Monday, August 18, 2008

Thử tìm giải pháp cho Biển Đông

Dương Huy
Gửi tới BBC từ Oxford, Anh Quốc
18 Tháng 8 2008

Phương án chia vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (bản đồ 1)
Vùng biển trong các hình tròn 12 hải lý chung quanh mỗi đảo không được chia cho nước nào cho tới khi tranh chấp chủ quyền đảo được giải quyết.
Vùng biển ngoài các hình tròn này được chia theo đường trung tuyến từ bờ biển chính của mỗi nước.


Chiến tranh Gruzia là một lời nhắc cho Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia về một số thực trạng của tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, bạo lực đã từng bùng nổ ra trong quá khứ và có thể sẽ bùng nổ ra trong tương lai.

Thứ nhì, khi bạo lực bùng nổ ra thì nước có sức mạnh quân sự áp đảo sẽ tiến được nhiều bước trong việc thực hiện chủ trương của mình.

Thứ ba, khi bạo lực bùng nổ, sự can thiệp quốc tế sẽ có giới hạn.


Ngoài những thực trạng này, tranh chấp Biển Đông có một thực trạng ít được để ý tới: điều nguy hiểm nhất về tranh chấp Biển Đông không phải là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo mà là Trung Quốc yêu sách đòi khoảng 75% toàn diện Biển Đông.

Giải pháp Biển Đông

Thềm lục địa Biển Bắc được Toà Án Quốc Tế chia theo đường trung tuyến (Bản đồ 2)

Với những thực trạng này, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia cần phải đạt được một giải pháp với Trung Quốc cho Biển Đông dựa trên pháp lý, ngoại giao và hiệp định trước khi bạo lực bùng nổ ra.

Để có một giải pháp công bằng, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia phải có lập trường chung và phải ủng hộ lẫn nhau.

Để có lập trường chung, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei phải giới hạn và tạm gác tranh chấp chủ quyền đối với các đảo Trường Sa sang một bên và chú trọng tới các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Vì vậy, chính phủ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cần phải tích cực làm việc với nhau để thực hiện và tranh thủ sự hỗ trợ cho một giải pháp dựa trên những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Giới hạn tranh chấp chủ quyền đảo và tầm quan trọng của tranh chấp chủ quyền đảo.

(a) Theo Luật Biển LHQ, những đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Partas và Scarborough Reef nằm dưới mức thuỷ triều cao không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay thềm lục địa ra tới 350 hải lý.

(b) Những đảo trên Biển Đông nằm trên mức thuỷ triều cao chỉ được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý nhưng không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay thềm lục địa ra tới 350 hải lý. Nguyên tắc này dựa trên điều 121.3 của Luật Biển LHQ.

Nguyên tắc này có nghĩa một nước đòi chủ quyền đối với một trong những đảo này chỉ có thể đòi chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý chung quanh đảo này (các hình tròn 12 hải lý trong bản đồ 1) nhưng không được dùng đảo này để đòi vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa ra xa đảo hơn 12 hải lý.

Nguyên tắc 2: Tạm gác tranh chấp chủ quyền đảo sang một bên.

Điều này có nghĩa tạm gác tranh chấp chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý chung quanh mỗi đảo (các hình tròn 12 hải lý trong bản đồ 1) sang một bên. Tạm thời không xác định nước nào có chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý chung quanh mỗi đảo, cho tới bao giờ vấn đề chủ quyền đối với đảo được xác định.

Nguyên tắc này cho phép đi tới một giải pháp cho vùng biển bên ngoài các hình tròn 12 hải lý trong bản đồ, tức là cho phần lớn của Biển Đông, để thực hiện sự công bằng và an ninh cho Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam trong vùng biển rộng lớn này.

Nguyên tắc 3: Chia Biển Đông bên ngoài lãnh hải 12 hải lý chung quanh mỗi đảo (bên ngoài các hình tròn 12 hải lý trong bản đồ 1) cho các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc.

(a) Chia vùng biển này thành các vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa cho những nước trên.

(b) Diện tích chia cho mỗi nước có thể được tính theo đường trung tuyến từ bờ biển chính của mỗi nước, không tính Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Pratas hay Scarborough Reef, hay theo tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan của mỗi nước, hay theo một kết hợp của hai nguyên tắc này. Đây là hai nguyên tắc thường được Toà Án Quốc Tế dùng để xử tranh chấp biển. Hai nguyên tắc này dẫn tới kết quả gần nhau cho Biển Đông.

(c) Các nước ký hiệp định biên giới cho ranh giới của vùng biển được chia.

Chia ranh giới

Bản đồ 1 minh hoạ chia thềm lục địa cho Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc theo đường trung tuyến và cho thấy mỗi nước Philippines, Việt Nam, Trung Quốc sẽ được khoảng ¼ Biển Đông, và Malasia, Brunei, Indonesia sẽ được tổng cộng khoảng ¼ Biển Đông.

So sánh với Trung Quốc yêu sách đòi ¾ Biển Đông, để lại tổng cộng ¼ cho Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam, có thể thấy nguyên tắc trước công bằng và có lợi cho Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam hơn, và những nước này sẽ ủng hộ nguyên tắc đó.

Vì Biển Đông được chia thành các vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa cho nhưng nước trên, Luật Biển LHQ ban cho những nước khác một số quyền hạn đáng kể, so sánh với để cho Trung Quốc chiếm 75% Biển Đông như “biển lịch sử” của họ, và vì vậy những nước khác sẽ ủng hộ nguyên tắc này.


Thềm lục địa Biển Bắc được Toà Án Quốc Tế chia theo đường trung tuyến (Bản đồ 2)
Nguyên tắc chia biển theo đường trung tuyến thành các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được thực hiện ở Biển Bắc như trong bản đồ số 2.

Nếu Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei tạm gác tranh chấp chủ quyền đảo sang một bên, có lập trường chung và ủng hộ lẫn nhau thì có thêm khả năng để đạt được một giải pháp để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình trên phần lớn Biển Đông. Thêm vào đó, các nước này sẽ có thêm cơ hội được ASEAN và thế giới ủng hộ.

Nếu Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei bị vướng mắc ở tranh chấp chủ quyền các đảo và không thể đi xa hơn thì sẽ kéo dài tình hình “chủ quyền chưa rõ rệt”, “thế giới không ủng hộ nước nào”“chia để trị” mà Trung Quốc có thể lợi dụng để thực hiên yêu sách chiếm 75% Biển Đông.

Các đề nghị này rất mong nhận được ý kiến đóng góp để cuộc thảo luận thêm có ý nghĩa.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Huy Dương, hiện đang nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh Quốc. Quý vị có ý kiến xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/08/080818_georgiaeastsea.shtml

Tìm giải pháp về Biển Đông
Quan hệ Trung Việt nhìn từ nhiều phía

No comments: