Thursday, August 21, 2008

CSVN: Đủ Tiêu Chuẩn Để Được Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát? Generalized System Of Preferences – GSP

NGUYỄN QUỐC KHẢI . Việt Báo Thứ Tư, 8/20/2008, 9:03:00 PM

Một số công nhân Việt-Nam làm việc cho hãng Polar Twin Advance (PTA) tại Malaysia, nạn nhân của nạn bóc lột lao động và ngược đãi, đã được CAMSA bảo vệ và dành được thắng lợi và công bằng. Cô Ánh Lụa (áo đỏ là nhân viên toàn thời gian của văn phòng CAMSA tại thành phố Penang. PTA dự trù sẽ ký kết thoả hiệp với CAMSA trong tuần này.(Hình CAMSA)

LGT: Ông Nguyễn Quốc Khải hiện nay là chủ tịch của Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam (CPVW-USA), trụ sở đặt tại Falls Church, Virginia, một thành viên của Liên Minh Chống Nô Lệ Mới ở Á châu (Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia – CAMSA). Ông cũng là chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo điện tử Vietnam Review, từng là chuyên viên kinh tế của Ngân Hàng Thế Giới và Giáo Sư Thỉnh Giảng của School of Advanced International Studies thuộc Johns Hopkins University.
oo0oo

Vào tháng 5-2008, Hà Nội đã chính thức gửi văn thư yêu cầu Hoa Kỳ cho hưởng Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (Generalized System of Preferences - GSP). Trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 vừa qua, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhân danh chính phủ Việt-Nam để thỉnh cầu chính phủ Hoa-Kỳ cho Việt Nam được gia nhập vào Chương trình GSP của Hoa Kỳ. Bản thông cáo chung của hai nước đã đề cập đến vấn đề này. Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (Office of the U.S. Trade Representative - USTR) hiện nay đang cứu xét lời yêu cầu của Việt-Nam.

1. Chế độ Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (GSP) của Hoa Kỳ là gì?

Chương trình GSP được Hoa Kỳ thực hiện vào năm 1976. Mục đích là giúp các quốc gia đang mở mang phát triển thêm về kinh tế bằng cách cho phép hàng ngàn sản phẩm từ các quốc gia này được nhập cảng miễn thuế vào Hoa Kỳ. Tính đến tháng 6-2008, 144 nước đã gia nhập chương trình GSP. 1/

Hoa Kỳ xử dụng những tiêu chuẩn của chương trình GSP để khuyến khích những nước đang phát triển tôn trọng quyền lao động, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm bớt hàng rào cản trở ngoại thương, mở rộng thị trường cho sản phẩm của Hoa Kỳ cũng như đối sử với những nhà đầu tư Mỹ một cách công bằng.

2. Những sản phẩm nào được nhập cảng miễn thuế vào Hoa Kỳ trong chương trình GSP?

Có khoảng 4,650 loại hàng, tức là 1/3 số hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ, nằm trong chương trình GSP. Trong số đó, Việt-Nam có khoảng 1,000 loại sản phẩm hội đủ tiêu chuẩn để được nhập cảng vào Mỹ. Những loại hàng không nằm chương trình GSP gồm hàng dệt và quần áo, hầu hết những đồng hồ đeo tay, giầy dép, túi cầm tay, áo quần bằng da, găng tay, v.v.

3. Mỗi quốc gia phải hội đủ những tiêu chuẩn nào để có thể gia nhập vào chương trình GSP?

Muốn gia nhập chương trình GSP, những nước đang phát triển phải thỏa mãn một số tiêu chuẩn sau đây:

a. Lợi tức trung bình đầu người cho một năm dưới US$11,116.

b. Cho phép sản phẩm của Hoa-Kỳ tiếp cận thị trường một cách quân bình và hợp lý và sản phẩm sơ đẳng (primary products) như khoáng sản, cao su, bông gòn, trà, cà phê, v.v.

c. Bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ.

d. Làm giảm bớt những hàng rào ngăn cấm tự do thương mại, đặc biệt về khu vực dịch vụ.

e. Không phải là nước cộng sản, ngoại trừ nước này (i) có liên hệ thương mại bình thường với Hoa-Kỳ; (ii) là hội viên của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO); (iii) là hội viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF); và (iv) không bị cưỡng chế ngự bởi cộng sản quốc tế.

f. Bảo vệ đầy đủ quyền lao động được quốc tế công nhận trên năm lãnh vực: (i) quyền lập hội; (ii) quyền tổ chức và thương lượng tập thể; (iii) cấm cưỡng bách lao động; (iv) ấn định tuổi tối thiểu của trẻ em có thể đi làm và cấm những hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em; và (v) Điều kiện làm việc có thể chấp nhận được đối với mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, và an toàn nghề nghiệp và sức khoẻ.

4. Hiện nay Việt-Nam có hội đủ tiêu chuẩn để gia nhập vào chương trình GSP hay không?

Lợi tức trung bình mỗi đầu người hàng năm của Việt Nam vào năm 2006 là US$690, còn quá thấp so với mức lợi tức thấp nhất của những nước giầu là US$11,116. Do đó Việt-Nam được coi là một quốc gia nghèo để được hưởng quy chế GSP.

Theo Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt-Mỹ (BTA), Việt-Nam đã thỏa mãn điều kiện thứ hai về mở cửa thị trường cho sản phẩm Hoa-Kỳ và thị trường sản phẩm sơ đẳng.

Việt-Nam không thi hành những biện pháp cần thiết trong nhiều năm qua để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, tác giả không nghĩ rằng Việt-Nam thỏa mãn điều kiện này. Tác giả sẽ trở lại đề tài quyền sở hữu trí tuệ trong một dịp khác.

Việt-Nam còn có nhiều cản trở cho sự tự do thương mại, nhất là trong lãnh vực dịch vụ mà hiện nay những nhà đầu tư Hoa Kỳ chiếu cố khá nhiều. Tuy nhiên Việt-Nam đã cải thiện đáng kể lãnh vực ngoại thương qua những hiệp định thương mại ký kế với nhiều quốc gia như ASEAN, WTO, European Union, Hoa Kỳ, Nhật, v.v. đặc biệt trong vòng 10 năm vừa qua.

Chế độ Cộng Sản Việt-Nam về thực chất không còn nữa. Nhưng hiện nay Việt-Nam vẫn còn Đảng Cộng Sản. Ở bên ngoài Hà Nội vẫn tôn thờ Marx - Lenin. Việt-Nam vẫn bị coi là một nước cộng sản. Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập IMF vào năm 1956, đã thiết lập liên hệ thương mại bình thường với Hoa-Kỳ vào năm 2006, và gia nhập WTO vào năm 2007. Do đó, Việt-Nam vẫn hội đủ tiêu chuẩn của chương trình GSP trong lãnh vực này.

Tác giả chỉ thảo luận về lãnh vực lao động trong bài này. Đây là một lãnh vực đặc biệt quan trọng đối với chương trình GSP mà Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể bào chữa cho những vi phạm trầm trọng khó mà chối cãi. Lãnh vực này cũng mang tính cách hệ trọng đối với Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam.

5. Về lãnh vực lao động, chính phủ Hà Nội đã đạt đước những tiêu chuẩn nào của chương trình GSP và không thực hiện được điểm nào?

Trong phần này tác giả sẽ phân tách những vấn đề lao động theo những tiêu chuẩn liệt kê trong phần 502(c) của Đạo Luật Thương Mại của Hoa Kỳ ban hành vào năm 1974 (Trade Act of 1974), đã được tu chính (19 U.S.C. 2462(c)).

Trên nguyên tắc, Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam (CPVW-USA) ủng hộ mạnh mẽ việc chấp thuận cho Việt-Nam hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ quát của Hoa Kỳ, gọi tắt là quy chế GSP, để phát triển thêm trao đổi thương mại giữa hai quốc gia, tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ với Việt-Nam, một quốc gia ở vị thế chiến lược trong vùng Đông Nam Á, và giúp nông dân, công nhân, và kỹ nghệ gia Việt-Nam nâng cao mức sống bằng cách cho phép hàng ngàn sản phẩm của Việt-Nam nhập cảng vào Hoa Kỳ được miễn thuế. 3/

Tuy nhiên CPVW-USA phải thừa nhận rằng Việt Nam hiện nay chưa thỏa mãn được ngay cả những tiêu chuẩn căn bản về lao động. Việt-Nam chưa thực hiện một biện pháp cụ thể nào để tôn trọng quyền lao động đã được quốc tế công nhận và cũng đã được định nghĩa trong phần 507(4) của Đạo Luật Thương Mại Hoa Kỳ 1974 và đã được tu chính (19 U.S.C. 2467).

A. Quyền lập hội

Việt Nam không có những hội tư nhân hay còn gọi là những hội vô chính phủ (Non-Government Organizations - NGOs), mà chí có những hội do chính phủ gây dựng lên và bảo trợ (government-sanctioned organizations - GSOs). Những hội GSO này kể cả những tổ chức tôn giáo – ngoại trừ một số ít bị đàn áp liên tục vì muốn duy trì tính chất độc lập – phải là của chính phủ hoặc phải lệ thuộc vào chính phủ. 4/

Sự thật là Việt-Nam chưa đồng ý phê chuẩn Công Ước 1948 về quyền tự do lập hội và quyền tổ chức (the U.N. Convention of 1948 (C87) concerning Freedom of Association and Protection of the Right to Organize.) Việc lập hội không những không được khuyến khích mà còn bị cấm đoán.

Vào cuối tháng 10-2006, ông Nguyễn Khắc Toàn, cựu nhà báo, đã thành lập Công Đoàn Độc Lập Việt-Nam (CĐĐLVN) để bảo vệ quyền lợi công nhân. Lập tức chính quyền Hà Nội đã cấm hội này hoạt động. Ông Toàn tiếp tục bị canh chừng và theo rõi cho đến ngày hôm nay.

Vào đầu tháng 11-2006, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt-Nam (HHĐKCNVN) đã được thành lập. Sau khi Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu và Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC) kết thúc tại Hà Nội và Việt-Nam đã đặt chân vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization – WTO), tất cả bốn công nhân lãnh đạo của HHĐKCNVN đã bị bắt và bị kết án tù từ 18 tháng cho đến 3 năm.

B. Quyền tụ tập.

Công dân không có quyền tụ tập tại Việt-Nam. Nếu tụ tập từ năm người trở lên đều phải xin phép chính quyền địa phương. (Điều 5.2 của Nghị Định 38/2005/NĐ-CP về trật tự công cộng, ký ngày 18-03-2005 và Điều 4.1 của Thông tư của Bộ Công An số 09/2005/TT-BCA ngày 05-09-2005).

Nói tóm lại, chính quyền Hà Nội đã hợp pháp hóa chế độ toàn trị và lạm dụng quyền lực để cấm tất cà những cuộc biểu tình và đình công ôn hòa của dân oan cũng như của công nhân. 5/

C. Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Người lao động Việt-nam không có quyển tổ chức và thương lượng tập thể. Tất cả những cuộc đình công tại Việt-Nam có tính cách bộc phát không do cá nhân, nhóm, hay chính phủ chính thức tổ chức. Do đó, sức mạnh thương lượng tập thể rất yếu.

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt-Nam (TLĐLĐVN) là một tổ chức nghiệp đoàn quốc gia duy nhất ở Việt-Nam. Tất cả các công đoàn phải phụ thuộc vào TLĐLĐVN. Đây là một trong những phong trào vận động quần chúng của Mặt Trận Tổ Quốc.

Những người lãnh đạo của TLĐLĐVN ở cấp quốc gia và địa phương phần lớn đều là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt-Nam. Những người này là những công nhân được trả lương cao tại những công ty. Dĩ nhiên, họ phục vụ quyền lợi của chủ nhân và của Đảng CSVN thay vì quyền lợi của người lao động.

Theo luật, bất cứ một cuộc đình công nào đều phải có sự chấp thuận của TLĐLĐVN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy TLĐLĐVN chưa bao giờ khởi xướng, tổ chức, hoặc cho phép bất cứ một cuộc đình công nào. Do đó tất cả các cuộc đình công tại Việt-Nam được xem là bất hợp pháp.

Gần đây, chính quyền Hà Nội lại ban hành thêm một nghị định có tính cách chống người lao động bằng cách buộc người lao động tham gia đình công bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhân. 6/

D. Cấm cưỡng bách lao động

Phúc trình mới nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 11-03-2008 về nhân quyền nhận định rằng “Luật Vịêt-Nam cấm cưỡng bách lao động, kể cả trẻ em. Tuy nhiên có những báo cáo cho biết rằng trên thực tế cưỡng bách lao động đã xẩy ra. Tù nhân thông thường phải làm việc, nhưng không được trả tiền hoặc rất ít. Họ phải tự sản xuất thực phẩm và những sản phẩm khác để dùng trong các trại tù hoặc bán ra các chợ địa phương để mua đồ dùng cá nhân.” 7/

E. Tuổi làm việc tối thiểu và lao động trẻ em

Việt Nam đã phê chuẩn hai công ước quan trọng liên quan đến lao động trẻ em và lương tối thiểu lần lượt vào năm 2000 và 2003: (i) Công Ước 182: Cấm những hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em; và (ii) Công Ước 138: tuổi làm việc tối thiểu. Tuy nhiên, lao động trẻ em vẫn là một vấn đề. Trẻ em phải đối phó với với rủi ro bị bóc lột về phương diện kinh tế.

Luật Việt-Nam đòi hỏi rằng tuổi tối thiểu để làm việc là 18. Trẻ em trong lứa tuổi 15-18 có thể làm việc, nếu chủ công ty có giấy phép của cha mẹ và Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội (LĐTBXH). Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH có phương tiện rất giới hạn để có thể cương bách việc thi hành luật. Trong khi giáo dục bắt buộc và miễn phí cho đến tuổi 14, nhân viên chính phủ không thường xuyên bắt buộc luật phải được tôn trọng.

Vào tháng 6-2006, Bộ LĐTBXH tường trình rằng 30 phần trăm trẻ em trong lứa tuổi 6-17 làm việc này hay việc khác. Tuy nhiên, những nhà quan sát tin rằng con số thực sự cao hơn nhiều bởi vì phần đông những trẻ em làm việc tại vùng quê trong các nông trại và cơ sở làm ăn của gia đình, không bị lệ thuộc vào luật lao động trẻ em.

F. Điều kiện làm việc và lương bổng

Luật Lao Động Việt-Nam cam kết bảo vệ người lao động như bất cứ một quốc gia phát triển nào. Tuy nhiên, trên thực tế, phần đông công nhân Việt-Nam phải chịu thiệt thòi một cách đáng kể vì tiền lương thấp, ngày làm việc dài, không trả lương giờ phụ trội, điều kiện làm việc thiếu an toàn về sức khỏe, không bảo hiểm, và không tiền hưu trí.

Công nhân Việt Nam đình công 400 lần trong năm 2006 và 600 lần trong năm 2007. Số lần đình công sẽ lớn hơn và cường độ sẽ mạnh hơn trong năm 2008. Việt-Nam đang trải qua nạn lạm phát cao trên 25 phần trăm và tình trạng đình công lan rộng trên khắp mọi vùng trong vài năm qua. Chỉ số giá tiêu thụ gia tăng đã bóp nghẹt công nhân, giới có lợi tức thấp nhất.

Một người thợ trung bình phải làm ít nhất 10 giờ một ngày và 6 ngày một tuần. Môi trường làm việc trong nhiều trường hợp không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, người thợ này chỉ được trả lương 50 Mỹ kim hàng tháng. Với lợi tức này và với mức lạm phát cao, công nhân Việt-Nam cảm thấy rất khó khăn để có thể nuôi sống gia đình.

Vào tháng 2-2008, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) và Liên Minh CAMSA đã cứu thoát được gần 200 công nhân Việt-Nam, hầu hết là phụ nữ, ngoại trừ 4 người, tại Jordan, khỏi cảnh bị đánh đập, làm quá sức và ăn chặn tiền lương.

Cũng trong tháng 2-2008, BPSOS và CAMSA đã tranh đấu thành công cho 2,600 công nhân ngoại quốc ở Malaysia, kể cả 1,300 công nhân Việt-Nam. Họ là những nạn nhân của nạn bóc lột và ngược đãi. Những công nhân này đáng lẽ được trả 245 Mỹ kim mỗi tháng. Tuy nhiên nhiều khi họ chỉ nhận được 3 Mỹ kim mỗi hai tuần. Chúng tôi đã quyết định hủy bỏ vụ kiện vì chủ công ty nhanh chóng đồng ý bồi thường tất cả những thiệt thòi mất mát của công nhân và đồng ý tôn trọng hợp đồng nguyên thủy.

Chính phủ Hà Nội đã không có hành động bảo vệ công dân của mình trong những trường hợp này. Trái lại, viên chức Việt Nam từ Cairo và Hà Nội bay đến Amman, Jordan, đã đe dọa công nhân Việt-Nam nếu họ bỏ việc. Nhân viên công an còn tiếp xúc với thân nhân của họ ở Việt-nam để nhờ áp lực họ chấm dứt đình công.

Theo luật lệ hiện nay, công nhân phải đưa những tranh chấp ra tòa. Họ chỉ có thể đình công nếu những cuộc tranh chấp không giải quyết được qua những cuộc điều đình. Công nhân phải bồi thường chủ nhân nếu tòa phán rằng cuộc đình công của công nhân là bất hợp pháp.

(6) Những giải pháp đề nghị

Hà Nội muốn xin gia nhập chương trình GSP, cần phải thỏa mãn những điều kiện sau đây theo chương trình GSP về lãnh vực lao động:

(1) Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người lãnh đạo HHĐKCNVN: Trần Thị Lệ Hồng (bí danh: Nguyễn Thị Lệ Hằng), Nguyễn Thị Tuyết, Đoàn Văn Diên (bí danh: Hoàng Thanh Thuỷ), Trần Quốc Hiền (luật sư, phát ngôn viên của HHĐKCNVN), và Phùng Quang Quyến.

(2) Tiết lộ số phận của ông Lê Trí Tuệ, một người vận động cho quyền lao động, trốn khỏi Việt-Nam sang Campuchia. Ông đã trình diện tại văn phòng tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh nhưng mất tích kể từ ngày 06-05-2007. Người ta e ngại rằng ông Tuệ đã bị bắt cóc và đưa về Việt-Nam bởi công an.

(3) Hợp thức hóa hai tổ chức HHĐKCNVN và CĐĐLVN và cho phép công nhân tự do lập nghiệp đoàn.

(4) Phê chuẩn Công Ước 1948 (C87) liên quan đến quyền lập hội và quyền tổ chức. Những quyền này được công nhận trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền.

(5) Hủy bỏ nghị định số 38/2005/NĐ-CP và thông tư số 09/2005/TT-BCA về trật tự công cộng, cấm đoán mọi tụ tập từ năm người trở lên.

(6) Biến đổi TLĐLĐVN thành một viện nghiên cứu quốc gia về lao động.

(7) Dành nhiều phương tiện hơn để cưỡng bách việc thi hành luật lao động để bảo vệ công nhân ở trong nước và hải ngoại chống lại nạn buôn người và lao động bằng cách chuyển một phần ngân sách của Bộ Công An qua Bộ LĐTBXH.

1. USTR, “STR Preference Programs”,
http://www.ustr.gov/Trade_Development/Preference_Programs/Section_Index.html, August 19, 2008.

2. Theo Ngân Hàng Thế Giới, những quốc gia có lợi tức quốc gia trung bình cho mỗi đầu người từ US$ 905 trở xuống được xếp vào nhóm nước nghèo và từ US$11,116 trở lên thuộc nhóm nước giầu.

3. Office of the U.S. Trade Representative, Executive office of the President, “U.S. Generalized System of Preferences Guidebook,” Washington-DC, February 2007.

4.Well-known cases include the Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV), Hoa Hao Buddhist Church, Dalat group, Bloc 8406, The Vietnam Progress Party, the Vietnam Reform Party, the People’s Democratic Party, the Democratic Party of Vietnam, the Vietnam Populist Party, and the United Workers–Famers Association of Vietnam, the Independent Labor Union of Vietnam.

5. Victims of illegal confiscations of land and private property by government or party officials in the name infrastructure development.

6. Decree No. 11/2008/NĐ-CP, January 30, 2008 and Circular No. 07/2008/TTLT-BLDTBXH-BTC, May 30, 2008.

7. The U.S. Department of State, “Country Reports on Human Rights Practices – 2007,” released by the Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor, March 11, 2008.

8. Doan Huy Chuong (aka Nguyen Tan Hoanh, UWFAV founder) was released in May 13, 2008 after serving an 18-month sentence.

NGUYỄN QUỐC KHẢI
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=133168

No comments: