Monday, August 4, 2008

Cuộc đời Alexander Solzhenitsyn

04 Tháng 8 2008

Hoa tưởng niệm được đặt đầy bênngoài tư gia của nhà văn Alexander Solzhenitsyn

Alexander Solzhenitsyn, vừa qua đời ở tuổi 89, là người từng đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản.
Ông sáng tác các tiểu thuyết cao đẹp, lên án sự đàn áp của chế độ Soviet.

Sinh ra trong một gia đình trí thức Cossack, Alexander Solzhenitsyn tốt nghiệp ngành toán lý chỉ vài tuần trước khi Liên bang Soviet có cuộc chiến sinh tồn với Hitler.

Solzhenitsyn trở thành sỹ quan pháo binh và được tặng thưởng về lòng quả cảm. Tuy nhiên, năm 1945, ông đã bị lên án về tội dám chỉ trích Stalin trong một lá thư.

Cuộc đời Solzhenitsyn

Tám năm sau đó của ông bị chôn vùi giữa muôn ngàn người khác trong trại tù. May mắn hơn một số người, ông đã sống sót qua thời kỳ này.

Tiếp theo đó, ông bị lưu đày tại Kazakhstan, cũng là thời gian ông được chữa khỏi chứng ung thư dạ dày.

Sau vụ thất thế của nhà cải cách Khrushchev, cơ quan mật vụ Nga KGB tăng cường sách nhiễu Solzhenitsyn, buộc ông phải đem xuất bản các tác phẩm của mình ở nước ngoài.

Tiểu thuyết "Vòng tròn đầu tiên" (The First Circle) và "Trại ung thư" (Cancer Ward) tiếp tục lên tiếng về hệ thống Soviet.

Năm 1970, ông được trao giải Nobel Văn học. Tuy nhiêu, ông không tới Stockholm dự lễ trao giải vì sợ sẽ không được trở về quê nhà.

Năm 1973, tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết "Quần đảo ngục tù" gồm ba tập được xuất bản tại phương Tây. Ông đã phải giấu giới chức về tác phẩm này vì sợ những người được nhắc tới trong đó bị báo thù.

Bị coi là kẻ phản bội

Tuy nhiên, người từng giúp việc cho ông là Elizaveta Voronyanskaya đã tiết lộ nơi để tác phẩm khi bị KGB thẩm vấn. Sau đó, bà đã treo cổ tự vẫn.


Ông Solzhenitsyn đã trải qua 8 năm trong trại cải tạo

Solzhenitsyn quyết định công bố tác phẩm. "Quần đảo ngục tù" kể một cách chi tiết về việc lạm dụng có hệ thống của chính quyền Soviet trong thời gian từ 1918 tới 1956 tại hệ thống rộng lớn các nhà tù và trại cải tạo.

Việc công bố tác phẩm đã dẫn tới một chiến dịch bạo lực chống lại Solzhenitsyn trên hệ thống báo chí Soviet, nơi người ta gọi ông là một kẻ phản bội.

Đầu năm 1974, danh tiếng quốc tế của Solzhenitsyn cũng không giúp ông thoát khỏi cảnh bắt bớ.
Tuy nhiên, thay vì bỏ tù ông, giới chức Soviet đã tước quyền công dân và trục xuất ông ra khỏi đất nước.

Khi sống lưu vong, ông tiếp tục gây nhiều tranh cãi, đáng kể là khi ông ra một loạt các tài liệu nói về những nghi ngờ về việc sáng tác tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" của nhà văn Mikhail Sholokhov.

Cuối cùng, ông định cư tại Vermont, Hoa Kỳ cùng người vợ thứ hai và ba người con trai. Tại đây, ông đã hoàn tất nốt hai tập của tiểu thuyết "Quần đảo ngục tù".

Trở lại nước Nga

"Đêm Phổ", một tác phẩm truyện thơ dài về cuộc tiến quân báo thù của Hồng Quân vào vùng Đông Phổ năm 1945 được công bố năm 1977.

Ông được cho là đã sáng tác và ghi nhớ truyện thơ này từ 25 năm trước, trong thời gian chịu cảnh tù đày.


Việc công bố "Quần đảo ngục tù" khiến Solzhenitsyn trở thành đối tượng đấu tố của truyền thông Nga hồi thâp niên 70

Tuy nhiên, Solzhenitsyn bác bỏ chủ nghĩa tự do, bác bỏ khái niệm dân chủ mà Gorbachev và Yeltsin đưa ra như một sự hoang đường. Ông cũng chỉ trích chủ nghĩa tự do Tây phương.

Ông trở lại nước Nga hồi 1994 và nói với Quốc hội Nga (Duma) rằng người Nga hậu cộng sản vẫn đang chưa được sống trong một nền dân chủ.

Ông lên án các chính trị gia là tham nhũng. Ông thường xuất hiện trên truyền hình để lên tiếng phản đối đất nước từng sỉ nhục, rồi sau lại vinh danh ông.

Năm 2000, tác phẩm "Hai trăm năm cộng sinh" của ông lại bàn tới vấn đề nhạy cảm, khi tìm hiểu về vị thế của người Do thái trong xã hội Soviet.

Ông bác bỏ một số cáo buộc về chủ nghĩa bài Do thái. Dần dần, người Nga không còn mấy quan tâm tới những lời chỉ trích của ông.

Cá nhân cựu Tổng thống Vladimir Putin từng tới thăm ông hồi năm 2007 để trao tặng ông giải thưởng quốc gia Liên bang Nga vì những tác phẩm mang đầy tính nhân văn.

Năm 2006, bộ phim Nga đầu tiên dựa trên một trong các tiểu thuyết của ông, "Vòng tròn đầu tiên", được trình chiếu trên truyền hình quốc gia, bốn thập niên sau khi tác phẩm được công bố.

Bộ phim truyền hình 10 tập nói về sự khủng bố dưới triều đại Stalin, mô tả Liên bang Soviet như một nhà tù khổng lồ.

Cũng trong năm 2006, Solzhenitsyn, khi đó 87 tuổi, đã chỉ trích Nato và cáo buộc tổ chức này là tìm cách kiểm soát nước Nga.

Khi đó, Alexander Solzhenitsyn đã giành được vị trí trong lịch sử như một trong các nhà văn Nga xuất sắc nhất thế kỷ 20.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/magazine/story/2008/08/080804_russian_writer.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/inpictures/story/2008/08/080804_solzhenitsyn_lifeinpix.shtml



Nhà văn Solzhenitsyn qua đời

Ông Solzhenitsyn bị bệnh nhiều năm nay
Nhà văn người Nga từng phơi bày hệ thống nhà tù thời Stalin trong các cuốn tiểu thuyết, sau đó buộc phải sống tị nạn 20 năm đã qua đời gần Moscow ở tuổi 89.
Alexander Solzhenitsyn, tác giả các cuốn ‘Quần đảo ngục tù' (the Gulag Archipelago) ‘Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovich’ (One Day In The Life Of Ivan Denisovich), đã trở về Nga năm 1994.

Một hãng tin Nga trích lời con trai ông, Stephan cho hay bố mình qua đời tại nhà hôm 3/8 vì bị trụy tim, trong khi một hãng khác trích lời các nguồn tin trong giới văn học cho hay ông bị đột quỵ.

Người từng được trao giải Nobel bị bệnh huyết áp cao nhiều năm nay.
Sau khi quay trở về Nga, ông Solzhenitsyn đã viết một số cuộc bút chiến về lịch sử và bản sắc Nga.

Một phát ngôn viên của Điện Kremlin cho hay, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gửi lời chia buồn tới gia đình nhà văn.

Tù nhân, bệnh nhân và nhà văn

Ông Solzhenitsyn là sĩ quan pháo binh trong quân đội Soviet thời Thế Chiến II và từng được tặng thưởng huân chương vì lòng can đảm. Tuy nhiên, năm 1945, ông bị tố giác vì đã viết thư chỉ trích Stalin.

Tám năm sau đó, ông bị cầm tù trong hệ thống trại tập trung thời Soviet, hay còn được biết tới với cái tên Gulag, trước khi ông bị đày tới Kazakhstan, nơi ông được chữa trị thành công bệnh ung thư dạ dày.

Cuốn tiểu thuyết về một ngày trong nhà tù Gulag của Denisovich đã khiến ông trở nên nổi tiếng thời kỳ hậu Stalin.

Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ, nhà văn được trao giải Nobel văn học năm 1970, và cùng lúc bị mật vụ KGB quấy nhiễu.

Alexander Solzhenitsyn
Sinh ngày 11/12/1918
1945: bị kết án tám năm tù giam vì chống Xô Viết
1962: Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovich được xuất bản ở Nga
1970: Được trao giải Nobel Văn học
1974: Phần đầu của ‘Quần đảo ngục tù’ ra đời
13/2/1974: Đi lưu vong
1994: Trở về Nga
3/8/2008: Qua đời ở Matxcơva

Năm 1973, phần đầu trong ba tập cuốn ‘Quần đảo ngục tù' đã được xuất bản tại phương Tây.
Tập sách này miêu tả tỉ mỉ những lạm dụng có hệ thống trong hệ thống nhà tù và trại tập trung thời Soviet khoảng thời gian 1918 tới 1956.

Cuốn sách đã gây ra những chỉ trích mạnh mẽ trong báo chí Soviet. Họ gọi ông là một kẻ phản bội tổ quốc.
Đầu năm 1974, chính quyền Soviet tước quyền công dân của ông và trục xuất ông khỏi đất nước.

Tiếng nói lương tri
Ông sau đó sống tại Vermont, Mỹ, nơi ông hoàn thành nốt hai tập tiếp theo của cuốn tiểu thuyết ‘Quần đảo ngục tù’.

Trong khi sống ẩn dật tại đó, ông phản bác cái ông coi là sự xuống cấp đạo đức ở phương Tây.

Chỉ trích mạnh mẽ đường lối dân chủ của Boris Yeltsin, ông không quay trở lại Nga ngay khi Liên Xô sụp đổ năm 1992 như những người lưu vong khác.

Lần hồi hương năm 1994 của ông cũng đầy kịch tính, khi ông trở về bằng đường bộ từ vùng Viễn Đông của Nga.

Những tác phẩm sau này của Solzhenitsyn, trong đó có các bài luận về tương lai của Nga, đã gây ra các tranh cãi.

Năm 2000, ông ra tác phẩm lớn cuối cùng, ‘Hai trăm năm cộng sinh’ (Two Hundred Years Together) phân tích vị thế của người Do Thái trong xã hội Nga cũng như vai trò của họ trong cuộc Cách mạng tháng Mười Nga.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/08/080804_solzhenitsyn_death.shtml

No comments: