Thursday, August 21, 2008

Gặp nhà Hồ Chí Minh học ở Quảng Tây

20/8/2008



Lê Quỳnh
Viết tại Nam Ninh, Quảng Tây

Nếu Bác Hồ còn sống, mối quan hệ Việt – Trung sẽ không có thời gian bị xấu đi.


GS Hoàng Tranh

Quảng Tây là nơi Hồ Chí Minh có nhiều gắn bó. Từ năm 1938 cho đến trước ngày Việt Nam độc lập, hoạt động của ông chủ yếu là tại đây.
Chính trong thời gian ở thành phố Quế Lâm của tỉnh này, khi Trung Quốc kháng chiến chống Nhât, ông viết bài ca dao “Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”. Trong bài có đoạn “Trung Việt, khác nào môi với răng / Nhớ rằng môi hở thì răng buốt”, sau này được lấy làm khẩu hiệu của quan hệ Việt – Trung trong thời gian dài.

Năm 1942, trong vòng một năm, Hồ Chí Minh rơi vào tay Quốc dân đảng và bị giải qua nhiều nhà tù của Quảng Tây.

Sau khi thành người đứng đầu nhà nước ở miền Bắc, Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đến thăm và nghỉ ở Quảng Tây, lần cuối là năm 1965.

Mối quan hệ lịch sử này giải thích vì sao tác giả có công trình được xem là đầy đủ nhất về quan hệ của Hồ Chí Minh với Trung Quốc lại là một người ở Quảng Tây.

Chuyên nghiên cứu Hồ Chí Minh

Giáo sư Hoàng Tranh hoàn thành tác phẩm Hồ Chí Minh với Trung Quốc vào năm 1987, và cuốn sách được in ba năm sau đó. Một số người nghiên cứu của Việt Nam đã tiếp xúc với tác phẩm qua bản dịch tiếng Việt do Trung Quốc ấn hành, mặc dù Việt Nam chưa chính thức xuất bản cuốn sách.

Đến Nam Ninh, tôi hẹn gặp ông Hoàng Tranh tại Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây.

Năm nay 65 tuổi, vị giáo sư gần đây đã thôi chức Viện phó, nhưng hằng ngày vẫn có mặt ở phòng làm việc riêng của ông tại Viện.

Ông hào hứng cho xem bản in mẫu của hai tập sách ảnh khổ to, đều do ông chủ biên, sắp xuất bản, Hồ Chí Minh với Quảng Đông – Hong Kong, và Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.

Theo ông Hoàng Tranh, khi về công tác tại Viện KHXH, ông được phân công nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc và Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra Hồ Chí Minh và Trung Quốc có quan hệ rất sâu sắc. Suốt 30 năm bôn ba hải ngoại, thì thời gian Bác Hồ ở Trung Quốc là lâu nhất, 12 năm,” vị giáo sư nói.

Khi ở Pháp năm 1922, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên làm quen với những người cộng sản Trung Quốc, trong đó có người sau này trở thành thủ tướng, Chu Ân Lai.


Bút tích của Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh năm 1968

Năm 1925, tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh biến tổ chức Tâm Tâm Xã thành Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Hoàng Tranh nói: “Ở Trung Quốc, Bác đã đào tạo nhiều chiến sĩ cốt cán cho cách mạng Việt Nam. Bác cũng làm rất nhiều để chuẩn bị cho cách mạng Trung Quốc. Hoạt động cách mạng hai nước hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.”

“Bác Hồ dành cả đời để gầy dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt – Trung,” giáo sư nhấn mạnh.

Tác phẩm Hồ Chí Minh với Trung Quốc ra mắt trong thời điểm hai nước vẫn chưa bình thường hóa quan hệ.

Hình tượng lãnh tụ Việt Nam khi ấy được Trung Quốc sử dụng để nhắc nhở ban lãnh đạo bên kia biên giới về con người “dày công bồi đắp đóa hoa hữu nghị Trung Việt” (lời cuối sách).

‘Chia ngọt sẻ bùi’

Cho đến hôm nay, Trung Quốc vẫn xem Hồ Chí Minh là biểu tượng cho mối quan hệ “chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ” trong cuộc đấu tranh ý thức hệ vài chục năm trước.

Thái độ ấy không chỉ thể hiện qua sách vở chính thống, mà qua tiếp xúc với một số học giả Trung Quốc, tôi thấy họ có thiện cảm thực sự với một người có thể nói chuyện với Mao không qua phiên dịch, có thể làm thơ và viết thư họa bằng chữ Hán.

Sự khác biệt trong nhận định về quan hệ Việt – Trung hiện nay và quan hệ thời ông Hồ thể hiện rõ.

Khi được hỏi về quan hệ Việt – Trung, các chuyên gia đều khẳng định tình hình đang rất tốt, tuy vậy, hầu hết không bình luận về thái độ, tình cảm của ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Có người nói thẳng: “Thời Bác Hồ là quan hệ anh em cùng ‎tư tưởng, còn bây giờ là thời đại toàn cầu hóa, mỗi nước đều có thêm những đối tác khác.”

K‎ý ức về giai đoạn “trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình”, mà ông Hồ là biểu tượng sinh động, được nói đến với sự nhiệt thành, nồng ấm và thoải mái hơn.

Thời kỳ Hồ Chí Minh dường như là hồi quang phản chiếu giai đoạn đồng cam cộng khổ của những người cộng sản, có mâu thuẫn nhưng vẫn thực thà hơn quan hệ chính trị thực dụng hiện đại.

Nhân vật Hoàng Văn Hoan, tuy không còn được nhắc đến nhiều ngay tại Trung Quốc, vẫn được người Trung Quốc xem là đồ đệ trung thành của Hồ Chủ tịch, là tiếng nói “chân chính của tình hữu nghị Trung Việt”.

Giáo sư Hoàng Tranh nói: “Nỗi buồn lớn nhất của Hồ Chủ tịch là sự nứt rạn trong hệ giữa Trung - Xô. Cho dù xảy ra chuyện gì giữa Liên Xô và Trung Quốc, Bác vẫn quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, và rất đau lòng vì sự chia rẽ.”


Hồ Chí Minh gắn bó với Trung Quốc hơn Liên Xô

Ông nhấn mạnh: “Nếu Bác Hồ còn sống, mối quan hệ Việt – Trung sẽ không có thời gian bị xấu đi.”

Đó là một giả thiết, hơn là khẳng định, vì nay có đủ bằng chứng để biết rằng trong những năm cuối đời, thực quyền ở Hà Nội nằm trong tay người khác.

Nhưng đọc cuốn sách của Hoàng Tranh (bản tiếng Việt hơn 400 trang), người ta có thể đồng ý rằng Trung Quốc, chứ không phải Liên Xô, là nước mà Hồ Chí Minh gắn bó nhất, không phải chỉ bằng những câu khẩu hiệu ngoại giao mà tình cảm xuất phát đích thực từ tâm hồn ông.

Những tháng cuối cùng của năm 1969, túc trực bên giường bệnh của ông Hồ là đoàn bác sĩ Trung Quốc, cùng bác sĩ Việt Nam.

Theo sách của Hoàng Tranh, một buổi chiều cuối tháng Tám, khi tỉnh lại, Hồ Chí Minh nói với các bác sĩ Trung Quốc: “Mong nghe ai hát một bài ca Trung Quốc.” Một y tá của bệnh viện Bắc Kinh hát, Hồ Chủ tịch nghe xong, mỉm cười, và “đấy là nụ cười chót” của ông trước khi hôn mê mãi cho đến lúc qua đời.

Vấn đề ‘nhạy cảm’

Trong cả buổi nói chuyện, giáo sư Hoàng Tranh ca ngợi Hồ Chí Minh là “lãnh tụ vĩ đại”.

Tôi hỏi ông nghĩ thế nào về Tư tưởng Hồ Chí Minh, khi mà Chính cương điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1950 ghi rõ về Chủ nghĩa Marx – Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, và Tác phong Hồ Chí Minh.

Ông nghĩ Hồ Chí Minh có tư tưởng thực sự hay không?

Vị giáo sư khẳng định là có, nhưng nói chung chung: “Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản quý giá của nhân dân Việt Nam, mà còn là tài sản của nhân dân thế giới. Cụ phản đối chủ nghĩa thực dân, tranh đấu cho độc lập tự do của dân tộc, đó là tư tưởng được nêu cao cho nhân dân thế giới.”

Một vấn đề khác rất được độc giả Việt Nam quan tâm, là việc các trang mạng của người Việt hải ngoại dịch và đăng lại bài báo của ông Hoàng Tranh năm 2001, cung cấp bằng chứng về việc Hồ Chí Minh kết hôn với bà Tăng Tuyết Minh năm 1926 ở Quảng Châu.


'Vợ của Hồ Chí Minh'
Tại Trung Quốc, hiện nay người ta nói thoải mái về chuyện này – có ít nhất hai bài báo khác đăng trên báo chí phổ thông ở đại lục cùng nói về bà Tăng Tuyết Minh.


Tôi hỏi ông về tình tiết này, nhưng đang hào hứng, ông bỗng rụt lại: “Tôi không còn muốn nói nhiều về chuyện này, vì chưa đến lúc.”

Ông bảo ông đã “hơi vội vã” khi cho đăng bài viết trên tạp chí Đông Nam Á tung hoành, mà sau đó làm phía Việt Nam phản ứng rất mạnh.

Thực tế, việc ông Hồ Chí Minh có người vợ Trung Quốc đã được nhiều người dân ngay tại Việt Nam bàn tán từ lâu.

Tại Trung Quốc, hiện nay người ta nói thoải mái về chuyện này – có ít nhất hai bài báo khác đăng trên báo chí phổ thông ở đại lục cùng nói về bà Tăng Tuyết Minh.

Nhưng vì danh tiếng của tạp chí Đông Nam Á tung hoành và của giáo sư Hoàng Tranh, nên bài báo của ông bị giới ngoại giao Việt Nam chú ‎ ý và phản ứng.

Ông ngần ngại, nói cũng may là ông đã cống hiến nhiều cho việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh, và có thái độ nghiêm túc, nên không gặp phiền phức.

“Dù sao thì cũng chưa đến lúc,” ông kết luận.

Chia tay ra về, cảm giác ban đầu của tôi là hơi buồn trước sự ngại ngần của một học giả có vị trí lâu năm.

Nhưng rồi, tôi thấy điều đó cũng dễ hiểu và thông cảm hơn cho ông, và nhiều trí thức như ông, phải cẩn trọng giữa một môi trường mà học thuật vẫn chịu sự chi phối của chính trị.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080820_hoangtranh.shtml










-----------
Nhận xét:
- Ông Hoang Tranh hơi "rét" khi nói sâu về HCM lúc này ! Lúc trước (lúc đăng tải HCM có vợ là Tăng Tuyết Minh) là lúc quan hệ Trung-Việt "có vấn đề". Tuy nhiên, thái đọ của ông cũng công nhận TT Minh là vợ HCM !!
- về "tư tưởng HCM", lúc này ông "trả bài".
- "Nếu Bác Hồ còn sống, mối quan hệ Việt – Trung sẽ không có thời gian bị xấu đi.” : ông nói "đúng", vì năm 1958 HCM đã đồng ý dâng Hoàng Trường Sa cho TC, và chấp nhận VN là chư hầu, là bộ phận của TC như Trường Chinh đã nói, và nếu còn sống, ông HCM cũng không thể làm khác, nên quan hệ Việt-Trung phải "tốt" thôi !

No comments: