Trần Lâm
http://www.to-quoc.net
Người ta thấy làm hai việc một lúc là rất đúng : sở hữu đất đai là cái gốc, Tam nông là hệ quả. Đất đai là việc đang rất lôi thôi, Tam nông là việc bị bỏ quên lâu ngày. Cả hai như kìm hãm đất nước trong nghèo nàn, lạc hậu. Người ta vui mừng.
Rồi người ta chững lại vì nghĩ rằng việc quá lớn, Đảng và Nhà nước sẽ không gỡ nổi. Họ nhớ đến các việc giản đơn hơn còn “đánh trống bỏ dùi”.
Họ lại còn cười khẩy: “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”.
Cuối cùng, mọi người tụ an ủi “chậm còn hơn không”, biết đâu trong tình hình mới, đã có bao nhiêu đổi thay, mọi người tỉnh ra, không muốn cũng phải làm, trước sau cũng phải thay đổi, chiều hướng buộc phải tiến bộ.
I. NHỮNG KHÓ KHĂN, NHỮNG RÀO CẢN
A. Chế độ toàn trị nào cũng giữ “con chủ bài”, “vật ký cược”, “con tin” của mọi giai tầng, thậm chí của một cá nhân, song song dùng mua chuộc và răn đe để mọi người phục tùng quyền lực.
Làm luật ruộng đất là phải trả quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, phát triển tam nông là phải để cho nông dân tự xây dựng cuộc sống của họ, phải sản xuất lớn, phải công nghiệp hóa nông nghiệp, phải cạnh tranh đến phạm vi quốc tế...
Như thế là ta đã giải phóng cho nông dân, khác gì chúng ta đã “thả hổ về rừng” mà nông dân thì họ đông vô kể lại mắc cái bệnh hay biểu tình và “hơi bị thích” lật đổ. Như thế là ta đã giao cho các nhà tư bản, nhà khoa học, nhà quản lý cái trận địa tam nông như “mang mở đến miệng mèo”. Nông dân sẽ chấp nhận họ vì hiểu “không thầy đố mày làm nên”, “ mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Trong khi ấy, nhà văn trước khi chết còn để lại những lời chì chiết chế độ. Công nhân thì bụng đóis, tiền hết. Thế còn ai theo Đảng? Còn nhiều người nhưng chỉ là bề ngoại, bề trong thực họ chỉ vì bản thân. Còn người bảo vệ Đảng thì đông thật đấy, nhưng “nhà nghèo biết con hiếu”, “nước loạn biết trung thần”, khi biến động họ sẽ “phù thịnh hay phù suy” mà cái thế thịnh suy như đã bày ra trước mắt:
Toàn trị hay dân chủ; giữ vững quyền lực bằng mọi giá hay tất cả cho sự phát triển của đất nước ?. Những nhà lãnh đạo chính trị, những nhà nghiên cứu chính sách, những nhà làm luật nghiêng về đâu? Đó là câu hỏi lớn, quyết định sự sống còn.
Rồi đây, một văn bản dài, đầy từ ngũ, tù mù, tránh né những vấn đề cốt lõi, chỉ nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể, có thể đến với chúng ta.
B. Thời Suharto ở Indonesia có nền kinh tế “cánh hẩu”, nay ta có nền kinh tế mà các giáo sư của Havard gọi là nền kinh tế của các nhóm lợi ích, các nhà kinh tế Việt Nam gọi là nền kinh tế thân hữu, tên khác nhau nhưng như “nước cùng một lọ”: Những nhóm đặc quyền đặc lợi, liên kết với các người có quyền chức, uốn nắn mọi chủ trương, chính sách không vì sự phát triển của đất nước mà chỉ nhằm đưa lại lợi nhuận cho phe cánh của họ. Cũng chính vì thế ta cứ lạc hậu dài dài, toàn dân khó khăn, chỉ có họ giàu lên quá lớn với quá nhanh. Đặc quyền đặc lợi, tham nhũng phá phách đất nước làm tàn hại tất cả, kể cả chính bản thân họ.
Liệu bọn họ có tác động đến các nhà nghiên cứu, những nhà làm luật, làm chính sách không? Và các vị mũ cao, áo dài này có chịu uốn cong ngòi bút, chịu khuất phục trước uy vũ và tiền tài không?
C. Nói rằng nước ta thiếu người tài để làm việc này, sợ rằng tổ tiên sẽ quở trách, nhưng cứ nghĩ mãi thấy nói thế không sai.
Một nền giáo dục lạc hậu, một chính thể không tôn vinh, thậm chí không dùng người tài, cái cơ chế lòng thòng làm rầu lòng người làm được việc, buộc họ phải ra đi, ta bí quá, kêu gọi người tài nhưng không ai đến và có người thốt lên: “Không được! Làm đày tớ thằng khôn hơn làm thày thằng dại”, nay lại “Làm đày tớ thằng dại” thì chịu sao nổi? “Không chơi!”
Thật kỳ lạ: Thấy ai làm gì, thấy người ta mách nước gì thì chấp nhận ngay, như người không có khả năng, lại không chịu suy nghĩ; không thèm hỏi ai, không lắng nghe ai, thành ra vừa bảo thủ vừa khinh người; người ta góp ý thì khó chịu, họ bàn tán, phản bác thì trù dập, bắt bớ ; xét xử thì lại lý sự cùn, chẳng thuyết phục được ai. Ngẫm lại gần 30 năm nay thôi, ai bảo nói như trên là nói láo!
Thế là cái khuôn nếp cũ được lắp lại: các ngành cứ thành phần vào ban soạn thảo, rồi viết, rồi duyệt, rồi thông qua, rồi ban bố. Các người tham gia là các viên chức sáng vác ô đi, tối vác về. Người ngồi trong cuộc mà đầu ở nơi xa xăm. Rồi một văn kiện ra đời, khó hiểu và không biết thực hiện ra sao.
Tôi không tin là ta có đủ trí truệ để gỡ được việc này, dủ chỉ cần đúng đến lấy một nửa. Có thể, thượng sách là chờ thầy Tàu !
D. Coi như “Trời đi vắng”, việc làm của chúng ta có được những cái hợp lý để bứt phá được tình hình thì thử hỏi lấy ai để thực thi, đưa nó vào cuộc sống trong lúc trăm việc đang bộn bề?
Bộ máy nhà nước công kềnh, kém hiệu quả, tha hóa, bảo chấn chỉnh hàng chục năm mà càng ngày càng tệ. “Trên bảo dưới không nghe”, không phải do họ vô tổ chức nhưng vì trên, “sáng đúng chiều sai, đến mai lại đúng”. Hơn nữa, một cơ quan, một tổ chức mạnh hay yếu là tùy thuộc người cầm đầu. Ở ngành giáo dục, hiệu trưởng là người thầy của giáo viên, ở ngành tòa án chánh án là người thầy của thẩm phán. Không có người giỏi cầm đầu thì chỉ có lụn bại. “không thày đố mày làm nên” là muôn thuở đúng hay sai?
Phê phán bộ máy nhà nước thì nói mãi không hết, nhưng có thể tin là: dựa vào bộ máy hiện hành mà có được bộ luật tiến bộ, có đường lối tam nông rõ ràng, có việc thực hiện hiệu quả thì thật là không tưởng. Việc này làm rộng khắp từ cơ sở, bộ máy ở thôn xã hiện nay lại quan liệu, non kém hơn xưa rất nhiều.
E. Trước đây hơn 10 năm, Trung Quốc đã đưa ra cái công thức: “Phi công bất phú”, “Phi thương bất hoạt”, “Phi nông bất ổn”. Họ biết sớm mà không làm, nay họ vắt chân lên cổ mà chạy. Ta lại còn kém sáng hơn họ rất nhiều.
Đề nghị vượt mọi rảo cản, gạt mọi khó khăn, dù rằng việc này là nhích đến dân chủ, thu hẹp dần cái gọi là chuyên chính. Cái bất ổn đã hiện hình. Cần kíp thời cảnh tỉnh !
II. NGHĨ VỀ LUẬT RUỘNG ĐẤT
Việc này đòi hỏi phải suy nghĩ. Nếu tập hợp được ý kiến của nghiều người, chắt lọc, chắc chắn tìm ra chân lý.
A. Mọi người trong xã hội đều phải làm ăn sinh sống. Họ cần có sự quan hệ, trao đổi. Mọi quan hệ trao đổi đều dựa cái trục là sở hữu; sở hữu trí tuệ và sở hữu vật chất. Người không có sở hữu nào là người đứng ngoài xã hội. Ta tôn vinh những người dạy nghề cho người khuyết tật vì lẽ họ đã tạo ra bàn tay hữu ích, giúp cho người khuyết tật có cái để “bán”, có tiền để “mua”. Mọi hạn chế con người phát triển tài sản riêng là trái với nhân tính. Giúp đỡ mọi người không phải là ban ơn quảng cáo, mua chuộc. Những người cầm quyền chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm mọi cách nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đó là làm cho nước giầu dân mạnh, nhiệm vụ này phải được thực hiện bằng cách tạo cơ hội, dẫn dắt để người nông dân chủ động tự giác giải quyết cuộc sống của mình. Làm thay, mệnh lệnh, hay nói mà không làm, hoặc lờ đi là điều cấm kỵ
Nghĩ đến đây thấy trong người ớn lạnh: nông dân chiếm 80% dân số, 2000 năm họ dựng nước, giữ nước. Nước ta, nước nông nghiệp, mọi sự phát triển đều bắt đầu từ tam nông thế mà ta để mọi thứ trên góc khuất!
B. Về sở hữu ruộng đất ở nước ta, kể ra phải cười vỡ bụng. Thấy người ta có cái “sê bun”, ta cũng đẻ ra cái công ty mẹ, con. Cạnh tranh toàn cầu không hiểu, chỉ biết sửa trụ sở, mua ô tô, vay ngân hàng, tiêu “tiền chùa”, vốn công bố 1, nợ 4, “lỗ thật, lãi giả”, bán, mua công ty thành ra việc vơ vét... Thế là có “Tư sản đỏ”. Ta cho nó cái tên man rợ: kinh tế quốc doanh. Nó thực là “mẹ mìn”, “má mì”, nó là đỏ nhưng không phải màu cờ mà là màu tóc anh “Xuân tóc đỏ” mà Vũ Trọng Phụng đã vẽ lên: thất học, lưu manh, nhưng gặp thời nên “phất”. Kinh tế quốc doanh đã tàn phá nền kinh tế của chúng ta. Nền kinh tế “vô chủ” đẻ ra tham nhũng không thể chống lại được.
Chị Dậu, sau cải cách ruộng đất được làm chủ ruộng đất, vào hợp tác xã chị mất ruộng, hợp tác xã tan vỡ chị được tạm cấp ruộng, thành ra nửa có nửa không. Rồi Đảng tuyên bố ruộng đất là của toàn dân, có người lại nói “ruộng đất là của cán bộ”, cả hai câu khác chữ nhưng cùng nghĩa. Nhớ lại “đất của vua chúa, đất của làng” là thế đó ! Cái từ “thu hồi” cũng là như vậy !
Anh giáo Thứ, con nhà tử tế, có học, lại làm nghề mô phạm, được nhà nước cấp căn hộ liền kề dãy nhà tập thể 10 hộ. Đường nội bộ rộng, không ai có ô tô, họ đua nhau lấn đường, làm sân. Chín người làm, anh giáo cuối cùng làm theo, anh sợ hàng xóm lườm nguýt.
Thành phố quản lý kém, ai làm nhà cũng lấn đường, thành ra ngõ hẹp đến 2 xe 2 bánh tránh nhau còn khó. Ngõ ngách như mê lộ, đi 3 lần vẫn chưa quen lối.
Thế rồi, đẻ ra cái dịch vụ chữa cháy bằng xe tự chế từ xe máy... “ đầy ấn tượng”. Rồi thành phố có chủ trương “đường thông, hè thoáng”, “slogan” kêu như chuông, rồi trống dong cờ mở, sau lại im lìm, “ thử kêu , bắn tịt”, như một trò đùa.
Anh cu Tèo, ở miền Bắc, sau 30.4, có bà con làm ở Nông trường, anh thu vén vào Nam kiếm sống. Anh được làm công nhân. Nông trường thua lỗ, phải giải thể, chia đất cho công nhân. Thế là từ kinh tế lớn, trở thành kinh tế hộ gia đình, cá thể. Làng mạc mọc lên, một hình ảnh nông thôn cũ sống lại. Thế là tụt lùi hàng thế kỷ. Anh Cu Tèo lại trở thành anh Cu Tèo như xưa.
Dân đi kinh tế mới trở về, làm nhà tạm cạnh đình chùa, đòi đất không trả, làm ăn khấm khá, nâng nhà gạch. Thế là kinh tế mới trở thành kinh tế cũ.
Rồi làng thành phường, huyện thành quận, đất lên giá, cha con, anh em kiện nhau tứ tung, đến mức bức bối, tận tình cốt nhục.
Đất “thu hồi” đền bù 23 triệu 1 sào (360m²), thế rồi đo, vẽ, lên dự án, rồi bán, rồi mua: 15, 20 triệu/m², thế là công an và dân xô xát. Tự điển thêm một từ mới “dân oan”, công an thêm một nhiệm vụ mới: “ bảo vệ các nhà đầu tư ”.
Đất “thu hồi” làm khu dân cư, chia lô bán nền, cán bộ ai cũng có một mảnh, có cụ về hưu được mua 200 triệu bán được 1 tỉ, việc vỡ lở, phải trả lại, cụ xin lấy lại thì người mua đòi 2 tỉ, cụ lấy đâu ra 1 tỉ khi cụ một đời thanh bạch ?. Cười ra nước mắt. Ông chủ tịch miền cao nguyên viết thư cho tay chân: “em dẫn bạn anh vào thăm vườn của anh”. Bạn ông mang ô tô, súng chuyên dụng vào bắn hạ cả lợn rừng. Địa điểm nằm trong rừng cấm, rừng đặc dụng. Không hiểu “vườn của anh” là làm sao? Nhiều vị quan chức lấn hồ, làm trại nuôi lợn, thả cá, mọc lên đường cỡ xe tải lớn đi được, có đường điện cái cột cao to... Hồ lại là hồ Trị An, hồ thủy điện... Hình như sự việc chìm xuồng. Có người hỏi vị cấp cao: Anh có mấy chục hecta đất rừng phải không? Ông này trả lời: Có, vợ tôi mua... Ông quên nói là mua theo giá nào. Đất sắp bị thu hồi, người dân trồng cây, làm nhà ngày đêm, tạm bợ, để đòi đền bù. Anh cán bộ kêu ca. Người dân phát biểu xanh rờn: “các bác còn nhiều cơ hội, còn em, đây là cơ hội cuối cùng”. Thế rồi, lời qua tiếng lại, kết cục đền bù 100, anh nông dân 50, anh cán bộ 50, một cuộc dàn xếp “ý đảng, lòng dân” trọn vẹn.
Thế là cả nước “ ăn đất”- cười đấy, nhưng chảy nước mắt đấy! Thế rồi, tham nhũng phát sinh trong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước lãnh đủ và nhân dân kêu không thấu trời.
Mác có câu: “Ở đâu, sở hữu không rõ ràng, đấy sinh ra hỗn loạn”. Hỗn loạn thì chỉ có biến động, tụt hậu... Cái học thuyết của ta về sở hữu làm ta chậm hàng 100 năm, làm băng hoại bao nhiêu con người.
Phần này dài bất thường, nhưng tác giả muốn nêu lên các dạng hỗn loạn, cũng chỉ là khái quát, còn thực tế lắt léo, tệ hại hơn nhiều.
Đối chiếu thì thấy sau khi ta có luật dân sự, luật công ty, khu vực dân doanh bùng phát và nay đã là trụ cột của nền kinh tế. Nói đến tam nông, việc đầu tiên là làm luật ruộng đất, cái cốt lõi là trả lại sở hữu cho người dân.
Không còn con đường nào khác, dù con đường này làm thương tổn đến sự chuyên chính, sự toàn trị của Đảng, cũng phải làm. Nếu không, nguy hại nó có thể làm chấm dứt sự toàn trị. Trong hai cái xấu khôn ngoan là chọn cái xấu ít hơn. Cái xấu ít hơn này là nói về phần Đảng và Nhà nước, còn đối với dân đây lại là con đường huy hoàng nhất.
C. Trả sở hữu đất đai cho nông dân chỉ là mở đường, con đường đi không thoát khỏi kinh nghiệm thế giới: phải sản xuất lớn, phải công nghiệp hóa khâu sản xuất, khâu sau sản xuất, tổ chức lưu thông, vươn ra thị trường thế giới và chấp nhận cạnh tranh toàn cầu.
Ta đã có tiền đề, ta thừa khả năng, cái chính là ta tự bó tay ta, ta chạy theo những cái khác ít nhiều phù phiếm :
Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là hai đồng bằng lớn. Gạo và cà phê của ta chỉ có lượng mà kém chất đến 30 năm nay. Trồng trọt ra sao, chế biến ra sao, ta bỏ qua. Thiên nhiên ưu đãi, tiền đề đã có, sao không bứt phá được được. Cần Thơ là thủ phủ lúa gạo, Buôn Mê Thuột là thủ phủ của cà phê của thế giới như có người mong ước là cái trong tầm tay. Hay là trong các vị cầm đầu có người chỉ mê cái GDP, có người ngây ngất vốn đầu tư nước ngoài, lại có vị thích cái sân gôn, còn việc mê say hoa hậu thì là bệnh của đàn ông, nếu có cũng được châm chước. Anh “ Hai Lúa” bị bỏ quên là tất nhiên.
D. Cần có ngay xác định về các hình thức sở hữu trong nông nghiệp :
1. Cần công nhận hình thức kinh tế cá thể, hộ gia đình vì nông dân ta ở phân tán, hộ gia đình làm VAC khéo vẫn giàu có.
Giai đoạn đầu người nông dân chưa quen, còn rụt dè chấp nhận các hình thức mới. Rồi họ sẽ thấy “có lương còn hơn là có ruộng” mà tiếp nhận hình thức sản xuất tập trung. Cần có chủ trương giúp hình thức kinh tế hộ như cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn sản xuất và kiên trì chờ đợi.
2. Khi là chủ đất, người nông dân tự do dồn điền đổi thửa, mua, bán, cho, góp ruộng, cho thuê... Ruộng đất dần dần được tập trung, hình thành nền sản xuất quy mô, trung bình và lớn. Nếu đất đai, tiền vốn và các tư liệu khác do nông dân tự góp thì ta có một Công ty cổ phần.
3. Một người hoặc một nhóm người có tiền vốn, có kỹ thuật, có trình độ quản lý có thể thuê hay mua đất làm trang trại, ta có một công ty tư nhân.
4. Ta hô hào và ta sẽ có công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Với 4 hình thức này người nông dân sẽ thoát khỏi tình trạng bức bối hiện nay. Nền sản xuất lớn dần hình thành, hàm lượng khoa học dần chiếm lĩnh trong sản xuất. Kinh tế thị trường sẽ bao trùm.
Ban hành ngay luật, phổ biến, hướng dẫn thực hiện là việc làm cần kiên trì, luôn uốn nắn, gắng sức trong một thời gian, tin là ta sẽ được như Hàn Quốc, Đài Loan hôm nay.
5. Những khó khăn gặp phải rất nhiều:
a. Những yếu kém về trí tuệ, khả năng điều hành, khả năng đưa luật vào cuộc sống, lòng kiên trì, ứng phó uốn nắn kịp thời là cản trở. Cản trở chủ quan là chính.
b. Người nông dân với tâm lý muốn có một căn nhà cho con cái là trên hết, khi nhận sở hữu đất đai sẽ xé nát đất đai để đào ao, lập vườn, làm nhà... quy hoạch theo không kịp. Xây dựng quy hoạch thành thị yếu kém, quy hoạch nông thôn càng kém nữa. Sự việc này bề bộn mà không có quy hoạch chỉ đạo, sau đó sắp xếp lại rất khó khăn.
Nông dân và những nhà đầu tư, các nhà khoa học... tất yếu chấp nhận cái mới. Nhưng đổi mới bắt đầu từ đâu? Và kết hợp với nhau như thế nào? Bước đầu nhất định chậm chạp và lúng túng. Do đó cần phải có đầu não ưu việt mới đủ sức chèo lái đẩy mạnh công cuộc phát triển.
c. Sửa luật đất đai lần này là một đường lối đột phá nhằm phát triển đất nước, hiện tại đang vấp phải khó khăn trong việc lấy đất để phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng. Cần phải giải quyết nhưng đó là việc của các văn bản dưới luật. Cái khó không phải là thiếu luật mà là tệ nạn tham nhũng làm thêm trắc trở.
Đề cập đến việc này chỉ nên đứng trên nguyên tắc: Áp dụng quy luật thị trường, định giá thế nào... Luật buộc người dân phải thi hành nhưng cũng phải buộc người thi hành là cơ quan nhà nước thực thi pháp luật một cách triệt để. Ta sai lầm là không ràng buộc người thi hành pháp luật thực thi pháp luật công khai, minh bạch.
Sửa đổi luật ruộng đất xong rồi, việc thực thi luật mới, từ lúc ban bố đến khi có hiệu quả: các hình thức sở hữu hình thành ở nhiều nơi, năng suất chất lượng sản phẩm tăng cao nhanh, cũng mất hàng chục năm. Mọi suy nghĩ giản đơn và nóng vội chỉ có hại.
Hãy cần có trong tay một điều luật thật dứt khoát về định hướng, rõ ràng về bước đi, còn các chi tiết là việc làm tiếp theo. Đường lối đúng đắn, bước đi vững chắc nó sẽ tiến nhanh ngoài dự đoán của chúng ta. Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế dân doanh trong công thương nghiệp chả là bài học sốt dẻo đấy thôi.!
(còn tiếp )
http://www.doi-thoai.com/baimoi0808_292.html
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment