Ngô Nhân Dụng
Tổng Thống George W. Bush và Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đang đòi quân Nga rút hoàn toàn ra khỏi nước Georgia, nếu không thì uy tín và quyền lợi của nước Mỹ và các nước Tây Âu bị thương tổn nặng nề. Nhưng nếu nghĩ đến uy tín và quyền lợi lâu dài của nước Mỹ và Tây Âu thì ông tổng thống và bà ngoại trưởng Mỹ nên dành thời giờ lên tiếng đòi chính phủ Trung Quốc phải bãi bỏ lệnh bắt “lao động cải tạo” cho hai người phụ nữ Trung Hoa, mới bị “tuyên án” ngày hôm qua. Về lâu về dài, chính Trung Quốc mới là đối thủ nguy hiểm của Mỹ và Tây Âu trên vũ đài quốc tế. Muốn hóa giải mối nguy đó thì phải thúc đẩy người Trung Hoa tiến nhanh hơn trên đường dân chủ hóa. Vì một nước tự do dân chủ thường sống hòa hoãn với các quốc gia khác, còn một chế độ độc tài chuyên chế thì rất dễ gây hấn với lân bang.
Vụ Georgia là chuyện nhỏ. Các nước Anh, Ðức và Pháp đều đòi Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Georgia, nhưng cũng tỏ vẻ sẵn sàng sống với một xứ Georgia nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga - như ngày xưa vùng này đã nằm trong vòng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga qua nhiều thế kỷ, ngoài tầm tay của London hoặc Paris. Ðuổi quân Nga đi không dễ, mà nếu quân Nga cứ từ từ nhẩn nha không rút hết mà còn đóng lại ở một vài làng trong xứ Georgia thì khối NATO cũng không lấy lý do đó mà gây chiến! Những biện pháp “trừng phạt” kinh tế hoặc ngoại giao thì không có hiệu quả bao nhiêu. Vì nước Nga hiện nay sống nhờ dầu lửa lên giá, giới lãnh đạo của họ chỉ lo chuyển tiền ra nước ngoài trong khi dân số giảm và già đi. Những người lãnh đạo nước Nga không quan tâm đến việc cải thiện năng suất công nghiệp cũng như phát triển ngoại thương, chỉ những thứ đó mới đòi hỏi sự cộng tác với Tây phương. Cho nên chính phủ Mỹ không nên coi cuộc tranh chấp Nga và Georgia là điểm trọng yếu chiến lược của nước Mỹ.
Nhưng Trung Quốc sẽ là đối thủ chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21 này. Trong một thế hệ nữa, sản lượng kinh tế Trung Quốc sẽ cao hơn của Mỹ. Tất nhiên, dân Trung Quốc đông gấp 4 lần dân Mỹ thì dù GDP có bằng nhau một người dân Trung Quốc trung bình vẫn nghèo chỉ bằng một phần tư người Mỹ. Nhưng trên trường quốc tế, người ta không theo lối mỗi nước cử ra một người ra tranh tài “đánh tay đôi,” như ở Thế Vận Hội. Họ sẽ mang cả nước ra tranh đua với nhau, bên nào mạnh có thể thắng.
Ở một nước dân chủ thì trước khi tranh đua với nước khác người ta còn phải lắng nghe coi dân mình có chịu hay không. Cứ xem chuyện nước Mỹ thì thấy. Chính phủ Mỹ quyết định đánh chiếm Iraq từ hơn 5 năm nay. Nhưng đến bây giờ nhiều người Mỹ vẫn cho là không nên đánh! Một cuộc bỏ phiếu của dân là có thể thay đổi chính sách quốc gia như không! Bởi vì chính sách do người dân quyết định, mà đại đa số dân chúng quen sống tự do, phồn thịnh, họ coi chiến tranh là một chuyện “vạn bất đắc dĩ” mới phải làm! Cũng giống như đầu tư. Bỏ vốn có thể lời cao mà thấy rủi ro cũng nhiều thì phải tính rất kỹ!
Trong một nước độc tài thì khác. Bọn người nắm chính quyền có thể quyết định đánh là đánh, đánh đến bao giờ chết hết mấy thằng dân họ cũng không cần! Ðầu tư có lợi thì vua quan được hưởng, nếu bị rủi ro thì dân chịu; vua quan không lo bị dân đàn hạch, không chịu trách nhiệm với dân, tội gì không đánh bạc? Cứ coi chuyện ông Ðặng Tiểu Bình cho quân sang đánh Việt Nam, đánh một cái chết cả trăm ngàn người xong rồi rút về, chỉ để “dậy chúng nó một bài học!” Tại sao lính và dân Trung Quốc phải đem xương máu “trả học phí” cho các đồng chí Cộng Sản ở Hà Nội được ông Ðặng Tiểu Bình dậy dỗ? Có người Trung Hoa nào được ông Ðặng Tiểu Bình hỏi ý kiến hay không?
Cho nên, một nước Trung Hoa giầu bằng nước Mỹ không thôi đã có thể đe dọa đến quyền lợi của nước Mỹ rồi; mà nếu người Trung Hoa vẫn sống trong một chế độ độc tài thì còn nguy hiểm hơn nữa. Thử tưởng tượng một ông chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn có một hạm đội mạnh nhất Thái Bình Dương! Có người Trung Hoa nào dám ngăn cản ông, khuyên ông hãy dùng tiền đó lo cho dân, như là nâng cao giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho dân; có ai dám lên tiếng nói hay không? Nếu còn chế độ Cộng Sản độc tài thì chắc chắn là không. Ai dám hó hé, họ sẽ cho đi “cải tạo” mút mùa!
Cho nên quyền lợi của nước Mỹ đòi hỏi chính phủ Mỹ phải thúc đẩy Trung Quốc tiến tới một chế độ tôn trọng luật pháp, tôn trọng ý dân, dân chủ hóa càng sớm càng tốt, trước khi nước họ trở nên giầu có khiến chính quyền của họ có thể phung phí xây dựng sức mạnh quân sự. Nếu nước Trung Hoa giầu hơn nhưng dân được sống trong tự do dân chủ rộng rãi hơn, thì nước Mỹ cũng bớt lo! Vì vậy, Tổng Thống George W. Bush và Ngoại Trưởng Condoleezza Rice nên lên tiếng can thiệp ngay vào vụ hai lão bà mới bị tuyên án ở Bắc Kinh.
Bà Wu Dianyuan (Ngô Ðiện Nguyên), 79 tuổi, và bà Wang Xiuying (Vương Tú Anh), 77 tuổi, không phải là những “nhà tranh đấu dân chủ,” cũng không phải là những “chiến sĩ chống Cộng.” Họ là những người dân Trung Hoa bình thường, sống ở khu gần Thiên Ðàn, không xa Thiên An Môn trong thành phố Bắc Kinh. Nhiều nhà trong các khu này đã bị giải tỏa, để cho các quan chức Cộng Sản “xây dựng Chủ nghĩa Xã hội” của họ. Theo luật công bằng thì chính phủ lấy đất của người dân là phải bồi thường.. Từ sáu năm nay, hai bà lão đã khiếu nại vì bị mất đất, mất nhà mà không bồi thường thỏa đáng.
Dân trong khu vực đã đi nộp đơn khiếu nại nhiều lần, các cán bộ cứ đánh bùn sang ao, không giải quyết. May quá, có dịp Thế Vận Hội tới. Khi được trao cho tổ chức Olympic, chính quyền Bắc Kinh đã hứa sẽ cải thiện các quyền tự do dân chủ cho dân Trung Hoa được sống dễ thở hơn. Trước ngày khai mạc Thế Vận Hội, chính quyền Cộng Sản nói họ sẽ dành ba khu công viên cho dân chúng muốn cứ tới biểu tình, chỉ cần xin phép trước. Tin vào thiện chí của đảng Cộng Sản Trung Hoa, ông chủ tịch Thế Vận Hội khen chính quyền Trung Quốc đã giữ lời hứa; các nước hoan hỉ đi dự Thế Vận Hội 2008.
Ngoài người Việt Nam ra, trên thế giới chắc ít người biết ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói một câu để đời: “Ðừng tin những gì Cộng Sản nói...”
Thế Vận Hội Bắc Kinh đã diễn gần được 2 tuần, không có ai được phép biểu tình cả. Hai bà Ngô và Vương đã nạp đơn xin đi biểu tình theo lối “dân oan mất đất khiếu kiện” trong dịp Thế Vận Hội, nhưng bị từ chối. Hai bà lại nộp cái đơn khác, cứ như vậy nhiều lần. Bữa Thứ Hai vừa qua, họ đến hỏi xem lá đơn mới nộp đã được cứu xét chưa, thế là họ bị bắt! Hai bà bị áp giải về nhà cho con cháu “quản lý” và bị tuyên phạt một năm “cải tạo lao động!” Cảnh sát Bắc Kinh cho biết có hơn 70 nhóm đã xin phép biểu tình, và sau khi tham khảo ý kiến các “giới chức thẩm quyền” thì tất cả bị từ chối! Một ông phó chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Trung Quốc còn tự vỗ bụng khen là ông rất vui mừng khi thấy 70 lá đơn đã được “giải quyết thỏa đáng theo thủ tục tham khảo ý kiến, đúng truyền thống văn minh Trung Quốc!”
Ðó là lối nhà Mãn Thanh dị tộc cai trị dân Trung Hoa, chứ không phải truyền thống đích thực! Ngày xưa vua quan người Trung Hoa đối xử với dân Trung Hoa không đến mức “khốc lại” như vậy.
Sử Ký của Tư Mã Thiên kể chuyện Hán Văn Ðế (làm vua 180-157 trước Tây lịch) phong ông Trương Thích Chi làm Ðình Úy, chức quan cao nhất về tư pháp. Một hôm, nhà vua đi xe qua khỏi cây cầu, bỗng có người nấp bên dưới cầu đi lên rồi vùng chạy. Ngựa hoảng sợ, xe loạn nghiêng ngả. Quân kỵ đuổi theo bắt được thằng dân, vua giao cho Ðình Úy xử.
Trương Thích Chi hỏi cung, người dân khai rằng hắn biết xe ông vua sắp đi qua nên vội trốn nấp dưới cầu để khỏi cản trở lưu thông. Ở dưới đó lâu quá, ngỡ xe vua đã đi qua rồi nên hắn mới đi lên. Thấy xe vua vẫn đó, bất ngờ, hắn sợ quá chạy, chỉ có thế thôi. Trương Thích Chi xét tội, bắt anh dân phải đóng tiền phạt.
Hán Văn Ðế nghe thấy bản án nhẹ quá, nổi giận, quở tại sao quan Ðình Úy xử tội nhẹ như vậy! Trương Thích Chi tâu: Pháp luật áp dụng cho tất cả mọi người, dân cũng như vua. Tôi theo pháp luật xử (như người dân này xúc phạm một người dân khác), nếu nay lại thay đổi để phạt nặng hơn (vì đây là xúc phạm ông vua) thì dân chúng sẽ không tin nữa!
Ông nói thêm: Nếu lúc bắt được hắn mà nhà vua giết ngay thì tôi không có quyền nói gì. Nhưng đã giao cho chức Ðình Úy, Ðình Úy là người chịu trách nhiệm xét xử trước cả thiên hạ. Nếu thiên vị (nhà vua) thì những người thi hành hình luật ở trong nước đều theo đó mà tùy ý gia giảm, người dân còn chỗ nào đứng nữa? Cúi xin bệ hạ xét cho!
Hán Văn Ðế cho là phải.
Tư Mã Thiên nếu sống thời nay chắc cũng phải chép chuyện chính quyền Bắc Kinh bắt hai lão bà vì tội khiếu oan dai dẳng! Câu chuyện trên chứng tỏ chế độ vua quan bên Trung Quốc đời xưa cũng không nghiệt ngã như chế độ Cộng Sản!
Nếu chính phủ Mỹ vẫn muốn cổ động cho chế độ dân chủ tự do và kêu gọi các chính phủ khác tôn trọng nhân quyền, thì ông Bush và bà Rice nên can thiệp ngay với ông Hồ Cẩm Ðào, xin tha cho hai bà lão gần 80 tuổi! Bà Vương đã lòa hẳn một con mắt. Trong một nước, hai bà lão có nỗi oan ức mà không được phép lên tiếng, thì làm sao những quyền tự do khác, của người khác, được tôn trọng? Nếu chính quyền Cộng Sản cứ tiếp tục bất chấp nguyện vọng của dân như vậy, sau khi đã long trọng hứa với cả thế giới mà họ vẫn nuốt lời, thì bao giờ dân nước họ mới được sống dân chủ tự do? Nếu nước Trung Hoa cứ tiếp tục sống dưới chế độ độc tài như vậy, thì họ sẽ đe dọa tất cả những nước chung quanh! Bao giờ lại có một ông giống Ðặng Tiểu Bình, muốn là đi “dậy một bài học” cho nước láng giềng, chết trăm ngàn quân cũng không ngại?
Cho nên, ông Bush và bà Rice nên coi chuyện Nga ở Georgia là chuyện nhỏ. Mối lo tâm phúc của Mỹ quốc là ở Trung Quốc.
Nhưng đối với Trung Quốc, quyền lợi quốc gia của họ không có gì để đụng chạm trực tiếp với Mỹ. Muốn bành trướng ảnh hưởng trong thế kỷ 21 này, Trung Quốc sẽ phải nhìn sang vùng Tây Bá Lợi Á - đầy tài nguyên, thưa dân, trong lúc dân số Nga đang giảm dần mà người Trung Hoa vẫn tăng!
Muốn giảm bớt sức bành trướng của Trung Quốc, các nước Tây Âu và Mỹ nên thỏa hiệp với Nga ở vùng Ðông Âu và Caucase, thúc đẩy Nga bảo vệ vùng Tây Bá Lợi Á, để đề phòng Trung Quốc bành trướng! Nga không phải là địch thủ nguy hiểm của khối Tây phương, trong tương lai chính Trung Quốc mới là tay lợi hại đáng lo.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment