Đoàn Hưng Quốc
Chỉ vài tuần trước đây người ta loé lên hy vọng Hoa Kỳ sẽ hậu thuẩn Việt Nam để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc xuống biển Nam. Nhưng cuộc tranh chấp ở miền Balkan đã chuyển sự quan tâm của Washington sang mối liên hệ Nga-Mỹ.
Chính phủ Bush hiện phải liên tục theo dõi những sự kiện lớn:
Tình hình an ninh và chính trị của Iraq
Chặn đứng bành trướng của Taliban ở Afghanistan
Theo dõi các biển chuyển chính trị tại Pakistan và dự phòng trường hợp nước này lâm vào khủng hoảng chính trị (với thành phần Hồi Giáo cực đoan và 50 quả bom nguyên tử, bên cạnh một nước láng giềng Ấn Độ cũng có vũ khí hạch nhân)
Tìm giải pháp ngừng chiến và một tình trạng tạm ổn giữa Georgia-Nga
Xét lại hồ sơ Iran trong hoàn cảnh đang phải đối đầu với Mạc Tư Khoa
Tái duyệt xét khuynh hướng phát triễn NATO tiến về biên giới Nga
Tìm một đồng thuận (!) trong NATO giữa các nước Tây Âu (Pháp Đức Ý - chủ trương hoà hoản với Nga để bảo vệ nguồn khí đốt) và Đông Âu (Ba Lan, Tiệp Khắc Estonia, Lithuania, Sloviaka – bị trực tiếp đe doạ vì chính sách gây hấn của Mạc Tư Khoa và hy vọng được NATO thật sự bảo vệ)
Tiếp tục đàm phán giải giới vũ khí nguyên tử với Bắc Hàn
Tiếp tục đàm phán Do-Thái Palestine
Tình trạng kinh tế suy thoái của Mỹ
Những nhà quyết định chiến lược (decision makers) của Toà Nhà Trắng, Bộ Ngoại Giao và Ngũ Giác Đài phải tập trung vào 10 vấn đề nan giải này thì thật sự không còn thòi giờ để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc cho dù đây là mối hiểm hoạ nhưng không cấp thời.
Trung Quốc hiện nắm vai trò chủ động và có nhiều chọn lựa:
Binh thư Tôn Tử có nói “Không đánh trận mà thắng mới là tài Đại Tướng”. Thượng sách là xâm lăng kinh tế chính trị; phá hoại xã hội và môi trưòng; khai thác tài nguyên; xử dụng, bóc lột nguồn nhân công rẻ mạt tại Việt Nam đồng thời ngăn chận không cho tiến lên công nghệ cao; gặm nhấm biên giới đất đai và biển cả. Và đe doạ Việt Nam rằng muốn theo Mỹ thì cứ xem tấm gương của Georgia.
Trung sách là trong trường hợp khuynh hướng độc lập của hàng ngũ lãnh đạo Hà Nội thắng thế và chống Bắc Kinh ra mặt, thì mở một trận tấn công quyết liệt nhưng giới hạn trên đường bộ để “dạy cho Việt Nam một bài học” nhằm dựng lên một chính quyền thân Trung Quốc. Nếu Trung Quốc giới hạn mục tiêu và tham vọng trên đất liền thì đường vận chuyển huyết mạch qua biển Đông không bị đe doạ, Hoa Kỳ và các nước Nhật – Đài Loan – Nam Hàn – Úc – Tân Tây Lan không bị áp lực tức thời nên khó lòng can thiệp trực tiếp ngoài trừ bằng các lời lẽ lên án và một số trả đủa kém hiệu năng về kinh tế chính trị.
Cuối cùng, hạ sách là Trung Quốc lợi dụng hoàn cảnh Hoa Kỳ bị phân tán lực lượng; đồng thời nông nỗi trong khí thế và tinh thần dân tộc đang lên sau kỳ Thế Vận; ra mặt xâm lược và chiếm đóng toàn bộ Trường Sa Hoàng Sa để khống chế biển Đông và sở hữu toàn bộ tài nguyên. Trên bộ chuẩn bị một trận đánh lớn trong trường hợp Hà Nội chống trả quyết liệt. Ngay cả trong trường hợp người viết cũng không dự liệu được rằng Hoa Kỳ liệu có sẽ trực tiếp can thiệp bằng quân sự hay không?
Ngày trước Hoa Kỳ có nửa triệu quân và căn cứ quân sự lớn tại Cam Ranh, Đà Nẳng, Biên Hoà mà còn bỏ rơi đồng minh. Đến khi sinh sống ở nước Mỹ mới hiểu những giới hạn của họ. Người viết giờ đây nghĩ chỉ khi nào Hoa Kỳ dám đặt các hoả tiển nguyên tử tầm trung ở Việt Nam – như tổng thống Reagan đã can đảm từng làm ở Âu Châu khi đối đầu với Liên Xô – thì họ mới chứng tỏ quyết tâm giúp Việt Nam ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Triển vọng đó không bao giờ có, cho nên người Việt không nên mong đợi vào nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình để rồi lại bị những bài học chua cay!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment