Friday, August 1, 2008

CSVN Đã Làm Gì Trong Hội Đồng Bảo An LHQ ?




Trần Đức Tường

Kiểm điểm lại 7 tháng trời sau khi CSVN được bầu vào HĐBA/LHQ và nhất là 1 tháng họ đến phiên làm chủ tịch Hội Đồng, người dân Việt Nam không khỏi thất vọng não nề. Không những thất vọng mà còn oán hận chính phủ đã không lợi dụng thời cơ và vị trí để làm điều gì có lợi thiết thực cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Hồi tưởng vào cuối năm ngoái, khi báo chí đưa tin Việt Nam sắp chính thức trở thành thành viên không thường trực của HĐBA/LHQ, mặc dù cũng biết Nhà Nước đã đầu tư nhiều nỗ lực để vận động các quốc gia thuộc châu Á nhường chỗ, người dân cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện... Tự hào vì Việt Nam đã lên được diễn đàn cao quý bậc nhất của nhân loại. Hãnh diện vì người Việt Nam đã có thể đứng ngang hàng với ngũ cường và các nước văn minh tiến bộ trên thế giới. Nhưng người dân Việt Nam không chỉ tự hào và hãnh diện mà còn tràn đầy hy vọng. Hy vọng rằng trong lúc Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi nhất, có sự chú ý, quan tâm của cả thế giới, có thể đưa những vấn đề uất ức của quốc gia, dân tộc ra trước diễn đàn quốc tế. Vấn đề các quần đảo Hoàng Sa và Trường sa đã bị Trung Quốc ỷ thế bá quyền, nước lớn đánh chiếm. Vấn đề hải phận, thềm lục địa của Việt Nam hằng ngày bị hải quân Trung Quốc xâm lấn, bắn giết ngư dân, đe dọa thuyền bè tới Việt Nam làm ăn buôn bán.


Bẩy tháng đã qua và hôm nay cũng gần hết tháng Việt Nam làm chủ tịch HĐBA/LHQ. Ngoài những việc bình thường là điều hợp các phiên họp và soạn thảo báo cáo thường niên của HĐBA/LHQ, người ta thấy vài việc đáng chú ý của phái đoàn CSVN. Việc thứ nhất là CSVN với tư cách chủ tịch Hội Đồng đã cùng với 4 nước bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết lên án và trừng phạt đối với tổng thống Zimbabwe vì gian lận bầu cử, độc tài và đàn áp, giết hại đối lập. Dự thảo Nghị quyết bị bác bỏ vì Nga và Trung Quốc phủ quyết. Trong phiên hội thảo mở của Hội Đồng về vấn đề "Trẻ Em trong xung đột vũ trang", Phạm Gia Khiêm với tư cách phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao đã đến tăng cường cho đại sứ Lê Minh Lương, cũng chỉ đưa ra những nhận định và lên án chung chung đối với việc sử dụng trẻ em như chiến binh trong các cuộc xung đột. Từ trước đến nay, các thế lực gọi là "cách mạng" thường lợi dụng trẻ em đi bắn giết. Cụ thể là quân phiến loạn cộng sản FARC tại Colombia. Trong cuộc thảo luận mở về tình hình Trung Đông bao gồm vấn đề Palestine, thông tấn xã CSVN đã viết "... đại sứ (Lê Minh Lương) đã bày tỏ sự quan tâm của mình về những cuộc càn quét liên tục của Israel trong vùng Bờ Tây, về việc Israel tiếp tục xây cất bức tường ngăn cách và sự giam giữ hàng ngàn tù nhân Palestien". Rõ ràng đây là luận điệu cổ điển của phe cộng sản từ trước tới nay. Trong khi Hà Nội đang xúc tiến mở đại sứ quán tại Israel, trao đổi thương mại với Israel, tiếp nhận những phái đoàn nhân đạo của Israel tới giúp đỡ nhân dân Việt Nam thì tại diễn đàn LHQ, CSVN lên giọng phê phán nước này. Lê Minh Lương không hề đã động tới những hành động khủng bố của các phe Palestine đối với Israel. Phải chăng CSVN đã nhận được lệnh của Bắc Kinh để trở thành con vẹt cho chủ Trung Quốc ?

Mạnh miệng, lớn lối đối với nước Israel, không làm gì hại đến quyền lợi nước ta thì Lê Minh Lương và CSVN làm được. Nhưng trước việc Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa, Trường sa, xâm phạm hải phận, bắn giết ngư phủ Việt Nam ngay trên lãnh hải của ta, họ đã câm như hến. Thật là nhục. Cũng nên nhớ là Bắc Kinh đã phổ biến "Bản Tuyên Bố Của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về lãnh Hải" được Ủy Ban Thường Trực Quốc Vụ Viện thông qua ngày 4/9/1958 trong khóa họp thứ 100. Khoản 1 của Bản tuyên bố này khẳng định nhiều hải đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Phải chăng vì Phạm Văn Đồng dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và tập đoàn chóp bu cộng sản đã gửi bức công hàm đề ngày 14/09/1958 công nhận bản tuyên bố của Trung Quốc nên bây giờ có miện như câm ? Thực chất, trên mặt lý thuyết, vào thời điẻm 1958, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm dưới vĩ tuyến 17, và thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. Phạm Văn Đồng và cộng sản Hà Nội không có thẩm quyền gì. Nhưng ngày nay Hà Nội vẫn không dám dùng lý lẽ này là vì há miệng mắc quai, vì Bắc Kinh đã nắm được cái đuôi bán nước cầu vinh của họ.

Cũng nên nhắc lại rằng, trong những tranh chấp về các hải đảo với các nước Philippines, Indonêxia, Malasia, Việt Nam,... Bắc Kinh đã nhất quyết không chấp nhận đưa ra thảo luận trước một hội nghị quốc tế, mà chỉ thảo luận song phương với từng nước liên quan. Trước đó, trong quá trình ký kết hiệp định biên giới trên đất liền cũng như hiệp nghị phân chia Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác nghề cá, các quan chức chóp bu của đảng và Nhà Nước CSVN đã thì thọt qua lại thiên triều Bắc Kinh. Có hay không nhượng bộ của CSVN đối với Trung Quốc phải chờ lịch sử tiết lộ mới biết được. Chỉ biết Nông Đức Mạnh và tập đoàn đầu lãnh CSVN đã hí hửng ôm lấy "16 chữ vàng" do thiên triều Bắc Kinh ban cho mang về để thờ. Mỗi lần Thiên Triều họ Ôn họ Hồ tới kinh lý Bắc Bộ Phủ là mỗi lần họ đều phán bảo cho Hà Nội là phải thường xuyên trao đổi phái đoàn "cấp cao". Nói cách khác là các lãnh đạo chóp bu của CSVN phải sang triều kiến để được sai khiến.

Nhân dân ta thật quá thất vọng vì CSVN không khác gì Lê Chiêu Thống cõng giặc về chiếm giang sơn Việt Nam. Nhân dân đang chờ một Quang Trung Nguyễn Huệ chứ không mong chờ gì CSVN đưa vấn đề mất đất đai, mất lãnh hải, biên đảo ra trước LHQ.

Trần Đức Tường


Nguồn:
http://viettan.org/article.php3?id_article=6081

No comments: