NGUYỄN HỌC TẬP
Trước hết chúng ta nên xác định từ ngữ " Quốc Gia Tây Phương" ( États Occidentaux ), là những Quốc Gia gồm cả Hoa Kỳ và các Quốc Gia Tây Âu.
Các hạt giống tiên khởi về quan niệm tân tiến các quyền tự nhiên của con người, được phát xuất từ nền văn hoá rộng lớn lao và đa diện của Anh Quốc trong thế kỷ 17, được phát triển ở những thế kỷ kế tiếp dưới nhiều hình thức và sắc thái khác nhau.
Ở Âu Châu, nói một cách tổng quát gồm cả Anh Quốc, Quốc Gia với truyền thống Quân Chủ lâu dài, các hạt giống đó được hội nhập vào các định chế Quốc Gia, cho đến khoản nửa thế kỷ vừa qua, trở thành các quan niệm về các quyền tự nhiên của con người và tự do cá nhân, như là những gì phải được bảo đảm đối với cơ quan Hành Pháp, và cả đối với cơ quan lập pháp.
Một cách nào đó chúng ta có thể nói là con người được bảo vệ, " được tự do dưới luật pháp thông thường" ( Antonio Baldassare, Diritti della persona e valori costituzionali, G. Giappichelli Ed., Torino, XII ).
1 - Quyền con người trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Trong khi đó thì ở Hoa Kỳ, dưới ảnh hưởng của nền văn hoá " khắc khổ giáo" ( puritanisme), Hoa Kỳ có được tổ chức công quyền khỏi vòng kiềm toả của chế độ Quân Chủ, và ngay từ lúc đầu được tổ chức trong một hệ thống đa nguyên, đa dạng, được đạt trên nền tảng khế ước ( contractualisme), dưới phương thức liên bang ( khế ước giữa những tiểu bang, chủ thể tư lập, đồng thuận ký kết với nhau), khiến cho người Hoa Kỳ tiến thêm một bước nữa với quan niệm quyền tự nhiên của con người.
Bởi đó người Hoa Kỳ đặt các quyền tự nhiên của con người được bảo vệ, không phải " dưới pháp luật thông thường", mà là dưới sự bảo vệ của Hiến Pháp, qua câu nói " Freedom under Constitution" ( Tự do dưới Hiến Pháp) ( Tu Chính Án I, 1791).
Điều vừa kể cho thấy tinh thần của người Hoa Kỳ, qua Tu Chính Án 1791, đặt việc bảo vệ các quyền tự nhiên của con người thành lằn mức bắt buộc, không thể vượt qua, ngay cả đối với Quốc Hội, cơ quan lập pháp thường nhiệm sau nầy.
Bởi lẽ Hiến Pháp được người Hoa Kỳ quan niệm, khá lâu trước người dân Tây Âu, ngay từ Tu Chính Án 1791 vừa kể, là văn bản chứa đựng các giá trị dân chủ, bởi đó Hiến Pháp là văn bản nền tảng, là " Luật Thượng Đẳng " hơn pháp luật thông thường, được Quốc Hội soạn thảo sau nầy.
Pháp luật không thể vi phạm những gì là giá trị Nhân Bản và Dân Chủ được Hiến Pháp thiết định.
Như vậy cho thấy ngay từ lúc đầu, từ Hiến Pháp Philadelphia 1787, Hiến Pháp Hoa Kỳ là một Hiến Pháp cứng rắn.
Tinh thần Hiến Pháp là " Luật Thượng Đẳng ", mà mọi cơ chế Quốc Gia phải tuân theo, kể cả cơ quan Lập Pháp ( Quốc Hội) để bảo vệ các giá trị Nhân Bản và Dân Chủ của con người trong tinh thần Hiến Pháp Hoa Kỳ, cũng được Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức long trọng xác nhận, ngay ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp và viết thành đạo luật thực định ( lois positive), để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người:
- " Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực quốc gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó".
Các quyền căn bản được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, là quyền bắt buộc trực tiếp" ( Điều 1, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Quan niệm khác biệt giữa Tây Âu và Hoa Kỳ về phương diện bảo vệ các quyền tự nhiên của con người cũng là sự khác biệt hay khoản cách về quan niệm Dân Chủ.
Ở Hoa Kỳ, mặc dầu lúc đó trong xã hội, thành phần chọn lọc ( élite ) vẫn còn được ưu thế, nhưng hạt giống Dân Chủ Đa Nguyên đã hiện diện ngay từ lúc đầu, ngay từ lúc lập quốc.
Từ các Văn Bản Khế Ước Liên Bang ( Federalist Papers ), khắp đó đây người đọc cảm nhận được bản quốc ca Hiến Pháp ( Constitutionalism), là mầm mống cho thể chế Quốc Gia Hiến Pháp Trị ( Constitutionalist State), trong đó được thiết định
- giá trị thượng đẳng của Hiến Pháp,
- các quyền con người được Hiến Pháp bảo vệ,
- nguyên tắc phân quyền,
- thể chế liên bang,
- quyền lực của đa số bị hạn chế,
- giá trị nội tại của một xã hội đa dạng,
- hệ thống dân chủ đa nguyên hiến pháp định,
- và thiết định cơ quan tối cao bảo vệ Hiến Pháp, năm 1803 ( Antonio Baldassare, id. ).
2 - Quyền con người trong Hiến Pháp Tây Âu trước thế chiến II.
Trái lại vì truyền thống Quân Chủ và nền văn hoá quyền uy, chế tài vẫn còn tiếp tục hưóng dẫn, Tây Âu lục địa bước theo những bước đường trái ngược lại hướng đi Hiến Pháp Trị của Hoa Kỳ.
Cho mãi đến thế chiến II, rất ít Quốc Gia Tây Âu áp dụng Hiến Pháp cứng rắn.
Các Hiến Pháp của hầu hết các Quốc Gia Tây Âu là những Hiến Pháp mềm dẻo, có thể sánh ngang hàng với luật pháp của Quốc Hội, bị thay đổi dễ dàng.
Bởi đó việc bảo vệ các quyền tự nhiên của con người luôn luôn được ủy thác cho Quốc Hội và như vậy
- luật pháp được dành cho ý muốn của đa số ( đa số trong Quốc Hội, có thể dùng để áp đảo thiểu số),
- việc phân chia quyền lực cũng bị tranh cải, phản đối ( và đó cũng là cơ hội cho Hitler và Mussolini thâu tóm mọi quyền trong tay, hành xử tùy hỷ với bao nhiêu triệu người chết ngột trong các lò sát sinh hay chôn dưới các mồ chôn tập thể),
- cơ quan tối cao bảo vệ Hiến Pháp, ( Viện Bảo Hiến), là điều chưa ai nghĩ tới ( Sergio Ortino, Diritto Costituzionale Comparato, Il Mulino, Bologna 1994, 461).
Nói ngắn gọn,
- quyền tối thượng của luật pháp
- và quan niệm đa số có toàn quyền,
do việc đồng hoá thành phần đa số như là cả dân chúng trong Cộng Đồng Quốc Gia và dân chúng là nguồn mạch chính danh của quyền lực, làm cho các Hiến Pháp Tây Âu cho mãi đến lúc đó ( đến thế chiến thứ II), ủy thác việc bảo vệ các quyền tự nhiên của con người vào
- các quyết định của Quốc Hội ( luật pháp), vào các quyết định của đa số lập pháp.
Như vậy, tự do cá nhân và của tập thể thiểu số phải cúi đầu, qụy phục trước hình thức " toàn quyền của đa số".
3 - Quyền con người ở Tây Âu sau thế chiến II.
Biến cố Dân Chủ Đa Nguyên được thực hiện trong các Hiến Pháp Tây Âu sau thể chiến II nói lên biến
- cố đoạn tuyệt với quá khứ
- và đồng thời cũng là thời điểm gặp gỡ của các kinh nghiệm Hiến Pháp Tây Âu với Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã từ lâu đang tiến triển trên cuộc hành trình Dân Chủ Đa Nguyên.
Đoạn tuyệt với quá khứ, được thực hiện bằng Hiến Pháp làm cho các Quốc Gia Âu Châu cải tiến một vị trí khá hơn trong phận vụ bảo vệ hoàn hảo hơn các quyền tự nhiên của con người, hơn cả Hoa Kỳ.
Bởi lẽ Hoa Kỳ bị khựng lại, trong việc phát triển một nền văn hoá luật pháp sát gần hơn với tư tưởng nhân vị, như là chủ thể của các quyền tự do tích cực, một quan niệm hữu lý và mạch lạc ( logique et cohérent), hơn với các giá trị nền tảng của thể chế Dân Chủ Đa Nguyên ( W. Haller, Liberty and Reformation in the Puritan Revolution, New York, 1955, passim).
Nền văn minh Âu Châu có một điểm tương đồng về quan niệm con người như một chủ thể cá nhân.
Từ đó các quyền tự do của con người được quan niệm tự do dưới hình thức tiêu cực ( liberté de...), tự do khỏi bị người khác can dự vào suy tư, quyết định và động tác của mình.
Tư tưởng vừa kể khởi đầu cho quan niệm Quốc Gia Tự Do, nhưng là quan niệm thiếu sót để làm nền tảng lý tưởng cho Dân Chủ Đa Nguyên.
Bởi lẽ nếu muốn quan niệm được Xã Hội hay Quốc Gia Dân Chủ Đa Nguyên, đa dạng, quyền tự do không những chỉ phải được quan niệm trong khuôn viên cá nhân ( hay tự do tiêu cực, tự do khỏi bị ai đụng chạm, can thiệp), mà là tự do của một con người là nhân vị trong các mối tương quan xã hội, kinh tế và chính trị ( hay tự do tích cực, tự do để thực hiện những gì mình thiếu sót, cần được phát triển đầy đủ).
Đó là những gì chúng ta có thể gặp được ở Hiến Pháp 1947 Ý Quốc:
- " Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở " ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Như vậy con người trong Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và các Hiến Pháp TÂy Âu, không phải chỉ là con người cá nhân, có các quyền tự do được Hiến Pháp bảo đảm khỏi bị người khác, cá nhân hay tổ chức công quyền cũng vậy, can thiệp, giới hạn, cản trở, mà còn phải được tổ chức Quốc Gia, Nền Cộng Hoà, can thiệp, tạo cho những điều kiện thuận tiện, thích hợp
- " ...dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân...),
để con người là một nhân vị trong xã hội, có thể
- " mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình"
- " và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở".
Câu trích dẫn của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc vừa kể, nói lên tâm thức nhận biết đầy đủ các quyền chính trị, xã hội của con người nhân vị, là câu trả lời lại cho tâm thức đòi hỏi đó của người dân Âu Châu, tâm thức con người ngoài quyền tự do tiêu cực, còn có quyền tự do tích cực phải được tổ chức Quốc Gia trợ lực, do Hiến Pháp quy trách:
- " Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội...".
Trong khi đó thì ở Hoa Kỳ vẫn còn quan niệm cá nhân chủ nghĩa được xác tín, làm cho định chế Quốc Gia Hoa Kỳ dường như không hề biết đến các quyền tự do trong lãnh vực chính trị và xã hội
- mỗi cá nhân được tự do dường như vô hạn định, tha hồ có sáng kiến về kinh tế chẳng hạn ( " làm cả đến 4 jobs mỗi ngày cũng được" ) , trong khi đó thì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đặt giới hạn cho tự do kinh tế, vì lợi ích xã hội:
* " Sáng kiến cá nhân trong kinh tế là quyền tự do.
Không thể hoạt động kinh tế ngược lại lợi ích của xã hội hay bằng phương cách nguy hại đến an ninh, tự do và phẩm giá con người.
Luật pháp thiết định các chương trình và kiểm soát thích ứng , thế nào cho hoạt động kinh tế công cũng như tư có thể được định hướng và phối hợp cho mục đích xã hội" ( Điều 41, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
- cũng như quan niệm pháp lý về quyền tự do tích cực , Hoa Kỳ không quy trách cho Quốc Gia tạo điều kiện thuận lợi để con người , nhứt là những ai không có phương tiện cũng được cơ hội phát triển chính mình và có khả năng tham dự vào cuộc sống đất nước) ( Antonio Baldassare, id., XIV).
Trong khi đó thỉ Hiến Pháp 1947 Ý Quốc bắt buộc tổ chức Quốc Gia có bổn phận:
- " Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép..." ( Điều 3, đoạn 2, id.) vừa trích dẫn ở trên.
Tuy vậy, " huy chương nào cũng có mặt trái của nó " ( le medaglie hanno sempre un rovescio), nói như người Ý thường nói.
Nếu truyền thống văn hoá Âu Châu đã làm cho phát triển các quyền " xã hội" của con người, làm nổi bậc các quyền xã hội của con người nhân vị phải được thực hiện, đồng hoá các quyền xã hội của con người với bổn phận liên đới của cơ chế Quốc Gia, biến Quốc Gia thành " Quốc Gia Xã Hội", như định nghĩa của Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức:
- " Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Dân Chủ và Xã Hội " ( Điều 10, đoạn 1),
Điều vừa kể có nghĩa là tổ chức Quốc Gia có bổn phận hay mục đích phải giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn:
- " Mỗi công dân không có khả năng làm việc và thiếu phương tiện cần thiết để sống, có quyền được trợ cấp và bảo trợ xã hội" ( Điều 38, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
- " Nền Cộng Hoà bảo vệ sức khoẻ như là quyền căn bản cá nhân và lợi ích của công đồng, và bảo đảm chữa trị miễn phí cho những ai thiếu thốn" ( Điều 32, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Nhưng thực hiện việc bảo vệ các quyền tự do xã hội vừa kể, nếu không khéo xử dụng và thiết định các lằn mức, phương thức bảo vệ đó có thể
- biến " Quốc Gia Xã Hội " Stato Sociale" thành " Quốc Gia Cứu Tế Xã Hội " ( Stato Assistenzialista),
- biến người dân thành đoàn lũ chết đói ăn xin, ngày ngày " ăn không ngồi rồi ", " sống ăn bám xã hội ", thay vì lợi dụng các điều kiện thuận tiện được Quốc Gia cung cấp cho để " tự lực tự cường ", tạo tương lai cho mình và tạo lợi ích cho Cộng Đồng Quốc Gia:
- " ...mổi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình
"và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở".
Quốc Gia không thể để người dân đói khổ, bệnh tật, mạc rệp, bần cùn, nhưng Quốc Gia cũng không nên trở thành Viện Tế Bần, phân phát miễn phí cho dân chúng ăn không ngồi rồi, sống quen thói " ký sinh trùng ", cũng là lối sống đê tiện hoá con người.
Quốc Gia tạo điều kiện thích ứng, phương tiện khả thi để giúp con người cầu tiến, chớ Quốc Gia không phải là Quốc Gia với ý thức " phụ mẫu hệ " ( paternalisme), chuyện gì cũng cán đáng," có cha má lo hết cho" để biến người dân thành thành một lủ trẻ con chỉ biết ngửa tay ăn xin ( cfr. CHỦ THỂ TÍNH VÀ NGƯỜI NGHÈO TRONG THÔNG ĐIỆP CENTESIMUS ANNUS).
Trong Thông Điệp vừa kể, Thông Điệp Centesimus Annus 1991, kỷ niệm 100 năm Thồng Điệp Rerum Novarum về Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, theo lời huấn dạy của Thánh Gioan Kim Khẩu ( Giovanni Crysostomo), Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II huấn dạy bác ái không phải chỉ gồm ở " bố thí để cứu đói ", mà là giúp cho người nghèo khổ có phương tiện và khả năng hội nhập vào chu kỳ sản xuất của đất nước, giúp cho họ có kiến thức, khả năng và phương tiện để tự sản xuất phục vụ và sản phẩm, lợi ích cho chính mình và cho cộng đồng xã hội.
Một điều khác biệt nữa giữa văn hoá Âu Châu và Hoa Kỳ, không những khác biệt về phương diện ý thức hệ, mà ( như trong bài diển văn của Tổng Thống F. D. Roosevelt về quyền tự do), mà cả về phương diện cấu trúc pháp lý, các phụ cấp liên đới xã hội được đặt trên nền tảng nhân vị tự do của con người.
Đó là quyền mỗi con người đều có " quyền được hạnh phúc ":
- " Mỗi người được Đấng Tạo Hoá dựng nên bình đẳng như nhau.
Mỗi người được ban cho một số quyền bất khả nhượng, trong các quyền nầy quyền tìm kiếm hạnh phúc là quyền thượng đẳng" ( Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Ký 1776).
Bởi đó mặc dầu định chế của Hiến Pháp Hoa Kỳ không ủy thác cho tổ chức Quốc Gia có bổn phận tạo các điều kiện thuận tiện để người dân, nhứt là những người thiếu phương tiện, cũng có được cơ hội và điều kiện hưởng các quyền tự do xã hội dưới phương diện tích cực như ở Âu Châu, nhưng ở Hoa Kỳ luật pháp dành mọi dễ dàng cho tư nhân thiết lập được một hệ thống tổ chức lớn lao nhằm mục đích xã hội, hệ thống các tổ chức " bất vụ lợi " ( non - profit), với ngân khoản đạt đến khoản 15% lợi tức Quốc Gia, nhằm phục vụ cho chương trình xã hội ( hay property rights).
Con người có quyền được sung mãn, hạnh phúc, theo tư tưởng của Locke, tự do không những có nghĩa là không bị cực hình mà còn có nghĩa là được hưởng nhiều lợi thú, có quyền được có một đời sống xã hội bảo đảm và công bình ( Antonio Baldassare, id., XV).
Hy vọng những kinh nghiệm tích cực Hoa Kỳ và Tây Âu vừa kể, cũng như nhận thức khôn ngoan của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II, chúng ta sẽ gặp lại được trong định chế của Hiến Pháp tương lai cho Việt Nam
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment