Saturday, August 16, 2008

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc




5 - Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Đây là mối quan hệ thay đổi, lên xuống, khi là bạn cực thân khi là thù không đội trời chung, khi là đồng chí khi là địch thủ, khi hòa bình khi chiến tranh, khi liên minh đoàn kết khi mâu thuẫn đối kháng trong mấy chục năm qua.

Từ xa xưa, một nghìn năm Bắc thuộc, rồi các cuộc xâm lược thời Nguyên - Mông để lại những dấu ấn sâu đậm trong quan hệ hai nước.

Bước vào Đại hội VII, giữa năm 1991, quan hệ Việt-Trung đang ở vào thời điểm tế nhị. Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung đầu năm 1979 vẫn hằn sâu trong trí nhớ của nhân dân hai nước. Cuộc chiến tranh Việt nam - Khơme Đỏ cũng là một kiểu chiến tranh Việt – Trung: Bắc Kinh dùng quân Khơme Đỏ do họ nuôi dưỡng, trang bị, huấn luyện và chỉ huy làm chảy máu Việt Nam ròng rã hơn 10 năm (với hơn 50 ngàn sinh mạng thanh niên Việt và 30 vạn bị thương) chỉ mới chấm dứt được hơn hai năm, khi quân Việt Nam rút hết khỏi Cambốt.

Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng CS Việt Nam từ Đại hội III (tháng 9/1960) trong thời kỳ cuối đời mình đã chuyển sang lập trường chống bá quyền Trung Quốc mạnh mẽ nhất - từng nói công khai rằng “Việt Nam còn phải kiên cường và cảnh giác chống bành trướng bá quyền Trung Quốc hàng trăm năm nữa” - đã qua đời vào tháng 7 năm 1987. Bên Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình tổng bí thư đảng CS Trung Quốc, người từng chủ trương trừng phạt Việt Nam bằng những đòn quân sự mạnh mẽ, vẫn còn ở cương vị đầy quyền uy: Chủ tịch ủy ban Quân sự trung ương đảng. Đặng Tiểu Bình cũng đã đặt vào vị trí tổng bí thư đảng CS Trung quốc nhân vật tin cẩn nhất của ông ta là Giang Trạch Dân từ tháng 6 năm 1989, cùng với Lý Bằng ở cương vị Thủ tướng. Hai nhân vật này theo gương Đặng Tiểu Bình luôn tỏ ra cao ngạo, trịch thượng với Việt nam.

Đặng cũng như Giang và Lý đều rất cay cú về việc tháng 12/1980, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ 7, nhất trí thông qua bản Hiến pháp mới năm 1980, thay cho bản hiến pháp cũ năm 1960, trong đó “Lời nói đầu” đã thêm hẳn một đoạn, toàn văn như sau:

“Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta tha thiết mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung quốc xâm lược, cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây-Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

6 - Cuộc gặp cấp cao Việt - Trung ở Thành Đô (tháng 9/1990)

Từ đầu năm 1990, khi các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội VII đã được thông qua và đưa xuống cho cơ sở các địa phương thảo luận. Bắc Kinh qua sứ quán của mình ở Hà Nội nắm chắc mọi động tĩnh trong nội bộ đảng CS Việt Nam, ngửi thấy xu thế mong muốn hòa giải và liên minh trở lại với Trung Quốc, liền đi một nước cờ hiểm hóc.

Ngày 29/08/1990 đại sứ Trương Đức Duy xin gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười để chuyển thông điệp của Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời ba vị: Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 3/09/1990 để “hội đàm bí mật về vấn đề Cambốt và vấn đề bình thường hóa giữa 2 nước”. Mới trước đây họ tỏ ra lạnh nhạt, chần chừ trong việc gặp cấp cao và bình thường hóa, bỗng tỏ ra thiện chí nhanh nhẩu đến mức khẩn cấp, cuộc gặp sẽ diễn ra chỉ sau lời mời có năm ngày. Nhóm lãnh đạo Bắc Kinh sớm nhận ra rằng trong cơ quan lãnh đạo Hà Nội đang hình thành một nhóm nhân vật tỏ rõ nhu cầu sớm hòa giải và liên minh với Trung Quốc, cần tranh thủ ngay để tác động đến Đại hội VII cả về đường lối và nhân sự.

Theo nhận xét của thứ trưởng Trần Quang Cơ lúc ấy nắm chắc mọi hồ sơ tuyệt mật, cuộc họp cấp cao Thành đô là một thất bại, phía Việt Nam bị mắc bẫy, bị mắc lỡm, bị đánh lừa và chơi xấu bởi Đặng tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thiếu kinh nghiệm quốc tế, nhanh nhẩu “vâng vâng dạ dạ” trước mọi ý kiến của phía Trung Quốc, thậm chí còn đi xa hơn họ, “bảo hoàng hơn vua”, đồng tình ngay với công thức 6+2+2+2+1 = 13 về thành viên của Hội đồng Quốc gia tối cao SNC (Super National Council) ở Cambốt: 6 người phía Hun Sen+2 Khơme đỏ, 2 của Son San , 2 của Sihanouk + bản thân Sihanouk. Dự kiến trước đó là SNC chỉ có 12 người, mỗi phía 6, không có riêng Sihanouk ở vị trí Chủ tọa như Bắc kinh vừa thêm vào. Sự chấp nhận của Hà Nội ngay sau đó vấp phải sự phản đối của Hun Sen. Hun Sen cho rằng Việt Nam đã thỏa hiệp vô nguyên tắc trên lưng chính quyền Phnom Penh.

Bẽ bàng hơn nữa cho phía Việt Nam là “giải pháp đỏ” đưa ra với nội dung đoàn kết chặt chẽ tất cả các đảng cộng sản lại từ đảng CS Trung Quốc, Việt Nam, đảng của Hun Sen, CS Khơme đỏ..., cùng nhau trụ lại trước hiểm nguy, tưởng rằng sẽ được Bắc Kinh vồ vập, liền bị phía Trung Quốc lạnh nhạt bác bỏ. Lý Bằng giải thích rằng đảng của Hun Sen và đảng của Pol Pốt khó đoàn kết với nhau. Hai phái cộng sản này uy tín quốc tế kém hơn uy tín quốc tế của phái Son San và phái Sihanouk, do đó nếu gắn bó với nhau chỉ cản trở thêm cho công việc của Hội đồng Dân tộc Tối cao trong thực hiện hòa giải ở Cambốt. Giang Trạch Dân còn nói rõ cho phía Việt Nam rằng: “Tình hình quốc tế hiện nay, nếu để hai đảng CS (Trung quốc và Việt Nam) bắt tay nhau là không có lợi; các nước phương Tây rất chú ý đến quan hệ giữa chúng ta”'. Ai cũng biết, từ lâu Đặng Tiểu Bình và nhóm lãnh đạo Bắc Kinh không còn nói đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, không nói gì đến phe XHCN, họ nhấn mạnh đến kiểu XHCN riêng biệt của Trung quốc, mang màu sắc riêng, đặc biệt của dân tộc Trung quốc, quay về chủ nghĩa dân tộc, trong khi nhóm lãnh đạo Việt nam vẫn cò mơ màng về tình nghĩa quốc tế.

Trước khi khai mạc Đại hội VII, cố vấn Phạm Văn Đồng lúc này đã 85 tuổi, mắt gần như mù, tai ngễnh ngãng, dự cuộc họp của bộ chính trị kiểm điểm về công tác đối ngoại, than thở rằng: “Ở Thành Đô chúng ta đã sai lầm, để lại hậu quả xấu; ta đã hớ, ta đã dại. Tôi rất ân hận; lẽ ra tôi không nên đi; tôi rất đau lòng”.

Chỉ có Thủ tướng Đỗ Mười là hài lòng, thậm chí vui sướng về chuyến đi Thành Đô. Từ giữa năm 1990, khi bàn đến nhân sự cho Đại hội VII, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã hơn 76 tuổi ngỏ ý xin nghỉ, sẽ ở vị trí cố vấn. Cuộc loại bỏ nhân vật cấp tiến Trần Xuân Bách năm 1989 như một vòi nước lạnh dội lên cuộc “đổi mới” chỉ mới khởi động được hơn hai năm. Một trào lưu bảo thủ giáo điều cơ hội trỗi dậy với những nhân vật dẫn đầu trong bộ chính trị khóa VI là: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Phạm Thế Duyệt, Đoàn khuê, Nông Đức Mạnh. Mọi người đều biết Tổng bí thư mới sẽ là ông Đỗ Mười, tuy đã 73 tuổi, và Thủ tướng mới sẽ là ông Võ Văn Kiệt.

Ông Đỗ Mười liền chọn ngay ông Lê Đức Anh, uỷ viên bộ chính trị, đại tướng, bộ trưởng bộ Quốc phòng làm người thân tín nhất. Từ cuối năm 1990, ông Đỗ Mười giao hẳn cho tướng Anh, nguyên tư lệnh ''quân tình nguyện Việt nam'' ở Cambốt, phụ trách theo dõi việc giải quyết vấn đề Cambốt cùng với ban đối ngoại trung ương do Hồng Hà - một người tin cẩn của ông Mười, làm trưởng ban. Trên thực tế ông Mười đặt bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và bộ ngoại giao trong đó có Vụ Trung quốc trong tình trạng ''ngồi chơi xơi nước''. Ông Thạch không được Trung quốc mời sang Thành đô; đi theo 3 cụ lớn đến Thành đô chỉ có Chánh văn phòng trung ương Hồng Hà (lúc này Hồng Hà đã được Đỗ Mười hứa cho chức Trưởng ban đối ngoại trung ương thay Hoàng Bích Sơn sắp về nghỉ). Tướng Anh ngay từ cuối năm 1990 đã cùng Hồng Hà mời cơm riêng Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy cũng như tiếp trợ lý ngoại trưởng Từ Đôn Tín khi ông này ghé qua Hà Nội.

7 - Chủ trương “liên minh với Bắc Kinh” được thực hiện

Nét nổi bật ở Đại hội VII trong đường lối đối ngoại của đảng CS là xích gần lại với Bắc Kinh, ngả theo Bắc Kinh, sớm bình thường hóa với Bắc Kinh, đi đến thắt chặt liên minh với Bắc Kinh, trước nguy cơ CNXH bị thủ tiêu và phe XHCN bị tan vỡ.

Khác hẳn với Nghị quyết của Đại hội VI (tháng 12/1986) chủ trương quan hệ đa phương, bình thừơng hóa với tất cả các nước, hợp tác trao đổi kinh tế, giao hảo với tất cả các nước gần xa trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, Đại hội VII lái hẳn sang hướng ưu tiên hòa giải và kết liên minh trở lại với Trung Quốc XHCN, bởi lẽ Trung Quốc có chung một chế độ XHCN mác-xít, đều lãnh đạo bởi một đảng CS theo học thuyết Mác-Lénin, lại ở sát bên nhau, hiện cùng gặp những nguy cơ chung là mất CNXH, mất độc quyền chuyên chính của đảng CS. Chủ trương này được gọi gọn là “giải pháp đỏ”.

Sau Đại hội VII (tháng 6-1991), nhất là sau khi Liên bang Xô Viết tan rã và đảng CS Liên Xô bị giải thể (tháng 08/1991), hơn 200 báo cáo viên của Ban tư tưởng và văn hóa trung ương được phái đi các địa phương, các ngành để phổ biến nội dung Nghị quyết của Đại hội, đặc biệt chú trọng lời căn dặn mỗi đảng viên phải ghi nhớ rằng trong quan hệ đối ngoại tuy đảng nói công khai là bình thường hóa, quan hệ hữu hảo, làm bạn với “tất cả các nước”, những vẫn phải phân biệt 5 nấc bạn bè đậm nhạt khác nhau:

a) Trước hết là các nước XHCN, cùng chung chế độ chính trị, dù cho có lúc có xung đột tạm thời, nay phải cùng nhau trụ lại trên tinh thần quốc tế vô sản để vượt qua nguy cơ bị lật đổ, gốm có Việt Nam, Cuba, Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào.

b) Các nước độc lập dân tộc tiến bộ từng chung hàng ngũ chống đế quốc, như Ấn Độ, Algieria, Ai-cập (Egypt), Venezuela...

c) Các nước độc lập dân tộc khác từng chống đối Việt Nam, sẽ có quan hệ bình thường và hợp tác, như các nước trong tổ chức ASEAN: Thái lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Nam Hàn, Đài loan...

d) Các nước tư bản nói chung: Pháp, Đức, Ý (Italy), Tây Ban Nha (Spain)... ở châu Âu, Canada, Úc (Australia), Tân Tây Lan (New Zealand), Nhật Bản (Japan)...

đ) Cuối cùng là Hoa Kỳ, kẻ thù cũ đang còn có âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, cần thận trọng và cảnh giác với nước này còn vì trên đất Mỹ hiện có thế lực chống cộng “nguy hiểm” nhất trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Tại Đại hội VII họp từ 24 đến 27/06/1991, ông Nguyễn Văn Linh lên hàng cố vấn cùng với Chủ tịch nước Võ Chí Công đã 78 tuổi, Đỗ Mười nhận chức tổng bí thư, tướng Lê Đức Anh được phân công chờ cuộc họp Quốc hội giữa năm 1992 để thay ông Công làm Chủ tịch nước. Ngay sau Đại hội, Đỗ Mười xếp tướng Anh ở vị trí số hai trong đảng, phụ trách cả 4 mảng: chính quyền, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhân vật số ba trong đảng là Đào Duy Tùng, ủy viên thường trực Ban bí thư, một nhân vật rất giáo điều, bảo thủ, từng đòi “đưa Trần Xuân Bách ra khỏi đảng CS”. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, từng nhận ông Trần Xuân Bách về làm việc tại bộ ngoại giao ngay sau khi ông bị khai trừ khỏi Bộ chính trị và ban chấp hành trung ương, từng cãi lại phái viên ngoại giao của Bắc Kinh Từ Đôn Tín chiều 13/06/1990 rằng “chúng tôi không nói dối, chính các vị đã xuyên tạc” và hai người đã từ biệt nhau bằng lời chào nhau chưa từng có “chào ngài”, đến Đại hội VII ông Thạch cũng bị đưa ra khỏi Bộ chính trị, coi như “món quà tặng” cho Thiên triều. (2)

Tags: 1trieudinh_hanoi
Thursday December 20, 2007 - 01:20am (ICT) Permanent Link 0 Comments


Kết luận



VII - Kết luận

1- Một đặc điểm của tình hình gần 20 năm nay

Suốt gần 22 năm nay kể từ sau Đại hội VII (1991), đảng CS Trung Quốc đã rắp tâm cấy vào trong lòng chế độ hiện hành ở Việt Nam một nhóm lãnh đạo bản xứ trung thành với họ, nhằm kìm hãm nước ta trong vòng kiềm tỏa của họ nhằm phục vụ cho mục tiêu bành trướng vô hạn.

Nhóm này đã leo lên đến những chức vụ cao nhất của chế độ, đảng CS và Nhà nước, và ban phát nhiều chức vụ hệ trọng nhằm tác động lâu dài trên quan điểm “tác thành”, nhằm duy trì những tay chân thân tín làm lợi cho Thiên triều.

Nhóm này cũng rèn dũa được một công cụ tình báo sắc bén với phương tiện và quyền năng vô hạn, có cơ sở pháp lý hẳn hoi, nhằm duy trì chế độ độc đảng lạc hậu, kềm hãm tốc độ đổi mới và hội nhập, chĩa mũi nhọn chuyên chính vào các chiến sỹ dân chủ, bất chấp dư luận xã hội và công luận quốc tế.

Thế lực “ngoại xâm” trong nội bộ chế độ hiện hành đã ngăn chặn mọi cuộc đối thoại ngay thẳng, lành mạnh trong nội bộ dân tộc để tìm ra con đường đúng đắn cho đất nước, thực hiện đoàn kết dân tộc, dân chủ, tự do, phát triển hài hòa và bền vững trong công bằng và bình đẳng xã hội.

Chính thế lực này đã dùng quyền uy để “khoanh” các vấn đề, định ra các “giới hạn”, cấm cản trí thức tranh luận vấn đề “độc đảng hay đa đảng”, “giữ lại hay từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lenin”, “chủ nghĩa xã hội kiểu mác-xít hay kiểu xã hội dân chủ”, cũng như đề ra chủ trương cưỡng bách “không đưa ra Ban chấp hành trung ương Bản báo cáo tuyệt mật của Ban kiểm tra liên ngành về những vấn đề liên quan đến đảng viên Lê Đức Anh”, mặc dầu việc thành lập Ban kiểm tra liên ngành là do Ban chấp hành trung ương quyết định và mặc dầu theo đúng Điều lệ đảng, Ban chấp hành trung ương là cấp cao hơn Bộ chính trị!

Chính nhờ nhóm tay trong thúc đẩy mà Bắc Kinh đã ngoạm trôi chảy những mảng đất lớn (có thể là hơn 850 km vuông), những vùng biển lớn (hơn 10 ngàn km vuông) cùng vô vàn tài nguyên hải sản trong hợp tác đánh cá chung (!) và ngang nhiên chiếm đoạt nhiều đảo trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những hành động phục vụ bọn bành trướng phương Bắc đã diễn ra chỉ sau hơn 20 năm quân lính của chúng tràn vào 6 tỉnh phía Bắc nước ta để tàn sát và tàn phá hàng chục vạn thường dân, đồng thời chúng huấn luyện, trang bị và chỉ huy bọn lính Khơme Đỏ chống trả “quân tình nguyện Việt Nam” ở Cambốt, làm hơn 50 ngàn lính trẻ chết và 300 ngàn thương binh.

Thế lực cầm quyền bạc nhược đã để cho bọn bành trướng lộng hành, phá hoại kinh tế, đưa hàng lậu, hàng giả, hàng rẻ, tiền giả, ma túy qui mô lớn thâm nhập dọc biên giới, xây đập ngăn thượng nguồn dòng sông Cửu Long, Hồng Hà, đe dọa nặng hai vựa thóc lớn của nước ta, gây ô nhiễm môi trường với những nạn dịch tệ hại; chúng là một tác nhân chính của lạm phát, của khủng hoảng kinh tế - tài chính, của suy đồi văn hóa, đang tạo nên tổng khủng hoảng ở nước ta.

2- Nhận diện những nhân vật hiến mình cho ngoại bang

Như trên đây đã nói, trong Bộ chính trị hiện nay, tất cả đều ít nhiều thân Trung Quốc hơn là thân với các nước dân chủ phương Tây. Thật ra gốc gác của “tinh thần Bắc thuộc” ấy có từ ngay khi thành lập đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, từ tinh thần sùng bái Mao của ông Hồ Chí Minh khi khẳng định “bác Mao không bao giờ sai lầm” (tại Đại hội đảng Lao Động VN tên cũ của ĐCSVN- lần thứ II, năm 1952), từ khi ông Phạm Văn Đồng (chắc chắn thừa lệnh ông Hồ Chí Minh và Bộ chính trị) nhanh nhẩu ký văn bản ngày 14/09/1958 gửi Chu Ân Lai xác nhận lãnh hải Trung Quốc mở rộng xuống phía Nam (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa). Hiện nay, những người lãnh đạo còn sống vẫn theo cái đà mù quáng ấy. Tuy nhiên trong tình hình mới, tinh thần “Bắc thuộc”, thân Trung Quốc trong họ cũng có những mức độ, màu sắc đậm nhạt khác nhau.

Trái lại, trong tâm lý xã hội, trong quần chúng nhân dân, trong trí thức ưa phóng khoáng, tự do sáng tạo thì khuynh hướng có cảm tình với phương Tây rõ ràng là đậm đà. Với việc mở rộng thông tin, giao dịch, du học nước ngoài và du lịch, khuynh hướng ưa thích văn hóa học thuật giáo dục phương Tây đang ngày càng phát triển. Hai luồng tâm lý trái ngược trên đây có thể chuyển hóa và tác động lẫn nhau tùy theo điều kiện, nhưng sự chuyển hóa theo chiều hướng thân phương Tây, thân các nước dân chủ vẫn là hướng áp đảo.

Trên đây đã điểm mặt các nhận vật chính trị hiện tại ở nước ta thân thiết với bành trướng Bắc kinh nhất, từ hai ông M+A, đến Tổng bí thư đương nhiệm Nông Đức Mạnh, Phó thủ tướng thường trực đặc trách về tài chính Nguyễn Sinh Hùng, đến những nhân vật đã nhanh nhẩu thúc đẩy việc đàm phán và ký kết hai Hiệp ước Việt-Trung cùng Nghị định thư về hợp tác đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ. Cũng cần kể đến nhân vật hiện có thế lực nhất ở Bộ công an là thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ công an, phó bí thư đảng ủy ngành công an, bị nhiều sỹ quan cấp cao trong ngành tố cáo về tệ tham nhũng, độc đoán, gia đình trị (vợ và 2 con trai đều trong ngành và sống xa hoa, ngạo mạn); tiếp đến là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương đảng Hồ Đức Việt và ủy viên trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Tô Huy Rứa là những người thường xuyên công khai đi Bắc Kinh để chăm chỉ học theo kinh nghiệm của Trung Quốc và trao đổi cởi mở với lãnh đạo trung quốc về nội tình Việt Nam.

Cũng phải nói đến Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng, khi mới vào Bộ chính trị được một số cán bộ coi là có tư tưởng tương đối cởi mở, có xu hướng đổi mới, nhưng với thời gian, hai ông đều lòi đuôi giáo điều bảo thủ nặng khi ông Triết tuyên bố duy trì đến cùng chế độ độc đảng vì “nếu đảng CS thực hiện đa đảng (bỏ điều 4 của Hiến Pháp) thì sẽ là tự sát” (!), còn ông Dũng thì ngang nhiên khẳng định trong cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng “chính tôi đã ký chỉ thị cấm tư nhân làm báo”, tự mình thú nhận chống lại điều khoản về tự do báo chí ghi trong Hiến pháp.

3 - Những chủ đề cần khơi dậy để đấu tranh

Theo tinh thần tự do dân chủ chống độc đoán, mọi vấn đề của cuộc sống đều có thể là nội dung đấu tranh, không có vấn đề nào là cấm kỵ, là tránh né, là “khoanh” lại, nhằm nói lên sự thật và chân lý, vì một nền truyền thông phóng khoáng lành mạnh.

Chủ đề lớn nhất là “đổi mới” và “hội nhập” thực sự ắt phải đi đến thực hiện dân chủ đa đảng, như hiến pháp hiện hành công nhận các “quyền tự do lập hội” và “quyền tự do bầu cử”. Đó là mục tiêu hệ trọng nhất nhằm giải quyết mọi nan đề hiện nay của đất nước.

Chủ đề chống tham nhũng và lãng phí phải tạo ra sức ép với mọi cấp chính quyền, buộc chính quyền phải làm đúng cam kết, chống kiểu khẩu hiệu suông, lời hứa hão, như vụ “PMU 18” hơn hai năm chưa giải quyết xong, chỉ vì vướng con gái và con rể Tổng bí thư và kết cục bằng việc xoá án cho người vi phạm pháp luật một cách trơ tráo, bất chấp dư luận.

Các lực lượng tranh đấu cho dân chủ và tự do cần phải đánh động mạnh mẽ, thuyết phục có hiệu quả với đông đảo quần chúng về lợi ích của việc dỡ bỏ hệ thống tổ chức song trùng đảng và chính quyền, chủ tịch và bí thư, ủy ban và đảng ủy, Ban và Bộ, dẫm dạp và trùng lắp, ngốn vô vàn ngân sách mà hiệu quả lại thấp, xây ít phá nhiều, không giống một nước nào. Chỉ riêng việc này đã có thể tiết kiệm đến hàng trăm nghìn tỷ đồng phục vụ cho việc phat triển đất nước

Hiện nay, khi lạm phát tăng nhanh, khủng hoảng kinh tế cùng với khủng hoảng xã hội xuất hiện, khoảng cách giàu nghèo mở rộng, nông dân, công nhân, lao động, viên chức sống lao đao, cần chỉ rõ nguyên nhân bất công xã hội nằm ở chế độ độc quyền đảng trị nuôi dưỡng tệ tham nhũng và nạn hành chính quan liêu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế có nguy cơ kéo dài và trầm trọng vì những người cầm quyền, quan chức cao cấp nhất luôn mắc bệnh thành tích và bệnh chủ quan, chỉ thích thổi phồng thành tích để tuyên truyền huênh hoang, không muốn nói đến yếu kém, khuyết điểm và sai lầm, không muốn nhìn thẳng vào sự thật nên luôn bị bất ngờ, bị động, hốt hoảng.

Gần đây khi cả thế giới lên án sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tây Tạng thì cả 600 báo chí và đài phát thanh ở Việt Nam đều im lặng một cách trơ trẽn, tự phơi bày sự cô lập và thú nhận tự do báo chí chỉ là lừa dối.

Những gì chính quyền phản dân chủ muốn “khoanh” lại, muốn ỉm đi, sợ dư luận xã hội biết rõ, tất cả các phương tiện truyền thông dân chủ càng cần đưa ra một cách rõ ràng, bền bỉ, phổ cập rộng rãi trong xã hội, nhằm “nhân bản”, “tăng âm” những tài liệu nhạy cảm ấy. Nhiều tài liệu liên quan đến Tổng cục 2 và nhân vật T4, đến các Hiệp ước Việt - Trung, đến Hoàng Sa và Trường Sa... được ở ngoài nước in thành sách, gửi về nước, được tìm đọc như những văn kiện quý hiếm.

4 - Thời cơ đấu tranh ngày càng nhiều và thuận lợi

Cuộc đấu tranh cho dân chủ phơi bày bộ mặt thật phục vụ bọn bành trướng nước ngoài và dựa vào chúng, quay lưng lại dân tộc mình, nhân dân mình ngày càng thuận lợi. Nhân dân ta ngày càng bớt sợ hãi chính quyền hung hãn và bộ máy đàn áp. Trong bộ máy đàn áp (cảnh sát, công an) phần lớn chỉ vì miếng cơm manh áo cuộc sống của gia đình mà làm việc được giao, nhiều người có lương tâm, e ngại làm việc thất đức, không ít nhân viên ở cơ sở đồng tình với nạn nhân bị đàn áp. Sự đồng tình và ủng hộ quốc tế đối với các chiến sỹ dân chủ nước ta cũng là một cổ vũ quý báu cho những tấm lòng yêu nước thương dân muốn dấn thân vào cuộc đấu tranh cao đẹp này.

Bất công xã hội mở rộng, hố cách biệt giàu nghèo ngày thêm sâu thẳm, chứng minh bọn gian thần hiện đại làm giàu trên mồ hôi và nước mắt người lao động, mặc sức “múc”, “xúc”, chia chác tài sản chung trong một chế độ không có công bằng và luật pháp nghiêm, một nền quản trị đất nước hỏng từ gốc vì mang bản chất độc đoán, không thể kén chọn, tuyển lựa nhân tài.

Một Nhà nước thân bành trướng Bắc Kinh, dựa theo mô hình độc đảng Bắc Kinh đang dẫn dân tộc ta đến thảm họa. Công nhân và lao động làm thuê cho tư bản nước ngoài và cho các cơ sở quốc doanh bị bóc lột tàn nhẫn; công đoàn được đảng cộng sản tổ chức chỉ phục vụ cho bọn chủ xí nghiệp. Lao động xuất khẩu cũng bị các công ty của đảng đem bán cho tư bản nước ngoài theo kiểu đem con bỏ chợ. Ở Malaysia hơn 300 công nhân bị chết (đột tử) chỉ trong hơn hai năm. Chính các tổ chức bênh vực người lao động Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã dựa vào luật lao động quốc tế để bênh vực có hiệu quả quyền lợi chính đáng của anh chị em. Bộ lao động và Tổng công đoàn ở Hà Nội không cảm thấy hổ thẹn sao? Hội liên hiệp phụ nữ của đảng hoàn toàn dửng dưng và vô cảm trước thảm trạng phụ nữ và trẻ em ta bị đem bán sang Cambốt, Malaysia, Đại Hàn, Đài loan... hàng ngàn, vạn người, thành nô lệ mới, một thứ nô lệ lao động và tình dục bần cùng...

Gần dây, chính quyền yếu hẳn do khả năng quản trị đất nước kém cỏi, sa sút, thiếu công tâm. Chống tham nhũng bùng nhùng. Đất đai rối loạn. Chỉ tiêu cơ bản về phát triển đã buộc phải lùi. Việc cấm tiểu thương hàng rong, cấm xe ba gác giáng bừa vào dân nghèo. Chứng khoán xì hơi. Việc phá hội trường Ba Đình không tránh khỏi làm hư hại nặng Di tích Hoàng Thành Thăng Long. Tiến lui đều khó. Nhưng cái thế buộc phải lui, không thì khốn.

Năm 2008 đang mở ra nhiều triển vọng cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta cho dân chủ tự do và nhân quyền.

Bài biên khảo này nghiên cứu sự hình thành của một thế lực tận tụy bán mình cho bành trướng nước ngoài trong những điều kiện nào, trong hoàn cảnh nào; điểm mặt chỉ tên những kẻ cầm đầu cùng với lai lịch, chân dung, trình độ, tư cách và mưu đồ của chúng; chỉ ra công cụ lợi hại chúng đã dựng lên và xử dụng như thế nào; tuy chúng không còn thực quyền hợp pháp nhưng chúng vẫn lũng đoạn và khống chế bộ máy đương quyền ra sao; những kẻ đương quyền nào đang ra tay tiếp sức cho chúng; chúng đã từng bị điều tra và kết luận ra sao, suýt ở vào ghế bị cáo, suýt đứng trước vành móng ngựa nhưng đã tạm thời thoát nạn như thế nào, bằng chủ trương “khoanh” lại, ỉm đi, bóp chết vụ án như thế nào.

Bài biên khảo chỉ ra sự nảy sinh và khuynh loát của thế lực mafia hiện đại này đã kìm hãm tốc độ “đổi mới” và “hội nhập quốc tế” của nước ta ra sao, gây nên sự lạc hậu về mọi mặt của nước ta như thế nào, từ chậm ký Hiệp định buôn bán tay đôi với Hoa kỳ (BTA) đến chậm gia nhập Tổ chức buôn bàn quốc tế (WTO). Chính thế lực nguy hiểm này đã kìm hãm chặt chẽ nước ta không cho chuyển sang chế độ dân chủ thật sự là chế độ đa nguyên đa đảng, để có thể hội nhập hoàn toàn vào thế giới dân chủ hiện đại.

Bài biên khảo còn chỉ ra sự liên minh nguy hiểm giữa hai thế lực Cung Vua với Phủ Chúa, dựa dẫm vào nhau, bắt tay với nhau tuy có những chủ trương và bước đi khác nhau, cũng có khi chống đối nhau, thù hận nhau quyết liệt theo kiểu những “đồng chí cộng sản thù địch”, để loại bỏ nhau, “gạt” nhau không thương tiếc, đến độ vu cáo nhau là cộng tác viên, nhân viên của cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA trong một báo cáo chính thức, nhằm lật đổ và trừng phạt nhau.

Bài biên khảo là lời kêu gọi khẩn thiết, chỉ ra phương hướng đấu tranh của các chiến sỹ dân chủ cùng toàn dân ta, những thời cơ thuận lợi mới trong thời mở cửa, đổi mới và hội nhập, nhằm giành lại mọi quyền tự do chân chính vốn có của nhân dân ta, giành lại nền độc lập thật sự và chủ quyền trên lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc Việt Nam ta.

Trong bài nghiên cứu có nói đến nhiều cá nhân, nhân vật nhưng tác giả không có một định kiến hay hiềm khích cá nhân nào với bất cứ ai, chỉ nung nấu một niềm đau chung của dân tộc và nhân dân, trước một vụ án được coi là siêu nghiêm trọng kéo dài mấy chục năm, gây vô vàn thảm họa, hàng triệu người đã biết, vậy mà những kẻ gây ra vẫn không hề hấn gì, còn ngạo nghễ “khoanh lạĩ”, ỉm đi, vậy có một thách thức nào láo xược hơn, khủng khiếp hơn, cay đắng làm cho toàn dân Việt Nam ta, - với tất cả danh dự dân tộc, bất bình hơn?

Đã đến lúc mỗi người Việt nam chất vấn lương tâm mình. Không thể dửng dưng và bỏ qua. Hãy tìm hiểu rõ và có thái độ.

Tác giả rất mong bài nghiên cứu này được phổ biến rộng rãi trong, ngoài nước, được các vị thức giả trao đổi bổ sung, các giáo sư sinh viên đặc biệt là ở ngành sử học, luât học, quan hệ quốc tế... cùng các nhà báo bình luận và nhận xét.

Xin đa tạ và biết ơn.

Paris, tháng 2 - tháng 4/2008


Tags: 1trieudinh_hanoi
Thursday December 20, 2007 - 01:11am (ICT) Permanent Link 0 Comments

No comments: