọng. Hiện nay đang thí điểm 8 tập đoàn và có khoảng 90 tổng công ty Nhà nước khác họat động trên các lãnh vực rất là quan trọng của nền kinh tế; thí dụ như là viễn thông, hàng không, dầu khí, đóng tàu, khai thác than, bảo hiểm v.v…Đó là những lãnh vực có tác động sâu xa đến các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước khác. Ngoài ra còn có 6 ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách cũng tác động rất mạnh mẽ đến thị trường tín dụng.

RFI: Thưa tiến sĩ, nhưng dường như hiện đang có hiện tượng các tập đoàn đầu tư tràn lan qua nhiều lãnh vực khác nhau, chứ không phải chỉ trong lãnh vực chính của mình ?

TS Lê Đăng Doanh : Hiện nay theo con số của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về số tập đoàn và tổng công ty đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản; thì có 13 đơn vị đã đầu tư vào chứng khoán, 19 đơn vị đã góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và 13 đơn vị thành lập 15 công ty chứng khoán. Và trong đó có những đơn vị có nhiều công ty chứng khoán cùng cạnh tranh với nhau, ví dụ như trường hợp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là những lãnh vực mà theo con số thì tỉ lệ đầu tư là không lớn, như đầu tư vào ngân hàng thì chỉ chiếm có 0,12% vốn sở hữu và vào bất động sản thì bằng 0,43% vốn của chủ sở hữu thôi. Nhưng dù sao thì đầu tư vào các lãnh vực này là một trong các họat động ngày càng tăng lên và việc các tập đòan đầu tư vào các ngân hàng thương mại gây ra rất nhiều lo ngại, vì điều này không phù hợp với các nguyên tắc và các quy tắc chung, là các tập đòan kinh tế không thành lập ngân hàng thương mại riêng của mình. Vì nếu tập đoàn kinh tế có ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại đã huy động vốn rồi, thì tập đòan kinh tế cứ đầu tư. Như vậy sẽ rất là khó khăn. Bởi vì lúc bấy giờ các ngân hàng thương mại sẽ khó có khả năng cưỡng lại được những yêu cầu về vốn,và sẽ không còn có khả năng giám sát hiệu quả đầu tư, theo như chức năng của ngân hàng thương mại.

RFI: Như vậy có lẽ là một số tập đòan đã đi xa hơn mục đích ban đầu khi được thành lập, chạy đua đầu tư theo phong trào, thay vì góp phần bình ổn giá cả, tạo ra sức mạnh và sự cân đối ở cấp vĩ mô đối với một số ngành hàng chiến lược phải không?

TS Lê Đăng Doanh : Hiện nay thì các tập đoàn này đang có ý kiến, tôi là doanh nghiệp, thì tôi muốn đầu tư, muốn kinh doanh chỗ nào có lãi cũng được. Đấy là lập luận của các tập đoàn. Vừa rồi, ngày 12/8, Bộ Kế họach và Đầu tư có trình ra một dự thảo nghị định về giám sát các họat động đầu tư của các tập đoàn kinh tế, thì đã bị các tập đoàn phản ứng rất là dữ dội, cho là quá vội vã, là có ý muốn siết chặt, muốn quản ! Nhưng một luồng ý kiến khác, trong đó có ý kiến của tôi, thì nói rằng, vấn đề ở đây không phải là hạn chế hoạt động đầu tư kinh doanh của các tập đoàn, mà là các tập đoàn sử dụng nguồn tiền của Nhà nước, tức là nguồn tiền của dân, thì phải để cho chủ sở hữu giám sát. Và chủ sở hữu yêu cầu các tập đoàn đầu tư vào các lãnh vực đã giao, để cho các lãnh vực đó trở nên lớn mạnh, có khoa học, công nghệ, có thể cạnh tranh được với thế giới, thì các tập đoàn phải tập trung đầu tư vào các lãnh vực ấy. Lập luận này hiện nay vẫn đang được tiếp tục. Cho nên trên thực tế là các tập đoàn đầu tư ra các lãnh vực khác, đa dạng hóa, và nhất là mua và đầu tư khá nhiều các công ty con. Thì hiện nay các ý kiến đang còn rất xa nhau.

RFI: Các tập đoàn này có được dành cho những đặc quyền nào không, và liệu có nguy cơ họ độc quyền cạnh tranh, đè bẹp những đối thủ nhỏ hơn không?

TS Lê Đăng Doanh : Các tập đoàn này thì rất nhiều tập đoàn, theo định nghĩa của Luật cạnh tranh của Việt Nam thì đang giữ vị thế độc quyền, hoặc thống lĩnh thị trường. Tức là có thể lũng đoạn thị trường, đặt điều kiện đối với thị trường và áp đảo các đối thủ cạnh tranh khác. Thí dụ như về Hàng không Việt Nam thì rất rõ là các hãng hàng không khác còn rất là nhỏ bé. Và ở các lãnh vực khác, thí dụ như dầu khí, than, khoáng sản, thì đấy là những lãnh vực mà Nhà nước đã giao cho các tập đoàn hoàn toàn độc quyền. Trong lãnh vực viễn thông, thì Tập đoàn Bưu chính Viễn thông ( VNPT ) vẫn đang còn có vị thế rất là lớn so với các đơn vị khác như Tổng Công ty Viễn thông Quân đội ( Viettel ), Saigon Postel v.v…Vì vậy cho nên các tập đoàn này hoàn toàn có khả năng sử dụng, thậm chí lạm dụng vị thế thống lĩnh của mình để lũng đoạn thị trường; và có rất nhiều ví dụ đã chứng minh điều này. Chẳng hạn như là cuộc tranh chấp giữa VNPT và Viettel là đã phải đưa lên đến Thủ tướng chính phủ giải quyết. Vì vậy cho nên vấn đề là các tập đoàn kinh tế Việt Nam hiện nay đang hoạt động không có khung pháp lý nào để giám sát; và các tập đoàn này có tuân thủ luật mà Quốc hội Việt Nam đã ban hành, như Luật Cạnh tranh, Luật Tài nguyên khoáng sản, Luật Môi trường hay không. Bởi vì họ trở nên quá lớn, rất có nguy cơ họ có thể ảnh hưởng đến các quyết định, chính sách, thậm chí gây ảnh hưởng để có thể nhận được rất nhiều đất đai, rất nhiều các ưu đãi khác là hiện thực.

RFI: Dạ, như vậy cũng có thể nói là có nguy cơ lobby để có được những chính sách thuận lợi cho họat động kinh doanh của tập đòan mình phải không ạ?

TS Lê Đăng Doanh : Vâng, hiện nay thì ở Việt Nam chưa có luật về lobby – vận động hành lang. Vì vậy cho nên các tập đoàn này được ưu ái. Họ thường xuyên được tháp tùng các vị lãnh đạo của Chính phủ, của Nhà nước đi công tác ở nước ngoài; họ có khả năng tiếp cận các cơ quan lãnh đạo bất kỳ lúc nào, hoặc có tiếng nói có trọng lượng hơn cả ngàn lần so với tiếng nói của các chuyên gia hoặc là những người khác. Vì vậy cho nên khả năng họ có thể chi phối chính sách là hoàn toàn có thực.

RFI: Thưa tiến sĩ, nhưng mà vốn liếng cũng như các tài nguyên mà các tập đoàn này đang nắm thật ra là tài sản quốc gia được giao phó cho họ. Như vậy các hoạt động kinh doanh của họ có được kiểm toán một cách minh bạch không?

TS Lê Đăng Doanh : Hiện nay thì về lý thuyết họ được kiểm toán, nhưng cái kết quả đó tôi không thấy công khai bao giờ cả. Và thứ hai nữa là, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ mới quyết định thanh tra một số tập đoàn. Tôi đang chờ đợi kết quả thanh tra đó được công bố để biết kết quả như thế nào. Nhưng mà chưa cần thanh tra thì cũng biết là, thí dụ như vụ xuất khẩu lậu than thì có liên quan rất nhiều đến Tập đoàn Than - Khóang sản; và hiên nay chưa thấy Tập đoàn Than - Khoáng sản bị kỷ luật hay là bị quy trách nhiệm như thế nào hay không. Việc này đã diễn ra kéo dài, đã gây ra tổn thất về tài chánh và tài nguyên của đất nước rất lớn. Nếu như một doanh nghiệp nhỏ khác gây ra thiệt hại ít hơn rất nhiều thì chắc chắn đã bị trừng phạt rồi.

RFI: Theo nhận xét của tiến sĩ thì các tập đoàn kinh tế nhà nước của Vệt Nam liệu có sức mạnh để có thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia, trước hết là trên thị trường nội địa hay không ?

TS Lê Đăng Doanh : Tôi hoàn toàn không đánh giá thấp nỗ lực của các tập đoàn trong thời gian vừa qua. Có một số tập đoàn cũng có đạt được các tiến bộ rất đáng ghi nhận như Tập đoàn Viễn thông, hoặc trên các lãnh vực dầu khí, đóng tàu cũng đang có những nỗ lực đầu tư rất rầm rộ. Tuy vậy phải nói là sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế Việt Nam rất là khiêm tốn. Như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì được thành lập cùng thời gian với Tập đoàn Petronas của Malaixia; nhưng hiện nay Malaixia đã có một số vốn, có quy mô đầu tư ra quốc tế và nắm được các công nghệ cao hơn rất nhiều so với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ở đây có một phần cơ chế chính sách, nhưng chắc hẳn các nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần phải có hiệu quả hơn. Điều đó cũng có thể nói được đối với các tập đoàn khác; tức là các tập đoàn đó quan trọng, lớn mạnh đối với Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh quốc tế của họ rất thấp. Đặc biệt hiện nay họ đang còn rất yếu về khoa học công nghệ, về nghiên cứu; hoạt động trong thị trường tài chính quốc tế cũng còn rất yếu, và khó có thể so sánh được với các tập đoàn quốc tế khác.

RFI: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã vui lòng trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

No comments: