Saturday, August 23, 2008

Vì sao nông dân không bán được lúa?

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008-08-23
Theo chỉ đạo của chính phủ, các ngân hàng thương mại đã dành hơn 6 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ nguồn vốn các doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Quyết định này nhằm giải quyết sự kiện chưa từng có, là nông dân nhà nhà đầy lúa mà không bán được hoặc bị ép giá.


AFP PHOTO

Vất vả làm ra hạt lúa, người nông dân Việt Nam lại còn bị chèn ép đủ đường.

Nam Nguyên tìm hiểu một vài khiá cạnh của vấn đề này, qua phỏng vấn TS Nguyễn Quang A Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội:

Nam Nguyên: Thưa, vấn đề tiền tệ lãi suất lại gây ra trở ngại cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, khiến xảy ra tình trạng gần như khủng hoảng ở đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp nói lãi suất ưu đãi dù chỉ 18% cũng vẫn là cao quá?

TS Nguyễn Quang A: Thực sự ở đây có lẽ vấn đề dự báo của các cơ quan có thẩm quyền tôi nghĩ rằng không thực sự là tốt lắm. Lẽ ra mình nghe nhiều ý kiến khác nhau, có lúc ngừơi ta sợ rằng mất mùa ngừơi ta sợ cái này cái kia… cho nên lúc mà giá lúa cao nhất thì bảo là dừng xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu.

Nhưng mà ngay khi đó GS Võ Tòng Xuân ở Đại Học An Giang đã cảnh báo ngay là không có chuyện thiếu lương thực, an ninh lương thực rất đảm bảo, lúc đó lẽ ra phải cứ để xuất khẩu gạo bình thường.

Nếu có nhiều ý kiến như thế và được cân nhắc một cách kỹ lưỡng thì tình hình có thể là tốt hơn nhiều. Nhưng mà rất tiếc tất cả chúng ta đều là những người rất dễ mắc sai lầm và chuyện đó là những chuyện khó tránh khỏi.

Chuyện thiếu vốn để mua gạo, chính phủ dành ra mấy ngàn tỷ để hỗ trợ chuyện đó. Tôi nghĩ rằng giả sử nếu dùng số tiền đó để hỗ trợ lãi suất thì có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều.


Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội. RFA file photo

Nhưng ở đây cũng có cái khó phải rất là cân nhắc, mình đã cam kết với thế giới chuyện này chuyện kia, mình làm không khéo, một biện pháp không khéo lúc ấy lại có thể bị cộng đồng quốc tế nói rằng mình không tuân thủ cam kết.

Nam Nguyên: Thưa như thế có phải là trợ giá nông sản?

TS Nguyễn Quang A: Đây không phải là trợ giá nông sản! mà cũng cùng cái số tiền mấy ngàn tỷ ấy, dùng để hỗ trợ lãi suất cho người mua lúa gạo để xuất khẩu chẳng hạn. Thì sử dụng nó như một biện pháp đòn bẩy, dùng vốn của ngân hàng, thì lúc ấy có thể huy động nguồn vốn lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ là ngần đó.

Đấy là ý tôi nói như thế, còn chuyện trợ giá nông sản lại là chuyện khác và nó phức tạp hơn nhiều. Thực sự là VN, ngừơi nông dân VN khá thiệt thòi về vấn đề đó.

Nam Nguyên: Thưa TS nhiều nhà kinh tế cho rằng, ngành nông nghiệp VN thiếu chuẩn bị những hệ thống kho trữ lúa như ở nứơc ngoài, thành ra cứ theo kiểu mua rồi phải xuất ngay. Nếu muốn trữ lại đợi giá lên thì không có chỗ để chứa. Đã đến lúc các nhà chiến lược của VN phải nghĩ lại hay chưa?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đấy là vấn đề dài lâu, và chắn chắn không chỉ riêng cho lúa gạo, thí dụ như cà phê nữa chẳng hạn. Chuyện xử lý sau thu hoạch như thế nào, có những cái silos để sấy cho đỡ vào lúc mùa mưa hay thời tiết xấu, rồi phải có kho chứa.

Các hệ thống như thế, tôi nghĩ rằng đấy thực sự là các vấn đề của chính doanh nghiệp. Nhưng nếu Nhà nứơc có những chính sách khuyến khích khéo thì các doanh nghiệp, hoặc bà con nông dân cùng các doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn.

Chắc chắn đấy là vấn đề… tôi nghĩ rằng muốn đẩy mạnh nông nghiệp thì đấy là chiến lược rất quan trọng mà chính phủ cần quan tâm.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A Viện trưởng Viện IDS.

No comments: