Thursday, August 21, 2008

Việt Nam trong lộ trình ASEAN

20 Tháng 8 2008 - Cập nhật 10h02 GMT

Lê Hải
BBCVietnamese.com

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080807_claire_sutherland.shtml

Vào ASEAN là điểm mốc quan trọng trong ngoại giao Việt Nam


Với chuyên gia Claire Sutherland, Việt Nam là một ca nghiên cứu nổi bật trong vùng Đông Nam Á để tìm lời giải cho cuộc tranh cãi về khủng hoảng khái niệm quốc gia dân tộc (nation-state) trong giới học thuật.

BBC Tiếng Việt giới thiệu bài của bà được tạp chí khoa học Political Studies đăng trong năm nay dưới tiêu đề tiếng Anh "Reconciling Nation and Region: Vietnamese Nation Building and ASEAN Regionalism".

Khủng hoảng bản sắc

Quốc gia (state) xây dựng trên cơ sở dân tộc (nation), chủ quyền (sovereignty) và tính chính danh (legitimacy) là một trong số các khái niệm được dùng để quan sát các thể chế chính trị trên thế giới.

Trào lưu toàn cầu hóa và các quá trình xây dựng quan hệ vùng trong cuối thập niên 1990 và đầu thiên niên kỷ được coi là đã gây ra cơn khủng hoảng về bản sắc dân tộc và tính chính danh của các nhà nước quốc gia.

Ví dụ như trong suốt một thời gian dài xây dựng hệ giá trị Liên hiệp châu Âu, nhiều người đặt câu hỏi liệu như vậy có làm lu mờ bản sắc của các dân tộc thành viên, và mất bớt chủ quyền của các nước tham gia hay không.

Nhìn lại quá trình hình thành dân tộc, có thể thấy một trong số các thuyết phổ biến là khái niệm xây dựng và phát triển dân tộc đã ảnh hưởng mạnh lên giới học giả trong thời Chiến tranh Lạnh.

Việt Nam đi từ chiến tranh

Sutherland trích dẫn các học giả tiền bối như Geertz, ghi nhận quá trình này trở thành trào lưu ảnh hưởng lên "tiến trình xây dựng quốc gia-dân tộc dân chủ" và đặc biệt tác động vào vùng Đông Nam Á.


Sau khi Đông Âu sụp đổ, Việt Nam gia tăng mối quan hệ ngoại giao với các nước nằm ngoài hệ thống "các nước xã hội chủ nghĩa anh em"



Tiến sĩ Clare Sutherland

Theo bà, Việt Nam được coi là "hình mẫu sáng giá về nhập khẩu khái niệm", từ các hệ tư tưởng trước đó cho đến chủ nghĩa cộng sản và những hệ tư duy thời chiến tranh lạnh.

Các nước trong vùng đều được đánh giá là chưa phát triển dân chủ đến mức toàn cầu, khi Malaysia, Singapore và Cambodia vẫn còn pha trộn với các yếu tố của chủ nghĩa độc đoán; quyền tòa án ở Thái Lan hầu như không có quyền lực cho đến thời cuộc đảo chính 2006; Philippines thiếu bình ổn chính trị còn nền dân chủ Indonesia thì vẫn mỏng manh; và Miến Điện thì hoàn toàn thiếu vắng - TS Sutherland nhận định.

Trên trường quốc tế, sau khi hệ thống cộng sản Đông Âu sụp đổ, Việt Nam phản ứng bằng cách gia tăng mối quan hệ ngoại giao với các nước nằm ngoài hệ thống "các nước xã hội chủ nghĩa anh em", và hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc cũng phần nào tạo ra dân chủ cấp cơ sở.

Nhìn từ góc độ của quan điểm hậu-cấu trúc (post-structuralism) có thể thấy các khái niệm mà châu Á nhập khẩu từ phương Tây qua nhiều nguồn khác nhau đều trải qua quá trình tiếp biến để chuyển tải nội dung và trở thành hệ tư tưởng chủ đạo, mà trường hợp đặc biệt là Việt Nam - qua hai lần phiên dịch (từ Pháp/Anh thông qua Hán/Nhật vào tiếng Việt).

Đổi Mới

Theo như ghi nhận của TS Sutherland, ngày hôm nay đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục dùng quan niệm về thời kỳ kép dài mang tính lịch sử (longue durée) để củng cố tính chính danh; giai đoạn phát triển sau đổi mới đề cao tăng trưởng kinh tế bên cạnh "nền dân chủ một đảng", kèm theo những trào lưu xã hội mới xuất hiện ví dụ như sự quay lại của các xu hướng tôn giáo.


Từ ASEAN, Việt Nam tạo đà mở rộng các quan hệ ra toàn cầu như vào WTO

Đổi Mới cũng là điểm mốc cho sự thay đổi của Việt Nam về quan điểm ngoại giao, từ vị trí đối lập với ASEAN trong vấn đề Campuchia sang làm thành viên, từ khối 23 nước cùng quan điểm sang thành quan hệ ngoại giao với 167 quốc gia trên thế giới vào năm 2000.

Tính chất thành viên của khối ASEAN cũng dần chuyển từ mối quan hệ quân sự sang chính trị và tiếp theo là kinh tế, với mục tiêu Vùng tự do thương mại Á châu vào năm 2015, ngày càng phù hợp với con đường của Việt Nam hơn là tạo ra mâu thuẫn giữa bản sắc dân tộc và bản sắc khu vực.

Nhìn từ góc độ nghiên cứu, bà Sutherland thấy Việt Nam là một mô hình nổi bật cho thấy thể chế khu vực như ASEAN là yếu tố tích cực cho quá trình xây dựng và phát triển của các dân tộc thành viên, tạo điểm mốc quan trọng trong hệ qui chiếu để nghiên cứu các hệ thống khu vực khác trên thế giới như ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Tiến sĩ Claire Sutherland hiện đang là giảng viên tại đại học Manchester, Anh Quốc, sau thời gian làm việc ở đại học Bath và trước đó là hai năm nghiên cứu ở Việt Nam.

http://www.doi-thoai.com/baimoi0808_315.html

No comments: