Saturday, August 23, 2008

Việt Nam có nên dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc?

Trường Văn, phóng viên đài RFA
2008-08-23

Cùng với việc Trung Quốc liên tiếp có những hành động xâm lấn Việt Nam, Tổng thống Bush đã tuyên bố ủng hộ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam nên ứng phó như thế nào trong mối quan hệ tay ba này?

AFP PHOTO/Jim Watson

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba 24-6-2008. AFP PHOTO/Jim Watson

Mấy lúc gần đây, trước việc Trung Quốc ngang nhiên coi 2 quần đảo Hòang Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam chỉ phản ứng một các yếu ớt bằng các lời tuyên bố suôn.

Tuy nhiên, vừa qua các giới chức cao cấp thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã họat động tích cực để tăng cường việc hợp tác quân sự với các nước thuộc khối ASEAN, nhất là trên phương diện hải quân.

Cùng với lời tuyên bố ủng hộ chủ quyền quốc gia, an ninh, tòan vẹn lãnh thổ của Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Georges W. Bush nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, liệu Việt Nam có sẵn sàng đối địch với Trung Quốc bằng quân sự hay không?

Mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết qua cuộc trao đổi sau đây giữa Trường Văn và Giáo sư Tiến sĩ Tạ Văn Tài hiện là Luật sư tại bang Massachusetts. Luật sư Tài nguyên là giáo sư trường luật thuộc Viện Đại Học Harvard và ông luôn chú tâm đến các vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Các tranh chấp giữa VN và TQ
Giáo sư Tạ Văn Tài : Cái sự tiên liệu là Việt Nam chỉ phản đối suôn hay là dám dùng quân sự chống đối lại sự xâm lấn của hải quân Trung Quốc hay không, đó là sự tiên liệu ý định quyết chiến của các nhà chiến lược quân sự Việt Nam và của cả nhân dân Việt Nam.

Của cả nhân dân Việt Nam thì tôi thấy có lẽ là quyết chiến đấy, nhưng mà của Bộ Tổng Tham Mưu và của Chính Trị Bộ thì cái đó cũng còn khó vì thế này, khó ngay cả đối với người đối lập tức là Trung Quốc.

Bởi vì Trung Quốc đã ước tính sai lầm ngay Năm 1979 họ tưởng là ngay sau khi họ đã nói với Liên Xô và Mỹ là sẽ đánh Việt Nam để "dạy cho Việt Nam một bài học" thì họ không có ngờ là Việt Nam cương quyết chống trả mãnh liệt để bảo vệ lãnh thổ như vậy, gây thương vong cho đến 30 ngàn binh sĩ Tàu. Trung Quốc phải xét lại việc canh tân quân đội của họ.

Nói tóm lại là cái sự cương quyết hay không đó, ngay cả Trung Quốc cũng khó đoán lắm. Tôi nghĩ rằng những lời tuyên bố cứng rắn của Việt Nam nếu đưa ra để bảo vệ chủ quyền dựa vào căn bản pháp lý (tôi sẽ nói sau này) kèm theo các hành động cương quyết của hải quân Việt Nam như đã làm trong Năm 1994 ở các khu khoan dầu Tư Chính 133, 134, 135 mà Trung Quốc đã đi xâm chiếm bằng việc giao cho hãng Creston cái khu mà họ gọi là Huangan Bay và nếu mà kèm theo cái sự cương quyết sau khi đã có thông cáo chung giữa Tổng Thống Mỹ và Thủ Tướng Dũng về chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.


Thanh niên Sinh viên Việt Nam biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9-12-2007, phản đối Bắc Kinh xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.

Tiếp theo đó là các cuộc đối thoại về quốc phòng, chiến lược và an ninh mà Mỹ mới đây yêu cầu Việt Nam thực hiện cũng với Việt Nam thì tôi thấy rằng có lẽ Việt Nam sẽ cứng rắn nếu có sự tiếp tay của Hạm Đội 7 của Mỹ trong vấn đề bảo vệ, bởi vì phản công nếu có phải thực hiện trong vòng 3 tiếng đồng hồ mới được, và nếu mà có sự cương quyết về lời nói và những sắp xếp quân sự như vậy, tôi nghĩ có lẽ Trung Quốc cũng không dám nổ súng đâu.

Trường Văn: Theo Giáo Sư nghĩ thì có hai lý do để Việt Nam cương quyết chống trả với Trung Quốc, thứ nhất là quyền lợi về dầu lửa ỏ Biên Đông và thứ hai là căn bản pháp lý về chủ quyền trên các hải đảo và thềm lục địa. Việt Nam có thể căn cứ vào đó để chống trả phải không, thưa Giáo Sư?

Giáo sư Tạ Văn Tài : Nếu mà muốn, có thể động viên tinh thần không những của nhân dân mà của cả quân đội và cấp lãnh đạo Việt Nam, thì sự sắp ký quyền lợi dầu lửa rất là quý báu và là chủ quyền của dân tộc ở trong vùng các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nhất là Trường Sa mà bây giờ Việt Nam còn nắm được 29 đảo, và sự ý thức là chiếu quốc tế công pháp mới hiện nay thì Việt Nam có chủ quyền rõ rêt, cái sự chống trả cương quyết sẽ mãnh liệt hơn.

Về vấn đề thứ nhất là cái quyền lợi về dầu lửa thì tôi nghĩ rằng đã có những sự thăm dò các hãng ngoại quốc ngay trong thời kỳ tôi còn làm luật sư ở Việt Nam trước năm 1975 họ nói rằng ngoài khơi Việt Nam còn nhiều khả năng về dầu lửa và vì cái khả năng có dầu lửa cho nên cái lý do chính của vụ tranh chấp này là vấn đề chiếm được khu lãnh địa trên thêm lục địa ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam ở phía Nam chứ không phải về phía Vịnh Bắc Bộ, tức là vùng Trường Sa.

Những hòn đảo nhỏ không có giá trị nhiều nhưng mà vì cái chuyện có thể có dầu lửa cho nên cái quyền lợi đó phải được bảo vệ. Cái quyền lợi này nó nằm ở trong không những cái thềm lục địa mà còn nằm ở trong cái vùng biển trên cái thềm lục địa gọi là vùng kinh tế đặc quyền, từ bờ lục địa ra đến 200 hải lý.

Đó là những tài nguyên về cá mà Việt Nam theo luật quốc tế do Hội Nghị Liên Hiệp Quốc 1982 Về Biển quy định rõ rệt là "thuộc quốc gia ngay bên cạnh thềm lục địa đó".

Trung Quốc nói rằng tất cả Nam Hải thuôc về họ, cứ xem cái bản đồ Trung Quốc đưa ra thì mỗi một quốc gia ở ven vùng Biển Đông (tức Nam Hải theo Trung Quốc) chỉ còn có 300 cây số ở ven biển các nước đó, còn tất cả Biển Đông thuộc về Trung Quốc.

Đòi hỏi đó hết sức là vô lý. Và có lẽ vì vậy mà Trung Quốc biết được yếu kém về mặt pháp lý cho nên không bao giờ bàn một cách rõ rệt mà cứ nói một câu càn rỡ là "chủ quyền của chúng tôi theo bản đồ chúng tôi vẽ là như vậy", và thường thường đè ép các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á bằng cách đòi thương lượng tay đôi để dễ bắt nạt.

Phương thức ứng phó với Bắc Kinh
Trường Văn: Thưa Giáo Sư, ngòai việc bắt tay với người Mỹ hay là chấp nhận lời mời tham dự thao diễn hải quân chung với Mỹ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam cũng có đi thăm các nước ở vùng Đông Nam Á để hợp tác quân sự, Giáo Sư có nghĩ là ngòai Mỹ thì Việt Nam có thể trông cậy vào các nước ASEAN để chống lại Trung Quốc được không ạ?

Giáo sư Tạ Văn Tài : Cái đó thì là đúng, nên làm, nhưng mà chỉ đúng một phần thôi. Nhắc lại là Việt Nam có liên hệ với các nước khác về vấn đề quân sự để hy vọng rằng có một sự ủng hộ của tập thể các nước ở Đông Nam Á, và không những thế mà với các nước khác ở trên thế giới về chủ quyền của Việt Nam.

Cho nên đã có nhiều phái bộ quân sự, mà gần đây nhất tôi xin kể ra là Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam đã đề cập với Mã Lai và Thái Lan và Thủ Tướng Dũng đã nói với Tổng Thống Phi Luật Tân khi ở Mỹ là Việt Nam muốn tuần tra chung với nước đó ở Biển Đông.

Việt Nam cũng muốn hợp tác với lại Miến Điện và hiện đang cứu xét đề nghị của Đô Đốc Tư Lệnh Hạm Đội 7 về việc tập trận chung. Ông Đô Đốc này hy vọng Việt Nam sẽ tham gia vào Mùa Hè năm tới.

Bạn nghĩ gì về mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ - Việt Nam – Trung Quốc? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org

Ngoài các nước láng giềng đó, Việt Nam có liên hệ từ thập niên 1990 đến Năm 2000, và nhất là từ 2001 cho đến nay về quân sự với nhiều nước khác, trao đổi 364 lần các đoàn sĩ quan với 42 nước, và có đón tiếp tàu hải quân 16 nước (58 chiếc tàu) mà quan trọng nhất là 4 lần tiếp đón các tàu hải quân của Hoa Kỳ.

Số tàu của Úc và Canada cũng đến Việt Nam. Thế thì đấy là những liên hệ về quân sự, nhưng mà tôi nghĩ rằng cái chuyện chính vẫn là Hoa Kỳ.

Trường Văn: Cám ơn Giáo sư Tạ Văn Tài.

(Trên đây là cuộc trao đổi giữa biên tập viên Trường Văn của Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do với Luật sư Tạ Văn Tài hiện đang sống và làm việc tại Masachusetts Hoa Kỳ về vấn đề Việt Nam có nên dựa vào Hoa Kỳ để bảo vệ lãnh thổ chống lại Trung Quốc hay không.

Ý kiến của Luật sư Tạ Văn Tài không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Quý vị có thể xem toàn bộ bài viết của Luật sư Tài về vấn đề này trong mục Diễn Đàn của trang web Ban Việt Ngữ. Chúng tôi cũng mong nhận được thêm sự góp ý của quý vị về vấn đề này.)

No comments: